ngày tháng năm

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO CÓ NHỮNG NGUYÊN TẮC CHÍNH NÀO?

Đan Quang Tâm

Theo sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, Giáo huấn xã hội Công giáo có 4 nguyên tắc chính: phẩm giá con người, công ích, liên đới và bổ trợ.


Phẩm giá Con người

Không ai có thể diễn giải tốt hơn Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong các trích đoạn dưới đây:

“Con người là duy nhất, độc đáo, và không thể lập lại được, một ai đó được nghĩ đến và lựa chọn từ đời đời, một ai đó được gọi tên và được định danh”.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Giáng sinh, 25 tháng 12 năm 1978 

“Nếu ta nhìn phẩm giá con người từ nguồn gốc và vận mệnh của nó, ta mới thấy được nét rực rỡ của nó: được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và được cứu chuộc bằng Máu châu báu của Đức Kitô, con người được kêu gọi làm “con trong người Con” và là đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, để được hưởng đời sống vĩnh cửu hiệp thông hồng phúc với Thiên Chúa. Do đó, mọi xúc phạm đến nhân phẩm của mỗi người đều bị trừng phạt trước mặt Thiên Chúa, và là sự xúc phạm đến Đấng Sáng Tạo con người”.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Ki tô hữu Giáo dân, 37 

“Qua việc Nhập thể, Con Thiên Chúa, một cách nào đó, đã kết hiệp chính mình với bất kỳ con người nào. Trong biến cố cứu độ này, nhân loại đã tiếp nhận không những mặc khải về Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Đấng “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16), mà cả mặc khải về giá trị không thể so sánh của mọi nhân vị con người”.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Phúc Âm Sự Sống, 2 

Công ích

“Công ích là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn”.
Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 26 

“Một xã hội mong muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp độ là một xã hội phải lấy công ích – ích lợi của hết mọi người và của con người toàn diện – làm mục tiêu tiên quyết của mình. Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân mình, nếu bỏ qua sự kiện là con người hiện hữu “với” người khác và “vì” người khác.
Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình,
Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 165. 

“Công ích gồm ba yếu tố cơ bản: tôn trọng và thăng tiến các quyền cơ bản của con người, phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của xã hội, kiến tạo hòa bình và an ninh cho tập thể và các thành viên”.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1925 

“Phẩm giá của con người đòi hỏi mưu cầu công ích. Mỗi người phải quan tâm cổ võ và yểm trợ những tổ chức nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của con người”.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1926 

Bổ trợ

Nguyên tắc này xác lập gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội – Giáo hội đầu tiên, và nhà trường đầu tiên về tình yêu, hòa bình và công bằng. Tất cả các cấu trúc trong xã hội phải được phán đoán theo mức độ chúng nâng đỡ gia đình.

“Phải tôn trọng “nguyên tắc bổ trợ”: “Một đoàn thể cấp trên không được can thiệp vào sinh hoạt của một đoàn thể cấp dưới, lấy mất các chức năng của họ”. Đúng hơn, phải nâng đỡ đoàn thể nhỏ hơn khi cần và giúp phối hợp hoạt động của đoàn thể đó với các hoạt động của những thành phần khác của xã hội nhằm phục vụ công ích”.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Bách Chu Niên, 48 

“Quyền của gia đình không chỉ là tổng số các quyền của con người, bởi vì gia đình còn hơn tổng số các thành viên riêng rẽ của nó. Khi nào gia đình tự túc được thì để cho gia đình tự do hành động; một sự can thiệp thái quá của Nhà nước có thể gây hại và còn tạo thành một sự vi phạm công khai các quyền của gia đình. Chỉ trong những tình huống nào mà gia đình không tự túc lo liệu được, thì Nhà nước mới có quyền và có nhiệm vụ can thiệp”.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thư cho các Gia đình, 17 

Liên đới

Liên đới mang ý nghĩa sâu xa hơn từ thiện nhiều. Liên đới là đối xử với tha nhân như một cái tôi khác. Liên đới là nhìn vào nhau, không ngoảnh mặt đi, nhưng quan tâm đến tận nguồn cơn tình cảnh của tha nhân.

“Liên đới không phải là một cảm giác xót thương mơ hồ hoặc đau buồn hời hợt trước cảnh khốn quẫn của biết bao người gần xa. Trái lại, đó là một quyết tâm vững chắc và lâu bền dấn thân phụng sự công ích; nghĩa là phụng sự điều thiện ích của tất cả và mỗi một người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm đối với mọi người.”
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Quan tâm đến các vấn đề xã hội, 38 




Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks