ngày tháng năm

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

ĐẤNG THÁNH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P

Một Điều Trùng Hợp Có Dự Tính
Ngày Chúa Nhựt 4 tháng 9, 2016, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô công bố Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta1 là hiển thánh được chính thức tôn kính trong toàn thể Hội Thánh Công Giáo.
Không thể nói đây chỉ là một trùng hơp ngẫu nhiên khi vị nữ tu dễ mến đã hiến trọn cuộc đời phục vụ những người nghèo khổ nhứt trong xã hội được tuyên thánh trong chính Năm Thánh Của Lòng Chúa Thương Xót.  Do đó, không sợ sai lầm khi dâng kính Mẹ Tê-rê-xa biệt danh “Đấng Thánh Của Lòng Thương Xót.”


Hành Trình Tìm Kiếm Lòng Thương Xót
Chào đời tại Skopje, Nam Tư, 27 tháng 8, năm 1910, với danh tánh của gia đình là Gonxha (Agnes) Bojaxhiu, Mẹ Tê-rê-xa là con gái út trong gia đình gồm 3 anh chị em, 2 gái một trai (2 người nữa qua đời khi còn rất bé) của Ông Nicola và Bà Dronda Bojaxhiu. Gia đình Mẹ có mức sống tương đối dễ chịu, chứ không thuộc giai cấp nông dân nghèo khổ như có nguồn tin không chính thức.

Từ thủa bé, Mẹ Tê-rê-xa đã có cá tính mạnh mẽ và độc lập. Cho đến cuối đời, Mẹ vẫn mãi là một con người, tuy khiêm tốn, biết lắng nghe, nhưng luôn luôn suy nghĩ và hành động như chính bản tính cố hữu của mình.   
Ông thân sinh của Mẹ là một nhà thầu xây dựng khá thành đạt. Nhưng có lẽ vì dấn thân khá tích cực vào hoạt động chính trị, ông bị thiệt mạng một cách bất ngờ, với nghi vấn là do bị đầu độc. Cái chết của người cha khiến cho gia đình Mẹ chao đảo vì mất đi cột trụ quan trọng, trong lúc bà mẹ góa trẻ phải gánh mọi trách nhiệm với 3 anh em mồ côi cha, chí mới ở độ tuổi 14, 9 và 7.  
Mặc dầu từ nhỏ rất thân thiết với các sinh hoạt ở giáo xứ, và say mê câu truyện của các nhà truyền giáo hoặc thiện nguyện trong công tác từ thiện bác ái, nhưng ý tưởng trở thành một nữ tu đến với Mẹ Tê-rê-xa thật muộn màng.  
Năm 18 tuổi, Mẹ Tê-rê-xa gia nhập cộng đoàn các nữ tu Loreto ở Dublin, Ai-len, một dòng tu được thành lập từ thế kỷ 17, chuyên lo việc giáo dục các thiếu nữ.  Từ ngày đó, Mẹ tận tụy lo việc phục vụ theo tôn chỉ của nhà dòng, và không còn dịp trở về thăm gia đình, kể cả việc gặp lại người mẹ thân yêu khi bà qua đời.
Sau khi hoàn thành khóa tập tu, năm 1931 Mẹ khấn dòng lần đầu và chọn danh xưng Tê-rê-xa, nhắm tỏ lòng tôn kính cả 2 Thánh Tê-rê-xa Avila và Tê-rê-xa Hài Đồng. Tuy được coi như một nữ tu kiệm lời và nhút nhát trong cộng đoàn, nhưng Mẹ Tê-rê-xa nêu gương sáng qua nhiệt tình phục vụ và đời sống nghiêm túc giữ kỹ luật tu trì. Sau đó ít lâu, Mẹ được nhà dòng gởi tới dạy lịch sử và địa lý tại trường nữ trung học Thánh Mẫu Maria, ở một quận thuộc thành phố Can-cút-ta. 
Suốt 15 năm tận tụy và hào hứng giảng dạy tại một nhà trường dành cho các tiểu thư con nhà quý tộc danh giá, không ai ngờ trong cõi sâu thẳm của tâm hồn Mẹ Tê-rê-xa đã manh nha một “ơn gọi thứ hai.”  Giây phút mang tính quyết định của ơn gọi đó xảy ra trong dịp Mẹ Tê-rê-xa đi dự một kỳ tĩnh tâm ở Darjeeling vào năm 1946.
Suốt 2 năm liền, Mẹ không ngừng tìm cách khám phá rõ ràng hơn con đường Mẹ xác tín là do Thiên Chúa hướng dẫn mình bước vào.  Mẹ quyết định từ khước tất cả, cho dầu đó là địa vị được kính nể và tiện nghi dễ chịu ở hội dòng Loreto, chấp nhận ra ngoài đường phố, chấp nhận từ bỏ tất cả, để bước theo chân Chúa Ki-tô đi vào các khu ổ chuột, phục vụ những anh chị em nghèo khổ nhứt trong xã hội. 
Phải qua bao thủ tục, bao thông lệ phiền toái Mẹ Tê-rê-xa mới được chính thức rời khỏi nếp sống trong khuôn viên nhà dòng các nữ tu Loreto, song vẫn còn giữ nguyên lời khấn.  Mẹ còn gặp bao khó khăn vì Hội Thánh không sẵn sàng cho phép lập dòng tu mới, lại còn phải xin đức tổng giám mục Can-cút-ta đồng ý cho Mẹ được công khai phục vụ người nghèo trên đường phố. Được phép rồi, Mẹ lại phải lo sống và hoạt động ra sao trên đường phố, chẳng còn tiện nghi và an toàn của tu viện. Về tu phục, Mẹ quyết định xếp lại bộ áo dòng của các nữ tu Loreto để khoác bộ y phục đơn giản của một phụ nữ Ấn Độ bình dân, một bộ sari trắng và đôi dép.
Năm 1948, nhận được phép của Đức Thánh Cha Piô XII cho rời cộng đoàn Loreto và sống riêng một mình, Mẹ thuê một nhà trọ nhỏ để khởi đầu sứ vụ mới. 
Mẹ dạy các trẻ em trong các xóm nghèo biết chữ và biết giữ vệ sinh. Lớp học là các góc phố tồi tàn, tối tăm. Bảng viết là khoảng đất trống trên mặt đường đầy rác bẩn.  Qua con cái của họ, Mẹ dần dà làm quen với đám dân nghèo, nạn nhân của bao bịnh tật thể xác, tâm linh.  Từ đó, tâm hồn đầy trắc ẩn của Mẹ biết ngay phải làm gì cho họ.  
Dòng thác người bất hạnh từ lúc ấy không bao giờ đứt đoạn tuôn đến với Mẹ khiến lúc nào vị nữ tu nhân hậu cũng hầu như kiệt lực. Tuy nhiên, dầu cho luôn luôn tất bật với công cuộc bái ái từ thiện như vậy, Mẹ không khi nào thiếu sót việc cầu nguyện, bởi vì nhờ biết để đời mình chìm sâu vào cuộc hội thoại thân tình với Chúa, Mẹ tìm được một nguồn trợ lực vững chắc và vô tận. Cuộc đời Mẹ Tê-rê-xa, khi tất cả mọi biến cố thăng trầm được xâu kết lại, nổi bật lên như bằng chứng xác minh cho lời Thánh Phao-lô: “Khi tôi yếu đuối là khi tôi mạnh mẽ.”2  Nhờ có Chúa Ki-tô nâng đỡ, thể trạng mong manh và tâm hồn tinh tế của vị nữ tu mới đủ sức đứng vững trước biết bao nghịch cảnh dồn dập, vừa là của những người nghèo khổ, vừa là của chính Mẹ.
Khoảng chừng hơn kém một năm sau, hình như bao nhiểu tâm hồn thiện chi khác chỉ chờ nhìn thấy tấm gương sáng của Mẹ để mạnh dạn bộc lộ cõi lòng nhân ái thiên phú của họ: người thì đóng góp công của, tài năng, và ảnh hưởng xã hội; người thì dâng hiến cả cuộc đời phục vụ người nghèo và bất hạnh theo lý tưởng của Mẹ. Đây là bước đầu hình thành nên hội dòng Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái. Số ơn gọi tham dự vào dòng tu mới hình như gia tăng song hành với số lượng những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh tấp nập tìm đến với Mẹ Tê-rê-xa để được giúp đỡ: các em mồ côi, các trẻ sơ sinh vô thừa nhận, các bịnh nhân không có thân chăm sóc trong các binh viện công, người mắc bịnh phong, người nghiện rượu, người vô gia cư, người di dân...kết thành một danh sách dài đến hầu như vô tận.     
Cho ngày cuối đời vào năm 1997, Mẹ Tê-rê-xa vẫn tiếp tục việc phục vụ những người nghèo nhứt trong giai cấp người nghèo, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa tất cả những gì Mẹ cần phải có để phục vụ họ. Không thể kể hết bao nhiêu vinh dự được truy tặng cho Mẹ, vì cả một thế giới sững sờ thán phục vì nghĩa cử của Mẹ tận tụy và trân trọng chăm lo cho những con người hầu như chẳng có chút giá trị nào trong con mắt của họ.  Đối với chính mình, Mẹ tự coi như “mẩu bút chì của Thiên Chúa, được Người dùng để viết tất cả những gì Người ưa thích.”    
Tuổi cao, sức yếu, lưng còng dưới bao công việc và trách nhiệm, nhưng hầu như không gì có thể cản bước 50 năm hăng say phục vụ của Mẹ.  Vài tháng trước khi mất, lúc đã quá suy yêu không còn có thể lo việc quản trị được nữa, Mẹ từ nhiệm vai trò dẫn đầu Dòng Thừa Sai Bác Ái, xác tín là công cuộc của dòng sẽ luôn còn tiếp tục.
Cuối cùng, vào ngày 5 tháng 9, năm 1997, sau buổi cầu nguyện ban tối, Mẹ Tê-rê-xa từ biệt cõi trần để đi về cùng Thiên Chúa, về với Tâm Điểm của đời Mẹ.
Hành Trình Lòng Thương Xót Vẫn Tiếp Tục
Tuy nhiên, khác với thông lệ, khi người quá cố thường nhận được lời cầu chúc an nghỉ,3 thì Mẹ Tê-rê-xa lại vẫn còn khá chật vật chờ đợi lòng thương xót của con người.
Trước hết là qua thủ tục tiến hành việc xác minh những điều kiện giáo luật để công bố một vị hiển thánh được tôn kính trong toàn thể Hội Thánh Công Giáo. Có ý kiến không đồng thuận việc tiến hành công cuộc thẩm tra quá sớm, vì e ngại sẽ thiếu khách quan và chịu sức ép tinh thần quá nặng của quần chúng, vì ngay lúc còn sinh thời, Mẹ đã được xem như một vị thánh sống. Do đó, mặc dầu được nhiều lời ủng hộ cho dự án thẩm tra các chứng cứ về đời sống thánh thiện của Mẹ ngay sau khi qua đời, trong đó, phải nói có trọng lượng đáng kể hơn hết chính là ý kiến đồng thuận của Đức Thánh Cha đương nhiệm lúc bấy giờ là Gio-an Phao-lô II. Kết quả, như đã thấy, cuộc thẩm định được coi như chỉ chính thức hoàn tất vào ngày Mẹ được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô công khai tuyên bố là hiển thánh ngày 4 tháng 9, năm 2016, nghĩa là gần ngót 20 năm trời sau khi Mẹ được Lòng Thương Xót của Chúa gọi về với Người. Tóm lại, Mẹ phải khiêm tốn chờ về sau ngày Đức Gio-an Phao-lô được công bố hiển thánh khoảng 2 năm và 4 tháng, dầu đã đi trước đấng kế vị Thánh Phê-rô những 8 năm.4
Về phương diện đức tin, thời gian 28 tháng đợi chờ để được chính thức tôn kính trong Hội Thánh không phải là thủ tục nặng nề cho mấy, vì lẽ “trước Thánh Nhan Chúa ngàn năm như thể một ngày.”5  Hơn nữa, một khi rời khỏi cõi đời nầy trong tình nghĩa thân thiết với Thiên Chúa là đã tức khắc được Hiền Phụ trên trời đón nhận vào Lòng Thương Xót Vĩnh Cửu.6   
Rốt cuộc, nỗi gian khổ lớn hơn lại chính là khi Mẹ cần đón nhận được lòng thương xót của con người, mà có vẻ nghịch lý hơn nữa là lòng thương xót của những người dân Can-cút-ta, thành phố từng trở thành quê hương thứ hai cho cuộc đời phục vụ của Mẹ.
Tiếng chì tiếng bấc bắt đầu râm ran ngay từ lúc danh tánh Mẹ Tê-rê-xa trở thành điểm chú ý của truyền thông quốc tế. 
Một cựu cư dân Can-cút-ta hiện đang sống và làm việc ở Hoa Kỳ lấy làm khó chịu vì địa danh thành phố chôn nhau cắt rốn của mình bị đánh mất căn tính cố hữu của nó khi danh tính và các hoạt động từ thiện của Mẹ Tê-rê-xa dần dần đem đến cho thành phố nầy một ý nghĩa mới không có gì đáng tự hào, bởi lẽ từ đây nó xuất hiện trước con mắt hiếu kỳ, soi mói của cộng đồng quốc tế trong dung mạo tiều tụy, ốm đói, khốn cùng.7 
Thiết nghĩ một số địa danh như Na-da-rét, Bê-lem ở Pa-lét-tin quả đã chịu ảnh hưởng của Chúa Giê-su để không còn bé nhỏ, tầm thường nữa trong lãnh địa Giu-đa.8  Ngay cả thành phố Rô-ma nổi danh nhiều thiên niên kỷ không chỉ là thủ đô chính trị của nước Ý, mà còn là biểu tượng tinh thần của Ki-tô Giáo toàn cầu, chỉ vì được gắn liền với danh tánh của vị ngư phủ xứ Ga-li-lê, Thánh Phê-rô, Đấng Đại Diện Chúa Ki-tô trên trần gian.
Một trí thức khoa bảng người Ấn Độ cáo buộc Mẹ lợi dụng việc từ thiện để truyền đạo, nên quan tâm chính của Mẹ là mở rộng ảnh hưởng của Ki-tô Giáo chứ không phải là việc chăm sóc bịnh nhân. Cũng có cáo buộc là các cơ sở từ thiện của Mẹ trang thiết bị y khoa nghèo nàn, các nữ tu không được đào tạo chuyên nghiệp, vì thế không chữa trì gì cho bịnh nhân mà chỉ kéo dài thêm đau khổ của họ. 
Lời phê phán như trên không phải là không có phần đúng, khi công cuộc từ thiện của Mẹ Tê-rê-xa phải bắt đầu từ con số không của cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản trị, kể cả trình độ chuyên môn về y khoa, tâm lý học hay xã hội học. Hơn nữa, các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Tê-rê-xa phục vụ như một tổ chức từ thiện bất vụ lợi. Chỉ có một điều chắc chắn là những người nghèo khổ cùng cực bị xã hội từ chối, lãng quên kia, một khi có tay Mẹ Tê-rê-xa và các nữ tu của Mẹ chăm sóc, được hưởng không hề thiếu bất kỳ phẩm chất, giá trị nào dành cho một nhân vị có phẩm giá, có quyền lợi, mà những hạng đại gia hay hoàng thân quốc thích vẫn phải mất biết bao tiền của để mua lấy. Thậm  chí, những con người bất hạnh kia còn khiến cho bao kẻ sống trên nhung lụa và ngồi trên chóp đỉnh quyền lực thế giới phải ganh tị, đơn giản vì họ—tương tự như Anh La-da-rô yên ấm ngồi trong lòng Tổ Phụ Áp-ra-ham—9 nhận được tình thương yêu, kính trọng của Mẹ Tê-rê-xa và các nữ tu đang phục vụ họ như phục vụ chính Chúa Ki-tô,10 còn những con người kia, dù có được tiếp đãi trọng vọng, cũng chỉ vì họ đang có tiền bạc và quyền lực.   
Một dư luận chống đối khá hiểm độc nữa nhắm vào mối tương quan của Mẹ Tê-rê-xa với một số cá nhân lãnh đạo hoặc chế độ độc tài để xin phép mở cơ sở từ thiện ở các quốc gia bị cộng đồng quốc tế lên án, cấm vận nầy. Vấn đề những người tung ra luồng dư luận nầy muốn nêu lên là liệu Mẹ Tê-rê-xa cũng có một tham vọng chính trị nào đó chăng.
Thật ra, mong muốn của Mẹ Tê-rê-xa là không để cho bất cứ một ranh giới địa lý, xã hội, văn hóa, kinh tế và cả chính trị nào giới hạn hành vi bác ái đậm tinh thần Tin Mừng Chúa Ki-tô. Như Thánh Phao-lô, Mẹ cũng sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi, oan ức, bất công để Chúa Ki-tô được nhận biết và yêu mến.11 Hơn nữa, cho đến cuối đời Mẹ, chẳng bao giờ có ai đưa ra được bằng chứng khẳng định những cáo buộc chính trị nói trên.
Ngày Vinh Thắng Của Lòng Thương Xót
Giây phút Mẹ Tê-rê-xa được Hội Thánh công khai nhìn nhận như một gương mẫu của đời sống bác ái hoàn hảo, tuy là kết quả tất nhiên của một chuỗi dài bao hoạt động từ thiện tuyệt vời khiến nhân loại say mê ngưỡng mộ, nhưng không hề ngụ ý một dấu chấm hết cho cảm hứng mạnh mẽ sẽ còn tiếp tục tác động trên nhiều thế hệ đang đến.
Vị nữ tu nhỏ nhắn, giản dị và khiêm tốn như Mẹ Tê-rê-xa lại trở thành lời khích lệ đầy uy lực thuyết phục cho mọi Ki-tô hữu thời nay rằng: ước mơ sống thánh thiện qua công việc bác ái là một việc khả thi, nằm trong tầm với của mọi người.
Hơn nữa, đức độ khiêm tốn của Mẹ Tê-rê-xa hình như là một thuộc tính luôn gắn chặt với cuộc đời Mẹ: khi còn sinh thời là một nữ tu nhỏ nhắn, giản dị, dễ gần gũi, ngay cả khi đã trở thành một nhân vật được quốc tế kính trọng; khi đã về với Chúa vẫn không để hào quang vinh hiển che khuất nét nhân bản, đặc tính đời thường của mình, hoặc cho phép vẻ linh thánh trấn áp, đe dọa, buộc thiên hạ phải cúi đầu, hạ thấp giọng. 
Lòng thương xót của Thiên Chúa bày tỏ nơi thân thế và sự nghiệp của Mẹ chẳng những được cảm nhận trong cuộc đời phục vụ khiêm tốn nhưng thành công rực rỡ của Mẹ, mà còn tiếp tục tỏa sáng mãi trong vai trò vị Thánh Bổn Mạng của những ai muốn trao tặng đời mình phụng sự Chúa Ki-tô nơi những con người bất hạnh nhứt trên đời.
Sau khi đi trọn con đường sứ vụ làm chứng cho tình thương Thiên Chúa, Mẹ Tê-rê-xa đã đạt tới Ngày Vinh Thắng của Lòng Thương Xót của Người.
Ca Khúc Tuyệt Diệu Của Lòng Thương Xót
Nhờ ơn Chúa quan phòng, phép lạ qua lời chuyển cầu của Chân Phước Tê-rê-xa xảy ra tại thành phố Santos, nước Bra-xin, vào năm 2008, phải chờ đến năm năm 2013 mới được được ghi nhận vào hồ sơ xin công nhận hiển thánh, rồi sau đó, mãi đến tháng 12 năm 2015 Tòa Thánh chính thức công nhận. Rốt cục, việc Hội Thánh công bố Mẹ Tê-rê-xa là hiển thánh trở thành một biến cố chính yếu trong Năm Thánh Kính Lòng Thương Xót. 
Ngay khi còn sinh thời, Mẹ Tê-rê-xa là tấm gương sáng phản chiếu Lòng Thương Xót Dịu Dàng của Thiên Chúa, bày tỏ ánh sáng tình yêu Thiên Chúa cho biết bao nhiêu người thông qua các việc từ thiện, vật chất lẫn tinh thần. Nay từ cõi trời, Mẹ vẫn tiếp tục hoàn thành sứ vụ của Mẹ khi thắp bừng lên ánh sáng soi cho những ai còn sống trong bóng tối của trần gian. Qua việc công khai công bố hiển thánh cho Mẹ, Hội Thánh giới thiệu Mẹ như là một gương mẫu và như một vị giúp chuyển lời cầu cho những ai, giống như Mẹ, ước mong thắp lên ngọn lửa tình thương và bình an cho toàn thể thế giới.
Mẹ quả đúng là vị thánh bổn mạng của những ai đang rất cần lãnh nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.12

----------------
1. Địa danh cũ của thành phố Kolkota ngày nay.
2. 2 Cr 12:10.
3. “Requiescat In Pace” (RIP).
4. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II và Đức Thánh Cha Gio-an XXIII được công bố hiển thánh ngày 27 tháng 4, năm 2014.
5. Tv 90:4; 2 Pr 3:8.
6. Xc Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1023.
7. Xc http://www.nbcnews.com/news/world/mother-teresa-s-canonization-controversy-clouds-nun-s-work-n641181
8. Xc Mt 2:6.
9. Xc Lc 16:23.
10. Xc Mt 25:40.
11. Xc Pl 3:8.
12. Trích Thư Thỉnh Nguyện Công Bố Hiển Thánh cho Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta, ngày 25 tháng 3, 2016, do Cha Brian Kolodejchuk, Dòng Thừa Sai Bác Ái, chấp bút.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks