ngày tháng năm

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

NGƯỜI TA SỐNG KHÔNG CHỈ NHỜ CƠM BÁNH

Chiara Lubich
Đan Quang Tâm
dịch

Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.

Lời này đến từ trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ. Sau khi chịu phép rửa trên bờ sông Gio-đan, trong đó Người đã được tuyên là Con Thiên Chúa và Đức Chúa Thánh Thần đã xuống trên Người. Đức Giêsu đi vào sa mạc để chuẩn bị cho sứ vụ công khai. Trong cuộc tĩnh tâm bao gồm việc cầu nguyện và ăn chay, Người bị quỉ cám dỗ về tư cách Thiên Chúa và tư cách Mêsia. Về thực chất tên cám dỗ Người – tư xưng là ‘chúa tể thế gian' – tìm cách để Đức Giêsu phải tự khẳng định mình, sử dụng các đặc quyền với tư cách là Con Thiên Chúa để thỏa mãn các nhu cầu vật chất của con người, để chiếm được sự đồng tình tán thưởng của dân chúng và để chiếm hữu quyền lực.

Tuy nhiên, Đức Giêsu trà lời rằng Người sẽ hành động cá nhân dựa trên sự trung thành với đường lối Chúa Cha vạch ra, và chẳng hệ trọng gì nếu đường lối này có gặp chống đối, bị mất uy tín và thất bại. Đức Giêsu tự mạc khải mình là Con Thiên Chúa đích thực chính qua sự trung thành tuyệt đối với Chúa Cha.

Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh

Rồi cám dỗ thứ nhất đến. Cơ hội được đem lại bởi cơn đói thấu ruột mà Đức Giêsu cảm thấy bởi vì Người nhịn đói nên đã lả người đi. Tên cám dỗ đề nghị Người hãy lấy quyền năng mà làm phép lạ phục vụ nhu cầu cơ bản bằng cách hóa đá thành bánh để giải quyết ngay tại chỗ và vào lúc này đây cái đói đang cào cấu, và rồi trong tương lai cứ vậy mà làm để ra tay tế độ cứu đói cho đoàn lũ dân chúng.

Thoạt mới nhìn, đề nghị đó xem ra chẳng có gì lạ cả. Thật vậy, có vấn đề nào căn cơ hơn cái đói? Có sự tước đoạt hoặc nhu cầu nào đối nghịch với tình trạng và phẩm giá Thiên Chúa cho bằng cái thiếu thốn cơm bánh vật chất? Thiên Chúa há chẳng đã hứa qua các ngôn sứ rằng trong nước của Đấng Mêsia sẽ chẳng còn nghèo khổ và đói kém đó ư?

Hẳn nhiên việc quan tâm đến cơm bánh vật chất là điều rất chính đáng. Nhưng sự lừa dối và thô thiển của cơn cám dỗ là ở chỗ sử dụng nhu cầu tự nhiên này của Đức Giêsu hòng làm gãy đứt mối quan hệ giữa Người và Chúa Cha, để buộc Đức Giêsu lạm dụng Chúa Cha; một thái độ tận gốc rễ đối nghịch với thái độ tuân phục con thảo đối với Chúa Cha mà Đức Giêsu muốn thường xuyên duy trì. Đồng thời, bằng cách gợi ý làm phép lạ theo kiểu này, tên cám dỗ cố gắng ám chỉ rằng Thiên Chúa hệ tại ở chỗ chiếm hữu của cải vật chất. Và đây là một ý tưởng quỷ quái.

Dĩ nhiên, Đức Giêsu sẽ phải lo chuyện thức ăn cho thân xác. Thật vậy, Người sẽ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng đi theo Người để nghe lời Người. Nhưng khi họ muốn bắt Người làm vua, trong sự hào hứng của họ trước phép lạ, thì Người ần trốn họ, bởi vì Người không thể chấp nhận sự ngộ nhận về các giá trị hàm chứa trong ước muốn của họ.

Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.

Đức Giêsu sẽ không khoan nhượng về điểm này. Cho dù quý giá và khẩn thiết đến đâu, cơm bánh vật chất không thôi thì không đủ. Lòng con người được tạo dựng cho một thứ bánh loại khác, Lời của Thiên Chúa, bánh mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta trong chính Đức Giêsu.

Đức Giêsu sẽ luôn luôn khước từ việc giảm thiểu tự do của con người xuống chỗ không còn những giới hạn vật chất (đói, thiếu thốn cái nhu cầu cơ bản, bệnh tật, cái chết thể lý v.v.). Sự tự do mà Đức Giêsu muốn ban cho ta thì sâu xa hơn nhiều. Đó là sự tự do khỏi bản thân ta, khỏi tính ích kỷ của ta, khỏi tính kiêu ngạo, hận thù, ganh tỵ, khao khát quyền lực, khoái lạc. Sự tự do này nghĩa là niềm vui sống, phục vụ, dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn theo như lòng của Thiên Chúa. Đối với Đức Giêsu, việc khỏi bị đói sẽ đến như hệ quả của sự tự do nội tâm này.

Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.

Lời Sống này đặt ta vào thái độ cảnh giác chống cơn cám dỗ xây dựng hạnh phúc con người chủ yếu dựa vào các điều kiện bên ngoài và của cải vật chất. Cái cám dỗ này rất mạnh và luôn luôn nằm chờ dịp để giăng bẫy chúng ta. Nhất là ngày hôm nay khi mà, nhờ tiến bộ, ta có nhiều phương tiện trong tay để cải thiện các điều kiện sống, con người có thể bị cám dỗ còn hơn trước để nghĩ rằng một căn nhà tiện nghị hơn, một thân thể khỏe mạnh hơn và đẹp hơn, một số tiền lớn hơn có sẵn để mặc sức chi tiêu cho việc giải trí, tham quan du lịch v.v., có thể làm cho con người hạnh phúc và giải quyết các vấn đề của mình.

Các giá trị này, dĩ nhiên, không được đánh giá thấp.

Tuy nhiên, Đức Giêsu tiếp tục lặp lại cho chúng ta chỉ nguyên những điều này không thôi thì không đủ. Người tiếp tục công bố tính ưu tiên hàng đầu của Lời Thiên Chúa. Con người được tạo dựng cho những điều tốt cực kỳ lớn hơn. Con người được tạo dựng cho Thiên Chúa. Do đó, lời hứa an lạc vật chất đến với ta qua tiến bộ khoa học và xã hội càng lớn thì ta phải cảm thấy mạnh mẽ hơn rằng ta được gợi hứng sống Lời của Đức Giêsu – nhất là điều răn yêu người – là Lời có thể đem lại ý nghĩa và sự viên mãn cho đời ta.





Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks