ngày tháng năm

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

CHÚNG TA HỌC KITÔ HỌC - Bài 4


Đấng được mong đợi 


Chúng ta đang ở năm 2012, nếu chúng ta nhìn suốt dòng lịch sử hình thành nên con người[1]

- Với những khám phá của khoa Cổ Sinh vật học và Vũ trụ học, người ta biết được vũ trụ vạn vật thoát thai từ vụ nổ “big bang” cách nay 15 tỷ năm, với hàng trăm ngàn thiên hà hình thành, trong đó có thiên hà của chúng ta với khoảng 400 triệu ngôi sao giống như mặt trời xuất hiện cách ta khoảng 12 tỷ năm. Trái đất là một hành tinh tách ra từ mặt trời cách đây 8 tỷ năm. Sau đó trái đất, với những chất khí Oxy, Hydro, Nitơ… tổng hợp thành những chất càng ngày càng phức tạp. Cách đây 1 tỷ năm, tế bào sống đầu tiên xuất hiện. Tế bào ấy càng ngày càng phân hoá phức tạp thành đơn bào, đa bào, các sinh vật hạ đẳng, các loài có xương sống; rồi các động vật thượng đẳng. Sau đó xuất hiện người vượn Pliopitec cách đây 37 triệu năm; Ramapitec, 12 triệu năm; Ostralopitec, 3 triệu năm; con người đứng thẳng, 1 triệu năm; con người tiền sử vùng sông Solô, 250.000 năm; người Neoderthan, 150.000 năm; người Cromagnon biết suy tư “Homo Sapiens” cách 40.000 năm. 
- Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn con người riêng biệt trong dòng tiến hoá của mình, con người sẽ không bao giờ tìm ra được nguồn gốc, giá trị và ý nghĩa sự hiện hữu của mình giống như khi ta phân tích bộ phận của một cây viết hay 1 cái đồng hồ. Nhờ khả năng biết suy tư của tinh thần, con người vượt ra khỏi vòng tiến hoá để khám phá ra nguồn gốc của vạn vật và của chính mình. 
- Trong những dòng lịch sử suy tư của con người, người ta đã định nghĩa con người là “con vật biết suy tư” (animal rationabile), coi con người là sự kết hợp giữa thể xác và tinh thần. Quan niệm duy tâm cho bản chất con người là tinh thần, là l‎ý tính. Quan niệm duy vật cho bản chất con người là do vật chất biến hoá ngẫu nhiên mà thành. Quan niệm siêu hình chỉ nhìn thấy con người riêng rẽ về mặt sinh học hay tâm l‎ý (x. Hội đồng Quốc gia, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995). 

Câu hỏi đặt ra cho con người suy tư: Tôi bắt đầu từ đâu? Tương lai của tôi sẽ như thế nào, nói cách khác còn gì nữa sau cuộc đời này? Đó là những vấn nạn căn bản luôn xuất hiện trong cuộc đời con người.

1. Niềm mong đợi diễn tả qua đời sống con người cổ xưa 

Từ ngàn xưa con người đã có những kinh nghiệm về sinh lão bệnh tử, qua suy tư con người mơ ước mình được trẻ đẹp mãi, thông minh và sống mãi, quyền năng và hiểu biết vô tận. Ai biết suy tư thì đều mơ ước, vậy câu hỏi được đặt ra: Tại sao con người lại chết, đau khổ, ngu đần, xấu xí (khi về già), tan rã…? Con người tìm cách giải thích những thắc mắc trên, khoa học kỹ thuật cũng không giải đáp được, nó chỉ giới thiệu những sự kiện cân, đong, đo, đếm được, nhưng nó không giải thích được: tình yêu, tư tưởng, sự sống… 

Trong khi con người đang chịu đựng những sự bất toàn như: cái chết, già nua, xấu xí, bệnh tật… được Đức Phật diễn tả qua Sinh Lão Bệnh Tử. Ngay cả những con vật trong câu chuyện Tây du ký của tác giả Ngô Thừa Ân, cũng mơ thành yêu quái trường sinh, vì chúng không muốn chết, chúng còn muốn sống mãi khi được ăn thịt Tam Tạng (điều này chúng ta liên tưởng đến mình máu Chúa). Là con người, chúng ta tự hỏi mình đang mơ ước và mong đợi điều gì? Đó là hy vọng vào cái gì đó tốt hơn, đẹp hơn, bền vững hơn cái đang có. 

Vấn nạn trên, sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 15 đã nêu: 
Chúng ta cũng đụng phải những vấn đề chủ yếu mang tính tôn giáo: “Khi tra cứu ‘nguyên nhân của sự vật’, đồng thời muốn tìm kiếm câu trả lời cuối cùng và trọn vẹn nhất, lý trí con người sẽ đi tới tột đỉnh và mở ra với thế giới của tôn giáo… Tính tôn giáo chính là biểu hiện thanh cao nhất của con người vì đó chính là cao điểm của một bản tính có lý trí. Tính tôn giáo xuất phát từ khát vọng sâu xa của con người - khát vọng tìm kiếm sự thật - nhưng tính tôn giáo cũng là nền tảng cho việc tìm kiếm thế giới thần linh cách tự do và riêng tư”.[2]

2. Niềm mong đợi diễn tả qua các tôn giáo lớn 

Con người đi tìm đến với các triết lý và tôn giáo, để có được lời giải đáp và giới thiệu cho con người những con đường để đáp ứng được những mơ ước, đó là “Đạo” (Đạo là đường). Đạo là sự cố gắng của con người vươn tới Đấng Tuyệt Đối và hạnh phúc vĩnh cửu. 

· Do thái giáo có cách đây 3000 năm, họ chỉ tin vào Cựu Ước. 
· Đạo Bà La Môn hay Ấn Độ giáo có cách nay 3700 năm, với các giáo lý: Brahman (đại ngã) – Atman (tiểu ngã). 
· Phật giáo, trước Chúa giáng sinh khoảng 500-600 năm, với các giáo lý: Tiểu thừa (tự tu cho mình, không để ý đến xã hội), Đại thừa (không những tu cho mình, mà còn cho mọi người), Nervana (cõi Niết Bàn). Đức Phật Thích Ca tìm ra Tứ Diệu Đế (4 điều sự thật), đây là kinh nghiệm của Đức Phật Thích Ca. 
· Lão giáo do Lão tử mà ra: Tất cả vạn vật là một cõi linh thiêng, đều do thần linh chi phối: thần núi, sông… Muốn hạnh phúc con người phải hòa nhập với thiên nhiên, Lão giáo khuyến khích đời sống an nhiên tự tại. 
· Nho giáo do Khổng tử mà ra: Đức Khổng Tử nêu lên ngũ luân (Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín) để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội. 
· Kitô giáo: đặt nền tảng trên Đức Giêsu Kitô (đúng ra Đức Giêsu sinh ra khoảng năm thứ 6 trước Công Nguyên, vì khi làm lịch người ta tính sai, đến nay thấy không cần thiết nên Giáo hội không điều chỉnh lại), cũng là một trong những tôn giáo. 

Như vậy, có phải Kitô giáo cũng chỉ là con đường như các con đường khác hay không? Hiện nay đang có những lập luận cho rằng đạo nào cũng như đạo nào, đạo nào cũng tốt, cũng dạy ăn ngay ở lành. 

3. So sánh Kitô giáo với các tôn giáo khác 

Các tôn giáo khác là những nỗ lực đơn phương của con người từ tự nhiên vươn lên siêu việt. Kitô giáo, do sáng kiến của Thiên Chúa là con đường hai chiều: Thiên Chúa xuống làm người, để dẫn con người đến với Thiên Chúa. Đức Giêsu nói: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua thầy” (Ga 14,6b). Nên đây là con đường chắc chắn, vì một số con đường khác có thể không dẫn tới Thiên Chúa, trở thành mê tín dị đoan, tôn thờ ngẫu tượng (Vd: Người Nhật, họ cho rằng họ là con của Thần mặt trời, đến nay con người biết, mặt trời chỉ là một hành tinh). 

Kitô giáo là con đường dẫn con người trở thành Thiên Chúa. Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) đã quả quyết: "Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa"[3], đây không phải là chuyện phạm thượng hay kiêu ngạo nhưng là chuyện thật của những người đã từng hoán cải cuộc sống như trong thư gửi tín hữu Ga-lát, Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 3,20a). Như vậy sự cứu độ của Kitô giáo là giúp con người vượt qua tội lỗi và thông phần vào bản tính Thiên Chúa ba ngôi. Trong khi các tôn giáo khác chỉ là con đường một chiều, hướng dẫn con người vươn lên để được cứu khổ, cứu nạn, chia sẻ cuộc sống thần tiên. Vấn đề đặt ra: Tại sao chúng ta không dám nghĩ chúng ta trở thành Thiên Chúa, chính điều này diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, vì yêu con người, Thiên Chúa phải nâng con người lên với Ngài để được yêu thương trọn vẹn. Chúng ta sợ không dám nghĩ tới, vì khi nghĩ đến Thiên Chúa, chúng ta chỉ nghĩ tới quyền lực, nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu, sự Thiện Tuyệt Đối. Nếu chúng ta vươn lên tới Ngài theo con đường của Đức Giêsu Kitô và sự trợ giúp của Thánh Thần thì nỗ lực vươn lên trọn lành của chúng ta đã làm Ngài hài lòng. 

Các tôn giáo khác giải thích: theo thuyết Nhị nguyên luôn có 2 nguồn: Thiện – Ác, Sống – Chết, Hạnh phúc – Bất hạnh, Tinh thần – Thể xác, Chiến tranh – Hòa bình, Đẹp – Xấu. 

Kitô giáo không quan niệm nhị nguyên, mà chỉ có một nguồn duy nhất là Thiên Chúa. Như vậy những điều xấu xa, sự dữ ở đâu mà có? Nó là những thứ tiêu cực không thật sự tồn tại. 
- Suy tư triết học về sự dữ, với duy tâm thuyết: Nhãn quan duy tâm cho rằng chỉ từ khi có ý thức, con người mới nói đến sự dữ và đau khổ. Vật chất không biết đến đau khổ. Một cuộc động đất tự nó không tốt cũng không xấu. Đó chỉ là hiện tượng vận động của trái đất. Nó chỉ trở thành sự dữ khi đối diện với ý thức con người, thông qua những tàn phá nó gây nên. Do đó, họ giản lược sự dữ thành một sản phẩm thuần tuý của ý thức và từ đó cũng hóa giải sự dữ bằng ý thức. Nếu đau khổ là của ý thức, thì ý thức cũng có khả năng vô hiệu hóa đau khổ bằng cách coi nó như không có hoặc điều chỉnh ý thức cho ăn khớp với môi trường hay hoàn cảnh chung quanh. 
- Đứng trước mầu nhiệm sự dữ, mọi giải đáp của con người đều tỏ ra bất lực. Dù là triết gia hay thần học gia cũng không làm được gì hơn khi đứng trước mầu nhiệm sự dữ. “Con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hoá tốt lành của mình. Con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình. Và đồng thời phá vỡ mọi hoà hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo”[4]. Do đó, chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa là Tình Yêu, con người mới có thể giải quyết được vấn đề sự dữ, vì chỉ một mình Thiên Chúa chiến thắng sự dữ[5]

4. Sự quy hướng về Đức Kitô trong các tôn giáo khác 

Có nhiều người ở các tôn giáo khác khi muốn theo Kitô giáo, thì đa số họ sợ, vì trước đây họ cũng đã thề hứa không bỏ đạo của họ. Như vậy khi họ theo Kitô giáo, các thần thánh trước đây họ theo có buồn phiền và trả thù họ không? Họ có sai lời thề trước đây không? 
Vd1: Người theo đạo Phật, muốn trở về Kitô giáo thì có phải là họ đã từ bỏ đạo của họ không, cụ thể là từ bỏ Đức Phật, các La Hán? 
Vd2: Hoặc một người theo đạo ông bà tổ tiên, khi trở về Kitô giáo, thì có phải là họ bỏ ông bà tổ tiên không? Đặc biệt trong trường hợp người đó là con trai trưởng, con trai của họ sẽ là cháu đích tôn. Trong khi đó, theo yêu cầu của phép chuẩn thì họ phải hứa cho con cái theo đạo. Như vậy họ có bỏ quyền cúng giỗ ông bà, tổ tiên không? 

Chúng ta phải giải đáp họ rằng: Khi trở thành Kitô hữu hay theo Kitô giáo là theo con đường của Đức Kitô dẫn đến sự thật và sự sống. Một sự thật tuyệt đối giải thoát con người đến sự sống vĩnh hằng, để con người được chia sẻ sự sống kỳ diệu. Như vậy, Đức Phật hay các thần thánh tốt lành của các tôn giáo khác cũng đi tìm sự thật (chỉ trừ những đạo lạc lối thờ các thần dữ, quy phục sự dữ), như thế một cách nào đó thì chính các tôn giáo ấy cũng đang hướng dẫn con người tìm kiếm Thiên Chúa. Thiên Chúa đã mạc khải một cách tự nhiên cho Đức Phật và các thần thánh trong các tôn giáo đó. Như vậy, chúng ta phải nhìn Đức Phật và các thần thánh tốt lành đó như các vị đáng kính hoặc các vị thánh của chúng ta, chứ không nhìn họ là một Thiên Chúa khác, vì họ cũng phản ánh những gì tốt đẹp của Thiên Chúa. 

Qua các tôn giáo, chúng ta thấy các hạt giống Lời Chúa âm thầm gieo vào lòng người để chuẩn bị cho Tin Mừng. Vì thế, các tôn giáo đó không phải là đi trước, nhưng phải coi là đã thuộc về Kitô giáo rồi, do các tôn giáo đều mơ ước thể hiện điều tốt đẹp, mà Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh truyền giáo Ad Gentes, số 3 đã nêu: “Ý định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại không phải chỉ được thực hiện một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí con người, hoặc bằng những kế hoạch, ngay cả kế hoạch tôn giáo, để nhờ đó con người tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách, ‘hầu may ra sẽ đến gần Ngài hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta’ (CvTđ 17,27)” 

Cụ thể, khi người Kitô hữu vào Chùa hay các nơi tôn thờ của các đạo khác, chúng ta tham dự các nghi lễ của họ với một thái độ tôn trọng. Sự xác tín ở đây là phải phân biệt chỉ tôn thờ Thiên Chúa, còn Đức Phật, Bồ tát, các thần thánh hay ông bà tổ tiên thì chỉ tôn trọng. 

Điều cốt lõi là chúng ta phải biểu lộ Sự thành toàn của Kitô giáo để tránh chủ thuyết tương đối (Mc16, 16). Vấn đề đặt ra, nếu người Kitô giáo không làm phép lạ, không trừ tà… thì lấy gì chứng minh Lời Chúa trong họ. Các phép lạ đó thể hiện qua cách sống của chúng ta, đến nay chúng ta sống bao nhiêu giá trị trong các mối phúc thật để chúng ta giới thiệu Đức Kitô cho mọi người? 

Nhận biết các tôn giáo khác quy hướng về Đức Kitô cụ thể qua: 
- Các tôn giáo trước hết là con đường (Rm 2,15). Đức Kitô là điểm hội tụ các con đường. 
- Các tôn giáo khác đều có huyền thoại trong kinh sách của họ, tất cả điều đó đều chuẩn bị cho Thánh Kinh. 
- Các kinh nghiệm về tâm linh của họ trong việc đi tìm Đấng Tuyệt Đối là cách thức chiêm niệm về Thiên Chúa. 
- Ngay cả các Ngẫu tượng, phần nào cũng phản ánh Thiên Chúa. Vd: Ấn độ giáo thờ con bò, thể hiện sự phong phú của cuộc sống, nhưng chính Thiên Chúa là suối nguồn của mọi sự phong phú. 
- Nghi lễ của họ, chuẩn bị cho nghi thức phụng vụ. 

Nhà truyền giáo Dòng Tên, Roberto de Nobili (1577-1656) là một học giả nổi tiếng về Ấn Ðộ Học. Ông thực sự là người đầu tiên không phải người Ấn mà đọc được các bản văn thánh của Ấn Giáo: kinh Vệ-đà, kinh U-pa-nishad và kinh Bhagavad Gita. Dù là một nhà truyền giáo, de Nobili vẫn vào sâu được đời sống của Ấn Giáo, khiến các đạo sĩ Brahmins cũng phải kính phục, ngài còn thực hiện những bước căn bản của lối tu sannyasa. Hạn từ này chỉ việc ‘từ bỏ’ cái hư ngã, vốn là lý tưởng của một nhà tu hành Ấn giáo. Năm 1607, de Nobili được bề trên cho phép mặc áo kavi, tức cà sa vàng, vốn là y phục của một sannyasi. Ngài trở thành một sannyasi đúng nghĩa: ăn chay, quán niệm và kiêng thịt. Ngài long trọng tuyên thệ sống đời một sannyasi cho đến mãn đời, một lời tuyên thệ ngài đã giữ trọn (Cronin 70-71). 
De Nobili không những biết đọc biết viết tiếng Phạn (Sanskrit) và Tamil, ngài còn soạn thảo các công trình độc đáo bằng các ngôn ngữ này và các công trình ấy trở thành những tác phẩm cổ điển. Ngoài ra, theo Joseph Thekkedath, ngài còn khai triển ra toàn bộ từ vựng cho thần học Kitô Giáo Ấn Ðộ, sáng tác ra cấu trúc thần học để giảng dạy đức tin Kitô giáo cho bán lục địa này. Dù mục đích nguyên khởi của ngài là phúc âm hóa, ngài càng ngày càng kính trọng và trân quí lý tưởng Ấn độ, nhất là trong những chân lý sâu sắc nhất, trong các chiều kích nội tâm chiêm niệm và trong cam kết nghiêm chỉnh nhằm biến đổi nội tâm. Cuộc đời ngài quả là một cuộc đối thoại sống, và chắc chắn ngài đã đi xa trước thời đại.[6]

5. Con người hiện đại mong chờ Đức Kitô 

Hiện nay có nhiều người phản đối hay không biết Đức Giêsu Kitô là ai. Những người này cũng gặp những vấn nạn của con người trong tự nhiên và xã hội, họ cũng khao khát tâm linh và tôn giáo. Nhưng họ lại đi tìm cái đẹp, cái tốt, cái đúng, mong ước được tự do hơn và không bị giới hạn bởi dục vọng theo cách nhìn của các nghệ sĩ, khoa học, người mẫu. Thật ra, những người này chỉ đi tìm cái bên ngoài Đức Giêsu Kitô, điều này làm họ thật khổ sở. 

Loài người vẫn bị thôi thúc phải đi tìm con người mới, trọn vẹn toàn diện. Đi tìm một nước mới, ở đó mọi người đều bình đẳng và hạnh phúc. Trong lịch sử nhân loại, con người đã được giới thiệu rất nhiều ý thức hệ, các nền luân lý tự nhiên, nhưng xem ra những vấn nạn của con người vẫn còn đó. 

Kitô giáo giới thiệu một thế giới mới, ở đó chính Đức Giêsu Kitô là con đường đi đến Thiên Chúa, Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại và vũ trụ, là Đấng mà con người ngày nay đang mong chờ. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định… Sự gặp gỡ thân mật này giúp cho các cá nhân chia sẻ mối quan hệ của Chúa Con với Cha của Người và trải nghiệm quyền năng Chúa Thánh Thần… Đây là kinh nghiệm mới mẻ về Thiên Chúa của người Kitô hữu”[7]

Không ảo tưởng, qua kinh nghiệm thực tế đã có những hoạt động cụ thể, hướng tới xây dựng trời mới, đất mới. Như thời kỳ đầu đạo Kitô giáo mới du nhập vào Việt Nam, những người Công giáo với 2 chữ tả đạo xăm trên trán, trên má, người Công giáo không được phép đi học, đi thi, hành nghề, buôn bán. Nhưng người Công giáo biết liên kết yêu thương nhau, nên biết nghề gì thì truyền hết cho nhau, làm hàng gì cũng phải thật tốt, bán hàng gì cũng phải thật rẻ. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn, bách hại, họ vẫn sống sung túc, an vui và ai cũng muốn mua hàng, giao hảo với người Công giáo. Người Công giáo truyền cho nhau một kiểu chữ mới sau này trở thành chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, chữ Nôm và càng ngày càng truyền bá lan rộng cho mọi người. Vào năm 1865, tờ Gia Định Báo bằng tiếng Việt đã được phát hành tại Sài Gòn.[8]

Chúng ta đừng quên rằng Đức Giêsu Kitô cho chúng ta những điều mơ ước, chúng ta cứ việc mơ ước, càng cao và nhiều bao nhiêu thì Thiên Chúa càng ban cho chúng ta. Vì ơn cứu độ dành cho hết mọi người, sung mãn trong mọi chiều hướng[9]. Vậy tại sao chúng ta không dám mơ ước hạnh phúc ngay tại đời này? 

Sài gòn, buổi học 20 và 27/11/2012 
     Nhóm cổ vũ “GHXHCG” 

-----------------------

[1] Trích "Xây dựng nền văn minh tình yêu" của Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn. 
[2] Gioan Phaolô II, Diễn văn tại buổi triều yết chung ngày 19-10-1983, số 2: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 24-10-1983, tr. 9. 
[4] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ, số 13. 
[5] Xem các bài “Sự dữ, một vấn đề”, của Nguyễn Minh Sơn, OP. 
[7] x. Đề Cương THĐGM 2012, số 11 
[8] Xem “Xây dựng nền văn minh tình yêu” của Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn. 
[9] X. Tóm lược HTXHCG, số 38

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks