ngày tháng năm

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

TẢN MẠN VỀ MÔI TRƯỜNG CỦA MỘT BẠN TRẺ


PHẠM KHIÊM

Món nợ phải trả lại cho thiên nhiên

Tôi sẽ bắt đầu chia sẻ với các bạn về những vấn đề mang tính chất toàn cầu nhưng do tôi không am tường lĩnh vực chính trị nên nội dung ở đây không đề cập đến các thể chế và mục đích chính trị của các quốc gia.

Thế giới loài người quan tâm đến điều gì? Tất nhiên mối quan tâm hàng đầu vẫn luôn là sự sống và tồn tại. Đây là sự quan tâm của từng người và cũng là sự quan tâm của mọi người và của chung thế giới.

Đối với sự sống thì điều gì quan trọng nhất? Khi tôi hỏi điều này, có nhiều câu trả lời giống nhau. Bạn A nói rằng cần có một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng. Bạn B cho rằng cần có một trái tim khỏe và bộ máy hô hấp tốt. Bạn Ngọc Hà bảo cần có đầy đủ các bộ phận trong cơ thể, lại có bạn nói cần ăn uống đầy đủ, ngủ cho tốt, đẫy giấc theo kiểu “ăn được ngủ được là tiên”...

Nói chung, các bạn đều cho rằng nhân tố quan trọng nhất để sự sống của con người tồn tại là chính con người. Tất cả các yếu tố khác đều xếp sau, kể cả môi trường sống.

Nhưng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi ngay mức độ quan tâm đối với chính sinh mạng của mình để thấy rằng yếu tố môi trường mới thực sự là số một trong việc duy trì sự sống. Chỉ cần nghĩ đơn giản bạn là một con cá, thì dù cá to, hay cá bé, dù khỏe mạnh đến thế nào, bạn cũng không thể sống nếu không có môi trường là nước. Trong môi trường nước sạch, con cá sẽ khỏe và lớn nhanh. Nhưng ở trong môi trường nước tù đọng, tiếp nhận nước thải độc hại từ các nhà máy có lẫn hóa chất và thiếu ô xi, con cá sẽ ngắc ngoải, phải nổi lên mặt nước đớp ô xi trong không khí, để rồi cuối cùng chất độc trong nước ngấm vào gây ra cái chết cho nó. Nếu như ở một môi trường trong sạch hơn thì nó vẫn sống và bơi lội tung tăng.

Bạn thấy đấy, trong môi trường trong sạch an lành, sự sống vẫn được nuôi dưỡng. Người già trăm tuổi, người bị bệnh, người rủi ro gặp tai nạn... mất đi sự sống nhưng những người khác thì vẫn sống.

Nhưng nếu môi trường đó không đáp ứng các điều kiện cho sự tồn tại của con người thì tất cả mọi người sẽ chết – sự sống sẽ bị hủy diệt. Vì thế, trước khi nghĩ đến bệnh tật và cách chữa trị thì mọi người cần chung tay ra sức cải tạo ngay môi trường mình đang sống.

Bạn quan sát cách các bác sĩ điều trị khẩn cấp cho một người bệnh nặng hoặc đang hấp hối. Họ cho người bệnh thở bình dưỡng khí ô xi, cho vào phòng tiệt trùng cách ly với môi trường có nhiều khả năng gây ô nhiễm. Người bệnh được nuôi dưỡng trong môi trường đặc biệt để tăng cường thể trạng kết hợp với các biện pháp chữa trị và thuốc men để có thể khỏi bệnh.

Được sống trong một bầu không khí đầy ắp ô xi, trong lành và tinh khiết sẽ như thế nào? Đến như một người bệnh với một thể trạng yếu ớt mà được điều trị trong môi trường đặc biệt ưu tiên còn có khả năng hồi phục, thì những người bình thường trong môi trường lành mạnh này sẽ sống khỏe mạnh, không mắc bệnh.

Chính sự ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây bệnh và lây truyền bệnh dịch. Tùy từng mức độ ô nhiễm, tùy thuộc thể trạng và khả năng miễn dịch của từng người mà bệnh tật có thể xâm nhập được hay không. Chúng ta đang ngày càng quá tải với bệnh tật hoành hành, ngày càng phải nghiên cứu tìm tòi chế biến thuốc chữa bệnh cho con người, thì bên cạnh đó hãy quan tâm nghiên cứu cho ra những “loại thuốc” là giải pháp chữa bệnh cho cả môi trường. Chúng ta cần thanh lọc môi trường, là việc cần làm ngay không thể chậm trễ thêm.

Với một cá nhân, một tổ chức, hay một quốc gia chuyên làm ăn kinh tế kiếm tiền, đặt mục đích lợi nhuận trên tất cả, thì việc ngăn cản họ kiếm tiền rất thiếu thực tế. Hãy nói với họ rằng anh cứ kiếm tiền đi nhưng hãy đầu tư vào những lĩnh vực cải tạo môi trường. Lợi nhuận thì anh cứ việc bỏ túi, còn sự trong lành thì để lại cho chúng tôi. Đó chính là cách kiếm tiền không gây ra tai họa cho họ và cho người khác.

Một trong những hiểm họa đang đe dọa môi trường sống của chúng ta là vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản vô tội vạ. Con người mờ mắt với những gì được lấy ra từ lòng đất – việc khai thác tài nguyên mang lại lợi nhuận khổng lồ khiến cho người ta dường như coi đó là phần thưởng, là của ăn sẵn, là chiến lợi phẩm. Thậm chí họ còn tranh giành, gây chiến tranh, xâm lược, bành trướng để thôn tính, kiếm chác những món lợi tưởng như vô tận này.

Sau khi lấy đi đến cạn kiệt những thứ ở trong lòng đất rồi, họ chỉ nghĩ đến việc cuốn gói rời đi, không nghĩ đến việc lấp vào khoảng trống để lại. Họ đã làm rỗng, làm đứt gẫy liên kết, làm yếu nền đất bề mặt..., tạo ra nguy cơ bề mặt trái đất có ngày sập xuống, nứt toác, đổ nhào... Họ không muốn nhớ đến công việc phải làm – hoặc biết mà không làm – là hoàn lại cho môi trường một “hình dạng” tương đối như ban đầu, hoặc đền bù cho môi trường bằng hình thức khác.

Phản ứng của thiên nhiên khi bị“bóc lột”

Mọi người có biết vì sao mấy hôm nay Hà Nội nóng kinh khủng thế không?

Câu trả lời, dĩ nhiên, là do biến đổi khí hậu: trái đất đang ấm dần lên. Trước hiểm họa này, thái độ hợp lý thuận lòng dân là cho tăng cường trồng thêm cây xanh, để thủ đô có thêm bóng mát, ấy là chưa nói đến việc thêm vẻ mỹ quan, tạo hiệu ứng tâm lý “mát mắt” cho người dân thủ đô.

Ấy vậy mà người ta lại tiến hành đốn chặt cây xanh! Thiên nhiên, môi trường là thực thể cùng tồn tại với con người trên trái đất, dường như cũng có “linh hồn” và “cảm xúc”. Thiên nhiên có cách phản ứng, đôi khi mãnh liệt, khi bị ngược đãi. Phải chăng cái nóng nung người là sự thể hiện phản ứng bất bình của thiên nhiên, là cách để thiên nhiên bảo con người hãy biết lựa chọn và ra quyết định?

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks