ngày tháng năm

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

GIA SẢN CHẮT CHIU



MẨU BÚT CHÌ

Có những điều tưởng chừng quá bé nhỏ, tầm thường, nhưng sao cứ lưu trong tâm trí, cứ ấm lên trong lòng. Có những nếp nghĩ, nếp làm đơn sơ, nhưng cứ truyền từ đời nọ đến đời kia, ăn sâu vào bản tính, tạo nên nét văn hoá riêng - như một gia sản ở mỗi con người, mỗi gia đình và mỗi dân tộc.


Càng bước xa trong hành trình cuộc đời, người ta lại thường hay ngoảnh lại chiêm ngắm ký ức. Ký ức - có lẽ cũng là nơi đọng lại những gì tinh tuý nhất của văn hoá con người. Tôi vẫn thường cảm tạ trời đã ban cho tôi những kí ức đẹp, không phải để hoài niệm, nuối tiếc, nhưng để chắt lọc, bồi đắp cho hiện tại và tương lai.

Tôi nhớ ngày ấy, làng tôi sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm. Sáng sáng, Ông tôi cõng gùi trên lưng đi hái lá dâu. Trưa, trời nắng như đổ lửa, Ông lại cõng gùi về. Bọn trẻ chúng tôi biết trong cái gùi lá dâu to tướng ấy, thể nào ông cũng vùi đâu đó một bụm trái dâu chín mọng, được gói cẩn thận trong hai ba chiếc lá dâu to. Vừa thả cái gùi xuống, chưa kịp gạt mồ hôi, là ông đã lấy ngay bụm trái ra chia cho đàn cháu đang vây quanh. Đứa bé nhất thì được những trái lớn nhất, mọng nhất, còn đứa lớn hơn phải nhận những trái bé hơn, kém ngon hơn. Thường thì ngay lúc ấy, anh Tư của tôi sẽ đi rót một bát nước chè tươi mang đến mời ông. ông vẫn đứng đó, vừa nhấp nháp bát nước, vừa ngắm đàn cháu nội hả hê sung sướng ăn dâu, rồi khoe nhau hàm răng tím rịm...


Chỉ là chuyện vài trái dâu tằm cỏn con, hay có lúc là dăm trái ổi, chùm bồ quân..., thế thôi, nhưng lớn lên, chúng tôi vẫn giữ được nếp ấy, có gì ngon, anh em đều chia nhau, đứa lớn nhường đứa nhỏ. Đến lúc anh Hai tôi lập gia đình, Ba tôi họp đàn con tám đứa lại, dạy cho chúng tôi hiểu rằng từ nay mọi người phải chung tay góp sức để giúp anh Hai xây dựng gia đình mới, và phải xử sự tử tế với chị Hai. Anh em chúng tôi ai nấy đều háo hức vì được trao cho nhiệm vụ mới. Cứ thế, tám anh em lần lượt ra đi xây dựng cuộc sống riêng trong sự thương yêu, đùm bọc của nhau.


Mỗi khi trời trở lạnh, tôi lại nhớ cái se se của tiết xuân phả vào đất trời làm lòng người nôn nao. Tôi nhớ những cơn mưa phùn lất phất như sương trong ngày Tết - mà người làng tôi thường gọi là mưa xuân. Dưới cơn mưa ấy, bọn trẻ chúng tôi xúng xính trong bộ quần áo mới, cắp tay nhau vừa đi quanh xóm, vừa hát những bài vè quen thuộc... Những hình ảnh thơ ngây ấy như vẫn tinh khôi đâu đó trong lòng tôi, để rồi có lúc lại nhắc nhở tôi chớ cẩu thả vẽ nên những trang buồn trên cuộc đời con cái mình!


Thuở nhỏ, mấy đứa cháu gái bé tí xíu chúng tôi cứ thích rúc rích bên nách bà để nghe Bà hát dân ca Đất Quảng, hò đối đáp, và cả những câu hát ru rất đậm chất Quảng Nam. Tôi mê lắm! Thuộc vanh vách từng câu. Để rồi khi xa quê hương, di cư vào nam, tôi nhớ thương quê nhà đến rớt nước mắt. Nhớ quá, tôi bèn nghĩ ra trò chơi đứng gập người xuống, mặt cúi sát đất để chỉ nhìn thấy được mỗi khoảng đất dưới chân, rồi tưởng tượng rằng mình đang đứng trên khoảnh sân ở quê nhà, chỉ cần nhích qua trái một chút sẽ gặp ngay hàng chè tàu có phủ đầy dây tơ hồng rực rỡ, nhích lui một chút sẽ đụng cây ổi xá lị có trái thơm lừng, ngọt xớt... Và, khi kết thúc trò ấy, bao giờ nước mắt tôi cũng rơi lã chã xuống sân. Lòng tôi nhớ da diết cái đình làng có cây phượng thật to, nhớ khúc sông Quảng Đợi chiều chiều ra bến tắm, nhớ những ngày giỗ, Tết, ngày việc tộc, việc làng đông vui rộn rịp... Những ngày ấy, anh em nhà chú, nhà bác tụm lại chơi với nhau, rồi kéo qua nhà nhau ngủ chung, thân tình biết mấy, vui ơi là vui! Cứ thế, dẫu nghèo mà nghĩa tình đầy như bát nước.

Bây giờ con cái tôi có nhiều thứ “riêng tư” hơn, thích nhốt mình trong phòng với chiếc điện thoại, máy tính, không thích đi ra ngoài - hoặc giả có đi thì chỉ thích đi xem phim, mua sắm hay vào quán cà phê, trà sữa, chẳng hứng thú gì đến chuyện thăm viếng họ hàng, cũng không thích ai đến “quấy rầy” mình. Càng hiện đại, càng dồi dào phương tiện thì người ta càng thưa thớt thăm viếng nhau, tình nghĩa càng nhạt nhẽo, xa cách. Con người “thời hiện đại” - trong đó có tôi - dường như quá say sưa, hồ hởi với cái mới, cái tân thời, nên ơ hờ với những nét đẹp của văn hoá truyền thống đầy nhân nghĩa - một nền văn hoá vốn không cần truyền đạt bằng những ngôn từ hoa mỹ hay những phương pháp được nghiên cứu kỹ lưỡng, mà bằng những hành động cụ thể, và bằng cả tấm lòng. Những điều ấy không ghi vào trí nhưng lắng lại trong tim, trong tiềm thức, và rồi đi vào suy nghĩ, vào đời sống thực tiễn dễ dàng cứ y như đương nhiên nó phải thế thì mới không ray rứt lương tâm.


Thời nay được mệnh danh là thời của “cơn lốc truyền thông”. Chỉ cần một cái “nhấp chuột”, người ta đã có thể biết được chuyện gì đang xảy ở phía bên kia trái đất. Có quá nhiều thứ để biết, quá nhiều thứ để học, và cũng quá nhiều thứ gây hoang mang, cứ cuồn cuộn dồn tới rồi trôi đi, cuốn con người trôi dạt trên bề mặt của cuộc sống mà quên đi tìm cái thẳm sâu của các chiều kích con người. Đứng trước cái hào nhoáng của cuộc sống hiện đại, người ta cứ ngỡ mình ngày càng giàu có, phong phú, nhưng liệu sự “giàu có” đó có hướng đến phục vụ con người, nâng cao nhân phẩm, giữ được cái hồn của văn hoá dân tộc, và hướng xã hội đến sự phát triển toàn diện và bền vững? Hay nó chỉ xô bồ, rỗng tuếch, lai căn, mất gốc, chứa đựng nhiều cạm bẫy và tàng ẩn nhiều hiểm hoạ?

Ông bà, cha mẹ tôi - những nông dân chân lấm tay bùn, những tưởng chẳng có gia sản gì quý giá để lưu lại cho con cháu - thế nhưng những con người đơn sơ ấy đã nhẹ nhàng, nhũn nhặn, ngày qua ngày khắc vào lòng con cháu những ý niệm rất đẹp về nhân, tình, lễ, nghĩa, tín, trung..., và đổ đầy tâm hồn chúng tôi những cảm xúc ngọt ngào về tình yêu quê hương, tổ quốc - thứ cảm xúc cao quý mà nơi không ít những bạn trẻ ngày nay, nó đã bị khô cạn một cách đáng ngạc nhiên và đáng lo ngại. Với tôi, những lụm cụm, chắt chiu của ông bà, cha mẹ ngày xưa - những điều mà có lúc tôi đã xem nhẹ - có hay đâu lại chính là những đôi cánh chim câu chở vào đời tôi biết bao nhiêu ý nghĩa!

Tôi sớm tối cặm cụi kiếm tiền để lo cho con cái no đủ, tiện nghi, có học có hành cho bằng anh bằng chị. Bề ngoài có vẻ cũng “khá giả”, nhưng thực chất tận đáy lòng, dường như vẫn có cái gì đó thật cằn cỗi, nghèo nàn so với cái ấm áp, chan chứa nghĩa tình thuở hàn vi.

Chợt chột dạ tự hỏi: tôi đang tìm kiếm điều gì? “Làm giàu” cho những giá trị nào? Những giềng mối nào tôi đã giữ được và đã đánh mất? Và nếu như không để lại được cho con cái tôi cái gia sản văn hoá lớn lao mà tôi đã đón nhận được từ ông bà - và đã không làm cho nó dồi dào phong phú hơn - thì thật có lỗi và thật thất bại!

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks