ngày tháng năm

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT ĐỂ PHÚC ÂM HÓA XÃ HỘI (*)

Tôma Hoàng Kim Khánh


 Ánh Mắt Của Đức Giêsu Kitô
      1. Tin Mừng thánh Gio-an (Ga 8, 1-11) tường thuật: Các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn một người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến gặp Đức Giê-su và hỏi Ngài nên xử người này như thế nào.
      Đức Giê-su biết, theo luật Mô-sê thì người này sẽ bị ném đá cho đến chết, Ngài ngồi im lặng. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu cứ hỏi mãi, Ngài bảo họ: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, chỉ còn lại Đức Giê-su, và người phụ nữ. Đức Giê-su nhìn bà và nói: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị. Chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!
      2. Tin Mừng thánh Lu-ca (Lc 22, 54-62) tường thuật: Sau khi bắt Đức Giê-su, đám đông điệu Ngài đến dinh thượng tế Cai-pha, Phê-rô đi theo Ngài xa xa. Đến dinh, ông ngồi lẫn trong đám đông, có người nhận ra, hỏi ông có phải là người thuộc nhóm Giê-su không. Cả ba lần Phê-rô đều chối, nhưng ở lần thứ ba, lúc ông còn đang nói, thì gà gáy, Chúa Giê-su quay lại nhìn ông
.

Hoán Cải Và Biến Đổi Tâm Hồn
      Hai người, hai hoàn cảnh khác nhau: Người phụ nữ phạm tội ngoại tình chưa nhận biết Đức Giê-su; còn Phê-rô biết rõ Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa” (Ga 6,69 ) và trước đó ông đã từng, “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai, vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống” (Ga 6,68).
      Nhưng điều gì trong ánh mắt nhìn của Đức Giê-su, làm cho người phụ nữ ngoại tình hoán cải trở nên người tốt lành; và với Phê-rô, khiến “ông lấy lại lòng nhiệt huyết thưở đầu để đi theo Thầy sau khi biết mình đã phạm tội.” [1]
      Nếu lúc bấy giờ, Đức Giê-su khinh khi, kết án bà thì chắc chắn bà đã bị ném đá đến chết rồi?;  Đức Giê-su kết án Phê-rô là dối trá, phản thầy thì đã không có một Phê-rô Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội, một thánh Phê-rô tử đạo, … ? 
      Chính lòng thương xót của Đức Giê-su biểu hiện qua ánh mắt thương cảm, độ lượng; thái độ ân cần đã giúp người phụ nữ, và Phê-rô hoán cải và biến đổi.
      Cũng như vậy, Da-kêu, Mát-thêu, Ma-đa-lê-na, … và mỗi người chúng ta cũng đã, sẽ được hoán cải và biến đổi nhờ Lòng thương xót Chúa.

Chúng Ta Được Mời Gọi Thực Thi Lòng Thương Xót Để Phúc Âm Hóa Xã Hội [2]
      1.Vì lòng thương xót được ban cho chúng ta trước,
      Sau khi nguyên tổ A-đam - E-và phạm tội, Thiên Chúa đã không muốn bỏ mặc con người dưới quyền lực của sự dữ. Rồi “Lúc đến thời gian viên mãn" (Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng theo kế hoạch cứu độ, Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu của Ngài (1 Ga 4,8.16).
      Trong Cựu Ước, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể qua nhiều hành động trong lịch sử cứu độ, nơi mà lòng nhân hậu của Ngài chiếm ưu thế hơn là trừng phạt và hủy diệt. Ngài thứ tha mọi lầm lỗi, chữa lành bệnh hoạn, cứu chuộc sự sống, vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn (Tv 103,3-4); Ngài giải thoát tù nhân, mở mắt cho kẻ đui mù, nâng dậy những người bị áp bức, yêu thương người công chính, bảo vệ khách kiều cư, nâng đỡ cô nhi quả phụ và phá tan lối đi của người gian ác (Tv 146,7-9); Ngài chữa lành những người bị dập nát tâm can và băng bó các thương tích của họ,... nâng dậy những kẻ bị chà đạp, hạ kẻ gian ác (Tv 147,3.6).
      Nơi Đức Giê-su Na-za-rét, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh. Thật vậy, khi nhìn đám đông dân chúng đi theo mình, Chúa Giêsu thấy họ mệt mỏi và kiệt sức, lạc loài và không người chăn dắt, Ngài đã chạnh lòng thương (Mt 9,36), chữa lành các bệnh nhân được mang đến với Ngài (Mt 14,14), cho đám đông được ăn no thỏa (Mt 15,37). Ngài cho người con bà góa thành Na-in hồi sinh từ cõi chết (Lc 7,15). Ngài  trừ quỷ cho một người ở Ghê-ra-sa (Mc 5,19). Việc tìm gặp Da-kêu (Lc 19,1-10), mời gọi Mat-thêu cũng xảy ra trong khung cảnh của lòng thương xót (Mt9,9-13), ... Và hành động tử nạn - phục sinh vinh hiển của Đức Giê-su là tột đỉnh của lòng thương xót Ngài dành chúng ta vì “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).    
      2. chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót
      Từ dụ ngôn "người đầy tớ nhẫn tâm" (Mt 18,23-35): Khi bị chủ đòi một món tiền nợ khổng lồ, hắn đã quì xuống van xin và chủ đã tha hết nợ cho hắn. Nhưng sau đó hắn gặp một người cũng là đầy tớ như hắn, người này mắc nợ hắn vài xu, và anh ta quỳ xuống van xin hắn thương tình, nhưng hắn từ khước và tống người kia vào tù. Khi chủ nghe biết thì vô cùng tức giận, gọi hắn lại mà bảo: "Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?" (Mt 18,33). Đức Giê-su dạy chúng ta, "Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót" (Lc 6, 27).
      Lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Vì thế, là người Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước. Điều này, đòi hỏi nhiều cố gắng nơi mỗi chúng ta nhưng cũng là niềm vui và an bình cho mỗi chúng ta.
      3. bằng cách biến lòng thương xót thành những hành động cụ thể (nếp sống riêng).
          - Trước tiên, hãy “đừng phán xét cũng đừng lên án”. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhớ “Những lời nói chứa đầy đố kỵ và ganh ghét đã gây ra biết bao tai hại. Nói xấu người anh chị em vắng mặt, chẳng khác gì đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho người ấy. Ai không đoán xét và lên án, sẽ nhận ra được điều tốt vẫn có nơi mọi người, và không làm người khác đau khổ vì sự xét đoán bất cập và vì tính tự phụ của chúng ta, cho rằng mình biết hết mọi sự.”
          - “Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thể hiện lòng thương xót”, phải “biết tha thứ và sẵn sàng cho đi. Hãy trở thành khí cụ của ơn tha thứ vì Thiên Chúa đã vô cùng rộng lượng khi tuôn đổ lòng hảo tâm của Ngài trên chúng ta.”
          - Thực hành những hành vi của lòng thương xót, về phần xác cũng như phần hồn, chẳng hạn: Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Điều mong muốn của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô
      Qua Tông sắc Dung mạo lòng thương xót, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương xót, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô mong muốn mọi người Ki-tô hữu “hãy liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót”. Điều đó, không chỉ giúp mỗi người trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho lòng thương xót của Chúa Cha mà còn là điều kiện để mỗi người chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ.
      Trong xã hội, khi mà sự đố kỵ, ganh ghét, vô cảm, … vẫn còn đó; bất công, áp bức, nghèo khó và đau khổ, … vẫn là điều mà nhiều người đang gánh chịu thì lòng độ lượng, tha thứ và những hành vi bác ái tinh thần, hoặc vật chất của mỗi chúng ta trở nên chứng từ đầy thuyết phục về lòng thương xót làm cải hóa và biến đổi mọi người, và cứ thế làm thay đổi dần xã hội chúng ta đang sống ngày một trở nên tốt lành hơn như Chúa hằng mong ước.
      Quả thật, “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” [3].


Chú thích:
      (*) Cảm nhận từ Tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, của ĐGH Phan-xi-cô. 
      [1]. Bài giáo lý của ĐGH Phan-xi-cô trong Thánh lễ sáng 22/5/2015 tại Nguyện đường Santa Marta. 
      [2]. Theo Tông Sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, của ĐGH Phan-xi-cô.

      [3]. Chân phước Giáo hoàng Phao-lô VI, Thông điệp “Evangelii nuntiandi - Loan báo Tin Mừng”, số 41.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks