ngày tháng năm

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

AI MUỐN LÀM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. (Mc 9,35)

Một ngày kia Đức Giêsu hỏi các môn đồ: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Vậy Người ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (x. Mc 9,33-35)

Tham vọng làm người lớn nhất của các tông đồ cho thấy họ vẫn còn có một quan niệm trần thế về nước mà Đức Kitô đã thiết lập. Thay cho quan niệm đó, lời của Đức Giêsu thật rõ ràng và mang tính cách mạng.

Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.

Sự vĩ đại thực của người môn đệ là ở chỗ phục vụ, thực hiện công việc vì người khác. Từ ngữ "phục vụ" ở đây nghĩa là việc phục vụ cụ thể và ban đầu có nghĩa là "phục vụ bàn ăn". Mặc dù là người có quyền, Đức Giêsu không bao giờ hành động như kẻ thống trị người khác nhưng như người phục vụ và Người làm điều ấy đối với các môn đệ.

Loại phục vụ mà Đức Giêsu muốn nơi các môn đệ là một tình yêu sẵn sàng cho đi mọi thứ - ngay cả chính tính mạng của mình - như Người đã thực hiện. Hội Thánh tiên khởi xem cuộc thương khó mà Người đã chịu đựng cho đến chết, là hành vi phục vụ cao nhất của Người.

Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.

Khi nói điều này, Đức Giêsu không kết án những ai có ước vọng đảm nhận các trọng trách. Đúng hơn, Người khẳng định rằng, trong cộng đồng Kitô giáo, những ai được kêu gọi nắm giữ những vị trí lãnh đạo thì phải thực hiện nhiệm vụ của mình trong tinh thần phục vụ.

Ngay từ lúc khởi đầu Hội Thánh, lời này của Đức Giêsu đã áp dụng cho những ai nắm giữ các vị trí có trách nhiệm trong cộng đồng, bởi vì cám dỗ chỉ huy và thống trị người khác có thể đến một cách dễ dàng với những ai có chức có quyền.

Đức Giêsu phản bác bất kỳ loại lãnh đạo hoặc thực thi quyền hành nào dựa trên sự thống trị, tham vọng hoặc bót lột. Quyền hành không bao giờ được trở thành quyền lực.

Những lời này, trong Phúc Ấm Máccô, mang hình thức một quy tắc chung, áp dụng cho mọi người và không phải chỉ cho những ai có trách nhiệm.

Phục vụ phải là nền tảng cho lối sống của mọi người. Không có quy tắc khác và tinh thần phục vụ yêu cầu hoán cải và mời gọi ta thực sự đi ngược lại các xu hướng của thế giới quanh ta.

Hội Thánh, thực vậy, là một cộng đồng phục vụ, cả trong đời sống nội bộ của Hội Thánh lẫn trong quan hệ với phần còn lại của thế giới.

Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.

Vậy làm thế nào ta sống những lời này?

Ta hãy làm tất cả những gì ta phải làm trong một tinh thần phục vụ, dù ta đang hoạt động để mở rộng nước Thiên Chúa, đang làm công việc nhà hàng ngày hoặc đang hoạt động vì thiện ích của xã hội.

Nếu ta thấy Đức Kitô trong mọi người hàng xóm ta gặp, dù ta có quyền trên họ hoặc họ có quyền trên ta, hoặc ta và họ ngang nhau (Đức Giêsu xem những gì ta làm cho người khác, nhất là những người nhỏ nhất, là làm cho chính Người) thì thái độ phục vụ này sẽ đến dễ với ta hơn.

Ta hãy luôn luôn phục vụ, phục vụ mọi người và phục vụ tốt. Nguyện xin Thiên Chúa giúp ta để ta có thể làm ngạc nhiên thế giới, đầy kiêu hãnh và đói khát quyền lực, bằng thái độ phục vụ Kitô giáo vô vị kỷ của ta.

Rồi Đức Kitô sẽ dễ được người ta hiểu biết hơn và các tác động của cuộc cách mạng mà Phúc Âm mang lại sẽ chiếu soi. Thập giá sẽ mất đi hình ảnh, đôi khi được gán cho nó, về một cái gì đó đen tối và trì kéo trong quá khứ. Thập giá sẽ mang ý nghĩa không những chỉ là cái giá cứu rỗi nhưng còn là biểu tượng của tự do con người.

Ta sẽ có trước mặt ta một chương trình hành động đầy thách đố và lôi cuốn. Ta hãy chớ bỏ phí cơ hội!

Chiara Lubich
Đan Quang Tâm dịch

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks