ngày tháng năm

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Củ hành trong giao tiếp

Để có thể có được sự cộng hưởng tối đa trong một cuộc giao tiếp, bạn cần có những kỹ thuật để đặt câu hỏi và đánh giá người đối diện. Điều này đặc biệt hữu ích cho bạn trong mối quan hệ kinh doanh hay tình cảm, bạn bè. Một trong những kỹ thuật đặc biệt hiệu quả và phổ biết hiện nay là “Củ hành”, hay còn gọi là Bản Đồ Tính Cách (Personality Map) trong NLP

Củ hành

Mỗi người trong chúng ta đều có những tính cách và mối quan tâm khác nhau. Thông thường những mối quan tâm này sẽ nằm ở nhiều cấp độ. Chúng ta có thể hình dung những cấp độ này là nhiều lớp của một củ hành. Thông thường người ta sẽ phân tính cách thành 6 lớp vỏ. Những lớp ngoài cùng của củ hành là những đặc trưng bạn có thể dễ dàng nhận biết và đánh giá nhất.


Tại sao điều này lại hữu ích với bạn? Việc nắm bắt chiều sâu mối quan tâm của bản thân và người khác sẽ giúp bạn lựa chọn chủ đề trong cuộc giao tiếp một cách phù hợp nhất, dù là trong công việc hay quan hệ xã giao.

Để dễ hình dung, chúng ta sẽ thử đào sâu vào 6 lớp vỏ củ hành của một người bạn tên An trong buổi giao tiếp đầu tiên.

Lớp vỏ thứ 1: Môi trường (Environment)

Môi trường sống xung quanh một người là yếu tố đầu tiên để bạn đánh giá tổng quan tính cách của người đó.

Công việc của bạn là gì? Ở đâu? Với ai? Khi nào?

Nếu An đang trả lời anh ta đang làm việc tại một công ty đa cấp hay một công ty xây dựng, rõ ràng bạn đã có thể dự đoán được những mối quan tâm và tính cách đặc trưng của anh ta.

Lớp vỏ thứ 2: Hành vi (Behavior)

Hành vi là những biểu hiện bên ngoài của người đó trong cuộc giao tiếp.

An là người tự tin hay e dè? An có thường chủ động đặt câu hỏi? Ánh mắt, nhịp thở, tư thế ngồi của anh ta như thế nào?

Việc nắm bắt hành vi của một người trong cuộc giao tiếp sẽ giúp bạn lựa chọn cách thức giao tiếp phù hợp. Chẳng hạn bạn nên đặt mình vào vị trí người nghe nếu An thuộc tuýp người nói nhiều.

Lớp vỏ thứ 3: Năng lực (Capability & Skills)

Năng lực là những kỹ năng, kiến thức và năng khiếu.

Sau những câu hỏi xã giao về công việc, bạn hãy đặt những câu hỏi liên quan đến chuyên môn và sở thích trong công việc của người đối diện.

Trong nhiều trường hợp, cấp độ tính cách của người đối diện chưa đạt đến mức độ này. Có nghĩa là họ không quan tâm đến những điểm mạnh, điểu yếu của bản thân mà mặc cho cuộc sống đưa đẩy, hoặc họ chưa tìm thấy năng lực thực sự của mình. Bạn nên ngừng việc đặt những câu hỏi giao tiếp ở cấp độ sâu hơn trong tình huống này.

Lớp vỏ thứ 4: Niềm tin và giá trị (Beliefs & Values)

Người đối diện có tin vào điều gì đó là có thể hoặc không thể; Là cần thiết hay không cần thiết? Hay có điều gì đó có thể mang lại động lực cho họ?

Ba lớp vỏ đầu tiên thuộc về “cái đầu”, tức là lý trí. Từ lớp vỏ thứ 4 trở đi thuộc về “trái tim”, tức là phần cảm xúc. Việc bạn có thể đào sâu đến lớp vỏ thứ 4 của một người thể hiện sự thành công của bạn trong cách tiếp cận người đối diện.

Tín ngưỡng của bạn là gì? Bạn quan tâm nhiều đến lý thuyết hay thực hành? Đối với bạn tiền bạc có mức độ quan trọng như thế nào?

Lớp vỏ thứ 5: Định vị bản thân (Identity)

Định vị bản thân là sự đánh giá bản thân trong những khía cạnh khác nhau: công việc, gia đình, loại tính cách…

Giải đáp được câu hỏi “Tôi là ai” sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định nhanh chóng. Và do đó bạn có thể đi đến thành công nhanh hơn. Ví dụ phải lựa chọn giữa công việc tại thành phố và thôn quê, hãy tự hỏi chính mình: “Tôi có phải là kiểu người…”

Một số câu hỏi giúp bạn khai thác lớp vỏ thứ 5 của An: bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? Bạn có phải thuộc tuýp người lãnh đạo? Bạn thích sự tự do hay kỷ luật?

Lớp vỏ thứ 6: Tầm nhìn và sứ mệnh (Mission & Vision)

“Mục đích sống của tôi là gì?”, “Tôi sinh ra trên đời này để thực hiện sứ mệnh gì?”… là những câu hỏi lớn mà ít ai đặt ra cho chính mình. Đây có thể là điều sâu kín mà bạn chỉ chia sẻ với một số ít người.

Thông thường bạn khó có thể khai thác điều này từ người đối diện. Bạn chỉ có thể cho họ nhận thấy sự đồng điệu và họ sẽ chủ động chia sẻ tầm nhìn và sứ mệnh cho bạn vào thời điểm thích hợp.
Kết luận

Áp dụng 6 cấp độ tính cách của “củ hành” sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân và người đối diện hơn. Việc đào sâu và nâng cao cấp độ tính cách sẽ góp phần đáng kể cho bạn trong công việc và cuộc sống.

Hãy tự đánh giá xem bản thân của bạn đã trả lời được những câu hỏi ở cấp độ nào rồi và bắt đầu học cách đánh giá người khác qua những cuộc giao tiếp.

Nguồn Peacat

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks