ngày tháng năm

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

CĂN RỄ KINH THÁNH CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

Lời người dịch: Nguyên tắc nền tảng và quan trọng nhất của Giáo huấn xã hội Công giáo là nguyên tắc nhân vị. Nhân vị, còn gọi là phẩm giá con người, xuất phát từ Thiên Chúa: con người có phẩm giá cao quý vì được sáng tạo“theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Ta đọc được điều này ngay từ những chương đầu tiên của Kinh thánh. Phẩm giá con người là cái nằm trong tận bản thể con người, là quà tặng cao quý của Thiên Chúa, chứ không phải do ta hành động, tự tạo nên.

Giáo huấn xã hội Công giáo hiện đại thường xuyên nối kết với các thông điệp xã hội của các vị giáo hoàng. Thông điệp Tân sự năm 1891 của Đức Lêô XIII được xem là thông điệp đầu tiên đề cập đến các vấn đề xã hội. Các vị Giáo hoàng kế nhiệm đều cũng ban hành các thông điệp về các vấn đề xã hội bức bối của thời đại.

Gần đây nhất, năm 2009, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI ban hành Thông điệp Tình yêu trong Chân lý. Trong thông điệp này, Đức Bênêđictô XVI nhìn xem hiện tình xã hội dưới ánh sáng truyền thống thần học Công giáo đã từ có nhiều thế kỷ. Như tiêu đề cho thấy, Đức Bênêđictô XVI đặt “bác ái tại tâm điểm của giáo huấn xã hội của Giáo hội”. Bác ái là sự thể hiện giáo thuyết.

Dòng đầu tiên của Thông điệp Tình yêu trong Chân lý diễn giải căn rễ Kinh thánh cho suy tư của ngài, phù hợp với truyền thống giáo huấn xã hội Công giáo:

“Bác ái trong sự thật, mà Đức Giêsu Kitô đã làm chứng bằng cuộc sống trần gian của mình và nhất là bằng cái chết và sự phục sinh của Người, là động lực chính cho sự phát triển đích thực của mọi người và của toàn thể nhân loại”(1)

Đức giáo hoàng nhìn nhận bác ái thường bị hiểu sai, bị tước đi ý nghĩa và “tách rời khỏi cuộc sống luân lý” nhưng trong cái nhìn của ngài, thì hoàn toàn ngược lại.

“Bác ái đem lại thực chất cho mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa và với người gần bên; bác ái là nguyên tắc không những của các quan hệ vi mô (với bạn bè, các thành viên trong gia đình hoặc trong những nhóm nhỏ) mà còn của những quan hệ vĩ mô (xã hội, kinh tế và chính trị)” (2).

Sự thể hiện cụ thể của tình-yêu-trong-các-mối-quan-hệ, được diễn tả một cách liên nhân vị trên cả bình diện địa phương lẫn toàn cầu, có thể truy nguyên đến bản văn Kinh thánh nền tảng là Sáng thế ký, như ta thấy dưới đây.

Sự sống và Phẩm giá của Con Người là một chủ đề nền tảng của Giáo huấn Xã hội Công giáo. Chủ đề ấy phát xuất từ sách Sáng thế ký trong Kinh thánh Do thái. Trong chính chương đầu của Sáng thế ký, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và muôn loài muôn vật: ánh sáng, vòm trời, đất khô, thảo mộc, các ánh sáng trên bầu trời, các sinh vật. Sau cùng, Thiên Chúa sáng tạo con người: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Trong mọi trường hợp, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”.

Fred Kammer, linh mục Dòng Tên, học giả, luật sư và nhà hoạt động, suy niệm về chương đầu của sách Sáng thế ký trong quyển sách của ông Doing Faithjustice: An Introduction to Catholic Social Thought (Nhà xuất bản Paulist, 2004). Ông mời gọi ta chú ý đến “mặc khải bộ ba của Thiên Chúa” và “Chân lý Bộ Ba của chúng ta”. Ông giải thích rằng qua sáng tạo, Thiên Chúa chia sẻ sự tốt lành của Thiên Chúa, tràn đầy trong vũ trụ được tạo thành; Thiên Chúa chia sẻ sự thống trị của Thiên Chúa và vì vậy ta có trách nhiệm quản lý, chăm sóc các tài nguyên trái đất; và “Thiên Chúa mặc khải tình ruột rà thần linh (divine kinship) với chúng ta bằng cách tự nguyện chọn lựa cư trú với cộng đồng nhân loại”. Kết quả là, chúng ta là “một gia đình tương liên với Chúa Giavê (one interdependent family with the Lord Yaheweh)” (trang 18).

N. Rademacher, Ph.D., Phó Giáo sư, Nghiên cứu Tôn giáo
Thư Đan chuyển dịch từ

http://cabrinimissionmatters.wordpress.com/2012/01/24/scriptural-roots-of-catholic-social-teaching/
http://cabrinimissionmatters.wordpress.com/2012/01/31/life-and-dignity-of-the-human-person-rooted-in-being-rather-than-doing-or-having/

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks