ngày tháng năm

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội là gì ?

Tại sao Giáo Hội có một Học Thuyết Xã Hội 

Từ khi Đức Gioan Phaolô II lên ngôi Giáo Hoàng, Giáo Hội nói nhiều đến học thuyết xã hội của mình. Điều này có thể cảm nhận như một mâu thuẫn: Giáo Hội vốn có sứ mạng trên lãnh vực thiêng liêng và siêu nhiên, lại quan tâm sát sao tới đời sống xã hội. Thực chất, Giáo Hội tìm cách soi sáng cách hành xử của chúng ta trong xã hội sao cho cuộc sống của chúng ta phù hợp trên mọi mặt với Tin Mừng. 

Từ lúc ĐGH Gioan Phaolô II lên ngôi, chúng ta thường được nghe nói về Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội (GHXHGH), nhưng đó chính xác là gì? Tại sao Giáo Hội vốn có một sứ mạng thiêng liêng, lại quan tâm đến đời sống và tổ chức của xã hội? GHXHGH có ảnh hưởng như thế nào trong cuộc đời của mỗi người Kitô giáo? 

Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội có một lịch sử lâu dài, bắt đầu vào ngày lễ Ngũ Tuần khi các Tông Đồ, lãnh nhận Ơn ích của Chúa Thánh Linh, đã ra đi khắp thế giới để loan báo Tin Mừng. Mặc dù danh xưng GHXHGH chỉ mới có đây thôi, nhưng điều này không có nghĩa rằng những nguyên tắc này đã không được áp dụng từ thời các Thánh Tông Đồ. Cho rằng Giáo Huấn chỉ bắt đầu với Thông Điệp xã hội quan trọng đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII năm 1891, Rerum Novarum, là một sai lầm trầm trọng. Suốt chiều dài của Cựu Ước, chúng ta thấy có những văn bản đích thực của Giáo Huấn Xã Hội, đặc biệt nơi ngôn sứ Giêrêmia là người đã phê phán mãnh liệt những sự lạm dụng trong thời đại đó. Đến lượt các Thượng Phụ của Giáo Hội cũng đã nói và viết nhiều về đề tài này. Chúng ta chỉ cần nhìn vào những văn kiện của Thánh Clément thành Alexandrie, của Thánh Basile, Thánh Ambrôsô, Thánh Âu Tinh hay Thánh Gioan Kim Khẩu cũng đủ thấy rằng các ngài đã chống lại những bất công xã hội gây ra bởi những đại địa chủ, chống lại phá thai và ly dị, chống lại chiến tranh bất chính vv… Vào thời Trung Cổ, chúng ta có thể viện dẫn thánh Tôma Aquinô khi ngài nói nhiều đến luật pháp, đến công lý, đến chiến tranh chính nghĩa, đến thẩm quyền và đến chính phủ. Vào thời Phục Hưng, linh mục Phaxicô Vitoria, op, quan tâm đến số phận những người thổ dân châu Mỹ và như vậy, ngài đã là nguồn gốc của luật quốc tế. Vào thế kỷ XIX, những người Công Giáo xã hội đã đấu tranh chống lại những bất công của cuộc cách mạng công nghệ và đã giúp cho ĐGH Lê-ô XIII soạn thảo một chuỗi các thông điệp xã hội lập lại những đòi hỏi của Tin Mừng. Trước sự khước từ sống đời sống Kitô giáo ngày càng lan rộng của con người thế kỷ XX, các vị Giáo Hoàng đã không ngừng nhắc nhở những đòi hỏi xã hội của Kitô giáo, lập nên một Học Thuyết Xã Hội đích thực. Trước khi định nghĩa cái gì là GHXHGH, chúng ta phải tự hỏi về thẩm quyền của Giáo Hội để can thiệp vào vấn đề này. Quả vậy, Giáo Hội, vì sứ mạng của mình, có quyền và nghĩa vụ can thiệp vào vấn đề xã hội khi thấy có nhu cầu. Có ba lý do : 

1. Thiên Chúa muốn cứu công trình tạo dựng, Giáo Hội phải loan báo thông điệp cứu độ này cho khắp muôn dân ; 
2. Giáo Hội, vì sứ mạng của mình là « Hiền Mẫu và Tôn Sư » của lương tâm con người và, như thế, phải soi sáng mọi người về cái gì là phù hợp với Tin Mừng hay cái gì là trái ngược hoàn toàn ; 
3. Giáo Hội phải bảo toàn sự hợp nhất và bác ái trong lòng Nhiệm Thể Đức Kitô. Để làm được việc này, Giáo Hội phải tố cáo những xúc phạm đến Đức Tin, luân lý và phẩm giá con người, vì Giáo Hội là « người canh giữ và truyền đạt tín lý của Đức Giêsu Kitô », và « người canh giữ, do Thánh Ý Chúa và do ủy nhiệm của Đức Kitô, trật tự tự nhiên và siêu nhiên ». 

Vì thế, Giáo Hội luôn tự đảm nhận quyền can thiệp trong lãnh vực trần thế dưới các dạng thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh lịch sử. Nếu Giáo Hội đảm nhận một quyền kiểm soát trên mặt trần thế, không phải để chiếm đoạt một quyền lực, nhưng để soi sáng con người về những bổn phận của mình và để giúp đỡ con người, cả bằng cách cụ thể với những chương trình thiện nguyện, và điều này bởi vì thẩm quyền của Giáo Hội đến từ sứ mạng của mình. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở rằng « Giáo Hội sẽ đưa ra một sự phán đoán luân lý, trên lãnh vực kinh tế và xã hội, ‘khi những quyền cơ bản của con người hay sự cứu rỗi các linh hồn đòi hỏi’ (Gaudium et spes, số 76, 5). Trong lãnh vực luân lý Giáo Hội có một sứ mạng khác hẳn với thẩm quyền chính trị: Giáo Hội bận tâm đến những phương diện trần thế của công ích vì gắn liền với Thiện Ích tối cao, mục đích cuối cùng của chúng ta. Giáo Hội nỗ lực gợi ý cho những thái độ chính đáng trong mối quan hệ với những của cải thế gian và trong những quan hệ xã hội kinh tế » (số 2420). Nay chúng ta đã thấy thẩm quyền của Giáo Hội về mặt xã hội, chúng ta có thể định nghĩa khi nói rằng GHXHGH là một tổng hợp các chân lý luân lý và tôn giáo, một tổng hợp những nguyên tắc, cũng như là một tổng hợp các giá trị, một trật tự các giá trị cần phải tin, phải trọng, phải bảo vệ, phải yêu mến và thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những giá trị này là những đòi hỏi căn bản của thân phận con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, nhắm tới mục đích siêu nhiên cuối cùng của con người, nhãn quan chân phước. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo tóm lược GHXHGH như sau: « GHXHGH đề nghị những nguyên tắc để suy nghĩ; nó tỏa ra những tiêu chuẩn để phê phán; nó đưa ra những chỉ dẫn để hành động » (số 2423). ĐGH Gioan Phaolô II nói bằng lời lẽ khác: « GHXHGH không chỉ là một học thuyết, nhưng là sự trình bày chính xác những kết quả của một sự suy nghĩ chuyên chú trên những thực tế phức tạp của sự hiện hữu của con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng Đức Tin và Truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của Giáo Huấn là diễn nghĩa các thực tế này, khi kiểm tra tính phù hợp hay những bất đồng với những định hướng của giáo huấn Phúc Âm đối với con người và với ơn gọi của con người vừa cho những việc trần thế vừa cho những chuyện siêu việt; giáo huấn do đó có mục đích hướng dẫn cách hành xử của người Kitô giáo. Vì vậy Giáo Huấn không đi vào lãnh vực học thuyết mà đi vào lãnh vực thần học và đặc biệt là lãnh vực thần học luân lý. Giáo huấn và sự phổ biến học thuyết xã hội đều là thành tố của sứ vụ Phúc Âm hóa của Giáo Hội. Và vì là một học thuyết có mục đích hướng dẫn con người, nó đồng thời cũng là ‘sự dấn thân cho công lý’ của mỗi người tùy theo vai trò, tùy theo ơn gọi, tùy theo điều kiện của mình ». GHXHGH là một học thuyết, nghĩa là một giáo huấn. Giáo huấn này đã trở thành được mọi người thiện chí chấp nhận lại vừa là nguồn cảm hứng nhiều hơn cho cách hành xử của các giáo dân » (số 2422). ĐGH Gioan Phaolô II đã nhắc về điều này: « Quả vậy, tính liên tục và đổi mới mang lại một sự xác nhận giá trị bền vững của giáo huấn của Giáo Hội. Hai phẩm chất này nêu lên đặc tính của giáo huấn trên mặt xã hội. Một mặt, giáo huấn này mang tính không thay đổi bởi vì đồng nhất trong thiên hứng cơ bản của nó, trong những ‘nguyên tắc suy tư’, trong những ‘tiêu chuẩn phán đoán’, trong những ‘hướng dẫn hành động’ cơ bản của nó và nhất là trong mối quan hệ cốt lõi của nó với Tin Mừng của Chúa ; mặt khác, nó luôn luôn mới vì là chủ thể của những thích nghi cần thiết và hợp thời mang lại do những thay đổi của các điều kiện lịch sử và bởi sự kế tục không ngừng các biến cố làm nên cái nền của cuộc sống con người và xã hội ». 

Những đề tài chính đượcc GHXHGH đề cập là công bằng xã hội và tình liên đới, quyền tư hữu và sự phân bố của cải, gia đình, lao động, luật pháp, thẩm quyền và chính phủ, các quyền và nghĩa vụ của con người bắt đầu bằng quyền được sống, Nhà Nước, xí nghiệp và những hội đoàn, các nghiệp đoàn, kinh tế, quan hệ quốc tế, chiến tranh, văn hóa. GHXHGH có nền móng là luật tự nhiên và Mạc Khải, đạo lý của con người và của Phúc Âm. Hai trụ cột này bổ túc cho nhau và trở thành một như hai mặt của một đồng tiền. Khi làm ra đích thị là một học thuyết xã hội, Giáo Hội có mục đích duy nhất là giúp đỡ con người sống Phúc Âm qua các thực tế thường nhật của cuộc đời chúng ta để ‘tạo những điều kiện xã hội chỉ có giá trị khi chúng có thể mang lại cho hết mọi con người và hết mọi Kitô hữu một đời sống xứng đáng và thoải mái ». Nó có mục đích chung cuộc là xây dựng một nền văn minh Tình Thương, mà ĐGH Gioan Phaolô II thường hay nói đến, và là một khí cụ đích thực của Phúc Âm Hóa. Mục đích của Giáo Hội không phải là kiến tạo nên một xã hội nhân bản toàn hảo; nhưng là giúp cho con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, được sống Phúc Âm và có được, ngay ở dưới thế này, một sự hiệp thông thân thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi ở tận đáy sâu tâm hồn, và điều này dù bất kể là ở xứ sở nào, bất kể ở điều kiện xã hội nào. Điều quan trọng không phải là điều ta làm, cái ta có, nơi ta ở, mà là tình yêu chúng ta tỏ ra với Thiên Chúa qua những chi tiết nhỏ nhất của cuộc đời chúng ta, cũng như trong những con người mà chúng ta được kêu gọi hàng ngày kề cận như hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trước khi lập Phép Thánh Thể, bí tích tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Vì thế, GHXHGH mời gọi chúng ta bước vào trong lôgic của tình yêu Thiên Chúa, trong cuộc đời thường nhật của chúng ta, bởi vì không thể nào có sự phân biệt giữa tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật với cuộc sống gia đình và nghề nghiệp của chúng ta, điều này chỉ là một tổng hợp để ca tụng sự vinh hiển của Thiên Chúa và sự thánh hóa linh hồn chúng ta. Từ điểm này, sống những nguyên tắc của GHXHGH là một câu trả lời của con người đối với Tình Yêu mà Thiên Chúa hằng thể hiện, để trở về trong tình yêu của Ngài. Nói cách khác, GHXHGH cho chúng ta những điểm mốc để sống Phúc Âm hàng ngày. Toàn bộ các nguyên tắc và giá trị của GHXHGH ở đó để giúp chúng ta sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái của chúng ta. Ba nhân đức thần học này có thể chỉ là những chữ vô nghĩa nếu chúng ta không tìm cách sống các nhân đức này trong những quan hệ với tha nhân. Trong đời sống thường nhật của chúng ta, có lòng tốt vẫn không đủ, không phải những ai nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ sẽ có thể nhìn thấy Đức Chúa Cha sau chuyến lữ hành trên thế gian, nhưng là những người đã làm theo Thánh Ý Cha khi tìm cách yêu thương và phục vụ ‘những người anh em nhỏ nhất’. Làm thế nào có thể tự nhận là yêu mến Thiên Chúa nếu bằng lá phiếu của mình, lại không tìm cách bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai cũng như bảo vệ gia đình? Làm sao có thể tự nhận là theo chân Đức Kitô nếu thu hẹp lao động thành một sự bắt buộc và nếu tổ chức lao động một cách vô nhân đạo và không trả lương xứng đáng? Làm sao có thể tự nhận là mình lắng nghe Chúa Thánh Thần nếu tổ chức đời sống kinh tế và chính trị không có Thiên Chúa và để luật của kẻ mạnh lên trên hết? Làm sao có thể tự nhận yêu Cha nếu không đặt để cuộc sống thiêng liêng vào trung tâm của cuộc đời chúng ta để có thể cổ vũ hòa bình đích thực, đối tượng của Phúc Thật thứ bảy? 

Để kết luận, phải biết rằng GHXHGH hiện hữu, phải khám phá nó, học hỏi nó để mang nó ra thực hiện. Người ta thường hay tin rằng Giáo Hội giữ một sự im lặng nào đó về những vấn đề xã hội của thời đại, thật ra không phải vậy. Dĩ nhiên truyền thông không đáp ứng, vì vậy, tự mình phải quan tâm theo những lời khuyên bảo của ĐGH Gioan XXIII trong thông điệp Hiền Mẫu và Tôn Sư ở các số 222-224: « Trước hết, chúng tôi xác nhận lại lần nữa rằng học thuyết xã hội được Giáo Hội giảng dạy là bộ phận gắn liền với giáo huấn của Giáo Hội về đời sống con người. Vì thế chúng tôi rất muốn thấy nó được học tập ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi yêu cầu nó được giảng dạy như một môn học bắt buộc trong mọi học đường Công Giáo ở mọi trình độ… Chúng tôi cũng muốn rằng GHXHGH xuất hiện trong chương trình đào tạo của các giáo xứ cũng như của các hội đoàn tông đồ giáo dân và nó được quảng bá bằng mọi phương tiện truyền thông hiện đại : các nhật báo và các báo định kỳ, các tác phẩm khoa học hay bình dân, các buổi phát thanh, truyền hình ». Công Đồng Vaticanô II sẽ xác nhận cách long trọng những lời dặn dò này rằng « các tín hữu giáo dân phải đặc biệt thấm nhuần các nguyên tắc và các kết luận của giáo huấn xã hội này, để cho chúng trở nên có khả năng đóng góp vào sự phát triển cũng như vào việc áp dụng giáo huấn một cách đúng đắn ». ĐGH Gioan Phaolô II đã biến GHXHGH thành khí cụ chọn lọc của tân Phúc Âm hóa. Nếu ngài đã viết ngần ấy tài liệu về đề tài này, khỏi cần phải nói, tức là ngài đã gắn cho nó một tầm quan trọng ngoại lệ về việc học tập và áp dụng GHXHGH. 

Père Marc-Antoine FONTELLE 
Mai Khôi lược dịch 
24 - 02 - 2009 
Nguồn http://ghxhcg.com/article.aspx?id=1587

-----------------------------

Chú thích 

(1) Cuốn Tóm Lược GHXHGH, số 72: « Học thuyết xã hội của Giáo Hội ban đầu không được dự tính là một hệ thống quy củ, nhưng được thành hình theo dòng thời gian, qua nhiều lần can thiệp của Huấn Quyền trước các vấn đề xã hội ». 
(2) Cuốn Tóm Lược GHXHGH, số 50 « Giáo Hội tự đặt mình một cách cụ thể vào vai trò phục vụ Nước Chúa trên hết mọi sự bằng cách loan báo và truyền đạt Tin Mừng cứu độ, cũng như bằng cách thiết lập những cộng đồng Kitô hữu mới... Từ đó, chúng ta có thể suy ra rằng không được lẫn lộn Giáo Hội với bất cứ cộng đồng chính trị nào và không được ràng buộc Giáo Hội vào bất cứ hệ thống chính trị nào »; số 62-63 : « Với giáo huấn xã hội của mình, Giáo Hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ xã hội…. Nhờ học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội đảm nhận công việc loan báo những gì Chúa trao phó cho mình. Giáo Hội tìm cách làm cho thông điệp về sự tự do và cứu chuộc do Đức Kitô đem lại, tức là Tin Mừng về Nước Trời » 
(3) Cuốn Tóm Lược GHXHGH, số 70-71: « Giáo Hội có quyền làm người thầy cho nhân loại, một người thầy dạy sự thật đức tin: sự thật này không chỉ qua các tín điều mà qua cả luân lý vì nằm trong chính bản tính của con người và Tin Mừng….Quyền này cũng đồng thời là nghĩa vụ của Giáo Hội, vì Giáo Hội không thể bỏ bê trách nhiệm này mà đồng thời không chối bỏ chính mình và bất trung với Đức Kitô » 
(4) Cuốn Tóm Lược GHXHGH, số 81: « Giáo Huấn Xã Hội đảm nhiệp chức năng loan báo và tố cáo. Trước hết là sự loan báo những gì Giáo Hội có riêng nơi mình : ‘một cái nhìn tổng quát về con người và về nhân loại’, ở một trình độ không chỉ là lý thuyết mà thực hành. Giáo Huấn Xã Hội, quả thật, không chỉ cống hiến những ý nghĩa, những giá trị và những tiêu chuẩn phán xét, mà còn những chuẩn mực và những chỉ dẫn đi từ các chuẩn mực này ra… GHXHGH cũng bao gồm một nghĩa vụ tố cáo… Sự tố cáo này vừa là phán xét vừa là bảo vệ các quyền bị chà đạp, đặc biệt là những quyền của người nghèo khổ, bé mọn, yếu thế ». 
(5) ĐGH Lêô XIII, Encyclique Diuturnum illud 
(6) ĐGH Piô XII, Sứ điệp phát thanh ngày 24/12/1942 
(7) Xem Đức Cha Guerry, La Doctrine Sociale de l’Eglise, nxb Centurion, 1957, tr 15: « GHXHGH là một tổng hợp các quan niệm (sự kiện của chân lý, của nguyên tắc và của giá trị), mà Quyền Giáo Huấn sống động đong múc trong luật tự nhiên và trong Mạc Khải, và đã áp dụng và làm cho hợp với những vấn đề xã hội của thời đại chúng ta để giúp, theo phương cách riêng biệt của Giáo Hội, các dân tộc và các nhà cầm quyền tổ chức một xã hội nhân bản hơn, phù hợp hơn với Thánh Ý của Thiên Chúa đối với thế gian ». 
(8) Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 41 
(9) Cuốn Tóm Lược GHXHGH, số 53 và 55: « Việc biến đổi các mối quan hệ xã hội cho xứng với những đòi hỏi của Nước Chúa không chỉ được thực hiện trong các ranh giới cụ thể một lần là xong. Mà đúng hơn, đó là một nhiệm vụ được giao cho cộng đồng Kitô hữu để cộng đồng ấy khai triển và thực hiện qua những suy tư và thực hành do Tin Mừng soi sáng…. Cải tạo thế giới cũng là một yêu cầu căn bản trong thời đại chúng ta. Đáp lại nhu cầu này, huấn quyền xã hội của Giáo Hội muốn đưa ra những câu trả lời mà các dấu chỉ của thời đại đòi hỏi, cho thấy tình yêu thương giữa loài người, theo cái nhìn của Chúa, chính là khí cụ mạnh mẽ nhất giúp thay đổi, cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội ». số 86: « Học thuyết xã hội của Giáo Hội được giới thiệu như một “địa chỉ làm việc”, tại đó công việc vẫn đang tiến hành, chân lý ngàn đời vẫn đang thâm nhập và lan toả vào các hoàn cảnh mới, chỉ ra những con đường dẫn tới công lý và hoà bình ». 
(10) Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 3 
(11) Cuốn Tóm Lược GHXHGH, số 74: « Học thuyết xã hội của Giáo Hội đặt nền tảng trên mạc khải Thánh Kinh và Truyền thống Giáo Hội… Đức tin tiếp nhận Lời Chúa và đem ra thực hành chính là đức tin đã hoạt động cùng với lý trí một cách rất hữu hiệu ». số 75: « Đức tin và lý trí diễn tả hai con đường nhận thức khác nhau của Học thuyết Xã hội Công giáo: đó là mạc khải và bản tính con người ». 
(12) ĐGH Piô XII Sứ điệp phát thanh, 1/6/1941 
(13) Sắc lệnh Apostolicam actuositatem ; số 31 



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks