ngày tháng năm

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Việt Nam vào TPP, người Công giáo vào chốn nào?

Nguyễn Khang

Lúc này ba chữ TPP (Trans-Pacific Partnership, Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái bình dương) đang nổi lên với niềm hy vọng kinh tế Việt Nam nhờ vào TPP sẽ khá lên. Nhưng Giáo huấn Xã hội Công giáo nhắc ta rằng:

Kinh tế “chỉ là một khía cạnh và một chiều kích trong toàn bộ hoạt động của con người" (GHXH số 375).

Việt Nam mình giống như cô Kiều:

     Bâng khuâng duyên mới?
     Ngậm ngùi tình xưa!

Người Việt Nam ngậm ngùi nhớ lại chiến tranh với biết bao xác người, biết bao đổ vỡ, biết bao lý thuyết kinh tế chính trị sụp đổ tan tành, và nay thì vẫn còn tranh luận về đường hướng chính trị kinh tế, vẫn còn chia rẽ nghi kỵ lẫn nhau.

Người Việt Nam bâng khuâng duyên mới TPP, với ước vọng tăng sản xuất và tăng mức tiêu thụ hàng hóa Việt Nam. Sẽ bớt ăn mày ăn xin, sẽ bớt bán thân lao động phương xa, sẽ bớt nhục nhằn khổ ải, bao nhiêu là sẽ bớt sẽ bớt... nhờ duyên mới TPP.

Có người hi vọng qua đó sẽ có cơ may “thoát Trung”. Họ rất phấn khởi với tuyên bố của Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng “TPP mạnh hơn 10 hàng không mẫu hạm”. Khi TPP đàm phán thành công, khả năng đối phó với sự bành trướng của Trung quốc sẽ rất đáng kể.

Giữa những bâng khuâng ấy, có “tiếng kêu trong sa mạc" của Giáo Huấn Xã Hội:

"Không được giản lược đời sống con người, cũng như đời sống xã hội của cộng đồng, vào chiều kích vật chất, cho dù của cải vật chất hết sức cần thiết cho sự sống còn và sự cải thiện chất lượng cuộc sống" (GHXH số 375).

Người Công giáo vào chốn nào đây?

Xin vào khung trời "gia tăng cảm thức về Thiên Chúa và sự hiểu biết chính mình là nền tảng của mọi phát triển trọn vẹn xã hội loài người" (GHXH số 376, trích dẫn Giáo lý HTCG, 2441).

Vào TPP, Việt Nam như vào một vận hội mới với nhiều triển vọng, nhất là về mặt kinh tế. Nhưng người Việt Nam Công giáo cần gia tăng cảm thức đức tin và có những suy tư sâu sắc, đầy tính triết học, nhân học và thần học về bản thân, về thân phận kiếp người, về ý nghĩa ở đời, về nơi ta sẽ đến sau khi chết.

Nghĩa là băn khoăn với những vấn đề mà cha ông chúng ta đã từng nêu ra:

     Ai sinh ra ta ?
     Sống để làm gì?
    Chết rồi đi đâu?

và đi đến nhận định:

     Sống gửi thác về.

Đề nghị có ai giúp chúng ta hiểu sâu về TPP?

Đề nghị có ai giúp chúng ta tăng cường "cảm thức về Thiên Chúa và sự hiểu biết chính mình"?

Nguồn: Tập san Giáo Huấn Xã hôi Công giáo số 19

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks