ngày tháng năm

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Những “tin tức ngực” và bài học làm người

PHẠM VŨ

TT - Mấy ngày nay, nhiều người cho biết đã có lúc thấy tim đập mạnh, choáng váng, run tay đến phải buông những tờ báo quen thuộc. Vì sao? Giữa một sớm mùa xuân ngồi đọc báo: Buồn chồng, mẹ giết con rồi uống thuốc tự tử. Nợ nần, cô giáo cũng giết con rồi tự treo cổ. Mâu thuẫn, ông nội thiêu sống cả gia đình.

Nam thanh niên 24 tuổi tự thiêu vì không tìm được việc làm. Hàng trăm người theo một gia đình mang quan tài đi khiếu kiện. Vợ bí thư xã bị xác định là nghi can giết người đốt xác. Thầy hiệu trưởng xén bớt học bổng của học sinh dân tộc, kê khống số lượng học sinh giỏi để chiếm dụng tiền thưởng...

Mật độ dày đặc những tin làm tức ngực khiến người đọc báo cảm thấy bất an. Bất an với những người xung quanh và bất an với chính bản thân mình. Bất an ngay ở dưới chân và hơn nữa, vào thẳng trong tim người.

Thấy gì trong những bản tin làm tức ngực ấy? Không chỉ là những cái chết. Ở đây cuộc sống bị hủy hoại, tình mẫu tử bị hủy hoại, nghị lực con người vượt lên khó khăn bị hủy hoại, đạo lý, những hình ảnh cứ ngỡ là luôn luôn đẹp như thầy giáo cũng bị hủy hoại... Có nghĩa là những gì đẹp nhất bị hủy hoại và với mật độ dày, đến nỗi có bạn đọc phải kêu lên rằng có lẽ không đọc báo nữa để thấy đời an lành hơn, đến nỗi có nhiều người làm báo tâm huyết phải gác bớt những “tin tức ngực” kiểu đó để trang báo khỏi trở thành một quả tạ giáng vào lòng người đọc. Nhưng đọc hay không đọc, đăng hay không đăng thì những chuyện tức ngực, đau lòng ấy vẫn diễn ra. Thậm chí nếu báo không đăng, bạn đọc không đọc, hoặc đọc mà không quan tâm, không chia sẻ thì độ tức ngực, đau lòng không khéo còn cao hơn nữa.

Và như thế, đời còn bất an hơn.

Mấy hôm vừa rồi, trong bài diễn thuyết trước các sinh viên đại học, giáo sư Ngô Bảo Châu đưa ra một quan điểm của ông về việc học: Học, tức là học làm người. Học làm người là học về thế giới, thế giới tự nhiên và thế giới con người. Để mỗi cá nhân nhận thức được vị trí của mình trong đó, nhận thức hết các tương tác giữa cá nhân mình với người khác, để triển khai mọi tiềm năng của mình, để hoàn thiện mình và đồng thời làm cho thế giới xung quanh trở nên một nơi an toàn hơn, thân thiện hơn cho cuộc sống.

Soi định nghĩa học để làm người ấy vào những cái “tin tức ngực”, thấy rõ những trật khớp: những người ấy đã không nhận thức được vị trí của mình, không biết được những tương tác cá nhân mình với xung quanh, không khai thác được tiềm năng của mình... và từ đó đã có những hành động sai, hủy hoại bản thân, hủy hoại mọi người, biến thế giới quanh mình thành một chốn bất an, cho mình, cho mọi người. Họ không học được bài học làm người. Và ngày càng có quá nhiều người như vậy.

Chính phủ đang rầm rộ triển khai đề án xã hội học tập, phong trào học tập suốt đời. Đâu đâu cũng thấy những khẩu hiệu kêu gọi học tập, không chỉ là trong trường học. Học đạo đức. Học cao cấp. Học chuyên sâu. Học kỹ năng sống. Học nghệ thuật sống... Nhưng những bài học để làm người đôi khi lại rất nhỏ, có khi chỉ là một nụ cười trên môi, một bữa ăn ngon dành cho chính mình hay tặng cho tha nhân... Bài học ấy mới chính là bài học phải học đầu tiên, phải học suốt đời mà không chờ khẩu hiệu thúc giục, ai cũng có thể chia sẻ với mọi người không chờ được ghi vào những bản thống kê, tổng kết, báo cáo.

Học bài học làm người, sống có ý nghĩa, lạc quan, tin vào những điều tốt đẹp... liệu có khó quá không? Những người lạc quan phải chiếm đa số chứ.

Nguồn tuoitre

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks