ngày tháng năm

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Thông điệp đầu tiên của Đức Phanxicô?

Đinh Quang Bàn 

Thông điệp đầu tay của Đức Giáo hoàng Phanxicô phải chăng là một thông điệp xã hội? Có thể lắm, vì ngài là người có sứ mạng nói lời ngôn sứ trên phạm vi toàn cầu, hẳn nhiên ngài sẽ chăm chú quan sát, nhìn xem “các dấu hiệu của thời đại” để rồi “giải mã” và đọc ra ý định của Thiên Chúa. 

Một sự trùng hợp rất rõ nét là vào thời điểm ngài bắt đầu năm đầu tiên làm giáo hoàng, nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Dâng Ủn “cha truyền con nối” đang ra sức kêu gào cả nước chuẩn bị chiến tranh, đang đe dọa nền hòa bình tại bán đảo Triều Tiên và trên thế giới bằng những lời lẽ sặc mùi hiếu chiến và bằng những động thái như thể chuẩn bị cho nổ ra chiến tranh hạt nhân, hăng cho đến nỗi chính cựu chủ tịch Fidel Castro, một nhân vật chính trong Vụ khủng hoảng Vịnh Cuba, phải lên tiếng xin can.

50 năm về trước, thế giới cũng đang ở trong một tình trạng trong đó nhân loại đang kề cận một cuộc chiến tranh với sự đối đầu giữa hai ông K. Chính trong bối cảnh đó, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII viết Thông điệp Hòa bình trên trái đất. Thông điệp ra đời năm 1963, và tuy rõ ràng là một thông điệp xã hội, thông điệp đã đi ra ngoài truyền thống kỷ niệm Thông điệp Tân sự, thông điệp xã hội đầu tiên, các vị giáo hoàng kế nhiệm Đức Lêô XIII đã ban hành các thông điệp kỷ niệm thông điệp thời danh này vào các thập niên sau. 

Chủ đề của Thông điệp Hòa bình trên trái đất là hòa bình. Những từ đầu tiên – Hòa bình trên trái đất – của thông điệp cho thấy trọng tâm được thông điệp nhắm đến. Thông điệp khép lại với lời cầu nguyện khấn xin vị Thái tử của Hòa bình: “Chính sự hòa bình do Chúa Cứu Thế đem lại là ơn chúng tôi khẩn khoản cầu xin trong các kinh nguyện của chúng tôi. Xin Ngài xua đuổi ra khỏi tâm hồn những gì có thể nguy hại cho hòa bình, xin Ngài biến đổi hết mọi người thành những chứng nhân của chân lý, công bình và tình yêu huynh đệ. Xin Ngài soi sáng cho những người nắm trong tay vận mệnh các dân tộc, để họ lo mưu hạnh phúc chính đáng cho dân chúng, họ bảo tồn ân huệ vô giá của hòa bình, sau hết, xin Chúa Kitô đốt cháy lòng hết mọi người và thúc họ đập tan các hàng rào chia rẽ, thắt chặt dây tương thân tương ái, biết am hiểu người khác và tha thứ cho những ai đã gây thiệt hại cho mình. Và như thế, nhờ Chúa, tất cả các dân tộc trên mặt đất kết thành một cộng đồng huynh đệ thực sự, và giữa họ với nhau hòa bình sẽ tươi nở và tồn tại vĩnh viễn”. Phần ở giữa là cả một luận đề về chính trị: về các quyền con người, thẩm quyền chính trị, các quan hệ quốc tế, và thiện ích chung toàn thế giới. 

Đây là thông điệp xã hội lần đầu tiên ngỏ lời với “tất cả những người thành tâm trên thế giới”. Sau đó, các thông điệp xã hội khác đều sử dụng công thức này. Ngay sau Hòa bình trên trái đất, có thêm một thông điệp “xé rào”: Thông điệp Phát triển các dân tộc của Đức Phaolô VI, được xem là một thông điệp “Tân sự” của thời hiện đại. Ngay lập tức Phát triển các dân tộc mở đầu cho các thông điệp xã hội có thể gọi là thông điệp nhóm B, được kỷ niệm 20 năm sau bởi Thông điệp Quan tâm đến các vấn đề xã hội, và 42 năm sau (trong đó có 2 năm chậm phát hành vì Đức Bênêđictô XVI dành cho việc suy ngẫm nhằm đề ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dưới ánh sáng Lời Chúa) là Thông điệp Yêu thương trong chân lý. 

Phải chăng Đức Phanxicô sẽ kỷ niệm 50 năm thông điệp “ngoại hạng”này (vì không xếp vào hạng nào được) bằng một thông điệp xã hội? 

Nếu đúng vậy, Thông điệp Hòa bình trên trái đất sẽ mở đầu cho xê-ri C các thông điệp xã hội và ta sẽ có một cuộc “xé rào” ngoạn mục nữa. Ta hãy chờ xem. 





Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks