ngày tháng năm

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ NÓI VỀ PHẨM GIÁ LAO ĐỘNG [1]

John A. Coleman | 20 tháng 11 năm 2013

Đinh Quang Bàn dịch

Tôi được một nhóm lao động Công giáo ở San Francisco yêu cầu nói về lập trường của Giáo hoàng Phanxicô về phẩm giá lao động. Đó là một trong ba vấn đề xã hội nổi bật trong các bài giảng và các cuộc phỏng vấn đức giáo hoàng. Một trong những vấn đề đó là môi trường và sự suy thoái môi trường. Ngài đã nói về chủ đề này nhiều lần, bao gồm bài giảng dịp nhậm chức giáo hoàng của ngài. Có tin đồn rằng ngài sẽ viết một thông điệp xã hội về môi trường. Về chủ đề đó, đức Phanxicô kế tục phong cách của Giáo hoàng Bênêđictô trong cố gắng liên kết sinh thái môi trường với chủ đề sinh thái “con người”, chủ đề này cũng sẽ đề cao đề tài lao động. Một chủ đề xã hội thứ hai đức giáo hoàng đã thường xuyên đề cập là vấn đề di cư cưỡng bức. Bạn có thể nhớ lại ngài đã đi đến Lampadusa gần Sicily gặp những người nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển. Một lần nữa, sự di cư cưỡng bức đó có liên quan với tình trạng thiếu cơ hội tìm được việc làm ở quê nhà.


Vào ngày lễ Thánh Giuse Thợ, đức giáo hoàng nói về các xã hội đặt lợi nhuận của công ty trên phẩm giá con người hoặc thậm chí trên cả sự sống con người. “Chúng ta đã đi đến điểm nào?”, ngài chất vấn. Ngài nhắc mọi người nhớ rằng Chúa Giêsu đã từng là một người lao động và ngài than phiền sự kiện các công ty coi trọng lợi nhuận hơn cả phẩm giá lao động. Ngài an ủi những người phải lao động như nô lệ trong các xưởng may mặc ở Bangladesh (đã có những cái chết bi thảm mới đây trong một nhà máy may bị đổ sập tại Dakka). Diễn giải chủ đề phẩm giá lao động, đức Phanxicô nói: "Chúng ta không lãnh nhận được phẩm giá từ quyền bính, tiền bạc hoặc văn hóa. Chúng ta có phẩm giá nhờ lao động". Ngài lưu ý: “Lao động là nền tảng cho phẩm giá con người. Có thể diễn đạt một cách hình tượng là lao động‘xức dầu’ phẩm giá cho chúng ta, giúp chúng ta sống viên mãn nhờ có phẩm giá, biến đổi chúng ta trở nên giống Thiên Chúa, Đấng đã làm việc và vẫn làm việc, vì Người luôn luôn hành động”. Những người quen thuộc với Linh Thao của Thánh Inhaxiô sẽ nhận ra chủ đề về một Đấng Thiên Chúa đang làm việc hoặc lao động như thế xuất phát từ việc chiêm niệm nghiêm cẩn để đạt tới tình yêu của Thiên Chúa nơi điều Thánh Inhaxiô nói về một Thiên Chúa luôn lao động trong mọi sự. Ngài kết thúc bài giảng của mình với lời khuyên: “Tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người phải luôn luôn bảo vệ nhân phẩm và sự an toàn của người lao động”.

Trong nhiều dịp, đức Phanxicô nói về việc giải quyết tình trạng thất nghiệp và cảnh báo nạn thất nghiệp trầm trọng của giới trẻ là một trong hai vấn đề nổi bật nhất thế giới hiện đang đối diện. Ngài cũng đã phê phán vấn đề tiền lương không công bằng. Khi đến với Ngày Giới trẻ Thế giới tại Brazil, đức giáo hoàng nói với các phóng viên có mặt trên chuyến bay: “Chúng ta đang có nguy cơ phải đối diện với một thế hệ không thiết làm việc. Nhờ lao động mà con người có được phẩm giá”. Ngài dường như nhấn mạnh một điểm được tìm thấy trong giáo huấn xã hội của đức Gioan Phaolô II theo đó một việc làm đường hoàng không chỉ hàm ý khoản thù lao đủ để trang trải các chi phí cho nhà ở, thực phẩm, trợ giúp y tế v.v. mà còn liên quan đến một loại công bằng là quyền được tham gia. Qua lao động, chúng ta tham gia vào xã hội và có một tiếng nói tích cực. Như vậy, mặc dù phần trợ cấp dành cho người không tìm được việc làm hoặc không thể làm việc vì những lý do thể lý có là một điều tốt đi nữa, thì cũng không thay thế được cho phẩm giá vốn gia tăng nơi những ai tích cực tham gia lao động và phục vụ xã hội.

Ngày 23 tháng 9 [năm 2013], đức Phanxicô xuống vùng Cagniliarca, Sardinia, nơi ngài gặp một nhóm công nhân thất nghiệp. Ngài chăm chú lắng nghe họ thuật lại nỗi đoạn trường của kẻ không có công ăn việc làm. Đức Phanxicô cầu nguyện vào cuối buổi gặp gỡ: “Lạy Thiên Chúa xin ban cho chúng con có việc làm– xin dạy chúng con chiến đấu cho công ăn việc làm” – cụm từ cuối cùng dường như bao gồm các công đoàn và việc tham gia tích cực của công nhân trong việc tìm kiếm và cùng tạo ra việc làm. Họ chiến đấu để có việc làm! Cũng tại cuộc gặp gỡ đó, đức Phanxicô nói: “Không trả lương công bằng, không cung cấp một việc làm, bởi vì bạn chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận là hành động chống lại Thiên Chúa”. Tất nhiên, các vị giáo hoàng khác đã từng nói nhiều như thế rồi, nhưng điều lý thú ở đây là đức Phanxicô biết chọn đúng vị trí để khi phát biểu thì ngài thực sự ngỏ lời với những người lao động!

Trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng của ngài ngày 1 tháng 10 [năm 2013] dành cho nhà báo vô thần, Ông Eugenio Scalfari, xuất hiện trên tờ báo Ý La Repubblica, đức Phanxicô nói rằng hai tệ nạn xã hội lớn nhất cần được giải quyết là sự cô đơn của người già và nạn thất nghiệp của người trẻ. Ngài nói: “Người trẻ cần việc làm [và hi vọng] nhưng chẳng tìm được gì trong hai thứ đó, và điều nguy hại là họ thậm chí không cần tìm hai thứ đó nữa. Họ đã bị hiện tại đè bẹp. Có thể nào bạn sống nổi khi bị đè bẹp dưới gánh nặng của hiện tại không? Bạn có thể tiếp tục sống như vầy được không?” Scalfari bẻ lại, cho rằng tạo công ăn việc làm là trách nhiệm của nhà nước và như vậy, việc đó không can dự gì đến Giáo hội. Đức Phanxicô mạnh mẽ lập luận rằng con người gồm thể xác lẫn linh hồn, xác hồn ảnh hưởng lẫn nhau. Chà đạp thể xác thì linh hồn cũng bị tổn hại. Phẩm giá bị đánh mất.

Chỉ gần đây thôi, đức Phanxicô đã tổ chức một cuộc họp với Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ông Guy Ryder. Trong cuộc tiếp kiến ​​riêng, hai người, theo Ông Ryder: “Đã thảo luận nhiều vấn đề mà tôi nghĩ rằng Giáo hội chia sẻ các mối quan ngại với ILO. Tại cuộc gặp gỡ ở ILO chúng tôi rất quan tâm cổ vũ cho mọi người có được việc làm xứng với nhân phẩm. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về phẩm giá của lao động, về tầm quan trọng được Giáo hội và đích thân ngài dành cho phẩm giá của lao động và về những thách đố do vấn đề ấy đặt ra cho thế giới ngày nay. Và chúng tôi đặc biệt thảo luận về nỗi truân chuyên của một số người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Và cách riêng ngài bày tỏ quan ngại về nạn buôn người và về công nhân nhập cư. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có mối đồng cảm trong nỗi trăn trở khi nhận thấy cái cách nền kinh tế toàn cầu đang hoạt động hiện nay không hẳn lúc nào cũng phục vụ lợi ích của tầng lớp thấp cổ bé miệng nhất và cùng quyết tâm phải chỉnh đốn điều nầy”. Có hai vấn đề nhức nhối được nhắc đến là trên thế giới đang gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong mức thu nhập và giá lương bổng thấp kém. Ông Ryder và đức giáo hoàng cũng trao đổi về hai nhóm người lao động thường bị bỏ quên (người làm công giúp việc nhà và công nhân ngành viễn dương) và về nhu cầu làm sáng tỏ các quyền lao động của họ.

Trong một bài phát biểu với các người lao động ở Ý vào ngày 22 tháng 9 [năm 2013], đức Phanxicô liên kết sinh thái con người với vấn đề môi trường: “Lao động phải được kết hợp với việc bảo quản công trình tạo dựng, để cõi tạo thành có thể được giữ gìn một cách có trách nhiệm cho các thế hệ tương lai. Công trình tạo dựng không phải là một hàng hóa để khai thác, nhưng là một món quà để nâng niu. Công cuộc dấn thân cho sinh thái tạo nên cơ hội cho mối quan tâm mới trong các lĩnh vực liên quan đến sinh thái, chẳng hạn như năng lượng, nỗ lực ngăn chặn và loại bỏ các hình thức khác nhau gây ra ô nhiễm, cảnh giác với nạn cháy rừng. Ước gì việc chăm nom công trình tạo dựng và việc chăm sóc con người thông qua lao động có phẩm giá trở thành một nhiệm vụ chung. Sinh thái cũng là sinh thái con người”.

Đức Phanxicô có lần nói là các mục tử phải xông mùi giống con chiên của mình. Trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng của ngài [2] dành cho các tạp chí của Dòng Tên, chẳng hạn như tờ America, đức giáo hoàng phân biệt giữa đường lối xem xét các vấn đề một cách trừu tượng và hành động nhập cuộc thực sự vào cuộc sống đời thường của mọi người. Ngài hòa mình thoải mái với những công nhân bình thường ở Ác-hen-ti-na, và một điều khá mới, với tư cách giáo hoàng, ngài dâng lễ cho các giới thợ thuyền tại Vatican. Một cụm từ đức Phanxicô sử dụng trong chuyến thăm Lampedusa cần phải được âm vang khắp nơi. Ngài nói về nguy cơ của nạn “toàn cầu hóa thái độ thờ ơ”, nghĩa là lùi bước, nhìn những hiện tượng ấy bằng con mắt của kẻ ngoại cuộc và xem chúng như điều không thể tránh khỏi, như điều bình thường trong thế giới của chúng ta. Đó là một phản ứng chúng ta phải quyết liệt khước từ và chống trả. Ta cần phải đấu tranh cho phẩm giá lao động trên toàn thế giới!

-Ghi chú:

Các từ trong [ ] do người dịch thêm vào, có tham khảo các nguồn khác. Chú thích [1] và [2] ở trong bài báo.

[1] http://americamagazine.org/content/all­things/pope­francis­dignity­labor

[2] http://americamagazine.org/pope­interview

Nguồn:  Tập sạn Giáo huấn Xã hội Công giáo số 19

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks