ngày tháng năm

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Tóm lược hầu hết các giáo huấn trong Vatican II


Sau đây là phần tóm lược của hầu hết các giáo huấn trong Công Ðồng Vatican II. Các văn kiện này có thể chia làm hai loại: các văn kiện liên hệ đến chính đời sống Giáo Hội Công Giáo, kể cả sự tương giao với các Kitô Hữu khác, và các văn kiện liên quan đến sự tương giao giữa Giáo Hội Công Giáo và thế giới, kể cả những người ngoài Kitô Giáo.

Văn Kiện Về Ðời Sống Giáo Hội Công Giáo[1] (kể cả sự tương giao với các Kitô Hữu khác) 

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Lumen Gentium). Các giám mục của Công Ðồng Vatican II đã viết hai hiến chế, là các tóm lược về giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực học thuyết. Hai hiến chế này đề cập đến các nét chính yếu mà Giáo Hội hiểu biết về chính mình. 

Như chúng ta đã biết, sự chấm dứt đột ngột của Công Ðồng Vatican I trước đây đã khiến công đồng này không thể đề cập gì đến vai trò và trách nhiệm của giám mục, linh mục, tu sĩ, và giáo dân. Ðiều khẳng định của Công Ðồng Vatican I về quyền tối thượng và sự bất khả ngộ của đức giáo hoàng thì rất quan trọng (được tái xác nhận trong hiến chế tín lý Lumen Gentium), nhưng công đồng này đã để lại trong đầu óc người Công Giáo một hình ảnh chưa trọn vẹn của Giáo Hội. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II hoàn tất những gì Công Ðồng Vatican I khởi sự. Sau đây là tóm lược của mỗi chương: 

1. Mầu Nhiệm Giáo Hội. Chương đầu nhấn mạnh rằng, một cách chính yếu Giáo Hội không phải là một tổ chức, nhưng là một công trình của Thiên Chúa. Giáo Hội là một mầu nhiệm như Ðức Giêsu Kitô là một mầu nhiệm: đó là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và loài người. Giáo Hội là một bí tích, hoặc là một tiếp nối hữu hình của Ðức Giêsu Kitô trong thế giới mà Ngài đã sáng lập nên. 

2. Dân Chúa. Chương này cũng nhấn mạnh rằng, chính yếu Giáo Hội không phải là một cơ cấu tổ chức nhưng là dân của Giao Ước Mới được chọn để trở nên dân riêng, là nhiệm thể của Chúa trong thế giới. 

3. Giáo Hội Phẩm Trật. Chương này xác nhận rằng Giáo Hội mà Ðức Giêsu thành lập gồm các vị lãnh đạo có chức thánh, họ là những ơn sủng của Thiên Chúa để dẫn dắt dân Ngài khi tiếp tục sứ vụ của Ðức Giêsu trên trần gian. Chương này cũng bàn đến nhiệm vụ của đức giáo hoàng, giám mục, linh mục, và phó tế. 

4. Giáo Dân. Phần này đề cập đến vai trò tư tế, vương đế và ngôn sứ của Ðức Giêsu Kitô được chia sẻ cho những người Công Giáo không có chức thánh, hay không khấn trọn. Ðây là một chương quan trọng công nhận vai trò tích cực và phẩm giá trọn vẹn của giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo. Họ không phải là công dân hạng hai nhưng là tham dự viên trọn vẹn trong sứ vụ của Ðức Kitô. 

5. Lời Mời Gọi Toàn Thể Giáo Hội Nên Thánh. Chương này nhấn mạnh rằng tất cả Kitô Hữu được mời gọi để nên thánh. Tất cả Kitô Hữu, không chỉ linh mục và tu sĩ, được mời gọi để trở nên thánh. Công đồng xác nhận rằng mỗi ơn gọi đều có một phương cách riêng để đạt tới sự thánh thiện. 

6. Tu Sĩ. Chương này xác nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của những ai đã tận hiến cho Ðức Kitô qua các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Chương này nhấn mạnh đến giá trị và sự thích đáng của đời sống tu trì đối với thế giới hiện đại dựa trên ba nhân đức Phúc Âm này. 

7. Giáo Hội Lữ Hành. Chương này nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội chỉ là một lữ khách trên trần gian; mục tiêu và căn nhà thật của Giáo Hội là sự hợp nhất với Thiên Chúa ở thiên đàng. Chương này cũng nhấn mạnh đến sự hợp nhất hay hiệp thông giữa Giáo Hội lữ hành với các phần tử của Giáo Hội đang được thanh tẩy trong luyện ngục cũng như với những người đã được vinh hiển trên thiên đàng. Sự tương giao này thuờng được gọi là các thánh thông công. 

8. Ðức Maria. Chương sau cùng của văn kiện được dành để đề cập đến vai trò quan trọng của Ðức Maria như người mẹ và gương mẫu của Giáo Hội, cũng như vai trò của ngài trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Trong chương này, thay vì có một văn kiện riêng về Ðức Maria như một vài người đề nghị, các giáo phụ công đồng đã bao gồm những tranh luận về Ðức Maria trong chương này để nhấn mạnh rằng, trước hết và trên hết, Ðức Maria là một phần tử của Giáo Hội chứ không "ở trên" Giáo Hội. Ðức Maria cũng là một phần tử của cộng đồng các tín hữu được cứu chuộc qua ơn sủng của Ðức Giêsu Kitô. 

Mặc dù hiến chế này là văn kiện chính yếu của Công Ðồng Vatican II, còn có các sắc lệnh khác khai triển những gì được tóm lược trong hiến chế. Ðó là: Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân; Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục; Sắc Lệnh về Sự Huấn Luyện Linh Mục; Sắc Lệnh về Sự Canh Tân Ðời Sống Tu Trì; và Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ Giám Mục. Tất cả các sắc lệnh này là những khai triển thêm và chi tiết hóa các nguyên tắc liên hệ trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội. Ðiều này không có nghĩa chúng không quan trọng, trái lại, chúng rất cần thiết để một người Công Giáo hiểu biết đầy đủ về các phương cách khác biệt của đời sống và ơn gọi đã tạo nên cộng đồng dân Chúa. Cũng giống như các mẩu đá của một bức khảm, khi được ráp lại với nhau chúng tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ, thì mọi phần tử trong Giáo Hội cũng giống như vậy. 

Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Giáo Hội Công Giáo không chỉ giới hạn trong lễ điển Rôma. Sắc lệnh này nói lên sự mỹ miều và quan trọng của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, đó là các giáo hội cũng dưới thẩm quyền của đức giáo hoàng nhưng theo các lễ điển khác với Rôma. Trong quá khứ, các giáo hội này thường bị bỏ quên hay không được coi là một thành phần đích thực của Giáo Hội Công Giáo, chỉ vì khác truyền thống hoặc vì số ít. Sắc lệnh này cho thấy, nhờ có các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương mà Giáo Hội Công Giáo thêm đa dạng và mỹ miều. Ðối với người Công Giáo, hợp nhất không có nghĩa giống nhau. 

Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh. Ðây là văn kiện đầu tiên được thảo luận và biểu quyết trong Công Ðồng Vatican II, và là văn kiện có ảnh hưởng ngay lập tức đến đời sống và cảm nghiệm hàng ngày của người Công Giáo. Nền tảng cho hiến chế này được soạn thảo bởi các học giả từng làm việc trong hai mươi năm hay hơn về vấn đề cải tổ và canh tân phụng vụ Công Giáo. 

Ðiểm chính của hiến chế là "sự tham dự tích cực". Giáo dân không còn là quan sát viên trong phụng vụ mà họ phải tích cực góp phần trong việc thờ phượng Chúa. Nhiều thay đổi thực tiễn mà hiến chế đưa ra nhằm giúp giáo dân hiểu biết và tham dự vào phụng vụ dễ dàng hơn. Tỉ như, Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng bản xứ được coi là một điều có thể thực hành ngay, và đã được hầu hết các giám mục trên toàn thế giới thi hành trong các giáo phận. 

Ðiều thường bị chỉ trích về hiến chế này, nếu có, là sự áp dụng vào thực tế quá mau chóng hoặc không giải thích đầy đủ, khiến người Công Giáo không kịp thích ứng. Ở một vài nơi, vấn đề xảy ra là khi các linh mục vi phạm các chỉ dẫn rõ ràng của hiến chế, tỉ như không ai được thay đổi Lời Nguyện Thánh Thể đã được chuẩn nhận. Hoặc một số thừa tác viên không có chức thánh nhưng đã được cho phép thi hành một số nghi thức dành riêng cho chức thánh. Những lạm dụng ấy đã tạo nên các căng thẳng không cần thiết và sự hoang mang trong giới Công Giáo. 

Hiến chế cũng góp phần quan trọng khi làm sáng tỏ quan điểm của người Công Giáo về phụng vụ, tỉ như về Thánh Lễ, người Công Giáo coi đó như một tưởng nhớ hoặc diễn lại sự hy sinh có giá trị ngàn đời của Ðức Kitô trên đồi Can-vê xưa, chứ không phải Ðức Kitô lại hy sinh một lần nữa. 

Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum). Một diễn đạt chính thức khác về học thuyết căn bản của Giáo Hội Công Giáo được tìm thấy trong hiến chế tín lý này. Hiến chế tiếp tục hướng dẫn và khuyến khích các học giả Kinh Thánh mà sự khích lệ ấy đã được khởi sự từ thời Ðức Giáo Hoàng Piô XII với thông điệp Divino Afflante Spiritu. Hiến chế này cổ võ việc sử dụng các phương pháp hiện đại để chú giải Kinh Thánh trong khi vẫn nhắc nhở các học giả rằng, quyết định sau cùng về giá trị của những khám phá mới thì tùy thuộc ở đức giáo hoàng và các giám mục, là những người tạo thành huấn quyền (magisterium) của Giáo Hội Công Giáo. 

Hiến chế này khẳng định rằng Thiên Chúa đã tiết lộ chân lý của Ngài qua loài người, do đó Phúc Âm có thể coi như "lời của Chúa trong ngôn ngữ loài người." Hiến chế này tóm lược sự hiểu biết của Công Giáo về cách chuyển trao và loan truyền chân lý của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Hiến chế giải thích rằng, trong khi chỉ có một nguồn mặc khải, là chính Thiên Chúa, chân lý của Ngài đến với Giáo Hội qua các nguồn hợp nhất và phụ thuộc lẫn nhau, đó là Kinh Thánh, truyền thống thánh, và magisterium, là một tôi trung của lời Chúa -- bởi lắng nghe, gìn giữ và giảng dạy lời ấy một cách trung tín. 

Sau khi nhìn lại Cựu Ước và Tân Ước, hiến chế chấm dứt với một chương về "Kinh Thánh trong Ðời Sống Giáo Hội" nhằm cổ vũ mọi người Công Giáo, nhất là linh mục và tu sĩ nam nữ, hãy nghiên cứu và đọc Phúc Âm cách kiên trì, "đắm chìm trong Phúc Âm bởi việc kiên trì học hỏi một cách sùng kính và chuyên cần nghiên cứu." 

Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo. Giáo dục là lưu tâm chính của người Công Giáo và Kitô Hữu nói chung. Nhu cầu tự do tôn giáo đích thực trong các trường Kitô Giáo cũng có một vị thế và cơ hội đồng đều để được hỗ trợ tài chánh như các trường công. Quan điểm của Công Giáo về phương cách giáo dục cũng được duyệt xét. 

Sắc Lệnh về Hiệp Nhất. Sắc lệnh này thực sự khởi đầu một kỷ nguyên mới trong sự tương giao giữa Công Giáo và các giáo phái Kitô Giáo khác. Gạt bỏ mọi tự hào chiến thắng của quá khứ, Giáo Hội Công Giáo công khai thú nhận là có góp phần trong lỗi lầm chia cắt Kitô Giáo. Văn kiện khẳng định rằng người Công Giáo phải coi các Kitô Hữu khác như anh chị em trong Ðức Kitô, dù họ khác biệt trong niềm tin và cách thờ phượng. Sắc lệnh cũng nhìn đến một số khác biệt đã chia cắt Công Giáo với Tin Lành và Chính Thống Giáo, nhưng nhấn mạnh đến các điều tin tưởng chung. 

Trong chương "Các Nguyên Tắc Hợp Nhất của Công Giáo," một số hướng dẫn thực tế được đưa ra cho người Công Giáo khi họ tham dự các sinh hoạt hợp nhất, tìm cách kết hợp với các Kitô Hữu khác. Người Công Giáo được khuyến khích hãy khởi xướng việc xây dựng sự hợp nhất với Kitô Hữu khác. Nhưng hãy thận trọng, tránh một "thái độ hòa giải lầm lạc" -- đó là khi quên đi các khác biệt thực sự đã chia cách Kitô Giáo hoặc cho rằng đức tin Công Giáo là lầm lạc để đi đến sự hợp nhất. Thí dụ, sắc lệnh này khẳng định rằng chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới có đầy đủ ơn cứu chuộc mà Ðức Giêsu Kitô đã đem xuống cho loài người. Người Công Giáo cũng không tin vào việc rước lễ chung với các Kitô Hữu khác cho đến khi có sự hiệp thông trọn vẹn (tuy nhiên các giám mục có thể ban cho ngoại trừ về vấn đề này). Mặc dù người Công Giáo không muốn nêu lên các điều tin tưởng này trong vấn đề hợp nhất, họ cũng không được chối bỏ hoặc tương nhượng các tín điều ấy. Sắc Lệnh Hợp Nhất cho rằng sự hợp nhất đích thực được dựa trên chân lý. Ðiều này có nghĩa mọi Kitô Hữu phải tiếp tục trung thành với điều họ thực sự tin tưởng, tín thác vào ơn của Chúa và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần để đem họ lại với nhau như ý Chúa muốn. Cho đến khi sự hợp nhất trọn vẹn được thể hiện, sắc lệnh khuyến khích người Công Giáo hãy kết hợp với Kitô Hữu khác trong sự phục vụ, trong việc cầu nguyện chung, và chia sẻ đời sống Kitô Hữu trong các phương cách khác nhau, tất cả nhằm đề cao sự hợp nhất của dân Chúa. 

Công Ðồng Vatican II: Văn Kiện Về Sự Tương Giao của Giáo Hội Công Giáo với Thế Giới[2] (kể cả những người ngoài Kitô Giáo) 

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes). Ðây là văn kiện duy nhất mà công đồng gọi là hiến chế mục vụ. Chữ "hiến chế" nói lên tầm quan trọng của văn kiện đối với đời sống Giáo Hội; chữ "mục vụ" muốn nói rằng văn kiện đem lại hướng dẫn thực tiễn cho người Công Giáo. Hiến chế này hiện thực hoá niềm khao khát của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, khi ngài muốn cập nhật hoá Giáo Hội qua sự tiếp xúc với các nhu cầu và hoàn cảnh của thế giới. Hiến chế này được chia làm hai phần: (1) trình bầy tổng quát về sự hiểu biết của Giáo Hội về hoàn cảnh con người hiện nay và sự tương giao giữa Giáo Hội với con người thời đại; và (2) duyệt xét một số lãnh vực đặc biệt khẩn thiết trong đời sống nhân loại ngày nay. 

Tiền đề căn bản của phần thứ nhất là phẩm giá con người, là hình ảnh của Thiên Chúa. Giáo Hội không tách biệt với thế giới và các khó khăn của nó, nhưng là một phần của các khó khăn và mong muốn cùng với các người thiện tâm tìm kiếm các giải pháp. Văn kiện mạnh mẽ nói lên sự tin tưởng của Giáo Hội Công Giáo rằng, giải pháp đích thực cho mọi hoàn cảnh khó khăn và vấn đề của con người, và sự thoả đáp mọi hy vọng của con người, chỉ được tìm thấy nơi Ðức Giêsu Kitô. Ðức Giêsu, là Con duy nhất của Thiên Chúa, đã thực sự mặc lấy bản tính nhân loại và đã chiến thắng mọi sự dữ, mọi tội lỗi, và thần chết, đem lại cho loài người niềm hy vọng sẽ được chia sẻ chính sự chiến thắng ấy. 

Phần thứ hai của hiến chế thảo luận về các lãnh vực đặc biệt: phẩm giá của hôn nhân và đời sống gia đình, sự phát triển thích hợp về phương diện văn hóa, kinh tế và đời sống xã hội, cộng đồng chính trị, việc duy trì hòa bình và củng cố cộng đồng các quốc gia. Sự tóm lược ngắn gọn vừa kể chỉ đem lại cái nhìn sơ sài về một viễn ảnh rộng lớn của văn kiện dài nhất trong Công Ðồng Vatican II. Mặc dù văn kiện cố gắng thiết thực hóa, mục đích chính của văn kiện là cung ứng các nguyên tắc để hướng dẫn người Công Giáo về cách liên hệ với thế giới hiện đại và cách tiếp cận với một vài lãnh vực được đặc biệt lưu tâm. 

Tuyên Ngôn về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate). Công Ðồng Vatican II cũng có cái nhìn tích cực về các tôn giáo ngoài Kitô Giáo. Văn kiện này khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo tôn trọng bất cứ gì là chân thật và thiện hảo trong các tôn giáo này, và văn kiện còn nói rằng, trong sự thương xót của Thiên Chúa, Ngài có thể ban ơn cứu độ cho những ai chưa chấp nhận Kitô Giáo nhưng sống theo chân lý mà họ biết được qua lương tâm. Tuy nhiên, văn kiện cũng nhấn mạnh rằng Kitô Hữu phải không ngừng loan truyền tin mừng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô cho những người ngoài Kitô Giáo, Ngài là Ðấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại. Nhiều người có thể bị hư mất vì không được biết tin mừng đó. 

Một phần lớn của tuyên ngôn đề cập đến người Do Thái, là những người có liên hệ đặc biệt với Kitô Hữu qua ông Abraham, Môisen, các ngôn sứ, và tất cả những ai trung thành chuẩn bị cho việc giáng thế của Ðức Kitô. Mọi thái độ bài-Do Thái hoặc kỳ thị đối với người Do Thái đều bị tuyên ngôn tẩy chay mạnh mẽ. 

Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội (Ad Gentes). Khi đọc Tuyên Ngôn về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, một số người Công Giáo đã kết luận sai lầm rằng không cần phải đi truyền giáo để phúc âm hóa những người ngoài Kitô Giáo nữa. Sắc lệnh này làm sáng tỏ ý nghĩa của Tuyên Ngôn về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, đó là mệnh lệnh của Ðức Giêsu "hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt. 28:19) vẫn tuyệt đối xác thực và cần thiết trong ngày nay. Sắc lệnh này kêu gọi việc tổ chức các công cuộc truyền giáo sinh động nhằm đưa những ai chưa được nghe hoặc chưa chấp nhận Phúc Âm về với Ðức Giêsu Kitô. Sắc lệnh còn đưa ra các chỉ dẫn thực tiễn về cách thức tổ chức sinh hoạt truyền giáo và làm thế nào để có hiệu quả. 

Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae). Ðây là một biến cố lớn trong tư duy Công Giáo. Trong nhiều thế kỷ trước, người Công Giáo chấp nhận giả thuyết rằng sự tự do chỉ có thể ban cho những ai có đức tin chân chính; điều đó có nghĩa nhà cầm quyền có thể đàn áp các tôn giáo lầm lạc. Tuyên ngôn này nói rằng mọi người đều có quyền tự do tuân giữ và thực hành bất cứ tôn giáo nào họ muốn mà không bị ép buộc, miễn là họ tôn trọng ích lợi chung cũng như quyền lợi của người khác về việc sống đức tin. Căn bản của văn kiện này là giúp ý thức một cách sâu đậm hơn về phẩm giá con người mà sự tự do lựa chọn tôn giáo của họ được tôn trọng một cách trọn vẹn. 

Sắc Lệnh về Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica). Là một trong những văn kiện được hình thành và biểu quyết sớm nhất trong công đồng, sắc lệnh này đôi khi bị chỉ trích vì thiếu chiều sâu hoặc tính cách uyên thâm như các văn kiện khác. Tuy nhiên, nó bao gồm các nguyên tắc cũng như các hướng dẫn luân lý quan trọng cho việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, là một vấn đề rất quan trọng trong thời đại mà các phương tiện thông tin phát triển mau chóng và sự tuyên truyền được sử dụng để ảnh hưởng đến quần chúng trong thời đại ngày nay. Tuyên ngôn này chỉ là bước khởi đầu, vì Giáo Hội cần có thêm những giáo huấn cần thiết để hướng dẫn người Công Giáo và thế giới trong lãnh vực nhiều mâu thuẫn này. 

Chuyển dịch từ cuốn "The Compact History of the Catholic Church" của Alan Schreck, giáo sư thần học của Ðại Học Steubenville thuộc dòng Phanxicô ở Ohio. 

----------------------------

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks