ngày tháng năm

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

LỜI CẦU NÀO CHO TÀ QUYỀN?

Cát Nguyên

“Mọi giá trị xã hội đều nằm sẵn trong phẩm giá con người, và chúng tạo điều kiện cho con người được phát triển thực sự. Các giá trị chủ yếu ấy là sự thật, tự do, công bằng và yêu thương. Đem các giá trị ấy ra thực hành chính là phương cách chắc chắn và cần thiết để cá nhân được hoàn thiện và cuộc sống xã hội được nhân bản hơn. Các giá trị ấy chính là điểm tham chiếu không thể thiếu cho chính quyền vì họ là những người được mời gọi hãy tiến hành “cải cách có thực chất các cơ cấu kinh tế, chính trị, văn hoá và công nghệ, đồng thời tạo ra những thay đổi cần thiết trong các định chế” (Trích số 197, sách Tóm lược Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo.   Phần tô đậm do tác giả bài viết nhấn mạnh).

Chúng ta hãy theo hướng dẫn của Giáo hội để Xem và Xét cách ứng xử của những người đang nắm quyền tại Việt Nam hiện nay.
·         Sự thật có được tôn trọng không?
·         Tự do có được tôn trọng không?
·         Công bằng có được tôn trọng không?
Ba giá trị trên xin mời độc giả tự xử dụng những điều mỗi người chúng ta biết để Xem, Xét và có câu trả lời cho riêng mình.

Xem—Xét

Tác giả chỉ xin thử lướt qua vài sự kiện có liên quan đến giá trị thứ tư: Tình yêu có được tôn trọng và sử dụng không?


Từ tháng 4/2016 nổi lên thảm họa cá chết. Cá tầng sâu chết với số lượng lớn mà không rõ nguyên nhân trôi dạt vào bãi biển, bắt đầu từ bãi biển Vũng Áng, Kỳ Anh, sau kéo ra dọc 200km bờ biển suốt 4 tỉnh miền Trung, tóm tắt trong sơ đồ sau:




Hàng chục ngàn gia đình ngư dân, thợ lặn, kinh doanh dịch vụ du lịch bãi biển suốt 4 tỉnh miền Trung lao đao, khốn khó vì mất sinh kế lẫn lo sợ cho an toàn tính mạng. Người dân khắp nước hoang mang, lo âu vì sự an toàn của nguồn cá biển, muối[i], mắm[ii] cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Nhưng họ chờ mãi vẫn không nhận được một câu trả lời nào thỏa đáng từ những người chịu trách nhiệm, đang sống bằng tiền thuế họ đóng. Trong khi qua các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, có những nhà khoa học đã cho biết rằng chỉ cần 1 đến vài ngày là các phòng thí nghiệm tại Việt Nam có thể đưa ra kết quả xét nghiệm[iii]. Cả tháng trời đã trôi qua, vì vậy, vào các ngày 1/5, 8/5 và 15/5/2016 người dân sử dụng Quyền biểu tình của họ,  ghi trong điều 25 Hiến Pháp năm 2013, để yêu cầu nhà cầm quyền minh bạch thông tin, để nói lên diều người dân cần, trong thái độ ôn hòa. Việc làm hoàn toàn hợp hiến.

Nhưng những người đang nắm quyền lực trong xã hội đã hành xử thế nào?

Dưới đây là hình ảnh tiêu biểu, thể hiện cách hành xử của nhà cầm quyền, trong rất nhiều hình ảnh tràn ngập trên internet.

Ngày 1/5/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, một trong những người biểu tình tuần hành bị đánh đổ máu đầu khi nhân viên công quyền ngăn chặn người dân thực thi quyền của mình.

Ngày 8/5/2016, hàng trăm người biểu tình bị xách cổ quăng lên xe buýt, đánh đập, chà đạp, nhục mạ trắng trợn giữa đường phố và trên các xe buýt che kín rèm, trước khi đưa về sân vận động Lam Sơn, thành phố Hồ Chí Minh giam giữ.


Nguồn Internet

Trong hình trên, hãy chú ý cách người mặc thường phục màu đen giật ngược chiếc nón bảo hiểm trên đầu người bị bắt để xiết chặt cổ thanh niên này, trong tình trạng thanh niên biểu tình đã bị khống chế, khiêng đi bởi 2 người khác, trước sự thản nhiên chứng kiến của những người mặc cảnh phục (đây cũng là chứng cớ những ngưới mặc thường phục đang đánh người là an ninh, công an).

Và ngày 15/5/2016, nhà cầm quyền rút kinh nghiệm, hình ảnh hầu như không còn có thể xuất hiện mô tả quang cảnh trấn áp, vì một lực lượng rất lớn thường phục lẫn sắc phục đã canh giữ nghiêm ngặt, ai giơ máy lên chụp đều bị bắt, bị bắt buộc xóa hết hình, ngay cả của du khách ngoại quốc nếu họ chụp hình quanh khu vực ấy, thậm chí có những người bị giam nhiều ngày sau đó theo cách “Tao là luật và luật cũng là tao”. Chỉ còn những video, những bài viết của những nạn nhân bị bạo hành sau đó, kể lại cách đánh đập, nhục mạ và ngang nhiên giam cầm người dân bất chấp luật pháp, của các nhân viên công quyền, sau khi họ được trả tự do[iv]. Nạn nhân có thể là người tham gia biểu tình, nạn nhân cũng có nhiều người chưa hể có động thái tham gia biểu tình, mà chỉ vì xuất hiện ở khu vực ăn uống, sinh hoạt công cộng công viên 23/9, khu phố Tây ba lô, hay đi ngang qua thấy cảnh trấn áp giơ máy lên chụp lúc nhà cầm quyền muốn triệt tiêu mọi cơ hội tỏ thái độ của người dân ở đấy.

Khi những hình ảnh ấy đập vào mắt, đọc qua hay nghe qua lời kể của các nạn nhân có ai còn tính người mà lòng không tràn ngập nỗi xót xa, cay đắng?

Với tất cả những vụ việc vi phạm pháp luật một cách công khai như trên, có nhân viên công quyền nào bị trừng phạt không? Chưa hề thấy thông tin nào cho biết họ bị trừng phạt, ngược lại họ còn được khen thưởng:

Hãy tìm hiểu tiếp xem cách hành xử này có phổ biến không.

226 người chết trong nhà tạm giam, tạm giữ trong ba năm. Những cái chết bất thường ấy được gói gọn trong hai lý do: Bệnh lý và tự sát. Trong đó, số chết vì tự sát nhiều hơn. Trả lời Quốc hội, đại diện ngành công an lại chia việc tự tử trong đồn làm hai loại “treo cổ và tự sát”. Điều đó khiến đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phải hỏi ngược: “Vậy thì treo cổ là tự treo hay bị người khác treo? ”. Báo Pháp Luật, tp HCM ngày 21/3/2015. Tạm giam, tạm giữ nghĩa là chưa có kết luận họ phạm tội mà họ đã phải nhận hậu quả thảm khốc như vậy.

Vậy chúng ta phải kết luận thế nào về cách hành xử phổ biến này của những người nắm quyền lực trong xã hội Việt Nam hiện nay? Cách hành xử này là một chủ trương từ những người nắm quyền lực ở cấp bậc cao, thậm chí cao nhất, họ ngồi trong phòng lạnh và xem máu của người dân, nhân phẩm của người dân là thứ hoàn toàn vô nghĩa, vô giá trị. Với những gì xảy ra liên tục trong thực tế chúng ta có thể hoàn toàn được phép suy đoán theo hướng ấy. Bây giờ, hãy cứ bỏ qua khía cạnh vi phạm pháp luật của họ, hãy nhìn, hãy đọc, hãy ngẫm nghĩ xem có chút tình yêu nào giữa con người với con người ở đây không?

Không! Những người nắm quyền lực máu lạnh!

Nhưng chúng ta, những người Tin vào Thiên Chúa lại cũng được nhắc nhở hàng ngày rằng những kẻ máu lạnh ấy là anh em cùng CHA với chúng ta.

Tôi liên tưởng đến hình ảnh một gia đình có những người con nghiện ma túy. Những thành viên, những anh em khác trong gia đình phải đau khổ triền miên vì sự cướp bóc, trấn lột và bạo hành của những con nghiện. Chắc không ít lần họ nguyền rủa hoặc cầu xin cho những kẻ nghiện kia chết đi, biến mất đi cho họ thoát khổ. Chắc cũng có những lúc điên lên họ đập lại những kẻ nghiện kia với nỗi lòng căm hận. Nhưng cha mẹ già thì chỉ ...khổ đau. Khổ đau vì sự vô minh, sự tha hóa cùng cực của những người con nghiện ngập, lại tiếp tục khổ đau khi phải chứng kiến sự căm ghét, thù hận, đánh đập lẫn nhau giữa những đứa con trong nhà. Yêu đứa nào và bỏ đứa nào đây?!

Trên đất nước chúng ta hiện nay, những kẻ nắm quyền máu lạnh, những kẻ thừa hành ác độc chính là những con nghiện. Họ nghiện quyền lực, họ nghiện tiền bạc, họ nghiện cướp bóc, họ nghiện được thể hiện mình bằng cách chà đạp người khác dưới gót chân của họ. Quyền lực, tiền bạc, sự cướp bóc, nhu cầu thể hiện mình một cách bệnh hoạn đã thống trị con người họ, họ là những con người nô lệ, nên thiếu nhân tính.
“Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam”.

Làm

Đã rất nhiều công việc được biết bao người đã và đang cố gắng làm, để giải thoát những thành viên khốn khổ trong cái đất nước có những con nghiện ấy: Có những người, những cộng đoàn âm thầm xây dựng và bảo tồn nhân tính nơi cộng đồng, nhất là cộng đồng những người trẻ. Có những ngàn người cùng nhau cầu nguyện cho người bị áp bức, bị chà đạp qua các thánh lễ. Có những cố gắng đương đầu để phá bỏ những thứ xấu xa. Nhưng còn một công việc nữa, có lẽ ít được quan tâm hơn: Cầu nguyện thiết tha, cầu nguyện kiên trì, cầu nguyện hết lòng và cầu nguyện chung, cho những con nghiện.

Làm sao chúng ta có thể cầu nguyện cho những kẻ máu lạnh đang coi sự đánh đập, chà đạp con người là bình thường, đang ngồi nơi nhà cao cửa rộng, cha mẹ, con cái, anh em ăn trên ngồi trước, sở hữu và sẵn sàng có nơi an toàn để cao chạy xa bay khỏi đất nước này, trong khi biến kẻ dưới quyền tội nghiệp, ít hiểu biết thành công cụ vô nhân tính phục vụ họ?!

Hình như chỉ có cách quay nhìn về trái tim tan nát của cha mẹ già trong gia đình khốn khổ.

Có thể, chúng ta không đủ sức để cầu nguyện cho những người anh em nghiện ngập vô nhân tính ấy xuất phát từ tình yêu thương họ, nhưng hướng về sự đau khổ, tan nát trái tim của “cha mẹ già” trong căn nhà khốn khổ ấy là Lòng Thương Xót Chúa Cha, là cơn suy sụp với mồ hôi máu của Chúa Con, thì chúng ta sẽ có đủ sức lực để cùng nhau, thiết tha, kiên trì cầu nguyện cho những con nghiện này.

Có lẽ “cha mẹ già” đang khao khát từ chúng ta những lời cầu xin tha thiết cho chính những đứa con hoang đàng nắm quyền ác độc.

Xin cho họ được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ những loại nghiện ngập, xin cho họ được “khỏe mạnh” lại về phần tâm linh, xin cho họ ý thức phẩm giá làm Người của họ, xin cho họ nhận biết phận làm con Thiên Chúa của họ.

Khi họ được giải thoát, được tự do trước sự nghiện ngập thì cũng là lúc mọi thành viên gia đình được hưởng  bình an. Lúc ấy, toàn thể gia đình bình an, hạnh phúc: chính những kẻ nghiện, cùng mọi người anh em, và vui nhất lúc ấy chắc chắn là “cha mẹ già” của tất cả chúng ta.

Lời cầu nguyện này, lời cầu nguyện xuất phát từ cái nhìn hướng về trái tim tan nát của “cha mẹ già”, vì vậy thiết tha từ đáy sâu tâm hồn cộng đồng chúng ta cùng Chúa Thánh Linh, xin giải thoát cho những người anh em nắm quyền lực đang nô lệ cho sự nghiện ngập tham lam, ác độc; có phải chính là lời cầu nguyện hợp ý THIÊN CHÚA CHA chúng ta?






[i] Đến ngày 20/5/2016 tình trạng đã phải báo động  http://www.tienphong.vn/xa-hoi/kiem-tra-khan-cap-kim-loai-nang-trong-muoi-1006560.tpo
[ii]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/15-tan-ca-thoi-tren-xe-vao-nam-3392077.html
[iii]https://www.youtube.com/watch?v=1KcFw0WZ9Nw
[iv]http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160517_protest_detained_hcm_city




Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks