ngày tháng năm

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Quyền lực của người tiêu dùng

TT - Một lần nữa, trên các trang diễn đàn, mạng xã hội như webtretho, lamchame, Facebook... lại dậy sóng vì vấn đề liên quan đến chất lượng sữa bột cho trẻ em. Người tiêu dùng nổi giận vì cho rằng nhà sản xuất đã lừa dối họ cả về “lý lịch” và chất lượng của sản phẩm sữa. Càng phẫn nộ hơn khi họ liên tiếp đưa ra những bằng chứng cáo buộc nhà sản xuất làm sai, trong khi các cơ quan chức năng - những nơi có trong tay “cây gậy” luật pháp - lại chưa có động thái rốt ráo bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. 

Vì thế, trên mạng xã hội Facebook đã có tới hơn 3.800 người tiêu dùng tập hợp lại để cùng nhau tìm ra chất lượng thật sự của sữa dê Danlait. 

Sự việc ồn ào trở lại khi một bản kết quả kiểm nghiệm chất lượng sữa dê Danlait 1 (dành cho trẻ 0-12 tháng tuổi) của Viện Pasteur TP.HCM được đăng tải lên các trang mạng đã ngay lập tức được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Chất lượng sữa có vấn đề nghiêm trọng: độ đạm chỉ đạt 4,13%, thay vì mức 17,6% như công bố trên nhãn hàng của Công ty TNHH Mạnh Cầm (trụ sở tại Hà Nội, chủ thương hiệu Danlait). Thêm nữa, hàm lượng kali và natri vượt mức cho phép nhiều lần so với tiêu chuẩn của Codex. 

Ngay sau khi bản kiểm nghiệm của Viện Pasteur được tung ra, Cục An toàn thực phẩm rốt ráo ra thông báo rằng kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur không phản ánh đúng chất lượng sữa vì đã chọn sai phương pháp. Trước đó, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần phát biểu trên báo chí khẳng định sữa Danlait đảm bảo chất lượng. Một số sai sót trong thành phần sữa được cục khẳng định do doanh nghiệp... đánh máy nhầm (!?). 

Không bàn đến đúng - sai trong phương pháp kiểm nghiệm của Viện Pasteur bởi cơ quan này hẳn phải có lý của họ khi chọn một phương pháp kiểm nghiệm nào đó cho một sản phẩm cụ thể. Ở đây, câu chuyện đặt ra là đáng lẽ Cục An toàn thực phẩm phải là đơn vị đi lấy mẫu sữa kiểm nghiệm sau khi có những thông tin lùm xùm về sữa Danlait trước đó. Việc đi lấy mẫu sữa kiểm nghiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành có thể đạt được hai mục đích: nếu sữa kém chất lượng, kết quả kiểm nghiệm là cơ sở để xử lý nhà sản xuất vi phạm và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Ngược lại, nếu đạt chất lượng, Cục An toàn thực phẩm hoàn toàn có thể công bố kết quả kiểm nghiệm như một bằng chứng thuyết phục rằng doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Cơ quan chức năng đã không để lọt sữa dỏm ra thị trường trong thời gian qua. 

Nhưng tiếc thay, đến nay người tiêu dùng chưa thấy một bản kết quả kiểm nghiệm nào từ phía cơ quan chức năng. Đó là lý do những ông bố, bà mẹ - những người đã mua sữa Danlait và cả những người chưa từng mua sản phẩm này - đã cùng nhau tìm kiếm, chia sẻ thông tin về Danlait. Trang Facebook có tên “Chung tay chia sẻ thông tin về sự dối trá của sữa Danlait của Công ty Mạnh Cầm” mỗi ngày lại thêm nhiều thành viên mới. Họ tham gia để góp thêm 50.000 đồng, 100.000 đồng làm chi phí kiểm nghiệm. Nhiều mẫu sữa đã được gửi đi các trung tâm kiểm nghiệm khác ở trong nước và cả nước ngoài với mục đích cho ra một kết quả kiểm nghiệm thuyết phục, chất lượng trắng - đen rõ ràng. 

Câu chuyện sữa dê Danlait chưa đến hồi kết vì đúng - sai vẫn chưa có một phán quyết rạch ròi. Nhưng những người theo dõi câu chuyện hẳn sẽ thấy với cách kinh doanh thiếu trung thực về lý lịch sản phẩm như trường hợp Danlait, doanh nghiệp dù có làm gì cũng khó lấy lại được lòng tin từ người tiêu dùng. Và qua vụ việc này cũng thấy người tiêu dùng có đầy đủ quyền lực và sức mạnh, họ hoàn toàn có đủ khả năng giám sát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của một sản phẩm và lôi ra ánh sáng những đơn vị kinh doanh không trung thực. 

BẠCH HOÀN 
Nguồn tuoitre

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks