ngày tháng năm

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

“CON NGƯỜI SỐNG KHÔNG CHỈ NHỜ CƠM BÁNH” (Mt 4:4)

Đình Vượng



Tôi được gợi ý viết bài chia sẻ với bạn đọc xoay quanh chủ đề “Xây dựng môi trường lao động mang tính nhân văn”. Tôi không biết phải viết như thế nào với một chủ đề thoạt xem rất thời sự, phong phú, đa dạng và rất gần gũi với cuộc sống vì có liên quan đến ‘cơm áo gạo tiền”. Chủ đề gợi ý có rất nhiều chuyện để nói, nhiều vấn đề cần bàn bạc. Ở đây, xin được chia sẻ với bạn châm ngôn đặc biệt của các đan sĩ dòng thánh Biển Đức và dòng Xitô “Ora et Labora – Cầu nguyện và Lao động”; và một biểu tượng rất sát với chủ đề này ở loại sách “Học làm người” của Nhà sách Khai Trí trước 1975.


ORA et LABORA1 – CẦU NGUYỆN và LAO ĐỘNG

Châm ngôn nói trên là sự cô đọng toàn bộ cuốn Tu luật của thánh Biển Đức, được các đan sĩ xem như linh đạo của đời đan tu. Những gì được biết liên quan đến sự nghiệp thánh Biển Đức thành Nursia (480-547) đã được thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả (590-604) viết lại trong tác phẩm ‘Dialogues – Đối thoại’ của ngài.

Các nhà viết sử văn minh phương Tây không thể viết lịch sử mà không đả động đến lịch sử Kitô giáo kể từ sau Chiếu chỉ Milan năm 313, quyền tự do tôn giáo ở đế quốc Roma được thừa nhận, và đặc biệt, năm 380, Hoàng đế Theodose tuyên bố Kitô giáo là quốc giáo. Sẽ không quá lời khi nói rằng, từ những thế kỷ đầu và thời Trung cổ, sự hiện diện của Kitô giáo đã làm nên lịch sử văn minh phương Tây, trong đó có sự góp phần không nhỏ của các đan sĩ Biển Đức.

Lúc xa lánh thế tục sống ẩn dật 3 năm ở hang Subiacô, đời sống thánh thiện của Biển Đức được nhiều người mộ mến, xin ngài nhận làm đệ tử. Biết không thể từ chối, năm 520, ngài quyết định lập một đan viện ở Subiacô và phát triển thêm 12 đan viện ở quanh đó. Khoảng năm 529, ngài lập một đan viện khác ở trên đỉnh núi Monte Cassinô cách Rome 60 km. Chính tại đây, thánh Biển Đức viết Tu luật. Cuốn Tu luật này đã được thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả phổ biến.


Khi viết Tu luật, thánh Biển Đức chắt lọc những tinh hoa của truyền thống đan tu Kitô giáo ở các cuốn luật trước đó của thánh Pacômiô, Basiliô, Augustinô, của Cassianô và ngài đưa ra một con đường tu đức không đòi hỏi phải quá khổ chế, có thể nói, Tu luật của ngài có tính trung dung, ngay cả người tín hữu cũng có thể tìm gặp trong cuốn luật này nhiều điều giúp hoàn thiện hóa cuộc sống Kitô hữu của mình. Tu luật của ngài phản ảnh cuộc sống của ngài, thánh Grêgôriô Cả nói “Thánh Biển Đức không dạy gì khác ngoài những điều ngài đã sống!”

Sau khi thánh Biển Đức qua đời, ở phương Tây xuất hiện nhiều cộng đoàn đan tu áp dụng cuốn Tu luật của ngài, lấy châm ngôn “Cầu nguyện và Lao động” làm linh đạo.

“Với châm ngôn : “Cầu nguyện và Lao động” (Ora et Labora), các đan sĩ không những được huấn luyện về đời sống thiêng liêng mà còn được đào luyện cả về nhân bản, tâm lý và thể lý nữa. Nhờ lao động trí óc và chân tay như vậy, người đan sĩ xây dựng được một đời sống quân bình về thân xác lẫn tâm hồn. Đồng thời cũng tạo ra được nhiều thành quả tốt đẹp cả về mặt kinh tế, nghệ thuật, văn hóa, xã hội. Trong cuốn Đối thoại, thánh Grêgôriô Cả xác quyết : “Nhờ cây Thập giá, quyển sách và cái cày, thánh Biển Đức đã khôi phục lại nền văn minh Âu châu”, đem lại những ích lợi thiết thực cho xã hội lúc bấy giờ.

Quả thật điều đó không sai chút nào, nếu đọc lại lịch sử, ta không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các đan viện Biển Đức trong việc khôi phục lại nền văn minh Châu Âu: từ văn hóa, khoa học kỹ thuật, cũng như nghệ thuật cho đến đời sống tâm linh. Chẳng hạn như việc mở các trường học, học viện, các trung tâm dạy nghề, hay các trường nghệ thuật, mỹ thuật, hội họa, các xưởng thợ… phát minh ra những máy móc, dụng cụ sản xuất phục vụ cho nông nghiệp, giúp cho người dân lao động nghèo được cải thiện và nâng cao đời sống. Tóm lại, linh đạo thánh Biển Đức đã góp phần làm thăng tiến con người, xã hội và Giáo hội một cách phong phú và đa dạng2.”

Ở Tu luật3., giá trị của lao động được thánh Biển Đức nhấn mạnh ở chương 48. Tính cộng đoàn, một đặc điểm mới của tổ chức lối sống đan tu do ngài khởi xướng, và định sở hay vĩnh cư - có nghĩa là yên vị, ổn định sống suốt đời trong một đan viện – trở thành một trong những Lời Khấn đặc biệt của hội dòng Biển Đức4. Tính cộng đồng và việc ăn ở với nhau suốt đời, cùng ‘hỗ trợ’ nhau tiến bước trên con đường trọn lành luôn hối thúc các đan sĩ ‘miệt mài làm việc’. Ở chương 48, “với thánh Biển Đức, mục đích của lao động không phải chỉ là kiếm sống, như ngài nói ở câu 8: “Họ chỉ là đan sĩ thực sự khi sống bằng công việc do tay mình làm”; nhưng nhất là để chống lại “sự nhàn rỗi là thù địch của linh hồn” (c.1). Đời sống đan tu và sự nhàn rỗi, ươn lười, chểnh mảng không thể hòa hợp với nhau được.

Nhưng phải cẩn thận kẻo lại làm méo mó tư tưởng của thánh Biển Đức. Ngài không bảo lúc nào cũng phải làm việc để tránh suy nghĩ. Ngài cũng không bảo phải thay thế cơn lốc tư tưởng bằng đủ thứ công việc. Như ngài đề nghị, làm việc không phải đơn thuần là để lấp chỗ trống, để đan sĩ giải khuây; điều đó chỉ càng gây thêm thiệt hại.

Vai trò đầu tiên của lao động, một phương diện cơ bản của con đường thiêng liêng, đó là dậy ta biết ở với chính mình, biết đi xuống tới những giới hạn của thân xác mình, nếu có thể nói được như thế. Lao động đưa đan sĩ từ cái mơ mộng, từ cái ảo tới cái hiện thực.

Nhưng lao động cũng có một chiều kích khác: nó giúp ta phục vụ ích chung, phục vụ người khác. Đó là điều phân biệt cách cơ bản lao động với công việc chỉ làm để tiêu khiển. Lao động không tìm mình, không vì lợi ích riêng, nhưng là phương tiện chắc nhất để ra khỏi mình, để quên mình đi. Lao động là một trong những nơi chốn xác thực nhất để gặp được tha nhân. Khi đưa ta từ cái ảo tới cái thực, và từ sự yêu mình tới tình yêu tha nhân, lao động là một khoa sư phạm thiêng liêng đích thực, một con đường hoán cải tuyệt vời.5”

Đối với thánh Biển Đức, Đan viện là “Trường học phụng sự Thiên Chúa, mà Thầy dạy là chính Chúa Thánh Thần”, và ngài còn ví đan viện là ‘xưởng’.

Xưởng: ai cũng hiểu được rằng xưởng là nơi có nhiều người thợ luôn miệt mài, cần mẫn để làm ra của cải. Thợ, một hình ảnh biểu thị sự thấp hèn của một giai cấp nhỏ bé trong xã hội, và đan sĩ là thợ nói đến sự khiêm cung, luôn ý thức địa vị làm tôi và chỉ biết chuyên chăm, cần mẫn trên đường ‘tu tâm dưỡng tánh’ Thợ và Xưởng làm tôi liên tưởng đến sự miệt mài ngày đêm của từng con ong thợ cần mẫn góp phần xây tổ (xưởng). Nói xưởng thì phải nói đến công cụ để sản xuất, công cụ ở đây không những là các phương thế tu đức mà còn là của cải vật chất người thợ cần phải biết trân trọng, gìn giữ, bảo quản “Phải coi các dụng cụ và của cải Đan viện như bình thánh trên bàn thờ” (Tl, Ch.31,10) và “Nếu ai cẩu thả trong việc sử dụng đồ dùng Đan viện, sẽ bị khiển trách” (Tl, Ch.32,4)

Lúc con người trân trọng giá trị lao động hay việc làm và ý thức rằng chính Thiên Chúa truyền dậy con người phải lao động (St 2,15), cho con người được tham gia vào công trình tạo dựng của Ngài. Lao động nâng cao phẩm giá con người, lao động làm tôn vinh Chúa. Chính lao động, các đan sĩ (và mọi người) đã góp phần xây dựng đức ái một cách cụ thể, dù ngấm ngầm hay công khai.

Hẳn nhiên, thánh Biển Đức không chỉ nói lao động tay chân, nhiều nơi trong Tu luật ngụ ý cả lao động trí óc (Tl, Ch.2,4-6; 8,3…)

MỘT BIỂU TƯỢNG ‘ĐẸP’…

Tôi tin rằng trước năm 1975, rất nhiều người quan tâm đến loại sách ‘Học làm người’. Loại sách này được hình thành mạnh mẽ nhất tại miền Nam kể từ khi học giả Phạm Văn Tươi mở nhà xuất bản “Học Làm Người” và cho in tác phẩm đầu tiên có tên gọi “Bắp thịt trước đã”. 


Sách học làm người xuất hiện từ rất lâu, khoảng 1949-1950, chính ông Phan Tấn Tươi là người tiên phong mở mang văn hóa miền Nam trong thời kỳ chuyển tiếp thuộc địa qua độc lập. Chính ông thành lập Nhà xuất bản và phát hành với sự cộng tác của nhiều tên tuổi như Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phạm Côn Sơn, Hoàng Xuân Việt, và Phạm Cao Tùng. (Phạm Cao Tùng không phải ai xa lạ, chính là bút danh của Phạm Văn Tươi). Sau này, loại sách ấy vẫn được Nhà sách Khai Trí tiếp tục duy trì.

Các tác giả nói trên và một số tác giả khác ở miền Nam trước 1975, vì yêu quê hương dân tộc, vì muốn đất nước có những con người Việt Nam ‘văn minh tiến bộ hợp với nhân phẩm’ đã lao động sáng tạo ra loại sách này.

Chẳng biết ai trong số tác giả loại sách học làm người, hay có thể là của Nhà sách Khai Trí, vẽ ra biểu tượng nho nhỏ ở bìa sách đính kèm, theo tôi, nó phù hợp với chủ đề “Xây dựng môi trường lao động mang tính nhân văn”.

Một người nông dân đang lao động cần cù, chăm chỉ khai phá ruộng đất dưới ánh nắng mặt trời. Bao quanh biểu tượng là dòng chữ Nỗ lực rồi cậy trông. Ý tưởng thâm sâu của tác giả vẽ biểu tượng nói đây đã quá rõ. Qua biểu tượng này, xin được chia sẻ thêm về ý nghĩa của lao động.

Người nông dân là chủ thể, tác nhân của lao động. Ông ta làm việc cần cù, chăm chỉ, vất vả để có phương tiện sinh sống, để gia tăng lợi tức, và để góp phần ích lợi cho tha nhân, cộng đồng.

Cũng không thể không nói đến việc ‘nghỉ ngơi’ vì kết quả của sản phẩm ông làm ra, ông có quyền được nghỉ ngơi, hưởng thụ, thư giãn vì chính Thiên Chúa đã hành động như vậy “Vào ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi sau tất cả những gì đã làm” (St 2,2) Nghỉ ngơi không những là bổn phận của người Công giáo ở các ngày Chủ nhật và lễ buộc (GLHTCG số 2185) mà còn là bổn phận của người Công giáo (HTXH, 285) và là quyền lợi chính đáng của người lao động, Nhà nước có trách nhiệm phải đáp ứng... (HTXH, 286)

Cuối cùng, Nỗ lực rồi cậy trông. Cậy trông điều gì nếu không phải là tin tưởng và trông chờ những sản phẩm do mình làm ra cho chính mình, cho tha nhân, cho xã hội, tức là cậy trông kết quả của lao động!

------------------------------------------



Chú thích:



1. Khẩu hiệu đề cập ở bài viết là của dòng tu Biển Đức, đọc đầy đủ: "Ora et labora (et lege), Deus adest sine mora." "Pray and work (and read), God is there without delay" (or to keep the rhyme: "Work and pray, and God is there without delay") "Cầu nguyện và làm việc (và đọc tiếp), Thiên Chúa là ở đó không bao giờ chậm trễ". "Pray and work (and read), God is there without delay"

2. X. “Những Nẻo Đường Tâm Linh - Linh Đạo thánh Biển Đức”, Benado Nguyễn Văn Độ, OC. & G. Kim Khẩu Nguyễn Văn Nam, OC.

3. Tu luật, x. https://sites.google.com/site/chanlyvinhcuu/tu-luat-cua-thanh-bien-dhuc

4. Các đan sĩ Biển đức khấn hứa ba điều: định sở (không lang thang nay đây mai đó), hoán cải và vâng phục bề trên.



5. Chú giải Tu luật Biển Đức, bản dịch, X. www.chausonus.com/Chi-tiet-bv/195/Tu-luat-cha-thanh-bien-duc

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks