ngày tháng năm

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Hướng dẫn học hành

Bài 1- Lời nói đầu quyển Đức Giêsu thành Nazareth của ĐGH Bênêđictô 

Tác giả: Nhóm Thần học gia Hoa Kỳ gồm Mark Brumley, M.T.S., Matthew Levering, Ph.D.,Thomas Harmon, M.A., Laura Dittus, M.A. 
Nhà Xuất bản: Ignatius Press, San Francisco, 2008 
Phiên Dịch: Nhóm Thiện Chí 

Tóm lược 

Những năm gần đây, nhiều người thực hành phương pháp gọi là phương pháp phê bình lịch sử trong việc nghiên cứu Kinh thánh đã cho rằng Đức Giêsu của lịch sử rất khác với Đức Giêsu mà Giáo Hội biết đến qua đức tin. Đức Bênêđictô XVI viết quyển Đức Giêsu thành Nazareth để trình bày Đức Giêsu của Phúc Âm là một nhân vật lịch sử đáng tin. Nói cách khác, ngài nói rằng Đức Kitô của đức tin – Đức Giêsu mà Giáo Hội công bố – là Đức Giêsu của lịch sử. 

Đức Bênêđictô công nhận những đóng góp quý báu mà phương pháp phê bình lịch sử cung cấp cho cả học giả và người không chuyên. Tuy nhiên, ngài cũng đánh giá giới hạn của phương pháp – đơn thuần đó chỉ là một phương pháp lịch sử. Khi đến chỗ cung cấp chân lý toàn diện về Đức Giêsu, phương pháp này thiếu điều mà đức tin của Giáo Hội đem lại. Với tư cách là một phương pháp thực tiễn, phương pháp phê bình lịch sử dựa trên những điều có thể quan sát được hoặc có thể khám phá chỉ từ những gì lịch sử ghi chép. Điều này loại bỏ đi các thực tại tâm linh và nội tâm, vốn không xem thấy mà cũng chẳng sờ chạm đến được. Bởi vì là một phương pháp lịch sử, nên phương pháp phê bình lịch sử để Đức Giêsu ở trong quá khứ, cắt đứt Người ra khỏi những người tin ở thời nay. 

Chân lý quan trọng nhất về Đức Giêsu là sự hiệp thông của Người với Chúa Cha - một thực tại được trình bày cho Giáo hội trong lịch sử qua lời nói của Ngài, việc làm của Người, Phúc Âm, các chứng tá của các tông đồ về Người - chỉ có thể hoàn toàn hiểu được qua đức tin. Sự hiệp thông với Đức Giêsu trong Giáo Hội không để Đức Giêsu thực trong quá khứ, mà kết nối một cách năng động người tín hữu thời nay với Người. Đức Bênêđictô sẽ cố gắng trong suốt quyển sách để không bao giờ đánh mất cái nhìn đức tin, trong khi đồng thời sẽ tận dụng những gì mà phương pháp học thuật phê bình-lịch sử cống hiến. 

Dàn ý 

I. Các trình thuật Phúc Âm có phải là chứng tá thực cho Đức Giêsu Nazareth? 

1. Giới học giả thiên về Đức Giêsu của lịch sử thường kết thúc ở bức chân dung mới của Đức Giêsu, được tái hiện từ chứng cứ và suy xét, và khác với các chân dung Phúc Âm. 
2. Rudolph Schnackenburg, một nhà chú giải Công giáo nổi tiếng, cho thấy cả khó khăn lẫn giải pháp (dưới hình thức đang hình thành). 
3. Schnackenburg xem các Phúc Âm như những lớp truyền thống qua đó người ta phải xuyên thấu để nắm được một cái nhìn về Đức Giêsu Nazareth. 
4. Schnackenburg xem các Phúc Âm làm chứng cho một Đức Giêsu Nazareth là người hưởng một sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa – Đức Giáo hoàng Bênêđictô sẽ rút ra sự hiểu biết này trong cuốn sách Đức Giêsu thành Nazareth của ngài. 

II. Phương pháp của Đức Bênêđictô trong việc trả lời câu hỏi trên 

A. Phương pháp phê bình lịch sử có một đóng góp quan trọng bởi vì Đức Giêsu đã sống, đã chết và đã sống lại trong lịch sử nhân loại (do đó đức tin không thể bỏ qua một bên sự kiện lịch sử). 

B. Phương pháp phê bình lịch sử có những giới hạn 

1. Lời Kinh Thánh không bao giờ chỉ là quá khứ, như phương pháp phê bình lịch sử yêu cầu – các chân lý Kinh Thánh không cần phải được nhà chú giải làm cho hiện diện sống động thời nay; đúng hơn, các chân lý Kinh thánh hiện nay vẫn đang hiện diện sống động. 
2. Lời Kinh Thánh không phải chỉ là lời con người, mà là một lời Thiên Chúa chứa đựng khả năng được hiểu càng ngày càng sâu xa hơn. 
3. Tính thống nhất của các sách Kinh Thánh không thể nào hiểu được qua phương pháp lịch sử bởi vì sự thống nhất này đến từ Thiên Chúa hơn là bản thân sự thống nhất là một điều người ta có thể rút ra từ việc nghiên cứu mỗi quyển Kinh Thánh – sự sắp đặt của Thiên Chúa là điều nối kết các ngữ cảnh lịch sử khác nhau 
4. Phương pháp lịch sử không thể đạt đến điều gì ở bên ngoài các giả thuyết về những gì đã xảy ra, trong khi các sách Kinh Thánh yêu cầu sự đáp trả của đức tin. 

C. Đức Bênêđictô do đó đặc biệt chuẩn nhận phương pháp chú giải theo quy điển (BrevardChilds), là phương pháp đọc các văn bản Kinh Thánh cả ở trong bản thân những văn bản ấy (nghĩa là, trong chính ngữ cảnh lịch sử của chúng) lẫn theo sự sắp xếp chúng thành quy điển và ý nghĩa của chúng – lối chú giải theo quy điển phù hợp với Hiến chế Tín lý về Thiên Chúa Mạc khải Dei Verbum của Công đồng Vatican II, số 12). 

1. Bước then chốt là ở chỗ học làm thế nào để phân biệt được sự thống nhất của Sách Thánh và những gì diễn ra trong đó, nhất là liên quan đến Cựu Ước và Tân Ước – sự thống nhất này được tìm thấy qua đức tin vào Đức Giêsu Kitô (người được biết đến trong lịch sử). 
2. Linh hứng của Sách Thánh liên quan đến việc tác giả nhân loại nói trong một ngữ cảnh chung mà ngữ cảnh này lại được Tác giả Thiên Chúa hướng dẫn. 
3. Sách Thánh xuất hiện từ mối quan hệ của Thiên Chúa không phải đối với các cá nhân, mà là đối với Dân Thiên Chúa; toàn thể Dân Thiên Chúa là những người soạn thảo và diễn giải Sách Thánh, là sách được tác giả Thiên Chúa giảng dạy và hướng dẫn. 
4. Sách Thánh dẫn dắt Dân Thiên Chúa, và Sách Thánh cũng sống trong Dân Thiên Chúa: sự tương tác này giữa Sách Thánh và Giáo Hội, - vì đó mà các lời của Sách Thánh luôn luôn nói đến các thực tại hiện nay, - thuộc về việc Dân Thiên Chúa được hợp nhất với Thiên Chúa và như thế siêu việt trên các giới hạn của con người trần thế trong Đức Kitô nhập thể. 

III. Đức tin và lý trí 

A. Cách duy nhất để giải thích phản ứng của các giới chức Do Thái đã dẫn đến khổ hình thập giá của Đức Giêsu là vì Người xưng mình là Thiên Chúa, cách duy nhất giải thích ảnh hưởng tác động của Đức Giêsu là sự Phục sinh của Người; như vậy cách tiếp cận của Đức Bênêđictô đi quá điều mà phương pháp chú giải phê bình-lịch sử nghĩ rằng có thể cho thấy, trong khi ngài vẫn biết ơn sâu sắc đối với khoa chú giải hiện đại – vì đức tin cần kết hợp với cách suy luận lịch sử. 

B. Quyển sách của Đức Bênêđictô không phải là huấn quyền, mà chỉ là nghiên cứu cá nhân của ngài. 

Câu hỏi để hiểu 

1. Sự cách biệt giữa "Đức Giêsu của lịch sử" và "Đức Kitô của đức tin" mang ý nghĩa gì dưới ánh sáng lời khẳng định của Đức Bênêđictô rằng Đức Giêsu Kitô đem Thiên Chúa đến với con người? 
2. Các giới hạn của phương pháp phê bình lịch sử mà Đức Bênêđictô tìm cách khắc phục trong quyển Đức Giêsu thành Nazareth là gì? Ngài nói gì về nguồn gốc của các giới hạn này? 
3. Mặc dù phương pháp phê bình lịch sử có những hạn chế, tại sao Đức Bênêđictô lại xem phương pháp đó là không thể thiếu được? 
4. Đức Bênêđictô bảo điều gì là chìa khoá để hiểu nhân vật Đức Giêsu? 
5. Dân Thiên Chúa cần thiết như thế nào cho việc biên soạn, sưu tập và đọc các sách Kinh Thánh? Linh hứng của Chúa Thánh Thần đóng vai trò gì? Theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô, Dân Thiên Chúa soi sáng trên học thuyết linh hứng như thế nào? 
6. Đức tin có vai trò gì trong việc học hỏi Đức Giêsu Nazareth như các sách Phúc Âm trình bày Người? Đức tin đem lại gì cho việc học hỏi Kinh Thánh mà phương pháp phê bình lịch sử không thể làm được? 

Câu hỏi áp dụng 

1. Điều gì có nguy cơ bị mất trong đời của tôi, với tư cách là một Kitô hữu, qua cuộc tranh luận về "lịch sử tính" của các trình thuật Phúc Âm về Đức Giêsu? 
Đức tin của tôi giúp tôi đọc Kinh Thánh và hiểu Đức Giêsu như thế nào? 
2. Việc tôi là thành viên trong Giáo Hội hỗ trợ tôi như thế nào trong việc hiểu các trình thuật Phúc Âm về Đức Giêsu? 
……………………………………….. 

Các thuật ngữ 

· Adam, Karl. Nhà thần học Đức là người viết rất nhiều (1876-1966). Có một thời Adam bị bắt bớ vì những lời giảng dạy chống phát xít Đức của mình. Chàng trai Joseph Ratzinger đã đọc cuộc đời Đức Kiô của Adam khi đang lớn. 

· Guarding, Romano. Nhà thần học Ý-Đức rất có ảnh hưởng (1885-1968). Guardini viết về nhiều đề tài đa dạng, bao gồm phụng vụ và lịch sử tính của mạc khải Kitô giáo. Ông viết quyển Chúa (The Lord), một quyển sách về cuộc đời Đức Kiô đã gợi cảm hứng cho Đức Giáo hoàng Bênêđictô viết quyển Đức Giêsu thành Nazareth.. 

· Willam, Franz Michel. Mục tử và nhà thần học Áo (1894-1981) người rất quan tâm đến công trình học thuật của John Henry Newman. Willam là tác giả một công trình liên quan đến cuộc đời Đức Kitô, Đời Sống của Đức Giêsu trong Vùng Đất và giữa Dân Do thai, tập trung vào bối cảnh lịch sử của Đức Giêsu và tạo được một ấn tượng trên Joseph Ratzinger/Đức Bênêđictô XVI. 

· Papini, Giovanni. Con người văn chương người Ý đầy tranh cãi (1881-1956) mà tác phẩm Cuộc Đời Đức Kitô đã ảnh hưởng Joseph Ratzinger/Đức Bênêđictô XVI. 

· Daniel-Rops, Henri. Sử gia về Giáo hội Pháp, biên tập viên và tiểu thuyết gia (1901-1965) mà tác phẩm về cuộc đời Đức Kitô, Đức Giêsu, Cuộc Đời và Thời Đại của Ngài, đã ảnh hưởng Joseph Ratzinger/Đức Bênêđictô XVI. Daniel-Rops là bút hiệu; tên thật của ông là Henry Jules Charles Petiot. 

· "Đức Giêsu của lịch sử" và "Đức Kitô của đức tin". Sự phân biệt giữa Đức Giêsu như người ta nghĩ Người thật sự là như vậy và điều mà Giáo hội tin về Người. Sự phân biệt được sử dụng nhằm gợi ý rằng Đức Giêsu của lịch sử thì khác với những gì Giáo Hội tin về Ngài. Đức Bênêđictô xem sự phân biệt đó là kết quả của việc lạm dụng phương pháp phê bình-lịch sử. Ngài cho rằng Đức Giêsu của các sách Phúc Âm, Đức Kitô của đức tin Giáo hội đều là Đức Giêsu “thật” – Đức Giêsu như Ngài thật sự là. Đức Bênêđictô xác định rằng Đức Giêsu của các sách Phúc Âm và của Giáo hội đều là con người lịch sử đáng tin và xác thực. 

· Phương pháp học thuật phê bình-lịch sử. Thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để chỉ về một phương pháp hiện đại nhằm tìm hiểu các văn bản Kinh Thánh bằng cách nhấn mạnh nhiều vào các phát hiện của các khoa học nhân văn, bao gồm lịch sử, ngôn ngữ và triết học, văn học đối chiếu và phê bình bản văn và khảo cổ học. Phương pháp này chủ yếu tìm kiếm để biết ý nghĩa của bản văn khi được viết và được tiếp nhận từ khởi nguồn. Phương pháp này không giả định có sự linh hứng của Kinh Thánh. 

· Schnackenburg, Rudolf. Nhà chú giải Kinh thánh Công giáo người Đức (1914-2002) đã tìm cách sửa chữa cho đúng một vài điều trong những gì ông trông thấy như các mất quân bình của phương pháp học thuật phê bình-lịch sử để ủng hộ các tín hữu Công giáo. Đức Bênêđictô ủng hộ mục tiêu cơ bản của ông mặc dù ngài không đồng ý một số yếu tố nào đó trong sự lý giải củaSchnackenburg. 

· Chú giải. Quy trình tìm cách hiểu ý nghĩa một bản văn. 

· Uỷ ban Giáo hoàng về Thánh Kinh (Pontifical Biblical Commission viết tắt là PBC). Ban đầu, đây là một uỷ ban gồm các hồng y được Đức Giáo hoàng Lêô XIII lập năm 1902 nhằm xem xét việc hiểu và giải thích đúng đắn Kinh Thánh. Năm 1971, PBC không còn là cơ quan có chức năng giáo huấn của Giáo hội Công giáo và trở thành một cơ quan tham vấn trực thuộc Thánh Bộ Giáo lýĐức tin, chủ yếu gồm những học giả Kinh thánh và các nhà thần học Công giáo được kính trọng. Chủ tịch đương nhiên của Uỷ ban là Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin. 

· Et incarnatus est. Một cụm từ trong Kinh Tin Kính Nicea bằng tiếng Latinh, dịch ra có nghĩa là "và đã được nhập thể". Cụm từ muốn nói đến Học thuyết Kitô giáo về Nhập thể, cho rằng Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại và đã trở thành người. 

· Chú giải theo quy điển. Một phương pháp tiếp cận nhằm diễn giải các phần của Kinh Thánh bằng việc tìm cách hiểu những phần đó như bộ phận của toàn bộ "quy điển" Kinh Thánh. Cách tiếp cận này thường được người ta liên tưởng đến nhà thần học và học giả Kinh thánh Brevard Childs(1920-2007), mặc dù cách tiếp cận này rõ ràng không giống Tin Lành. 

· Loại suy đức tin. Ý niệm cho rằng, vì sự thống nhất của giáo huấn Kitô giáo, mỗi giáo thuyết soi sáng trên mọi giáo thuyết khác và phải được đọc dưới ánh sáng của toàn bộ đức tin Kitô giáo. Thuật ngữ ban đầu được tìm thấy ở Thư gửi tín hữu Rôma 12,6. 

· Linh hứng. Học thuyết thần học cho rằng Chúa Thánh Thần hỗ trợ các người viết Kinh Thánh sao cho trong khi họ vẫn là các tác giả thực sự, thì Thiên Chúa là tác giả chính của Kinh Thánh. 

· Các trình thuật về thời thơ ấu. Các phần trong Matthêu (1,18-2,23) và Luca (1,5-2,52) kể lại các sự kiện quanh việc sinh ra và thời thơ ấu của Đức Giêsu. 

Nguồn: HKK

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks