ngày tháng năm

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Kitô hữu giáo dân trong Cộng đồng Dân Chúa và khía cạnh trần thế của Giáo hội

Thời gian - vĩnh cửu, đời - đạo, tu - tục, và rồi giáo dân - giáo sĩ..., từ nơi tâm thức sâu kín của con người đến sự thể diễn ra thành tập tục, nếp sống và ngay cả cơ chế điều hành xã hội, hai yếu tố nầy được cảm nhận như hai cảnh giới khác nhau, đôi khi xung khắc nhưng lại cần có nhau. Sự kiện đó là nét cá biệt của cõi người ta, từ muôn thủa khi người là người. Nó đi vào từng giây phút một của cuộc sống con người, bất kể trong lãnh vực nào, dù mang nhiều dạng thức khác nhau và cách nói khác nhau. Và chính vì thế chúng ta sẽ thấy khi nêu lên vai trò người giáo dân, khía cạnh trần thế của Giáo hội thì chúng ta sẽ bị tràn ngập bởi nhiều lối đặt vấn đề và những kết luận khác nhau tuỳ tiền đề và khung cảnh mà mỗi người định vị quan điểm của mình. Có người cho rằng nêu lên vấn đề trần tục và giáo dân nơi Giáo hội công giáo lúc nầy quả là một chiến thuật "lấn dân, dành đất" của phe nầy, khi thấy mình ngày càng mất đi bề thế và quyền uy trên thế giới! Có người thì đánh giá việc đặt thành vấn đề giáo dân hôm nay quả là đã muộn màng, bởi lẽ thế giới đã chán chê kinh nghiệm dân chủ và đang chuẩn bị cho một lối điều hành cộng đồng xã hội mới, chưa kể đến thái độ dửng dưng của nhiều Kitô hữu, ngay cả giới giáo sĩ ở nhiều cấp khác nhau, trước lời giáo huấn nhắc nhở của Giáo hội về vấn đền nầy. Cộng đồng công giáo Việt Nam cũng có thể có thiên kiến cho rằng: đó là vấn đề riêng của một cộng đồng Giáo hội nào đó bên Tây phương hoặc trong truyền thống văn hoá riêng của họ; đó chẳng qua là lối luận bàn trí thức, chuyên môn của mấy vị thần học gia chỉ biết sách vở không biết gì đến mục vụ cụ thể; hoặc giả đó là việc riêng của Giáo hoàng, Giám mục, còn cộng đồng địa phương mình thì tuỳ nghi, cần gì tạo thêm rắc rối...

Nhưng quan niệm như thế nào đi nữa, thì trên cương vị đạo hay đời, người ta cũng phải nhận rằng khía cạnh trần tục của Giáo hội và giáo dân là những nét đậm trong Công đồng Vaticanô II. Công đồng đó đánh dấu sự thay đổi tâm thức của Kitô hữu, canh tân nếp sống của Giáo hội công giáo và ảnh hưởng sâu rộng vào sinh hoạt của nhân loại. 

1. Hai cạm bẫy cần lưu ý 

Cạm bẫy đầu tiên phát xuất từ tiền kiến văn hoá của xã hội tân kỳ, chỉ biết đóng khung và dừng lại các tiêu chuẩn của khoa học để đề cập và phê phán tất cả các chiều kích của con người, kể cả chiều kích của tinh thần và tôn giáo. Hẳn nhiên việc truy cứu về mặt xã hội, lịch sử, các sự kiện khách quan là điều kiện không thể thiếu, nhưng chỉ dựa vào khung khoa học để luận bàn và đề xuất các giải pháp thuộc lãnh vực tôn giáo thì hẳn nhiên là bất cập, vì lập trường đó mâu thuẫn. Mâu thuẫn vì ý định xoá bỏ yếu tố tôn giáo đã xuất hiện trước khi luận bàn hay đề xuất về lãnh vực nầy, trừ phi xem khoa học là một tôn giáo. 

Nhưng điều làm ta ngạc nhiên là phần lớn những hiện tượng nổi bật được truyền thông xã hội, dư luận nêu lên khi đề cập đến vấn đề giáo dân và yếu tố trần tục của Giáo hội, lại tự đóng khung trong lãnh vực "thuần khoa học xã hội" nầy. 

Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trong thông điệp đầu tiên của Ngài Redemptor hominis (ngày 4.3.1979) đã nhắc nhở rằng: 

"Khi trình bày một cái nhìn toàn bộ về dân Chúa và nhắc lại vị trí của giáo sĩ cũng như giáo dân, đại diện của hàng giáo phẩm cũng như của các thành phần của các hiệp hội tận hiến nam-nữ trong cộng đồng dân ấy, thì Công đồng Vaticanô II đã không chỉ rút hình ảnh nầy từ các tiền đề của khoa học xã hội. Giáo hội với tư cách là một hội của con người, hẳn nhiên có thể được người ta nghiên cứu, và định nghĩa theo những tiêu chuẩn mà khoa học sử dụng về bất cứ một hội nào khác. Nhưng các khuôn khổ đó chưa đủ. Đối với toàn bộ cộng đồng dân Chúa cũng như đối với mỗi thành phần của dân nầy, đây không phải chỉ là một "sự tham gia có tính cách xã hội" đặc loại, nhưng phần thiết yếu phải là một "ơn gọi" riêng cho mỗi người và cho tất cả. (...) Nếu chúng ta muốn biết Cộng đồng dân Chúa nầy, vốn rất to lớn và rất đa dạng, trước hết chúng ta phải nhìn Đức Kitô, Đấng từng nói với mỗi thành phần của cộng đồng nầy một cách nào đó: 'Hãy theo ta'" (số 21). 

Riêng đối với người Kitô hữu Việt Nam, cạm bẫy thứ hai là sự xa lạ với những ý tưởng, tâm tình đằng sau các từ ngữ liên hệ giáo dân, trần tục được dùng trong các nước Tây phương, từng chịu ảnh hưởng Kitô giáo lâu đời, và nhất là đã chứng kiến sự phân cách, đối kháng giữa đạo - đời trong thời tân kỳ cận đại và hiện đại. Hơn thế nữa tương quan tôn giáo - trần tục trong cuộc sống của gia đình, xã hội Việt Nam cũng không nhất thiết phải chứng kiến những xung đụng quyền lực mà chúng ta đã chứng kiến nơi lịch sử Tây phương. Nên từ ngữ giáo dân (laïc), tính cách thế tục (laïcité) của Giáo hội trước hết đối với người Kitô hữu Việt Nam và người Việt nói chung không ngầm hiểu là phi tôn giáo, đôi lúc là chống lại hàng giáo sĩ như cách hiểu và nổ lực hoá giải của xã hội Tây phương. 

Nếu muốn đưa vấn đề nầy vào trong khung cảnh sinh hoạt của Cộng đồng Kitô giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, chúng ta cần đến những nghiên cứu sâu rộng hơn nữa để có thể ứng dụng một cách linh động và thiết thực giáo huấn của Giáo hội trong nổ lực canh tân nếp sống đạo của mình. 

2- Bối cảnh của vấn đề 

Phúc âm Mathêu ghi lại một kiểu mẫu có tính cách chung toàn về cộng đồng những kẻ tin "Đức Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống" (Mt. 16, 16), hay còn gọi là Giáo hội. Cộng đồng đó vượt lên trên lối tổ chức "trần tục hoá" của tôn giáo cũ như sau: 

"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là 'Ráp-bi', vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả là anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất nầy là Cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một người lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em. Ai tôn vinh mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên" (Mt. 23, 8-12). 

Nhưng nếu mọi sự đã hoàn thành nơi Đức Kitô, Lời Thiên Chúa, thì nơi thân thể Ngài, các em Ngài, là Cộng đồng Giáo hội lại là một diễn tiến đang hoàn thành: Cộng đồng huynh đệ ấy có một thời để khai sinh, có những giai đoạn thăng trầm của lịch sử để phát triển với những thành công, vấp ngã và canh tân liên tục trong niềm hy vọng hướng đến thời hoàn mãn khi Đức Kitô lại đến. 

Thật vậy, gần 20 thế kỷ, qua lịch sử, Giáo hội không phải luôn luôn xứng hợp với cộng đồng huynh đệ kiểu mẫu mà Đức Kitô vạch ra. 

Lịch sử không phải là một giả thiết và không ai biết được bí mật tại sao kitô giáo trong gần 20 thế kỷ qua hầu như đã phát triển trong khuôn khổ của văn minh lịch sử Âu châu. Nếu các cộng đồng Kitô hữu lúc ban đầu không bị lệ thuộc nhiều vào lối suy tư, cách sống của xã hội La mã - Hy lạp đương thời, thì ngược lại từ thế kỷ thứ IV trở đi, Kitô giáo và cuộc sống trần thế của Âu châu thường tương quan qua lại với nhau rất gắn bó. Kinh qua thời gian chung sống nầy, mầu nhiệm hợp thông làm cho Giáo hội thành một cộng đồng huynh đệ dần dà bị lãng quên. Giáo hội có nguy cơ bị tục hóa. Và sự việc đã xảy ra vì nhiều yếu tố: trước hết là vì khung cảnh văn hoá, sau đó là sự hội nhập hay đúng hơn là đồng hoá Giáo hội vào lối tổ chức trần tục của xã hội đương thời. 

Về mặt văn hoá, triết học duy lý và nhị nguyên của các trường phái Tân-Platon đã phân cách lý trí thuộc phần cao cả, thần thánh, còn xác thịt hữu hình thuộc cõi thế trần còn vương vấn chuyện sinh con, đẻ cái. Cuộc sống thần thánh của Giáo hội sớm được nhìn là những gì thuộc cõi vô hình, lý trí, xa vật chất, mà tiêu biểu là sự độc thân. 

Yêu sách độc thân gắn liền không những với giới đan sĩ mà phải là điều kiện để đi vào bậc sống của các mục tử, tức là giới giáo sĩ. Không những giới giáo sĩ, tu sĩ được trọng vì tiêu biểu cho Giáo hội thánh thiện qua cuộc sống độc thân của mình (!), nhưng còn nhờ cuộc sống cộng đoàn, nhờ điều kiện được học hỏi và được huấn luyện làm cho họ thành tầng lớp kẻ sĩ, thành giới trí thức (đặc biệt là vào thời Trung cổ) trong một khối quần chúng khó có điều kiện để ăn học. 

Nhưng ngoài yếu tố văn hoá giáo dục, còn có yếu tố chính trị. Một trong những yếu tố có tính cách quyết định là vào thế kỷ thứ IV, Hoàng đế Constantinô cho phép Kitô giáo tự do hành đạo, rồi không bao lâu nâng Kitô giáo lên hàng tôn giáo chính thức của La mã. Dân chúng ào ạt gia nhập vào Giáo hội như chỉ gia nhập vào một xã hội đời. Kitô giáo mất đi hứng khởi truyền giáo; các Giám mục được đồng hoá thành công chức cao cấp của Đế quốc và hưởng các đặc quyền trên trước của vua quan.Từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XVIII ( vào lúc có cuộc cách mạng Pháp), không phải lúc nào và bất cứ đâu Kitô giáo cũng tự đồng hoá với quyền lực trần thế, nhưng sự gắn bó quyền đạo - quyền đời vào nhau là một chuẩn mực điều hành xã hội. Sự thấm nhập hai quyền vào nhau đi đến tình trạng chen chân nhau để cai trị. Gia đình vua chúa, quí tộc hành xử cả việc điều hành Cộng đồng tôn giáo; giám mục, giáo hoàng lắm lúc vừa là ông hoàng, lãnh chúa của một vùng đất. Bấy giờ dân là của vua chúa, thì Giáo hội cũng là của giới giáo sĩ. Trong khung cảnh xã hội nầy, giáo dân không phải chỉ là một người không thuộc giới giáo sĩ đang điều hành Giáo hội, một người không biết giáo lý và sống đời sống trần tục (lập gia đình, sinh con, đẻ cái và lao động để kiếm ăn), nhưng dần dà là khối dân được cai trị với tất cả thăng trầm của vâng phục hay phản kháng, như một khối dân bên lề Giáo hội. Về điểm nầy, nhà thần học Walter Kasper, Giám mục giáo phận Rottenburg - Stuttgart, Đức, phân tích như sau : 

"Trong Sắc thư Clericis laicos (1296), Giáo hoàng Bonifaciô VIII nhận định rằng Giáo dân luôn chống lại giáo sĩ. Xác quyết nầy hẳn nhiên nói đến những cuộc phiêu lưu chính trị giữa giáo hoàng và hoàng đế hoặc vua nước Pháp, nhưng còn cho thấy một huynh hướng nguy hiểm. Những cuộc tranh chấp tương tự tiếp tục xảy ra trong nhiều lãnh địa giám mục; tại đây chính các lãnh chúa giám mục lại thường xuất quân đánh chống các Kitô hữu trong vùng mình. 

Hậu cảnh nầy giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự nổi dậy của các phong trào giáo dân chống giáo sĩ ngay từ thời đầu của Trung cổ và sự chống đối hung hăng sau đó vào thời tân kỳ. Chủ trương giáo sĩ trị và chủ trương thuần trần tục là hai mặt của một đồng tiền" [1]. 

Đến thời tân kỳ (les temps modernes), thời đại đánh dấu sự chống đối, xa cách Giáo hội - trần thế; và bây giờ chữ giáo dân (laïc) được hiểu trong nghĩa chống đối nầy: giáo dân (laïc) được hiểu là không phải tôn giáo hoặc chống lại giáo sĩ. Và giáo sĩ được hiểu là Giáo hội. 

Cuối thời Trung cổ, xã hội Tây phương chuyển đổi tâm thức song song với sự xuất hiện những lực lượng văn hoá, xã hội mới. Văn hoá, nghệ thuật, thương mãi, tài chánh... không còn nằm trong sự kiểm soát duy nhất của khuôn khổ quyền lực đạo - đời cũ nữa. Qua cuộc cách mạng Pháp như là một hình ảnh cô động, chúng ta thấy vua - quí tộc - giáo sĩ tức là hình ảnh Quốc gia - Giáo hội cũ bị chuyển đổi thành khối quyền lực mới nhân danh dân chúng. Khối quyền lực mới lôi kéo quần chúng đứng sau lưng mình. Quyền lực mới dựa trên lý trí tự đủ cho mình (lý trí mà mỗi người đều có được) để một mặt đạp bỏ những quyền lực áp bức bên ngoài, mà tiêu biểu về mặt xã hội lúc bấy giờ là chế độ quân chủ và Giáo hội. Mặt khác nó đề xuất một lý tưởng mà hầu hết các ý niệm được rút ra từ ngôn ngữ Tân ước Kitô giáo: Tự do - Bình đẳng và Huynh đệ. Chúng ta nói là hầu hết, vì căn nguồn phát sinh các nội dung liên hệ đến các từ ngữ nầy đôi đường hoàn toàn khác biệt nhau. 

Thời đại tân kỳ, cũng tự nhận là chủ nghĩa trần tục tuyệt đối, không những chống đối quyền lực giới giáo sĩ liên minh với chế độ quân chủ cũ, mà còn bài xích cả chiều sâu của cuộc sống đức tin tôn giáo. 

Về phía Giáo hội, vì thiếu thiện cảm với thái độ bài xích giáo sĩ của các trào lưu tân kỳ, nên thường có khuynh hướng bảo vệ sự sống còn và cơ chế cũ của mình, xa lạ dần với nhịp sống của xã hội. Nhưng trong những năm tháng căng thẳng hay xa lạ của đôi bên, giữa Giáo hội và xã hội trần tục, chúng ta sẽ thấy có những giáo hoàng, giám mục, linh mục, đặc biệt là các tu sĩ, giáo dân đã vượt lên trên khung cảnh quyền lực để thực hiện cuộc sống đức tin của mình nơi trần thế. Các dòng tu, với ý hướng hoàn toàn phục vụ con người, trong lãnh vực y tế, từ thiện bác ái, giáo dục cho giới nghèo, liên tục xuất hiện trong khoảng thời gian nầy. Sự can thiệp của các giáo hoàng, giám mục vào xã hội không còn là chiếm đất, dành dân...; nhưng cổ suý công bằng, bác ái, huynh đệ trong cộng đồng xã hội, khi các giá trị nầy đang bị bôi bác, đặc biệt là Thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo hoàng Lêô XIII (tháng 5.1891) và tiến trình phát triển Học thuyết xã hội Công giáo. 

Một vài nét lịch sử chính yếu đó giúp chúng ta thấy dần dà xuất hiện cái nhìn mới và khác của các phong trào xã hội Công giáo (thường là do giáo dân chủ xướng trong các thế kỷ có sự xung đụng đạo - đời trong hai thế kỷ vừa qua) cũng như đường hướng của Học thuyết Xã hội Công giáo và Công đồng Vaticanô II. Cái nhìn mới và khác ấy vượt lên sự đồng hoá đạo - đời và sau đó là tách biệt hoặc xung đột đạo - đời trong quá khứ lịch sử Tây Âu. 

* Trong một giai đoạn khá dài của lịch sử, và nơi tâm thức của văn hoá tân kỳ, Giáo hội được đánh giá là một cộng đồng dựa trên tiêu chuẩn quyền lực. Đồng hoá hay đối kháng thì cũng lấy quyền lực làm thước để đo. Vì thế, Giáo hội được nhìn là một quyền và quyền ấy ở trong tay hàng giáo sĩ. 
Ngày nay, dư luận bên ngoài (và điều đáng tiếc là rất đông những trào lưu khi thì bảo thủ, khi thì tiến bộ trong Giáo hội thường được báo chí nhắc đến hơn cả) mỗi lần nói đến sinh hoạt của người Công giáo, thì vẫn lấy tiêu chuẩn thuần trần tục tiêu cực nầy để lên tiếng phê phán hay đấu tranh. 

* Cuộc thay đổi tâm thức nơi Giáo hội Công giáo trong một vài thế kỷ gần đây, và được biểu lộ rõ nét nơi Công đồng Vaticanô II là nhìn cao hơn, đào sâu hơn để thấy gần với Mẫu - mực Cộng đồng huynh đệ: Cộng đồng ấy có ơn gọi và sứ mệnh là phục vụ và truyền bá Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Các yếu tố đạo - đời, tương quan Giáo sĩ - Giáo dân không lấy tiêu chuẩn thuần trần tục là quyền hành trần thế để thiết định và đánh giá. Chuẩn mực Giáo hội không phải là quyền uy, lấn đất, dành dân theo tiêu chuẩn đời, nhưng là Đức Giêsu Kitô làm hoà Thiên Chúa và con người trong công việc phục vụ nhân loại, thực hiện và cổ suý cộng đồng huynh đệ. 

* Giáo hội khám phá lại mẫu mực Phúc âm dẫn đến những canh tân sâu rộng trong nếp sinh hoạt của Cộng đồng dân Chúa. Thoát dần khỏi vướng mắc văn hoá nhị nguyên theo lối Tân - Platon, Công đồng nhận ra nơi Mầu nhiệm Nhập thể của Đức Kitô ánh sáng chỉ đường: Thân xác mà Thiên Chúa mặc lấy bảo chứng nét cao cả của vật chất hữu hình và cuộc sống thể lý. Cái xấu, cái bất cập, tội lỗi và sa sẩy do từ bên trong tâm hồn con người. Người ta hiểu được chữ "thế gian" trong các bản Phúc âm, đối kháng với Cộng đồng con cái Thiên Chúa, không phải là thế giới vật chất, xã hội dân sự, nhưng là điều mà ngày nay ta thường gọi là tội lỗi và cơ cấu tội lỗi, nghĩa là cuộc sống con người tự - mãn và ích kỷ từ khước các giá trị siêu nhiên và đóng kín không mở ra với tình huynh đệ nhân loại. "Thế gian ma quái" đó không phải là giáo sĩ hay giáo dân, tôn giáo hay thế giới dân sự, nhưng là khung cảnh của tự mãn và hận thù nơi bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh, bậc sống nào. Lối hiểu về "trần tục" mới nầy rất quan trọng, vì việc không phân biệt các nội dung nầy có thể tạo hiểu lầm khi đọc các tài liệu giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt là của Công đồng Vaticanô II. Và từ hiểu lầm đến áp dụng lầm, vô tình nhiều thiện chí canh tân lại vấp phạm lại những đoạn đường bất cập của quá khứ. Một trong những nội dung có tính cách tranh cãi và hiểu trăm nghìn kiểu khác nhau đó là hội nhập, dấn thân vào đời. Chúng tôi không nêu lên đây quan điểm mới, tích cực, bám rễ vào Mầu nhiệm Nhập thể của Đức Giêsu Kitô mà Công đồng nêu lên qua các tài liệu Công đồng về nội dung nầy (xem Hiến chế Vui mừng và Hy vọng), nhưng chỉ lưu ý đến một tình trạng mập mờ trong lối hiểu về chữ "dấn thân", mà chúng ta lấy làm mục tiêu công tác. Vì đã từng hiểu một chiều và theo nghĩa trần tục về "dấn thân", mà có một thời Giáo hội đã tự đồng hoá với thế quyền; vì không thiết định rõ sứ mạng rao truyền Đức Kitô là Đường, là Sự thật và là Sự sống, mà "hội nhập văn hoá" một thời ưu đãi các học thuyết triết học Tây phương trên chính giáo huấn của Phúc âm. Ngày nay những phê phán, đòi hỏi Giáo hội phải chạy kịp và đồng hoá với các trào lưu nhất thời của thế giới, thái độ và tâm thức đó là vết tích của một quá khứ tiêu cực mà Giáo hội, qua Công đồng Vaticanô II, đã vượt qua. Giáo hội không cổ võ dấn thân trần thế để hiện diện trong xã hội ngày nay như một lực lượng xã hội ưu thắng theo tiêu chuẩn xã hội dân sự. Nhưng bằng mọi cách và trong mọi lúc, toàn thể các thành phần của Cộng đồng dân Chúa phải hiện diện giữa cuộc sống xã hội như dấu chỉ của Đức Kitô, nghĩa là Tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người. Sự hiện diện đó phong phú, đa diện, nhưng khó khăn hơn, đòi hỏi sự trưởng thành của tất cả các thành phần trong Giáo hội. 

Song song với ý thức Giáo hội không phải là sở hữu riêng của Hàng giáo sĩ dựa theo lối đánh giá theo tiêu chuẩn quyền lực, thì tâm thức Kitô hữu cũng ý thức được yếu tố hữu hình, nhân loại và lịch sử của cộng đồng những con người làm nên Giáo hội. Giáo hội cảm nhận tính - thời - gian của mình như thân phận còn hữu hạn, với những bất cập của con người, ý thức bổn phận của mình là phải mãi lớn lên và hoàn thành với tất cả những vốn liếng mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện với sự cộng tác của con người qua các nền văn hoá khác nhau từ cổ chí kim và khắp nơi trên thế giới. 

Trong khung cảnh của một Giáo hội như thế, không có sự tôn vinh hàng giáo sĩ như một giống người đặc biệt khác với khối quần chúng giáo dân được xem là thụ động, không am tường giáo lý, và được đánh giá là không cần phải sống thánh thiện như các bậc sống khác. Chữ ơn gọi và hành đạo (nghĩa là sứ mệnh truyền bá Tin Mừng) không còn là ngôn ngữ hạn chế để chỉ cuộc sống giáo sĩ và tu sĩ. Mọi thành phần của Giáo hội, tuỳ lời mời của Chúa và do sự đáp trả tự do của mỗi người, đều có ơn gọi và sứ mệnh chung là làm nên Giáo hội, như Phúc âm đã nói "Tất cả anh em đều là anh em với nhau" (Mt. 23, 8), trong những phận vụ riêng của mình tuỳ nhu cầu phục vụ của cộng đồng và hoàn cảnh cá biệt của mỗi bậc sống. 

3. Giáo dân trong Giáo hội ngày hôm nay 

Tài liệu mới nhất về giáo huấn của Giáo hội về Giáo dân là Tông huấn Christi Fideles Laici, do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 30.12.1988, tiếp theo Thượng Hội đồng Giám mục về Tông đồ Giáo dân tổ chức vào năm 1987 tại Rôma. Giáo huấn vừa nhắc lại toàn bộ nội dung của Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân năm 1965 trong Công đồng Vaticanô II, vừa cập nhật hoàn cảnh Giáo hội lúc bấy giờ nhưng đi vào chi tiết hơn. 

Với tâm thức cũ, tiền – Công - đồng, nhiều Kitô hữu, giáo sĩ cũng như giáo dân dường như cảm thấy không cần phải đi vào nội dung giáo huấn của Giáo hội, nhưng thường có định kiến rằng đây hẳn là bản văn thúc giục giáo dân, đặc biệt các xứ Tây âu, đi lễ Chủ nhật, tổ chức sinh hoạt rước kiệu, tham gia vào các chức vụ của Hội đồng giáo xứ để giúp các linh mục; hoặc trao cho một số giáo dân có thêm uy quyền trong việc điều hành Cộng đồng giáo xứ. 

Những nội dung nầy không phải nằm ngoài ưu tư chung của toàn bộ giáo huấn của Giáo hội về giáo dân, nhưng lối hiểu tiêu cực, què quặt nầy (như đóng khung vào sinh hoạt giáo xứ; tương quan giáo sĩ - giáo dân đặt nền trên ý niệm quyền uy trần tục; sinh hoạt cộng đồng dân Chúa o ép lại trong một hội đóng kín, tự đủ cho mình...) đi ngược lại đường hướng canh tân và quan điểm Giáo hội học mới của Công đồng Vaticanô II. 

a- Những nét cá biệt của Giáo hội nêu lên trong văn kiện 

· Giáo hội là cộng đồng huynh đệ có phận vụ truyền giáo 

Tựa đề "Ơn gọi và sứ mệnh của người giáo dân..." tưởng chừng đã nói lên hầu hết điều muốn nói. Trước đây khi nói đến ơn gọi, người ta hiểu đó là phần dành riêng cho giáo sĩ, tu sĩ làm như chỉ giới sau nầy mới là môn đệ Chúa Giêsu. 

Không phải thế. Chữ ơn gọi áp dụng cho bất cứ ai là người, hướng đến việc thực hiện hoàn toàn nhân tính của mình. Nhưng chữ ơn gọi ở đây được nêu lên đi liền với sứ mệnh, nhằm nói đến lý lịch của tất cả những ai đã tin vào Đức Kitô là con Thiên Chúa hằng sống và đã lãnh nhận phép rửa. Sự kiện sau nầy (sứ mệnh) xác minh sự bất khả phân ly giữa phép rửa và sứ mệnh rao truyền Phúc âm hay còn gọi là sống đạo. 

Bản văn Christi Fideles Laici đưa ngay vào phần dẫn nhập yếu tố sứ mệnh nghĩa là phục vụ, hành động qua hình ảnh người thợ được gọi làm trong vườn nho. Chịu phép rửa là để làm việc. Câu hỏi đặt cho Giáo hội hôm nay trong cuộc canh tân của Công đồng Vaticanô II đối với người giáo dân là "Tại sao ở đấy suốt ngày mà không làm gì hết?" Và nếu giáo dân trước đây đã trả lời với Giáo hội : "Vì không ai mướn chúng tôi". Thì hôm nay qua Công đồng Vaticanô II, Giáo hội lặp lại lời Chúa: "Các ông cũng thế, hãy vào làm vườn nho của ta" (Mt. 2, 6-7) (xem Christi Fideles Laici, số 1 và 3). 

· Vườn nho là thế giới: sống đạo mọi nơi, mọi lúc 

Cũng ở phần dẫn nhập, Tông huấn nầy nói ngay "Vườn nho đó là toàn thế giới (Mt. 13, 38), và thế giới nầy phải được biến đổi theo ý định của Thiên Chúa trong một viễn ảnh của vương quốc Ngài vào ngày thế mạt" (Christi Fideles Laici). 

Giáo xứ, giáo phận, dòng tu trước đây là khung cảnh hạn chế cho sinh hoạt tôn giáo. Trên mặt pháp lý xã hội, chúng ta ngày nay cũng khó lòng hiểu khác đi được! Nhưng sống đạo có phải chỉ thực thi các nghi lễ tuy cần thiết nhưng giới hạn trong lãnh vực tôn giáo hình thức nầy không? Không phải. Vườn nho là toàn thế giới mà người thợ là Kitô hữu, giáo sĩ cũng như giáo dân mỗi người một việc phải chu toàn mọi nơi và mọi lúc. Trước đây ta thấy, mỗi lần Giáo hội đề xuất và thực hiện một công tác nào, thì thường định chế hoá qua một hình thức xem là có tính Giáo hội như là cộng đoàn các giáo sĩ hoặc cộng đoàn tu sĩ. Các thế kỷ trước đây các hội dòng tu nam, nữ là đã "làm", đã "sống đạo" trong khuôn khổ tổ chức nầy. Tiếp đến, các đoàn thể giáo dân, hoặc có mục tiêu phục vụ cuộc sống trần tục, như Hội đoàn Công giáo, các tổ chức từ thiện Công giáo, ngay cả đảng phái cũng mang tên Kitô giáo... Nhưng từ Công đồng, kinh nghiệm và sinh hoạt đó tuy vẫn còn tiếp tục nhưng còn được nới rộng hơn khi Giáo hội thoát dần khỏi tiêu chuẩn trần tục của việc tổ chức và qui chiếu vào lời Phúc âm: "Các con là Muối đất, là Men trong bột, là Ánh sáng thế gian...". 

Vừa bứt bỏ được các giới hạn quá hình thức, vừa đi gần hơn tinh thần của Phúc âm, cuộc sống đạo trải tràn ra trong cuộc sống toàn diện của con người : từ những người đau yếu đến những khoa học gia thám hiểm không gian, từ người đấu tranh chính trị cho đến vị đan sĩ ngày ngày lao tác và cầu nguyện, từ Giáo hoàng đến người mẹ gia đình... sống đạo làm nên Giáo hội không nhất thiết phải là giáo sĩ hay giáo dân, vì không phải quyền uy điều hành là yếu tố then chốt làm nên Giáo hội nhưng "biến đổi thế giới hay cuộc sống con người theo ý định Thiên Chúa" làm nên sinh hoạt Giáo hội . 

· Một nhu cầu thực tế cấp bách cần đến vai trò giáo dân 

Vườn nho là thế giới thực tế trước mắt, chúng không phải một hình ảnh nào đó của một ý hệ. Giáo hội xác minh lại rằng mọi người chịu phép rửa đều là anh em và phải có sứ mạng rao truyền Tin Mừng. Nhưng trước mắt Giáo hội chứng kiến gì: 

- Một thế giới đang đi xa dần ý định của Thiên Chúa, "Một thế giới với hiện tình kinh tế, xã hội, chính trị và văn hoá đầy dẫy các vấn đề và khó khăn trầm trọng hơn cả những gì được Công đồng diễn tả trong Hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng" (Christi Fideles Laici số 3). Và thế giới hay vườn nho đó cần đến thợ gặt. 
- Giáo hội trong hiện tình ngày nay đào sâu khủng hoảng thế giới, và sự uể oải thụ động, thờ ơ của người giáo dân như những dấu chỉ thời đại để khám phá được rằng: "Thế giới trở thành môi trường và phương thế cho ơn gọi Kitô hữu của người tín hữu giáo dân... họ không được gọi để bỏ mất vị trí của họ trong thế giới nhưng... được Chúa gọi để làm việc, như ngầm ở bên trong, nhằm thánh hoá thế giới, như hình ảnh men trong bột, trong nổ lực thi hành các trách nhiệm riêng của mình dưới ánh sáng của tinh thần Phúc âm". 

Do đó, khi nêu lên nhu cầu cấp bách phải đưa giáo dân lên tuyến đầu của công cuộc rao truyền Phúc âm trong thời buổi ngày nay, thì một mặt Giáo hội nêu lên một lề lối sinh hoạt mới về sống đạo. Trong khung cảnh mới nầy không có phân cấp hay loại trừ theo khuôn khổ tổ chức trần thế: Giáo sĩ không hề bị loại ra khỏi sinh hoạt trần thế; và giáo dân cũng không có mục tiêu sống đạo một cách tích cực để có được một vai vế trên trước nào trong cộng đồng dân Chúa. Đồng thời những tiêu chuẩn bên ngoài, nhãn hiệu tôn giáo của mình hay uy thế cho một tổ chức cũng không phải là cùng đích của nổ lực truyền giáo của người giáo dân ngày nay. 

· Đào tạo 

Để có thể đưa giáo dân, tất cả giáo dân vào tuyến đầu của việc truyền giáo, hẳn nhiên phải cần có đào tạo. Không ai cho cái mà mình không có. Đào tạo khó khăn nhất là làm sao thay đổi tâm thức sống đạo? Bản văn Tông huấn trước hết nêu lên tầm mức phải đạt đến đó là mức trưởng thành. Tiêu chuẩn ưu tiên của trưởng thành là sống cho kẻ khác, nhìn nhận kẻ khác, nghĩa là tinh thần phục vụ một cách đại độ. 

Và đây cũng là điểm mới lạ của tinh thần sống đạo, vì Kitô hữu cần trút bỏ tâm tình sợ hãi bị trừng phạt trong tâm thức tôn giáo của mình, hoặc tìm kiếm lợi ích riêng tư cho mình trong Giáo hội nơi trần thế mỗi khi thi hành các công tác tông đồ. Tiêu chuẩn quan trọng hơn nữa trong việc đào tạo là hướng đến sinh hoạt cộng đồng hiệp nhất, từ nơi gia đình, đến hội đoàn, giáo xứ đến cấp quốc gia, quốc tế, trong giáo hội, đến với các tổ chức, tôn giáo khác mình... 

Sinh hoạt tông đồ không chỉ là hành động cá thể mà hơn hết là kết hợp thành hành động chung của cộng đồng, nhất là các đoàn thể hướng đến những cơ cấu rộng lớn điều hành cuộc sống con người. 

b- Những khó khăn 

Sự cách biệt giữa giáo huấn của Giáo hội và nếp sống của đa số người giáo dân như một thực tế trước mắt làm nhiều người nêu lên những nhận định bi quan. Giáo huấn được xem là một yêu sách của mẫu mực Phúc âm đòi hỏi phải thực hiện cấp bách trong thực tế, tiếc thay lại đi kèm với một sự thiếu vắng các yếu tố thiết yếu để có thể thực hiện! Chẳng hạn: 

· Khuôn khổ tổ chức tối thiểu 

Trước đây một dòng tu được lập ra thường đi theo những điều kiện tinh thần, vật chất, tổ chức để có thể tồn tại: một số công tác phục vụ cụ thể để thi hành, để kiểm điểm công tác; một sự nhìn nhận của giáo phẩm, và sự hỗ trợ của cộng đồng; tiêu chuẩn, thời gian huấn luyện; kỹ thuật và tổ chức nội bộ... 

Ngày nay, khi nói đến tông đồ giáo dân, không khác gì đọc một bản Phúc âm; công tác mênh mông vượt lên mọi hình thức tổ chức, đòi hỏi một sự uyển chuyển của một tâm thức hết sức trưởng thành như đã có sẳn tự bao giờ! Và vì yêu sách quá rộng, quá cao, kỳ cùng giáo huấn dễ bị xem là một lý thuyết dành cho ai khác chứ không phải cho mình và cộng đồng mình! Và thực tế đã xảy ra khi những gì đã nêu lên trong Tông huấn Christi Fideles Laici thường được chính Giáo hoàng, Giáo triều Rôma qua các thánh bộ và hội đồng giáo hoàng: Công lý Hoà bình, Đối thoại Tôn giáo, Di dân,Văn hoá, Giáo dục, Gia đình... thực hiện; càng xuống các cấp gần với chính cuộc sống hằng ngày của giáo dân như gia đình, xứ đạo... thì ảnh hưởng hầu như chưa có tác dụng gì mấy (những phê phán cho rằng Giáo triều Rôma không lưu ý đến sinh hoạt trần thế, xa cuộc sống cụ thể... là lối nói thuộc lòng do báo chí quảng cáo hơn là một nhận định bám trên thực tế). 

· Đào tạo 

Công việc đào tạo giáo dân quá phức tạp và khó khăn. Yêu sách đòi hỏi phải có sáng kiến truyền giáo xây dựng Giáo hội, canh tân xã hội, phải đi tuyến đầu, phải trưởng thành phân biệt những nguy cơ tinh vi của chủ nghĩa thế tục và đường hướng Phúc âm, phải uyển chuyển chọn lựa phương thức tổ chức và hành động..., lắm lúc cho chúng ta có cảm tưởng rằng một cán bộ giáo dân như thế hẳn phải được đào tạo 3 lần hơn một giáo sĩ ! Thế mà, ý chí và phương tiện để thực hiện giáo huấn của Giáo hội về Giáo dân, khởi đầu bằng công tác đào tạo lại èo uột. Có những vùng, những xứ..., dường như chưa từng có kế hoạch hay một dự án, ngân sách nào hướng đến nổ lực nầy. Về phía tổ chức Giáo hội trên mặt hỗ trợ, sự hiệp thông giữa giáo sĩ - giáo dân trong mục tiêu đào tạo giáo dân lại càng hiếm hoi. Trong công tác mục vụ, việc đào tạo giáo sĩ hướng đến công tác nầy ít được thực hiện, chẳng hạn không mấy giáo sĩ am tường về phương cách hoạt động tông đồ giáo dân, các đoàn thể, theo từng bộ môn, lứa tuổi...; các đoàn thể hay các sinh hoạt giáo dân thường đành chấp nhận sự hiện diện một giáo sĩ bất chừng nào đó ở cạnh mình như một chuyện tự phát, đã rồi. 

· Tâm thức 

Tâm thức xã hội - và ngay cả Kitô hữu , giáo sĩ cũng như giáo dân - như còn xa lạ với tinh thần Công đồng Vaticanô II về ý nghĩa sống đạo. Hãy thử làm một bản trắc nghiệm đa số giáo sĩ và giáo dân tại cơ sở để xem khi nói đến việc trả thuế, đi bầu cử, đóng góp giúp người nghèo, dạy con, giúp vợ, săn sóc chồng, thăm viếng bạn bè, tham gia cổ võ nhân quyền .v.v... có nằm trong khung cảnh sinh hoạt cuộc sống đạo không, thì rõ. Phải chăng dư luận và tâm thức nơi nơi vẫn chỉ lấy việc dự lễ chủ nhật làm thước đo hành đạo! Và như thế giáo huấn Giáo hội dạy phải dấn thân vào bất cứ sinh hoạt nào của trần thế: chính trị, bác ái, xã hội, văn hoá, tu đức đặc loại của giáo dân... có giá trị như thế nào trong cuộc sống hằng ngày của việc điều hành Cộng đồng và sống đạo? Giáo huấn Giáo hội còn xa lạ trong tâm thức, điều đó còn có thể hiểu vì cần thì giờ thích ứng; nhưng ngay cả trong giáo huấn chính thức của cộng đồng cấp quốc gia, giáo phận, giáo xứ, trong các cơ sở truyền thông của Giáo hội địa phương, trong nội dung đào tạo giáo sĩ, giáo dân ..., việc mạnh dạn truyền đạt giáo huấn của Giáo hội và áp dụng vào cuộc sống mục vụ thiết thực, tất cả còn ngập ngừng như có vẽ hoài nghi ! 

c- Niềm hy vọng 

Những khó khăn nêu lên có những cơ sở giải thích của chúng. Tuy nhiên chúng ta biết việc cổ võ Công việc tông đồ giáo dân, nêu cao sứ mạng và ơn gọì của người tín hữu nầy nằm trong khuôn khổ một cuộc canh tân Giáo hội học, nghĩa là toàn bộ sinh hoạt Giáo hội chiếu theo Mẫu mực Phúc âm. Cuộc canh tân đó luôn luôn khởi đầu lại, trường kỳ vì gắn với bản tính luôn sinh động mà luôn phải canh cải để kiện toàn Giáo hội . 

Bên cạnh những đổi thay còn khó khăn, đôi lúc chậm chạp đến độ như chết chìm so với vận tốc đổi thay phi mã của cuộc sống văn minh trần thế, thì cũng phải nhìn nhận rằng chưa một cộng đồng tôn giáo hay một nền văn hoá nào trong gần 50 năm qua đã thay đổi nhanh chóng tâm thức và nếp sinh hoạt của mình (dĩ nhiên là đối chiếu vào kiểu mẫu Phúc âm) hơn là Giáo hội công giáo. Làm sao trước đây chúng ta có thể tưởng tượng có một hiệp hội như Focolare do một phụ nữ (trăm phần trăm ở trong đời sống giáo dân) đứng đầu, với sự tham gia của từng trăm hồng y, giám mục, hàng ngàn linh mục làm hội viên, để còn qui tụ những thành phần không phải chỉ là công giáo! Một điển hình, tuy quá chọn lựa, nhưng không còn gây ngỡ ngàng, thắc mắc bên trong và bên ngoài Giáo hội, cho phép chúng ta lượng giá một chặng đường rất dài đã vượt qua được, và tiên liệu những thành quả còn sáng ngời hơn nữa. 

4- Giáo dân trong hoàn cảnh Việt Nam 

Cận kề năm 2.000, có lẽ chúng ta có dịp để kiểm điểm lại nếp sống cá nhân và cộng đồng đối chiếu với giáo huấn của Giáo hội và tinh thần Phúc âm. Nếu những khó khăn để cổ võ việc tông đồ giáo dân là tình trạng chung của Cộng đồng Kitô hữu trong hoàn vũ, thì đối với Giáo hội Việt Nam chúng ta trong và ngoài nước lại còn có những khó khăn mười lần hơn. 

Khó khăn riêng của Cộng đồng Kitô hữu chúng ta trước hết phát xuất do tiền kiến lấy mẫu mực tiền Công đồng để đánh giá cao nếp sống đức tin của chúng ta. Mỗi lần nêu lên sinh hoạt Giáo hội, chúng ta có sẳn các con số tham gia Thánh lễ chủ nhật để xí xoá tất cả: chúng ta cho rằng Giáo hội nêu lên khủng hoảng là chỉ nói đến tình trạng Giáo hội Tây phương, vì giáo dân không còn "giữ đạo"! Tiền kiến đó hàm ngụ rằng thực ra giáo huấn của Giáo hội về giáo dân cũng chỉ để cổ động giáo dân đi lễ; và tiền kiến kế tiếp là xã hội và cộng đồng Công giáo Việt Nam muôn năm sẽ không bao giờ thay đổi. Vượt lên trên tâm thức không chịu canh tân nầy chúng ta cần đọc lại giáo huấn của Giáo hội để đối chiếu với sinh hoạt của các cộng đồng, các sinh hoạt tôn giáo của chúng ta, và chúng ta sẽ có được một sự lượng giá chính xác! 

Nhưng niềm hy vọng đang lên đường trong cộng đồng giáo hội Việt Nam 

Gần đây, trong công cuộc chuẩn bị họp Thượng Hội đồng Giám mục cho Á châu (tháng 4 và 5.98 tại Vatican) các giám mục Việt Nam đã xác nhận rằng Giáo dân là thành phần tích cực truyền giáo trong giai đoạn qua, và đề nghị một khung cảnh sinh hoạt sống đạo trong tình huynh đệ gia đình, ăn khớp với tâm thức văn hoá Việt Nam. Hai yếu tố quan trọng đã được nêu lên nhằm khai triển giáo huấn của Giáo hội áp dụng cho Kitô hữu Việt Nam. 

- Trở lại tinh thần giáo sĩ - giáo dân sát cánh nhau năng nổ truyền giáo trong giai đoạn thành lập Giáo hội Việt Nam, khi kẻ sĩ Ignace, chàng thanh niên André Phú yên cùng với linh mục Alexadre de Rhodes xây dựng cộng đồng. Ở đây phục vụ, truyền giáo, đi sâu vào văn hoá, ngôn ngữ, tâm thức người Việt không phải chỉ là lý thuyết mà là nếp sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng những người "yêu thương nhau". 
- Kinh nghiệm sống Đạo lý làm người của xã hội Việt Nam đã sớm biết một nề nếp vượt lên các hình thức tôn giáo quá nặng nề hệ thống, cấp bậc: Đạo lý Khổng - Mạnh đi vào xã hội như một tinh thần sống; cuộc sống đạo nghĩa trong việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình và đại gia đình... Đây là những kinh nghiệm quí giá để giúp Cộng đồng Công giáo Việt Nam trong tương lai thoát dần nét quá trần-tục-hoá của một tổ chức phẩm cấp trong Giáo hội chịu ảnh hưởng phần nào sinh hoạt cũ của nền hành chánh La-mã và xã hội Trung cổ Tây phương. Phải chăng đây là lý do thúc đẩy các Giám mục hy vọng cho tương lai Cộng đồng huynh đệ Kitô hữu Việt Nam, muốn lấy mẫu mực thời Tông đồ Công vụ làm điểm qui chiếu. 

*** 

Để kết luận, xin lấy lại lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong phần cuối Tông huấn Christi Fideles Laici : 

"Trước ngưỡng cửa Đệ III Thiên niên, toàn thể Giáo hội, Chủ chăn, cũng như Tín hữu, phải nhận ra một cách mạnh mẽ hơn nữa trách nhiệm của mình và vâng theo mệnh lệnh của Chúa Kitô: "Các con hãy đi khắp thế giới mà rao giảng Tin mừng cho muôn dân" (Mc. 16, 15) là tái tạo một lối truyền giáo mới, Giáo hội được giao phó để thực hiện một công trình có tầm vóc lớn lao, khó khăn và cao cả: Đó là việc tiến hành "một lối rao giảng Phúc âm mới mà thế giới ngày nay đòi hỏi một cách cấp thiết. Tín hữu giáo dân phải thấy rằng mình là phần tử tích cực trong công cuộc đó: Họ được gọi để loan báo và sống Phúc âm, bằng công tác phục vụ con người và xã hội trong tất cả những giá trị và đòi hỏi của chúng" (C.L. số 64). 

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Nguồn Định Hướng Tùng Thư - 2012

_____________ 



Chú thích 

Về thần học giáo dân, yếu tố trần thế của Giáo hội, có rất nhiều tài liệu để nghiên cứu, đặc biệt là các bản văn Công đồng và các công trình thâm cứu sau đó. Một số hướng dẫn căn bản về nội dung nầy đã được "Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân" xuất bản. Riêng về phần Việt ngữ, Phong trào Giáo dân Vìệt Nam Hải ngoại đã đóng góp vào việc hỗ trợ đào tạo giáo dân qua các bản dịch các Thông điệp Giáo hoàng và một số sách Thần học Giáo dân : 

- Người Tín hữu Giáo dân - Bản dịch Tông huấn Christi Fideles Laici - Định Hướng xuất bản 1990. 
- Thông điệp Vấn đề Xã hội, Định Hướng xb, 1990 
- Giáo dân vào những thế kỷ đầu của Giáo hội, A. Faivre, Định Hướng xb, 1992. 
- Đào tạo Giáo dân - Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, Định Hướng xb, 1993. 
- Huấn thị Tự do Kitô Giáo và giải phóng - Định Hướng xb, 1993. 
- Đường lối tự tin, tự lực, tự cường - Roger Heckel, s.j. Định Hướng xb, 1993. 
- Bài giảng trên núi - Dấn thân Kitô Giáo, Nguyễn Đăng Trúc, Định Hướng xb, 1996. 
- Đối thoại và rao truyền - Kitô giáo và các tôn giáo, Định Hướng xb, 1998. 
- Giáo hội và Nhân quyền, Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Định Hướng xb, 1999 
- Một cái nhìn mới về Học thuyết Xã hội Công giáo - Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Định Hướng xb, 1999. 

[1] Walter Kasper, L 'heure des laïcs trong tạp chí Christus số 145, tháng 1.1990, tr. 27 - 28).

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks