ngày tháng năm

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

TỰ VẤN BỐN KHÔNG

Đăng Minh Quang

“Chúng ta không thể dửng dưng trước bất cứ điều gì của trái đất”

(ĐGH Phanxicô, Laudato Sí)

Lòng dân Việt Nam xôn xao lo lắng từ khi thảm họa môi trường ập đến miền biển của xứ dân gầy.

Vị Giám mục ở miền Trung chắc đã thấy tận mắt và nghe tận tai những tiếng khóc than rên rỉ của con người và thiên nhiên vạn vật.

Ngài chắc đã đọc đi đọc lại Thông điệp Laudato Si’ về “Chăm sóc ngôi nhà chung” của Đức Phanxicô ban hành năm 2015 từ Rôma.

Có sự rung động đồng cảm giữa vị Giám mục Thành Rôma và vị Giám mục Việt Nam: Phải lên tiếng.

Thế là từ Xã Đoài Thành phố Vinh ngày 13  tháng 5 kỷ niệm 99 năm ngày Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima đã xuất phát lá Thư Chung gửi các linh mục, giáo dân và mọi người.

Thư gồm ba phần chính, xây dựng theo phương pháp XEM – XÉT – LÀM.

Lời mở đầu Thư giới thiệu phần XEM: “Trong những ngày qua, chúng ta đau lòng CHỨNG KIẾN [XEM] thảm họa ô nhiễm môi trường biển chưa từng thấy”.

Ta xem thấy gì? “Tôm, ngao sò, chim chóc, rừng ngập mặn đột nhiên chết hàng loạt, hệ sinh thái của thềm lục địa bị phá hủy. Hàng triệu ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, làm muối, buôn bán hải sản, kinh doanh dịch vụ ăn uống và du lịch... đột nhiên rơi vào cảnh thất nghiệp và điêu đứng vì nghề nghiệp mưu sinh hoàn toàn bị đảo lộn”.

Phần XÉT bắt đầu bằng lời mời gọi: “Đứng trước thảm trạng này, chúng ta phải có thái độ như thế nào?”

Thái độ cần có dựa theo Giáo huấn của Hội Thánh, cụ thể là:
  • · Công Đồng Vaticanô II: 
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của người môn đệ Đức Kitô, không có gì đích thực nhân loại mà không có âm vang trong cõi lòng người Kitô hữu” (CĐ Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 1).
  • · Thông điệp Laudato Sí: 
“Chúng ta cần biết rằng việc phá hoại môi trường, làm nhơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những độc tố là tội lỗi, và sẽ gánh lấy hậu quả. Vì ‘tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa’ (ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 8)”.

“Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxiô, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời, chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu các nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế - kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội (x. ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 53 và số 59)”.

Phần thứ ba là phần LÀM: “Vì thế, tôi tha thiết mời gọi Anh Chị Em thể hiện căn tính Kitô hữu của mình, có trách nhiệm với quê hương đất nước và các thế hệ tương lai, đồng thời hiệp thông chia sẻ với những người đang là nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường bằng những việc LÀM cụ thể sau đây:

- Biết sẵn sàng từ bỏ lối sống hưởng thụ coi thường môi sinh và cương quyết không sản xuất, chế biến “thực phẩm bẩn” gây hủy hoại sức khỏe, tổn thương đến tính mạng của đồng bào mình; từ bỏ lối phát triển kinh tế không những không bền vững mà còn hủy hoại đến môi sinh;

- Giúp đỡ những anh chị em đang là nạn nhân của thảm họa này qua sự thăm viếng, động viên tinh thần cũng như giúp đỡ bằng vật chất;

- Chủ động tiêu hủy, chôn cất một cách an toàn nhất có thể, những sinh vật biển bị chết để ngăn chặn chất độc phát tán; không tàng trữ, buôn bán những hải sản, thực phẩm chế biến từ hải sản đã nhiễm độc hoặc nghi ngờ nhiễm độc;

- Hợp tác với những cá nhân và tổ chức thành tâm thiện chí để tìm ra nguyên nhân gây thảm họa, đồng thời nỗ lực tìm kiếm biện pháp khắc phục thảm họa này;

- Thực hiện quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các Công ước Quốc tế quy định; thể hiện một cách ôn hòa quyền đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng với công lý.”

Trong Thư Chung, ta đọc thấy các chữ KHÔNG được lặp đi lặp lại:

1. KHÔNG thể dung thứ thái độ VÔ CẢM đối với môi trường.

2. KHÔNG thể dung thứ với sự VÔ TRÁCH NHIỆM đối với môi trường.

3. KHÔNG được tác hại đến các THẾ HỆ TƯƠNG LAI trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu hiện tại.

4. KHÔNG lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế - kỹ thuật để phá hoại ĐẤT NƯỚC, TỰ DO cũng như CÔNG BẰNG XÃ HỘI.

Việt Nam có nhiều gian nan, âu cũng chẳng thừa khi tự vấn mình dựa vào BỐN KHÔNG của Thư vị Giám mục vùng đất Nghệ An.

- Quả thật, vô cảm đang lên ngôi?

- Quả thật, vô trách nhiệm đang thắng thế?

- Quả thật, tràn đầy ưu tư và lo lắng cho tương lai khi nhìn vào hiện tại Việt Nam?

- Quả thật, Việt Nam còn bất công, Việt Nam tha thiết có tự do và đất nước thì đang bị phá hoại bởi những kẻ có quyền lực và bởi những mô hình kinh tế-kỹ thuật không theo hướng phát triển con người toàn diện?

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks