ngày tháng năm

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Tình Bất Diệt

Ngay từ khi lọt lòng mẹ, bác sĩ đã quả quyết rằng Kimberly Marshall không thể nào sống được. Bé bị chứng Cytic Fibrosis, một chứng bịnh bẩm sinh và di truyền mà người ta thường gọi tắt là CF. Trong sự tuyệt vọng để cứu sống con mình, mẹ của Kim đã mang bé về nhà, mỗi ngày ba bốn giờ, bà và bà ngoại của Kim đã thay phiên nhau vỗ nhẹ trên lưng và ngực của bé, với hy vọng mong manh là có thể làm tan đi những cục đờm đang đóng nghẹt trong phổi của bé. Một bác sĩ chuyên khoa về CF cho biết, diệt trừ những cục đờm bằng cách này, chẳng khác gì dùng chổi để quét mật ong trên sàn nhà. 

Ngoài sự dự liệu của mọi người, bé Kimberly đã thoát được lưỡi hái của tử thần. Bé lớn lên và vào trường tiểu học. Kim còn học vũ ballet và gia nhập đội soccer của trường. "Kìa nhìn xem công chúa của tôi" mẹ của Kim thường hãnh diện nói như vậy, mổi khi bà đứng bên lề sân cỏ để xem Kim đá bóng. 

Bà vẫn mơ ước là Kim sẽ lớn lên bình thường nhưng những đứa trẻ bình thường khác. Bà mơ ước rằng Kim sẽ lên trung học, sẽ tham dự buổi khiêu vũ cuối năm lớp 12, và một buổi tối sẽ ngẩng mặt lên để đón nhận nụ hôn đầu của một chàng thanh niên đẹp trai. 

Nhưng bác sĩ Robert Kramer, vị bác sĩ chuyên khoa về CF đầu tiên tại Dallas, đã nhiều lần khuyến cáo mẹ của Kim là cô bé chỉ tạm thời lướt thắng được cơn bịnh mà thôi. Giống như một tên sát nhân nguy hiểm, các bác sĩ chưa có phương cách để ngăn chận được CF. Mặc dù với nền y khoa hiện đại cùng thuốc men và máy móc tối tân, cũng chỉ giúp các bệnh nhân dễ chịu hơn, ít đau đớn hơn mà thôi. Tuổi thọ trung bình của các bệnh nhân CF chỉ ở vào khoảng 29. 

Ðúng như lời của bác sĩ Kramer, sức khoẻ của Kim tự dưng tuột dốc như một cái phao bị xì hơi. Mẹ của Kim, không còn cách nào hơn, bắt buộc phải mang Kim vào bệnh viện Presbyterian tại Dallas để chữa trị. Và cứ như vậy, Kim chỉ khoẻ được vài tháng, rồi lại phải vào bệnh viện..., lại khoẻ vài tháng rồi lại vào bệnh viện. 

Trong những lần phải nằm bệnh viện, Kim luôn luôn mang theo những con thú nhồi bông, cái chăn màu hồng mà cô bé thích nhất, cùng quyển nhật ký thân yêu. Mỗi khi chứng kiến một bạn cùng phòng bị CF cướp đi mạng sống, Kim lại viết vào nhật ký của mình, chẳng hạn như: "Wendy đã chết vào lúc 8 giờ sáng nay. Tội nghiệp nó quá. Nó đã đau đớn suốt đêm". Mẹ của bé đã nghĩ thầm "Có lẽ đây là cách Kim chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra cho cô bé trong tương lai chăng?". 

Trong một thời gian, Kim đã cố gắng sống như một đứa trẻ "bình thường". Cô thường hay gọi những đứa trẻ may mắn không bị chứng CF là "bình thường". Trong những năm ở trung học, Kim đã cố gắng để lấy điểm A hay B. Cô mặc áo đầm dài để che giấu đôi chân gầy guộc, khẳng khiu của mình. Khi những bạn học hỏi về những cơn ho không dứt của cô, thì Kim trả lời rằng cô bị hen suyễn. Cô cũng chở những bạn gái khác trên xe hơi của mình, cũng bấm còi inh ỏi, cũng vẫy tay chào và cười duyên với bọn con trai cùng trường. 

Nhưng Kim vẫn không thể lừa dối được thực tế. Bộ tiêu hoá của cô đặc nghẹt những đờm, khiến cô bị đau bụng và tiêu chảy. Thần kinh bị xáo trộn nên Kim đi đứng không vững. Ðôi khi Kim cũng bị hoa mắt. 

Cuối cùng, cuối năm lớp 12, Kim phải rời trường để học tại gia vì sức khoẻ của cô quá yếu. Trong một phút nản lòng, Kim đã từ chối không muốn hình của mình được đăng trong kỷ yếu của trường, viện cớ là cô quá ốm yếu và xấu xí. Chán chường, Kim trở nên gắt gỏng với mọi người và hay cãi cọ hoặc xung đột với em gái của mình. Ðể giải sầu, Kim xem đi xem lại bộ phim "Blue Lagoon" không biết bao nhiêu lần. Bộ phim nói về cuộc đời của hai đứa trẻ, một trai một gái, bị đắm tàu và sống bơ vơ trên một hoang đảo. Cuối cùng, hai người đã yêu nhau tha thiết. 

David Crenshaw, một bệnh nhân CF, đã để ý đến Kim khi hai người còn điều trị tại bệnh viện Presbyterian vào mùa xuân 1986. Kim, ở tuổi 16, ốm và xanh xao nhưng không thiếu nét dễ thương với mái tóc đỏ ngang lưng, buông xoã trên chiếc áo ngủ hồng. David, lúc đó 18, mặc áo thun rộng thùng thình, quần pajama bạc màu, mang cặp kiếng cận to tổ bố với hai gọng kính gãy được dán lại với nhau bằng miếng băng keo. 

"Ðừng hy vọng con bé để ý đến mày", Doug Kellman, người y tá trong bệnh viện thường trêu David như vậy mỗi khi bắt gặp David đang mê mẩn nhìn trộm Kim. Thật tình mà nói, khó có thể tưởng tượng được David và Kim sẽ trở nên một cặp tình nhân. Kim thích quần áo đắt tiền, nước hoa và mỹ phẩm. Cô thích ngồi hằng giờ trên giường để đọc tiểu thuyết tình cảm. Trong khi đó, David nổi tiếng thích lấy le với những cô gái bằng những mẫu chuyện vui tục tằn. 

Trông có vẻ yêu đời và khoẻ mạnh, David là một huyền thoại của khu CF. Không một bệnh nhân nào thuộc khu CF dám làm những việc David đã làm. Chẳng hạn như khi David không phải nằm bệnh viện, anh rất thích đua xe hơi mini tại sân đua gần nhà. "Mục đích của chúng tôi là giúp cho David sống như một đứa trẻ khỏe mạnh. May ra nhờ vậy, nó có thể lướt thắng được căn bịnh hiểm nghèo này", ba của David đã nói như vậy. 

Ðúng thế, David không bao giờ biểu lộ cho người khác biết là mình bị bệnh. Anh đã tổ chức cuộc đua xe lăn và cuộc thi ném cà chua trên từng lầu 3 của bệnh viện. Có một đêm, David đã dẫn một số bệnh nhân CF đi đua xe mini, trong sự giá lạnh của mùa đông với nhiệt độ bên ngoài xuống gần 0 độ bách phân. "Có lẽ hắn nghĩ rằng hắn bất tử", bác sĩ Kramer thường đùa như vậy. 

Trong suốt hai năm trời, David thường đi qua cửa phòng của Kim, lấy can đảm vào phòng, tán tỉnh. Nhưng Kim chỉ mỉm cười rồi lại cắm cúi đọc sách. Nhưng David chẳng nản lòng. "Khi David được ở nhà trong khi Kim phải ở lại bệnh viện, David thường hay gọi điện thoại cho tôi để hỏi han bệnh tình của Kim, mặc dầu Kim chẳng bao giờ để ý đến David. Ngay cả những khi David hỏi giờ, Kim cũng không thèm đáp lại", người y tá cho biết như vậy. 

Một điều ngạc nghiên, rất nhiều mối tình đã được kết hợp trong khu CF. "Ðừng nghĩ rằng chỉ vì họ bệnh hoạn mà họ không nghĩ đến tình yêu", bác sĩ Kramer nói như vậy, "Có lẽ họ nghĩ đến tình yêu còn nhiều hơn những người khoẻ mạnh. Ðó là một cách để họ biểu lộ sức sống và sự yêu đời của họ cho mọi người biết". 

Vào cuối năm 1988, Kim chơi thân với một bệnh nhân cùng khu CF tên là Steven. "Tôi không nghĩ mối tình của họ sẽ bền vững. Họ sợ phải sống với nhau", David khẳng định như vậy. Ðúng như lời David, cuộc tình của Kim và Steven chỉ một sớm một chiều đã tan vỡ. 

Cuối mùa thu năm 1989, khi David và Kim, cả hai cùng được dưỡng bịnh tại tư gia, David đã gọi điện thoại mời Kim đi ăn tối. Mặc dù Kim đã quyết liệt từ chối, David vẫn lì lợm bảo Kim "Anh sẽ có mặt tại nhà em vào lúc 8 giờ tối, không nhưng không nhị gì hết cả". Hoảng sợ, Kim rủ theo cô em gái, Pettri, để cô em ngồi ghế trước với David còn nàng thì ngồi băng sau, nhất định không thèm nói chuyện với David. Suốt bữa ăn, Kim hoàn toàn im lặng. Nàng đã trợn mắt lên với David khi anh đề nghị cả ba cùng đi khiêu vũ. Khi David đưa Kim về đến nhà, nàng mở cửa xe và chạy một mách thẳng lên phòng, đóng kín cửa lại. 

Dù vậy, David vẫn không bỏ cuộc, lì lợm, trường kỳ mặt dày đến nhà Kim. Thế rồi anh đã rủ được Kim đi chơi bowling. Sau đó, Daivid còn dẫn Kim đến sân đua để xem anh đua xe hơi mini. 

Bất kể mọi chuyện, cuối cùng mối tình của David và Kimberly cũng đã nảy nở. Kim đã thật sự yêu David. Ngày 17 tháng 11 năm 89, Kim đã viết vào nhật ký của mình "Ðêm hôm nay, mình và David đã hôn nhau lần đầu. Lạy Chúa, xin chúc phúc cho mối tình của chúng con và xin cho chúng con yêu nhau mãi mãi". 

Sáu tháng sau, Kim và David tuyên bố làm lễ đính hôn. Tin được tung ra làm tất cả mọi người trong gia đình hai bên đều sửng sốt và bàng hoàng. "Tụi mày điên cả rồi, cả hai đứa bay đều bệnh hoạn", ba của David đã lớn tiếng ngăn cản con. Riêng mẹ của Kim cũng khuyên ngăn con bằng một giọng đầy nước mắt "Con có biết rằng một trong hai đứa sẽ chết trong vòng tay của đứa kia hay không?". 

Nhưng Kim và David vẫn quyết định lấy nhau. "Tôi nghĩ Kim biết rằng đây là cơ hội cuối cùng để nó được yêu", mẹ của Kim cuối cùng đã nói như vậy và đã đồng ý tán thành cuộc hôn nhân. 

Ngày 27 tháng 10 năm 1990, Kim trong chiếc áo cưới trắng tinh, sung sướng bước lên cung thánh, trước mặt Thiên Chúa nhận David làm chồng. Thánh lễ được cử hành trong những tiếng ho sặc sụa của các bệnh nhân khu CF. Tất cả được mời đến để tham dự, chứng kiến và chung vui ngày hôn lễ của Kim Marshall và David Crenshaw. 

Họ chung sống với nhau bằng số tiền cấp dưỡng khiêm nhường trong một căn hộ nhỏ bé nhưng rất ấm cúng. Căn hộ được trang bị như một bệnh viện với những bình dưỡng khí, một tủ đầy thuốc và một tủ lạnh chứa đầy nước biển. 

Việc dọn dẹp nhà cửa mới thật là khó khăn. Những khi phải dọn dẹp hoặc giặt giũ, họ phải mất cả ngày trời mới làm xong việc. Ðến tối, cả hai đều mệt lả. Dầu vậy, họ là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trên đời. David gọi Kim là "cọp con" vì nàng có mái tóc hung đỏ. Kim gọi Daivid là "gấu rừng" vì chàng phá như gấu. Chàng luôn luôn mua cho nàng những tấm thiệp ướt át nhất, càng ướt át bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Nàng luôn luôn viết cho chàng những bức thư tình thật dài, thật nồng nàn và tình tứ. "Chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách. Chúng ta sẽ thắng", họ thường quả quyết với nhau như vậy. 

Ðể kiếm thêm tiền tiêu vặt, David nhận thêm việc sửa xe hơi mini. Anh lại còn ghi tên học để lấy bằng Cử nhân về kế toán. Một người bạn thân ở khu CF khuyên David không nên phí sức. "Những việc tôi làm tất cả chỉ vì Kim. Ðời tôi bây giờ chỉ có Kim mà thôi", David trả lời. 

Vào năm 1992, những mạch máu trong người Kim bắt đầu tắt nghẽn. Vì cơ thể Kim không thể tiếp nhận những dinh dưỡng từ bộ tiêu hoá, Kim đã xuống cân một cách thảm hại. Thân thể nàng chỉ còn da bọc xương. Nàng rất xấu hổ khi tới những nơi công cộng. David đã viết cho Kim "Này cọp con, em là người đẹp nhất của đời anh. Anh yêu em bằng tất cả con tim, linh hồn và khối óc của anh. Gấu rừng". 

Trong những lần Kim phải nằm bệnh viện, David không rời Kim nửa bước. Anh đã ngủ trên chiếc ghế bố kê trong phòng. Ðể giúp Kim khuây khoả, David đã đưa Kim đến khu sơ sanh, để Kim được ngắm những đứa trẻ mới chào đời. Và nếu nửa đêm Kim có đòi ăn kẹo, David chẳng ngần ngại, bất kể thời tiết, khoác áo đi mua ngay những viên kẹo mà Kim ưa thích. Lạ lùng thay, sức khoẻ của Kim càng ngày càng khá hơn. Cuối cùng, nàng đã được bác sĩ cho xuất viện. 

Ðầu năm 1993, bệnh tình của David bỗng dưng trở nên trầm trọng. Những tiếng ho của anh lớn hơn. David ôm ngực ho từng cơn, ho sặc sụa. Những cơn ho như muốn phá vỡ tung lồng ngực của anh. Mặt David sưng lên như bị phù thủng. Dần dần, David đã phải thở bằng dưỡng khí. Nhưng David vẫn đoan chắc với Kim là chàng chẳng sao cả, chỉ cần tĩnh dưỡng ít lâu là sẽ khỏi. David đã giấu Kim những điều mà bác sĩ Kramer đã cho anh biết trong kỳ khám nghiệm mới đây: phổi của anh đã rách nát, thanh quản sắp nghẹt cứng. David đang chết lần, chết mòn vì thiếu dưỡng khí. 

Chạy đua với thời gian, David không để lãng phí một giây phút nào. Tháng 7 năm 1993, để kỷ niệm sinh nhật thứ 26 của chàng và thứ 24 của nàng, David rủ Kim đi nghỉ hè ở bãi biển Florida. "Ðó là lần đầu tiên họ cảm thấy rất thoải mái khi ra khỏi nhà để tới vùng biển. Cả hai đều mang theo bình dưỡng khí. Họ ngồi bên nhau, nắm tay nhau trên bãi cát vàng", Mandy, em gái Kim cho biết như vậy. 

Ba tháng sau, David và Kim cùng đi khám bệnh. Trong khi Kim đợi ở phòng bên, bác sĩ Kramer, sau khi khám cho anh, đã nói với anh rằng "Anh phải nhập viện ngay tức khắc, lần này sẽ hơi lâu". David trầm ngâm một hồi lâu, rồi nói "Xin bác sĩ tận tình chăm sóc cho Kim". 

Bác sĩ Kramer đến phòng Kim và cho nàng hay tin chẳng lành. Kim cúi đầu yên lặng, cố giấu hai hàng nước mắt "Xin bác sĩ tận tình giúp anh, đừng để anh phải đau đớn", nàng nức nở khẩn nài với bác sĩ Kramer. 

Trong suốt ba mươi năm chuyên khoa về CF, bác sĩ Kramer đã từng chứng kiến hơn 400 bệnh nhân trẻ qua đời. Ðể khỏi bị ám ảnh, ông đã cố gắng không để tình cảm mình bị chi phối với những trường hợp như của David. Nhưng lần này, ông đã ôm Kim vào lòng và ông không sao cầm được nước mắt của mình. 

David nhập viện ngày 21 tháng 10 năm 1993. Kim ngồi bên cạnh anh. Nàng đã cố gắng viết một bức thư cho Hội Ðồng Y Khoa của bệnh viện Presbyterian, khẩn nài xin họ thay phổi cho David. Nhưng Kim không bao giờ viếc xong lá thư. 

Năm ngày sau, môi và móng tay của David trở nên bầm tím. Kim thổn thức bên anh "Anh ơi, đừng đi, đừng bỏ em". David không nói nên lời, chỉ mấp máy đôi môi "Anh yêu em", rồi chàng gởi cho nàng một nụ hôn gió. Hai người cầm tay nhau thật chặt, nhìn nhau một lần cuối thật lâu. David bóp mạnh tay Kim rồi nhắm mắt yên giấc ngàn thu. 

Sau ngày tang lễ của David, Kim trở nên điên loạn. Một tuần sau, mẹ nàng đưa nàng trở lại bệnh viện. Sau khi khám cho nàng, bác sĩ Kramer nói với mẹ nàng "Cơ thể của nàng đã kiệt lực. Kim đang chết mòn vì nhớ thương David". 

Rồi Kim rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mê trong hai ngày. Bỗng nhiên, vào sáng sớm ngày 11 tháng 11 năm 1993, Kim trở nên tỉnh táo lạ thường. Nàng mở mắt và nói bằng một giọng rất lạ, nhẹ nhàng như tiếng chim mà không ai hiểu nổi. Người nữ y tá chăm sóc nàng cho biết hình như Kim đang nói chuyện với David. Sau đó, Kim từ từ nhắm mắt, bình thản ra đi về bên kia thế giới. 

Kim được liệm trong chiếc áo cưới trắng và được chôn bên cạnh David. Trên ngôi mộ đôi, dựng một tấm bia đá, với những hàng chữ được khắc sâu như sau "David S (Gấu rừng) Crenshaw và Kim (Cọp con) Crenshaw, bên nhau mãi mãi. Nghĩa phu thê trọn 3 năm". 

Gia đình và bạn bè đều đồng ý là chuyện tình của Kim và David không giống bất cứ một chuyện tình nào cả. Riêng bác sĩ Kramer đã tâm sự "Ðối với tôi, chuyện tình của họ như chuyện tình của Romeo và Julliette". 

Một tuần lễ sau, trong lúc mẹ của Kim thu dọn đồ đạc của hai con, bà đã tìm thấy một tấm thiệp mà David đã gởi cho Kim trước khi chàng rời bỏ thế gian. Tấm thiệp có những lời tình tự như sau "Em yêu, chúng ta gần nhau ngay cả khi chúng ta xa nhau. Hãy ngước mắt nhìn lên, chúng ta đang sống trong bầu trời đầy tinh tú." 

Trần Quốc Sỹ 
Theo "The Love Like No Other" Reader's Digest, May 1995
sưu tầm 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks