ngày tháng năm

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Phục vụ rất hăng, ngại ngùng vào nhóm

Nguyễn Khang

Người tín hữu ấy “lặng lẽ hành hương” ở miền bệnh viện, miền trại phong, miền HIV.

Tôi "xúi" người ấy tham gia nhóm đạo để chia sẻ ân phúc cho nhóm. Ngược lại, chị ấy sẽ có thêm "vây cánh" khi đi phục vụ các miền.

Kết quả: Lắc đầu nguây nguẩy! Chị bảo: "Vào nhóm chỉ tổ sinh cãi nhau, sinh hiểu lầm, sinh kiêu ngạo". "Có Trời biết, đất biết là đủ rồi" "Làm một mình có hiệu quả hơn". "Sợ cõi người ta lắm rồi".

Tôi đem NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ ra để chị ấy may ra thấu hiểu ngõ hầu tham gia nhóm. Nào là:

- Chị có phẩm giá vì Chúa tạo ra chị, chị giống hình ảnh Chúa, có trí khôn và ý chí tự do, có tiềm năng, có khả năng.

- Sâu xa trong lòng chị, có "ƯỚC NGUYỆN THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG", đó là "ƯỚC NGUYỆN LỚN" (Sách Tóm lược HTXHGHCG, 190).

Nhưng sao giờ chị lại ác cảm với việc vào một nhóm đạo, chỉ muốn làm việc tông đồ một mình?


Tìm hiểu thì mới biết: Trước kia chị có vào nhóm đạo, nhưng vì khác quan điểm về thời điểm "rửa tội" cho bệnh nhân, đâm ra tranh luận rồi cãi vã nên chị rút ra khỏi nhóm, âm thầm rửa tội cho bệnh nhân sắp qua đời, nay con số đã lên cả ngàn người.

Như vậy, chị đã có ác cảm với nhóm. Thật ra, "nhóm" có thể là "gia đình, các tập thể, các hiệp hội, các thực thể địa phương" (Sđd, 185). Các nhóm tạo nên đủ mọi loại các mối quan hệ, nhiều hoạt động. Nhóm hoạt động tốt thì xã hội và Giáo hội được hưởng nhiều loại ơn ích.

Tôi rút ra bài học: Các người trưởng nhóm, người lãnh đạo... phải khéo léo đừng để thành viên chán nản, hiểu lầm, cãi cọ rồi bỏ nhóm. Phải sớm giúp thành viên nhận thức mục tiêu lý tưởng của nhóm, của tập thể, của cộng đồng. Có lý tưởng tham gia thì sẽ không bỏ nhóm dù gặp khó khăn trắc trở.

Sâu xa nhất, phải nhớ rằng: Ai cũng có phẩm giá, có ngôi vị, có tài khéo, có bản tính của một con người đã được Chúa mời gọi vào Nước Thiên đàng. Bất kể người đó là ai.

Liệu Giáo hội tôi, nước Việt Nam tôi có tiếc chăng khi cả triệu triệu người không còn, không có cơ hội được phát triển, không có cơ hội đem tài ba phục vụ cho quê hương chỉ vì thiếu người lãnh đạo có tài có đức, có tâm có tầm, khiến nhiều thành viên chán nản bỏ nhóm, không vào nhóm, bỏ đi làm việc một mình, mất "hiệp đồng tác chiến". Nhiều nhóm yếu, nhiều gia đình yếu, nhiều tập thể yếu, nhiều vùng miền yếu! Tích tiểu thành đại: Giáo hội yếu, Việt Nam yếu.

Lỗi tại ai?

Nhóm GHXHCG chúng ta có cần nghiền ngẫm sâu xa nguyên tắc nhân vị và bổ trợ hầu giữ được thành viên, tìm mọi cách làm cho tài năng của họ được "ló" ra, rồi cùng họ "hiệp đồng tác chiến" tái xây dựng quê hương và Giáo hội?

Nguồn: Tập san Giáo huấn Xã hội Công giáo số 3 (tháng 8-2012)
             Bốn nguyên tắc căn bản của Giáo huấn Xã hội
             http://conglyvahoabinh.org/wp-content/uploads/downloads/2012/10/GHXH-so-3.pdf

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks