ngày tháng năm

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Phúc thay ai sầu khổ

Chiara Lubich

Đan Quang Tâm dịch


"Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" (Mt 5, 4)


Có lẽ như bạn biết đấy, câu này xuất phát Bài Giảng Trên Núi, trong đó Đức Giê-su làm đảo lộn cách suy nghĩ kiểu con người của chúng ta bằng cách gọi là "phúc" cho những ai, thoạt nhìn, thì chẳng thấy có gì là hạnh phúc cả: người nghèo khó, người bị bách hại, người hiền lành, những người hiến cuộc đời mình để đem lại hòa bình cho người khác, và những trường hợp tương tự.

Hôm nay Người tập trung sự chú ý của ta vào một câu trong đó Người dường như khẳng định một điều phi lý. Người dùng từ "phúc" để mô tả người đang chịu đau khổ, cô đơn và khóc lóc. Bạn có thể hỏi làm sao lý giải một khẳng định như vậy được.

"Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" 


Ngôn sứ I-sai-a loan báo rằng sẽ đến thời buổi mọi người đau khổ sẽ được ủi an (x. Is 61, 1-3). Đấng Mê-si-a đến để thực hiện những lời này. Đức Giê-su biết rằng những ai đau khổ thì may mắn, hoặc có phúc, bởi vì họ có nhiều khả năng hơn để đón nhận lời của Người và như vậy sẽ vào Nước của Người. Người biết rằng, qua Người, nhiều khổ ải trần gian có thể chuyển thành một cuộc đời vui tươi.

Khi nói về những ai "than khóc", Đức Giê-su không có ý muốn nói đến bất kỳ nhóm người cụ thể nào. Người muốn nói đến bất kỳ ai đang đau khổ, bất kể tuổi tác, phái tính, chủng tộc hoặc quốc tịch, bất kể vì lí do gì. Có lẽ họ phải chịu một bất hạnh, một thiên tai, một cơn bệnh, cái chết của người thân, hoặc mất tài sản hoặc danh tiếng. Người cũng đang nghĩ đến những ai vỡ mộng và những ai đang sầu khổ sâu xa khôn tả trong lòng.

Người có ý nói đến tất cả mọi người và nếu bạn đang đau khổ vào lúc này đây thì Người cũng kể bạn vào trong số những người đó.

"Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" 


"Họ sẽ được Thiên Chúa ủi an". Đức Giê-su dùng thì tương lai. Người đang nói về thời điểm chính Thiên Chúa sẽ tưởng thưởng tất cả những ai giỏi chịu đựng đau khổ. "Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21, 4). Ta biết rằng tất cả điều này sẽ xảy ra khi Nước của Đức Ki-tô được thiết lập, và xác tín này làm tâm hồn ta tràn ngập một niềm hi vọng khiến ta vơi bớt đau khổ.

Nhưng Đức Giê-su không chỉ có tìm cách cứu giúp những kẻ bất hạnh biết chấp nhận lấy số phận của mình bằng cách hứa hẹn một phần thưởng trong tương lai. Người đang nghĩ về hiện tại nữa. Nước Người đã có mặt ở đây rồi, cho dù nó chưa đạt đến hình thức cuối cùng của nó. Nước đang hiện diện trong bản thân Đức Giê-su. Người chịu khổ nạn và chết trong cực hình tột độ, nhưng Người đã chiến thắng sự chết bằng cách trỗi dậy từ cõi chết.

Là Ki-tô hữu, chúng ta có Nước trong tâm hồn ta. Thiên Chúa sống trong ta. Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong tâm hồn ta. Mối phúc mà Đức Giê-su công bố này đã có thể thuộc về chúng ta.

"Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" 


Trong Nước do Đức Giê-su đem lại, bạn có thể cảm thấy cảm thấy sự an ủi này hàng ngày, nhưng lẽ dĩ nhiên là có một điều kiện cần phải đáp ứng, bởi vì bạn phải sống như một người con trong Nước này, và điều này có nghĩa là bạn phải tuân thủ lề luật trong đó và làm điều Đức Giê-su yêu cầu bạn. Đức Giê-su nói rằng ta phải chấp nhận các đau khổ đến với ta như Người đã chấp nhận các đau khổ của Người. Người mời gọi ta hãy "vác" thập giá; Người không muốn bạn thù ghét, khước từ thập giá, quăng thập giá đi, hoặc đơn giản chỉ kéo lê thập giá. Bạn phải yêu thập giá! Đức Giê-su muốn bạn đặt nó trên vai. Và hơn nữa – Người muốn bạn giương cao như một ngọn đuốc cháy rực, như một ngọn cờ.

Rồi bạn sẽ cảm thấy phép lạ của Nước. Thiên Chúa sẽ làm cho thập giá của bạn dường như nhẹ đi, và bạn có thể vác được. Bạn lại còn có thể tươi cười ngay giữa nước mắt. Bạn sẽ có một sức mạnh không phải của bạn, một sức mạnh phát xuất từ Người. Và bạn sẽ hiểu tại sao Người nói: "Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" (Mt 11, 30).

Đau khổ có thể vẫn còn, nhưng ta sẽ cảm nghiệm được nguồn sinh lực mới sẽ giúp ta chịu đựng những thử thách ở đời. Ta sẽ có thể giúp những người khác vượt qua những phiền muộn của họ và giúp họ biết cách nhìn những đau khổ của họ như Đức Giê-su đã nhìn và chấp nhận đau khổ của Người: xem đau khổ như một phương tiện để cứu chuộc.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks