ngày tháng năm

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Cái Bướu Nhà Nghèo

Hạt Nắng
Tiếng bước chân xọp xẹp bên ngoài, từ trong phòng tiểu phẫu, tôi nghe âm thanh rất rõ, bác sĩ đang lên. Tôi trấn an bệnh nhân:

- Bác sĩ lên đến rồi, bác cứ yên tâm nhé, đừng sợ!

- Không, đâu có gì mà sợ, bác sĩ chích thuốc tê "gòi" làm mà, đâu có đau, đau lúc chích thuốc tê thôi cô ơi!

Câu trả lời khẳng khái, chắc như đinh đóng cột làm tôi thấy bỡ ngỡ lắm, nhất là khi những lời nói ấy lại được thốt lên từ một bệnh nhân luống tuổi.


Chẳng đợi suy nghĩ nữa, theo cảm xúc, tôi bất giác thốt lên:

- Trời! Sao bác giỏi vậy, bác biết hết trơn rồi!

- Sao mà không biết cô, trước khi mổ bác sĩ "dạy" tui hết "gòi" chứ bộ! "Dzới" lại mới hôm "gòi" con tui mới mổ cục u cũng tại địa điểm này mà. Chính mấy cô bỏ cục u "dzô" cái bịch cho nó cầm "dzìa" tới quê chứ ai. Nó còn nói tui, bác sĩ biểu phải cho "dzợ" nó xem nữa mà! Nó "dzìa" nó nói tui ghê lắm, gặp ai cũng "phe", thấy ai có cục gì nhô lên là nó "bắt" đi mổ liền. Cục bướu này ở "dzới" tui cả chục năm "gòi" mà tại nghe lên nhà thương là sợ cô ơi! Nhà nghèo, "ngán" tiền lắm! Bởi "dzậy", nó quay qua tới tui, bắt tui đi mổ cho bằng được, lỡ để lâu nhiều "phát sinh" lắm!

Thương cái câu đó quá chừng, mộc mạc biết bao nhiêu khi thay vì nói "biến chứng", ông đơn sơ dùng từ "phát sinh". Nhưng tôi thấy chữ "phát sinh" cũng đúng quá, bệnh gì để lâu mà không nhiều khoản phát sinh chứ?!

Nhớ lại hôm đầu, khi mới vào làm, lúc ấy tôi cũng chỉ vừa tốt nghiệp, vừa phụ bác sĩ mổ cho một chú bị u ở lưng xong, nghe bác sĩ bảo cho bệnh nhân mang cục u về. Nói thật, lúc ấy tôi cứ tưởng là bác sĩ đùa cho vui để bệnh nhân khỏi căng thẳng, ai dè...làm thật! Tôi băn khoăn, chẳng biết vì sao bác sĩ lại cho bệnh nhân mang cục u về nhà. Tôi phụ mổ mỗi ngày, quen mắt thì không sao, nhưng người không ở trong ngành y, nhìn cục u lăn qua lăn lại tròng trọc trong bịch nilon, chắc khiếp vía. Nhưng vì vâng lời, tôi vẫn làm theo: rửa nước cho cục u sạch máu, lấy cái bịch trong suốt, đổ cồn vào, cuối cùng là cho cục u vào.

Ấy vậy mà chính hôm nay, tôi thấy được tác dụng! Sự hiểu biết của từng cô chú đến với phòng khám nơi tôi gắn bó mỗi ngày làm tôi thực sự xúc động. Chợt nhận ra rằng, vị Bác sĩ ấy đang truyền thông, âm thầm nhưng thật thiết thực. Kiến thức từ cục u đó đã về tới miền quê, truyền tai cho những bác nông dân làm đồng, cho các cô rau cải ngoài chợ....Và hơn thế nữa, chính người nhà của họ - những người đã trải qua căn bệnh tương tự cũng có kiến thức để xử trí.

Bởi vậy, nhìn lại mới thấy thương dân tộc mình, bao nhiêu người dân mất mạng chỉ vì thiếu hiểu biết.

Đặc biệt ngày nay trên báo chí chúng ta nghe rất nhiều về bệnh ung thư. Việt Nam lọt tốp 2 trong những nước có tỉ lệ ung thư cao.

Theo thống kê của dự án phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 70.000 người chết do ung thư và hơn 200.000 người nhiễm mới. Đó thật sự là một con số đau lòng đáng báo động. Hầu hết người dân ít quan tâm đến sức khoẻ của mình vì nhiều lí do: vì nghèo kiến thức, vì nghèo tiền bạc....tất cả gói gọn trong chữ "nghèo"!. Để sắp xếp đi khám bệnh được, họ phải mất nhiều thời gian, đôi khi phải nghỉ làm. Cuối cùng, để bảo đảm được " miếng cơm "trong ngày, họ phớt lờ bệnh, "mackeno"!(*) Dường như họ luôn tìm đến bác sĩtrong giai đoạn muộn màng.

Và cũng từ việc ấy, tôi như chợt bừng tỉnh nhận ra trách nhiệm lớn lao Chúa trao cho mình nơi làm việc.

Cho dù là đo huyết áp, hay thay băng, tiêm thuốc, tôi đều cố gắng nói với những bệnh nhân về kiến thức bệnh. Mặc dù chỉ là những kiến thực bé hẹp nhưng có lẽ vẫn luôn cần thiết cho nhiều người. Đặc biệt, tôi cố khuyên họ lưu tâm nhiều đến sức khoẻ để khi có bất thường thì đi khám ngay.

Các bác sĩ, các anh chị điều dưỡng làm chung đều hăng hái chuyển tải những kiến thức y tế cho những người bệnh chúng tôi gặp mỗi ngày. Sau đó, tôi nhận thấy rõ rằng, từng cô chú đến với phòng khám thật sự có được những kiến thức cơ bản về bệnh và có thể chia sẻ kiến thức ấy thêm cho nhiều người chưa biết. Bằng chứng rõ là từ những gì họ nghe được, biết được khi chúng tôi chia sẻ, họ "phát hiện" ra những triệu chứng bệnh ban đầu của người thân và khuyên đến bác sĩ sớm.

Tôi thấy cũng hay hay, thích thú với suy nghĩ: dù là thợ xây, thợ mộc, thợ hàn; dù là bác sĩ, giáo viên, luật sư, kiến trúc sư..., chúng ta đều có thể trở thành dân "truyền thông chính hiệu", khi mỗi người ý thức rằng chúng ta cần phải chia sẻ những kiến thức cần và đúng cho những người xung quanh.

Chợt thấy lòng dấy lên niềm hy vọng, một viễn cảnh tốt lành vẽ lên trong đầu tôi: dân ta - nhất là những người dân nghèo - ai ai cũng nhanh nhẩu, thông hiểu (như bác bệnh nhân mổ bướu của tôi), không còn ù ù cạc cạc, lơ ma lơ mơ ( như bao người bệnh nhân khác đến với phòng khám này - trong đó có cả những người về vật chất thì chẳng hề nghèo) nhờ vào mạng lưới "truyền thông rỉ tai" tích cực. "Mạng lưới" này thiết nghĩ cũng rộng khắp không kém gì Internet thậm chí còn thâm nhập vào giới những người cả đời không biết đến "còm- pu - tơ". Nhờ đó mà những hiểu biết, những trải nghiệm thiết thực được truyền đi.

Sinh động, hữu ích, và thực tế lắm thay!

Ở Việt Nam ta, biết bao người nghèo tri thức, nghèo vật chất mà còn nghèo ý thức nữa. Ước chi những người này luôn được thương yêu,quý trọng, là đối tượng để mọi người cũng hướng đến, quan tâm và nâng đỡ.


(*) "makeno": mặc kệ nó.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks