ngày tháng năm

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

ÔNG BOB KERREY VÀ ‘LÒNG THƯƠNG XÓT’

Đình Vượng

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama từ 23-25 tháng 5 năm 2016 được xem là chuyến đi lịch sử, đánh dấu mốc quan hệ bình thường hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sáng ngày 23, buổi gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama, hai bên đã đạt một số thỏa thuận quan trọng, và buổi họp báo chiều cùng ngày, Tổng thống Obama chính thức công bố việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho VN, nhưng cho biết thêm, việc mua bán vũ khí còn tùy thuộc yếu tố nhân quyền của Việt Nam. Ông cũng bày tỏ lạc quan, vui mừng khi Đai học Fulbright chính thức được nhà nước cấp phép hoạt động, thêm nữa, Đoàn Hòa bình “Peace Corps” sẽ đến giúp VN trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển cộng đồng, môi trường, y tế và thanh thiếu niên, trước mắt, dạy tiếng Anh và đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh.

Như để thể hiện thiện chí từ phía VN khi cho phép mở Đại học Fulbright, sáng 25 tháng 5 dưới sự chứng kiến của Bí thư Đinh La Thăng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cho ông Bob Kerrey Chủ tịch FUV. Các văn kiện ký kết vẫn còn mới, chưa ráo mực thì báo mạng Zing của VN chất vấn ‘vai trò Chủ tịch Đai học Fulbrigh VN (FUV) của ông Bob Kerrey, và BBC liên tục đưa tin với nhiều quan điểm trái chiều. Bài viết này cũng xin được đóng góp một góc nhìn khác về cách ‘đối nhân xử thế’ trong sự kiện ông Bob Kerrey xuyên qua ‘Lòng Thương Xót’

Một Chút Về Lòng Thương Xót Và Năm Thánh Lòng Thương Xót                                                                                                                                                                                   
Lòng thương xót không phải là từ ngữ ủy mị và cũng không phải là khái niệm trừu tượng xa rời cuộc sống. Không nên nhầm lẫn với lòng thương hại chỉ là cảm xúc tự nhiên chóng qua, nó chỉ là nghĩa cử ‘chợt đến, chợt đi’. Một từ ngữ khác, lòng trắc ẩn, cũng diễn tả ý nghĩa của lòng thương xót. Trong hai chữ trắc ẩn 惻隱 đều hàm chứa lòng thương xót, tự điển Thiều Chửu và nhiều tự điển Hán Việt khác cùng giải thích thương xót, xót xa, bùi ngùi. Lòng thương xót không nỡ làm khổ ai hay trông thấy sự khổ của người khác gọi là trắc ẩn.
Lòng thương xót một đặc tính yêu thương cao quý chỉ có nơi con người. Kinh Thánh Cựu Ước, tiếng Hêbrơ dùng chữ rahanim hàm chứa tấm lòng (entrailles) và tử cung (utérus) của người mẹ mang nặng đẻ đau trước khi bé chào đời, từ VN tương ứng và sát với nghĩa này là lòng dạ

“Một chút lòng thương xót sẽ làm cho thế giới ít lạnh lùng hơn và công chính hơn…”
Ngày 17 tháng ba 2013, buổi đọc kinh Truyền tin đầu tiên với các tín hữu ở quảng trường thánh Phêrô sau khi mới được bầu chọn giáo hoàng, Đức Phanxicô đã bầy tỏ như trên về lòng thương xót. Ngày 11.04.2015, ngài ban hành Thông điệp Misericordiae Vultus (Dung Mạo Lòng Thương Xót), công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, kéo dài từ ngày 8.12.2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đến ngày 20.11.2016, lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ.

Dung mạo lòng thương xót thể hiện rõ ràng qua Đức Giêsu Kitô “Chúa Giêsu Kitô chính là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Mầu nhiệm Kitô giáo được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Lòng thương xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nazareth, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. Chúa Cha, Đấng “giàu lòng thương xót” (Eph 2,4)… đã sai Người Con duy nhất đến thế gian… để mạc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của Người. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (Ga 14,9). Đức Giêsu Nazareth đã mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân Người. (Misericordiae Vultus, số 1).

Logo Năm Thánh với khẩu hiệu: “Thương xót như Chúa Cha” (Lc 6,36), muốn nhắn nhủ người tín hữu: Nếu tên của Chúa là thương xót thì tên của người tín hữu phải phản ánh lòng thương xót Chúa, được mời gọi hãy sống và thực thi lòng thương xót Chúa trong môi trường sống của mình, thực thi lòng thương xót đối với tha nhân bằng thái độ tôn trọng kẻ khác, biết cảm thương và chia sẻ những nỗi đau của tha nhân, và tha thứ một sự tỏ bày yêu thương hoàn hảo quan trọng của Lòng Thương Xót.

Lòng thương xót là cần thiết, không chỉ dành cho tín hữu Công giáo mà cho hết mọi người, thánh Gioan-Phaolô II, trước đây, khi công bố Thông điệp “Dives in Misericordia” (Giàu Lòng Thương Xót) tại Roma ngày 30 tháng 11 năm 1980, nhấn mạnh lòng thương xót của Chúa là một ưu phẩm kỳ diệu, mạnh mẽ hơn tất cả mọi sự dữ có mặt trong thế gian, lòng thương xót không làm con người bị bẽ mặt, nhưng trái lại, ban tặng cho con người một giá trị mới. Trong Thông Điệp nầy, thánh Gioan Phaolô II cắt nghĩa tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta qua việc giải nghĩa dụ ngôn người con hoang đàng. Ngài hy vọng Thông điệp là “một lời kêu gọi chân thành của Giáo Hội về lòng thương xót mà nhân loại và thế giới hiện đại rất cần”.
Lòng thương xót, mercy (Anh), miséricorde (Pháp) và tiếng Latin misericordia, “Chữ misericordia trong tiếng La Tinh có nghĩa đen là có tâm hồn gần người nghèo (miseri); có quả tim cùng đập một nhịp với người nghèo”, hồng y Kasper, tác giả cuốn sách suy tư về lòng thương xót có ảnh hưởng đến triều giáo hoàng Phanxicô, nhắc lại.

Hai từ thương xót của người Việt cũng thấm thía. Thương, tự nó biểu thị sự rung cảm trước nỗi khổ của đồng loại. Xót, khiến người ta phải hành động bằng những việc làm đầy nhân ái, yêu thương trong nhiều cử chỉ dù nhỏ bé nhất… Dụ ngôn người Samaritanô (x. Lc 10, 25-37) nhân hậu phản ảnh đúng hai từ thương xót này. Đây là chuyện kể nổi tiếng nhất trong Tin Mừng và ảnh hưởng của nó sâu rộng đến nỗi trong văn hoá phương Tây ngày nay, thuật ngữ "Người Samaritanô" được dùng để chỉ người luôn mở rộng lòng nhân ái, sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người khốn khó. Thương bằng lời thôi chưa đủ mà nên xót bằng hành động. Thương xót!

Bob Kerrey Là Ai ? Tại Sao Lại Đặt Vấn Đề ?

Ông Bob Kerrey từng là thượng nghị sĩ của bang Nebraska, từng là ứng viên vị trí tổng thống Mỹ năm 1992, hiện nay là Chủ tịch hội đồng tín thác (President of Board of Trustees) của Đại học Fulbright Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng là một nhà quản lý giáo dục rất xuất sắc khi tham gia lãnh đạo Đại học Harvard và New School. Các chuyên gia giáo dục liên quan đến dự án thành lập FUV rất tin tưởng vào vai trò của ông Kerrey.
Trong chiến tranh Việt Nam, Kerrey là một đại uý hải quân và từng liên quan đến vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong, Bến Tre vào năm 1969.
Báo mạng Zing, tờ báo mạng đầu tiên, ngày 30.5, đặt lại vai trò Chủ tịch Đai học FUV bằng cách trích dẫn chi tiết phóng sự điều tra “Một đêm kinh hoàng ở Thạnh Phong” của Gregory L. Vistica viết cho New York Times hồi năm 2001. BBC cho biết, (trích nguyên văn) bài viết đầu tiên ở Zing có tựa đề "Lãnh đạo Đại học Fulbright tham gia thảm sát trong Chiến tranh Việt Nam" hiện đã bị lược bỏ nhiều và thay bằng tựa "Lãnh đạo Đại học Fulbright xin lỗi việc gây ra trong chiến tranh". Trong bản đầu tiên của bài viết, hiện vẫn còn bản lưu, tác giả Thanh Tuấn nhắc lại chi tiết vụ thảm sát ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em ở xã Thạnh Phong, Bến Tre hồi tháng Hai năm 1969 mà cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerrey, người vừa được cử làm lãnh đạo Đại học Fulbright, bị cho là có "tham gia"; và bình luận: "Việc lựa chọn một người từng tham gia những tội ác nghiêm trọng như vậy trong cuộc chiến để lãnh đạo một dự án đại học quan trọng khiến nhiều người đặt dấu hỏi liệu đó có phải là quyết định phù hợp. Đặc biệt khi ông Kerrey không phải thật sự thành công với dự án Đại học New School mà ông từng làm hiệu trưởng từ 2001-2010 ở New York."

Phản ứng của ông Bob Kerrey
Bob Kerrey không ngần ngại nhận sai lầm quá khứ của mình, viết cho BBC ngày 31.5 “Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin là đã được xem xét kỹ...” Trước đó, ông cũng email cho Zing với lời xin lỗi nhân dân Việt Nam một cách thành khẩn: “Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới”. Chẳng những xin lỗi suông, Bob Kerrey còn muốn thực hiện việc làm cụ thể để hối lỗi: "Nhưng một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright."
Dư luận trái chiều về Chức danh Chủ tịch FUV của ông Bob Kerrey
Để chấp nhận sự hiện diện của ông Bob Kerrey trong chức vụ Chủ tịch FUV là điều không dễ dàng khi truyền thông VN khơi lại nỗi đau thương mất mát người dân VN phải chịu đựng qua “Đêm kinh hoàng ở Thạnh Phong, Bến Tre”
"Mắt đền mắt, răng đền răng", đó là công thức của luật báo thù. Người ta xúc phạm đến tôi bao nhiêu, tôi phải làm lại cho người đó bấy nhiêu. Đó là đòi hỏi chính đáng tự nhiên lý luận về công bằng. Luật trả thù này đã được ghi chép thành văn trong bộ luật của vua xứ Babylon năm 1750 TCN. Trong Bộ Ngũ Kinh, người ta cũng có thể đọc thấy vài công thức của luật trả thù này.

Vậy nên, không ngạc nhiên khi Zing đưa bài viết của Bà Tôn Nữ Thị Ninh với tựa đề “Lẽ nào không còn ai khác ngoài ông Bob Kerrey?”, rồi truyền thông VN “dậy sóng”, báo Người Lao Động đã không ngại phê phán vai trò Chủ tịch FUV của ông: “Riêng người dân, họ không được lý giải vì sao ông Bob Kerrey từng dính líu đến vụ thảm sát ở Thạnh Phong, nay trở lại Việt Nam không phải để xin lỗi mà làm "chủ tịch" một trường ĐH dạy theo kiểu Mỹ tại Việt Nam. Đó là lý do tại sao từ khi biết quá khứ của cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, mạng xã hội dậy sóng. Nhiều người đặt câu hỏi và thử tự trả lời:Tha thứ hay tiếp tục thù hận?

Nhưng lòng thù hận có giải quyết được gì đâu, liệu sự công bình ở đây có thể là một phương thuốc chữa lành vết thương dân chúng Thạnh Phong từng chịu đựng? Kinh nghiệm quá khứ và hiện tại cho thấy chỉ có công bình không thì chưa đủ, và thậm chí công bình có thể dẫn đến chỗ phủ nhận những việc ông đang làm cho nhân dân VN như để chuộc lỗi lầm, và cũng huỷ diệt lòng vị tha nhân ái vốn có nơi mỗi người VN.

Không phải mọi người dân VN "tiếp tục thù hận’’, họ thấy rằng tha thứ ở trong trường hợp này là chính đáng. Ngoài nhận định có tính cách chính trị, phiên họp báo thường kỳ chiều 2.6, phóng viên Báo điện tử Infonet đã đặt câu hỏi tới Bộ Ngoại giao và nhận được câu trả lời từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình “Những đau thương mất mát mà người dân Việt Nam trải qua trong chiến tranh là rất to lớn và không có gì có thể bù đắp được. Hậu quả chiến tranh là vấn đề mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực giải quyết. Với truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, chúng tôi luôn nỗ lực hợp tác, tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”, các nhận định khác đều biểu hiện tính nhân văn trong cách ứng xử của người VN.

BBC làm cuộc phỏng vấn nhiều nhân vật được nhiều người biết đến: Nhà báo Trương Huy San; Bà Đỗ Thị Minh Thùy, chuyên gia về truyền thông, sau khi thực hiện chuyến đi về Thạnh Phong, gặp những nhân chứng ngày nào… bà viết trên báo Time “…Con người mạnh dạn đối mặt với những gì xảy ra trong quá khứ, ngoài việc gửi những lời xin lỗi tới nạn nhân từ đáy lòng và hơn hết là nỗ lực làm việc không ngừng để bù đắp tội lỗi gây ra sẽ là người thanh thản bước tới." Ông Lương Hoài Nam, cựu Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar viết trên Facebook rằng ông chọn tha thứ: "Ở tuổi 74, ông trở lại Việt Nam với một dự án đại học phi lợi nhuận như nỗ lực cuối đời với đất nước nơi mà ông đã từng phạm sai lầm, ta lại đuổi ông đi, tôi cảm thấy không yên tâm với chính bản thân tôi.” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại đại học George Mason, Washington DC cho rằng, trong việc này chỉ có một câu hỏi rõ rệt là "có tha thứ hay không tha thứ". "Có hai điều, thứ nhất, là nó phù hợp với truyền thống mà Việt Nam vẫn nói là rộng lượng và tha thứ, thứ hai là phù hợp với chính sách của chính phủ là gác quá khứ, hướng tới tương lai".

Gần đây nhất, trả lời Tuổi trẻ (ngày 4.6) xoay quanh những tranh cãi sự kiện Bob Kerrey, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói “Tôi thiết nghĩ trong vấn đề liên quan đến ông Bob Kerrey, chúng ta nên được soi sáng bởi cách xử lý và truyền thống tự trọng, nhân ái, vượt qua thù hận, vị tha, và hướng tới tương lai của ông cha ta trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc. Nếu chúng ta không giầu lòng tha thứ, thì dân tộc này đã không thể mạnh mẽ và đáng được kính trọng như ngày hôm nay. Lịch sử thì không thể thay đổi, nhưng tương lai lại tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa.”

Sự Kiện Ông BobB Kerrey Gíup Tôi Nhậm Ra Gía Trị Lòng Thương Xót

Những tranh cãi về vai trò Chủ tịch FUV của Bob Kerrey chưa phải chấm dứt. Tha thứ hay không tha thứ, tùy quan điểm mỗi người. Bob Kerrey vẫn là Bob Kerrey, người ta không thể quên quá khứ từng ‘nhúng máu’ ở Thạnh Phong, Bến Tre của ông nhưng cũng không thể phủ nhận lời xin lỗi chân thành và việc làm như để tạ lỗi của ông hiện nay. Vả lại, Kerrey cũng không phải là người quá tha thiết chức vụ Chủ tịch, hãy ghi nhận lời ông nói: “Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm chủ tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trường", trả lời Nhà báo Nguyễn Hùng đài BBC.

Rồi những tranh cãi về Ông Bob Kerrey sẽ khép lại và Đại học Fulbright VN vẫn tiến hành như đã thỏa thuận, nhưng còn đó lời kêu mời của các thông điệp về Lòng Thương Xót có liên quan đến sự kiện này: Người Việt sẽ nhân bản hơn nếu bên cạnh sự công bình có lòng thương xót của sự tha thứ khi ứng xử giữa người với người, đó là điều kiện nền tảng của sự hoà giải. Nếu thiếu tình thương xót thì sự công bình chỉ như chiếc máy chém lạnh lùng và con người có thể lạm dụng sự công bình phục vụ tính ích kỷ của mình. Thánh Thomas d’Aquin “Công chính mà không có lòng thương xót chỉ là hung ác, thương xót mà không công chính là mẹ của bê tha trụy lạc”, Hồng y Kasper nhắc nhở tín hữu khi nhìn người để thực thi Lòng Thương Xót “Đánh giá công minh, không hành xử như máy chém nhưng chừa một cánh cửa cho lòng thương xót, có nghĩa là để cho người kia có được một bước khởi đầu mới nếu họ có thiện tâm”.

Ghi Chú:
1/ Chi tiết về Ông Bob Kerrey, xin vào BBC xem mục viết về Bob Kerrey và Đại học Fulbright VN và những bài viết liên quan.
2/Liên quan đến Năm thánh Lòng Thương Xót xin vào http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/LongThuongXot/MainLTXChua.html với nhiều bài viết đề cập đến Lòng Thương Xót.

Đó là hai nguồn tư liệu chính của bài viết này. Bạn cũng có thể tìm thêm thông tin đến Ông Bob Kerrey, vào google gõ “Bob Kerrey” có “Khoảng 676.000 kết quả (0,57 giây) “

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks