ngày tháng năm

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

KÝ SỰ HUẾ

Đông Tây

“Trong tinh thần liên đới, hỗ trợ, cùng nhau tạo ra động lực, thúc đẩy mọi người hướng đến đức tin bền vững vào Thiên Chúa, hướng đến lòng bác ái, góp tay xây dựng xã hội an lành, qua việc học hỏi giáo huấn của Hội thánh về xã hội” là mục đích chính của chuyến đi Huế vừa qua của một số anh chị em Sài gòn tha thiết Học hỏi Giáo huấn Xã hội. Chuyến đi đã được một thành viên ghi lại dưới hình thức ký sự. Hẳn nhiên, có nhiều câu chuyện kể bên lề, thoạt nhìn, hoàn toàn không liên quan đến GHXH, nhưng nói chung, đều phản ảnh bốn nguyên tắc căn bản “Nhân phẩm, Công ích, Liên đới và Bổ trợ” của GHXH. Anh chị em trong chuyến đi này không chỉ học để hiểu biết mà còn sống và thực hành GHXH. Cám ơn tác giả và xin gửi đến độc giả yêu mến GHXH để cầu nguyện cho nhau cùng đưa GHXH đến với nhiều người.

Tập san Giáo huấn Xã hội số 18 và 19

Những ngày cuối tháng 4, nhóm Sài Gòn (SG) chuẩn bị ra Huế để chia sẻ việc học cuốn Tóm lược HTXH của GHCG cùng anh chị em Huế.

Lúc đầu chỉ khoảng 6 hay 7 người ghi tên, nhưng sau đó, do sắp xếp được công việc nên 5 người nữa tham gia. Vậy là nhóm SG có 12 người ra Huế trong tinh thần liên đới, hỗ trợ, cùng nhau tạo ra động lực, thúc đẩy mọi người hướng đến đức tin bền vững vào Thiên Chúa, hướng đến lòng bác ái, góp tay xây dựng xã hội an lành, qua việc học hỏi giáo huấn của Hội thánh về xã hội.

Ngày lên đường cũng đã đến, do sợ trễ giờ nên tôi nhờ chị Viên nhắc lại giờ khởi hành. Chị cho biết chuyến bay sẽ khởi hành lúc 17 g 40. Các bạn biết không, do lo ngại tình trạng giao thông tại SG thường xảy ra kẹt xe, hơn nữa thủ tục sân bay rườm rà nên đúng 14 g 30 tôi đã lên taxi ghé nhà chị Viên, tiếp đến ghé nhà anh Kế và trạm cuối là đón ông Minh, sau đó thẳng tiến ra phi trường Tân Sơn Nhất. Thật là bất ngờ, vì tưởng mình đến sớm nhưng đến phi trường thấy đã có mặt chị Vân và chị Thiết. Vậy là nhóm SG đã có 6 người tại sân ga Tân Sơn Nhất, lúc này là 15 g 30, chúng tôi trò chuyện với nhau một lúc để chờ một thành viên nữa của anh Luật. Anh Luật dáng người cao to nhưng tác phong lúc nào cũng từ từ, thong thả, kể cả việc đến lớp cũng chậm rãi hơn mọi người (tôi muốn nói là “đi trễ”). Và đặc biệt khi phát biểu cũng không kém phần khoan thai chậm rãi. Mọi người bắt đầu sốt ruột vì anh Luật vẫn chưa xuất hiện, không đợi được lâu chị Vân lấy điện thoại ra gọi, anh Luật trả lời là đang trên đường đến sân bay, 20 phút trôi qua đến lượt anh Thiết gọi nhưng không thấy anh Luật trả lời, và hơn 10 phút sau anh Luật vẫn từ từ, chưa chịu xuất hiện, nên đến lượt tôi đang từ trạng thái bình thường chuyển sang nóng ruột, lấy điện thoại gọi cho anh, vẫn với giọng thong thả cố hữu, anh trả lời là đang đến rồi… Cuối cùng anh chỉ từ từ xuất hiện sau 5 phút nữa, khi anh hỏi tôi vào cổng số mấy. Có lẽ sau này mọi người phải đặt cho anh ta là “Luật T&T” (Luật Thong Thả, Luật Từ Từ và Luật Từ Tốn J).

Chuyến đi này không suôn sẻ cho lắm. Lúc xuất trình giấy tờ cá nhân để làm thủ tục lên máy bay thì sự cố xảy ra: một thành viên là ông Minh trục trặc giấy tờ. Anh chị em buồn bã vì một thành viên phải ở lại. Ông Minh cũng chẳng vui gì khi không đi cùng anh chị em. Giọng buồn bã, chậm rãi, ông Minh dặn anh chị em ra máy bay kẻo trễ giờ, chúc mọi người chia sẻ thật tốt với anh chị em Huế và nhờ tôi chuyển đến cha H một quyển sách.

Máy bay đưa chúng tôi đến sân bay Phú Bài, tương đối êm và đúng giờ. Ra khỏi sân bay lúc 19 g 10, chúng tôi thấy cha H và anh K đã chờ sẵn. Cha H ân cần bắt tay, hỏi tên từng người. Thật hạnh phúc và ấm lòng vì sự đón tiếp chân tình của cha và anh chị em Huế dành cho chúng tôi (một lần nữa, xin gởi đến Cha và Anh Chị Em Huế lời cảm ơn sâu sắc về sự đón tiếp nồng nàn, tràn đầy yêu thương).

Trong nhóm có tôi và chị Thiết lần đầu ra Huế. Trên đường từ Phú Bài về Huế, anh K chia sẻ với tôi về nỗi lo khi cha H về hưu, không biết nhóm Huế sẽ sinh hoạt như thế nào. Nỗi lo lắng của anh làm cho tôi hình dung đến sự vất vả và bao tâm huyết để dìu dắt anh chị em Huế trên con đường học hỏi chia sẻ Lời Chúa của vị cha già khả kính. Tôi chỉ biết an ủi anh, rằng làm việc gì cũng phải kiên nhẫn và rồi Chúa sẽ sắp đặt mọi việc cho chúng ta.

Những con đường nhỏ nhiều cây xanh của Huế thơ mộng dần dần hiện ra. Xe đưa chúng tôi đến nơi nghỉ. Khi xe rẽ vào cổng, thấy anh Thiện đã đứng chờ sẵn trong sân. Có lẽ anh nhớ mọi người chăng? Anh Thiện, anh Hữu ra Huế bằng xe lửa, khởi hành trước chúng tôi một ngày. Xe dừng lại, anh chị em Huế đang chờ đón mọi người về. Cơm canh thức ăn đã được dọn sẵn trong phòng ăn. Cha H mời anh chị em an vị, rồi đọc kinh và chúng tôi dùng bữa với nhau. Trong bữa ăn, cha cùng mọi người trao đổi chương trình làm việc cho tối nay và những ngày ở Huế. Bữa cơm ngon, chấm dứt thật nhanh, vì anh chị em SG ai cũng đói. Anh K đưa mọi người lên lầu 2 nhận phòng và không quên nhắc mọi người đúng 20 g 30 họp, chia sẻ một số kinh nghiệm việc học Giáo huấn Xã hội Công giáo. Đến 21 giờ vẫn chưa thấy nhóm SG đi chuyến sau, gồm anh Cả, anh Nguyễn và anh Thủy ra trên chuyến bay 21 g. Mọi người đợi đến 21 g 30 thì chia tay, hẹn gặp lại vào ngày mai.

Tôi và Luật ở cùng phòng, sắp xếp hành trang xong, ngả lưng xuống giường. Ôi hạnh phúc và sung sướng biết bao, khi từ 14 g 20 đến giờ này là 21 g 30 mới được thoải mái như ở nhà mình. Nằm được khoảng 10 phút thì nghe gõ cửa. Nhóm sau đã ra, anh Nguyễn mời anh chị em SG họp, phân công việc chia sẻ, trình bày vào ngày mai, sao cho mọi việc được chu đáo, tốt đẹp (xin được nhắc lại nhóm sau đến Huế hơi trễ lúc 21 g 45 nên nhà ăn đóng cửa, phải ra ngoài ăn tạm bát phở, tội nghiệp nhất, có lẽ là Thủy). Đến 24 giờ đêm vẫn chưa thống nhất với nhau – do anh Nguyễn luôn cẩn thận và lo xa nên đôi khi làm cho anh chị em mất tự nhiên – cuối cùng tôi có ý kiến, cứ để cho mọi việc được tự nhiên. Chia tay, mọi người về nghỉ, tất cả dần chìm vào giấc ngủ say sưa.

Đúng 6 g sáng chị Viên, chị Vân và tôi xuống sân đi dạo, dần dần anh chị em SG đã có mặt đầy đủ. Anh chị em Huế cũng thấy xuất hiện thêm vài khuôn mặt mới. Theo sự hướng dẫn của anh chị em Huế, chúng tôi đi bộ ra quán ăn gần đó để ăn sáng. Quán ăn tuy nhỏ nhưng khách lại rất đông. Khi chúng tôi đến, đã có khoảng 30 thực khách ngồi đầy những bàn chung quanh, thêm nhóm chúng tôi khoảng 20 người nữa, quán bún bò trở nên chật hơn. Vị chủ quán vui mừng vì đông khách nhưng cũng tỏ ra bối rối vì không đủ chỗ và phục vụ không kịp. Một số anh đã tự bưng bàn ghế ra lề đường ngồi số còn lại thấy chỗ nào trống là ngồi vào ngay. Khoảng 10 phút sau, món bún bò Huế được bưng ra cho chúng tôi, trước sự ngạc nhiên của những vị khách vào trước, mặc dù đã gọi rồi mà chưa được ăn (do anh chị em Huế đã đặt từ tối hôm trước nên được ưu tiên). Xin nói thêm một chút, quán bún bò Huế, nhưng có lẽ đã cải biến cho thêm phần hấp dẫn, có thêm bún bò giò heo và bún bò cua (chị Vân gọi vui là cua bò). Mọi người ăn rất nhanh có lẽ để dành chỗ cho quán đón những người khách vừa đến. Bữa ăn sáng qua nhanh, mọi người về lại nơi nghỉ, cha H đã đợi sẵn để đưa anh chị em vào chào đức TGM Huế.

Ngài tiếp chúng tôi, giới thiệu việc hình thành tổng giáo phận và tiểu sử các vị tiền nhiệm, đồng thời cho biết những dự định cuả Giáo hội Việt Nam trong việc xây dựng thánh địa La Vang. Thay mặt anh chị em, anh Nguyễn chào và chúc Đức TGM và toàn thể hàng giáo sĩ tổng giáo phận Huế luôn được sự chở che, soi sáng của Chuá Thánh Thần, trong việc dẫn dắt đàn chiên. Rời tòa giám mục Huế chúng tôi lên xe đi Quảng Trị đến thánh địa La Vang là nơi diễn ra biến cố Đức Mẹ hiện ra năm 1798, nay là trung tâm hành hương của người Công giáo Việt Nam. Từ Huế đến Quảng Trị khoảng 60 km nhưng do nhiều đoạn đang sửa chữa nên chúng tôi đi mất khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Đến nơi, cha H đưa anh chị em đến chào cha quản lý Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang. 10 giờ anh chị em lên hội trường để nghe phần chia sẻ về chương tiếp theo trong chương trình học, Chương 8, Cộng Đồng Chính Trị. Bài học nói đến luật tự nhiên, quyền phản đối theo lương tâm, quyền phản kháng, các biện pháp chế tài. Tôi xin không phân tích, chỉ ghi lại niềm vui của tôi, về nhóm giáo dân biết nêu lên, biết ý thức về những luật tự nhiên được hình thành trong xã hội, những quyền căn bản của con người, để cùng nhau hướng đến một nền dân chủ, pháp quyền. Kết thúc buổi chia sẻ, chúng tôi xuống nhà ăn để dùng bữa trưa.

Trong bữa ăn, những ý kiến, những tranh luận tiếp tục một cách sôi nổi, chân tình và dĩ nhiên, không thiếu những tiếng đùa giỡn vui vẻ, những lời chọc ghẹo, ồn ào, tạo ra những tràng cười bất tận, làm cho bữa ăn thêm ngon miệng và tinh thần của anh chị em càng gần gũi hơn. Xong bữa ăn, chúng tôi nghỉ trưa đến 14 g 30, mọi người đi ra lễ đài tham dự thánh lễ do cha H chủ tế.

Do đề tài trình bày của nhóm SG có phần chiếu minh họa và các số liệu dẫn chứng, nên buổi chia sẻ được tổ chức tại nhà ăn (nơi có sẵn bàn ghế, các ổ cấm điện). Mở đầu chị Vân chia sẻ Chương Cổ Vũ Hòa Bình. Xin tóm lược, nói đến chiến tranh là nói đến tang thương, chết chóc, đau khổ và hận thù, đặc biệt nhấn mạnh: hòa bình không phải chỉ là không có tiếng súng, mà nền hòa bình đích thực là ngoài ấm no, hạnh phúc còn hướng đến công lý, bác ái cho mọi người. Tiếp theo đến phần trình bày của anh Kế, khi nói đến cuộc chiến tranh Việt Nam, với biết bao loại vũ khí, khí tài và vô số bom đạn sử dụng, được thống kê còn nhiều hơn trong Chiến tranh Thế giới thứ II, và số thương vong trong cuộc chiến này ước hơn một triệu người đã nằm xuống.

Nói đến đây, chàng thanh niên chưa hề thấy bóng dáng chiến tranh (anh sinh sau 1975) đã lặng người một lúc, nói không nên lời, đôi mắt anh rớm lệ làm cho mọi người trầm ngâm, suy tư về cuộc chiến đã qua. Ôi! Giọt nước mắt bất ngờ, làm lòng người xao xuyến. Cuối cùng là phần chia sẻ về xã hội dân sự (XHDS). XHDS không hề là lực cản, ngược lại là đối trọng giúp xã hội phát triển tốt đẹp, hướng đến công ích cho mọi người.

Kết thúc buổi chia sẻ, cha H chia tay mọi người, đưa anh Nguyễn về lại Huế, rồi lại đưa ra phi trường Phú Bài để về SG – vị cha già kính yêu, không quản ngại đường xa, sức yếu, luôn sát cánh cùng đoàn con. Số anh chị em còn ở lại La Vang đi thăm công trình xây dựng Trung tâm hành hương La Vang. Tại đây, anh chị em được giới thiệu một số hạng mục của công trình sắp hoản thành trong thời gian tới. Mọi người đều đẫm ướt mồ hôi, vì thời tiết Quảng Trị nóng trên 38 độ và phải trèo lên cao để ngắm công trình.

Tiếp đến anh chị em đi bộ khoảng gần 1 km đến thăm “Cơ sở Hướng Thiện’’ nơi cai nghiện, sau đó dạy nghề cho một số người đã sử dụng, hút chích ma túy. Được biết Đan Viện Biển Đức phụ trách cơ sở này. Rời cơ sở Hướng Thiện, về phòng tắm rửa, xuống nhà ăn dùng cơm tối, và đúng 18 g 30 có mặt tại linh đài để suy niệm mầu nhiệm Mân Côi Năm Sự Vui. Chưa bao giờ đọc kinh nhiều như vậy và giờ giấc phải thực hiện chính xác như thế, Thủy nói mọi người ở lại ngắm thêm Năm Sự Mừng nữa, làm mọi người cười ồ.

Đọc kinh xong, anh chị em về lại nhà ăn, đúc kết, chia sẻ. Buổi chia sẻ lúc đầu còn trầm lắng, nhưng sau đó không khí trở nên sôi nổi, rất nhiều ý kiến ủng hộ việc viết bài cho tập san Giáo huấn Xã hội Công giáo. Mọi người xem đây như một đóng góp thiết thực cho việc phổ biến GHXHCG. Càng về sau những tâm tình như được khơi gợi, anh chị em càng hăng say phát biểu, đến nỗi ban quản lý Trung tâm phải ra nhắc nội quy là 21 g đóng cửa, nhưng gần 22 g mọi người mới về phòng nghỉ ngơi. Một ngày nơi Thánh Địa La Vang đã trôi qua.

Mỗi phòng tại La Vang có 4 hoặc 5 giường, phòng chúng tôi có 5 giường. Thủy, một người nặng ký và ham vui, ghé phòng chúng tôi dự tính tham gia cuộc thi độc nhất vô nhị, là thi xem ai ngáy to nhất, mà đương kim vô địch là anh Thiện. Đối thủ nặng ký là Thủy có thể sẽ đoạt chức vô địch tối nay, nhưng không hiểu vì sao lại bỏ cuộc?! (Thực ra chưa biết ai ngáy to hơn ai, vì ai cũng cho là mình ngủ không ngáy, như tôi đây, luôn cãi lại là mình ngủ không có ngáy, bỗng một hôm đứa cháu ngoại ngủ cùng tôi, sáng ra cháu nói: “Ông ngoại ngủ ngáy to quá, ba ơi”, hi hi thế là hết chối J).

5 giờ sáng, tôi và hai người bạn cùng phòng dậy sớm thả bộ ra cổng sau Trung tâm Hành hương La Vang uống cà phê. 6 giờ về lại phòng, mọi người đã đông đủ, ai cũng quần áo tươm tất, chuẩn bị tham dự thánh lễ chủ nhật cùng với cộng đoàn giáo dân La Vang vào lúc 7 giờ. Lễ xong, ăn sáng và đúng 8 g 45 về lại Huế. Lòng tôi cảm thấy bồi hồi, lưu luyến, mong sao sau ngày Thánh Địa La Vang hoàn thành, Đức Giáo Hoàng sẽ đến làm lễ khánh thành. Khi đó, anh chị em chúng tôi lại có dịp gặp nhau. 

Sau một ngày thăm và làm việc tại Đức Mẹ La Vang, về đến Huế, chúng tôi được ghé thăm chùa Thiên Mụ 30 phút dưới sự “chăn dắt” của hướng dẫn viên hàng đầu của Huế, đó là anh G.

Với giọng Huế rất dễ thương, dí dỏm, anh tạo cho chúng tôi những tràng cười nghiêng ngả, thậm chí các đoàn khách khác cũng hào hứng muốn được anh hướng dẫn và thuyết minh. Khi được chúng tôi hỏi quá nhiều và nhất là khi bị hỏi những câu thật cắc cớ mà hướng dẫn viên bất đắc dĩ không trả lời được, anh ta bèn cười trừ: “Biết chết liền!” Nắng nóng và đi bộ nhiều, nên ai cũng mệt, nhưng thật lạ kỳ, chẳng thấy ai than van, trái lại nét mặt người nào cũng rạng rỡ, vui tươi vì tình thân thương, gắn bó và tác dụng tích cực của “nụ cười là mười thang thuốc bổ”.

Điểm thăm viếng thứ hai, mọi người cũng rất háo hức, đó là, thăm viếng nơi các vị thánh tử đạo tại phường Đúc. (Được biết, điểm thăm viếng này anh Thiện dầy công nghiên cứu và đề nghị đưa vào chương trình sinh họat của nhóm, được mọi người đón nhận nên anh rất vui). Đường vào thăm vị thánh Tống Viết Bường rất hẹp, dốc và quanh co, xe đi rất chậm với tài nghệ xuất chúng của bác tài.

Cuối cùng, xe cũng đưa mọi người dừng chân nơi thánh tích. Anh chị em xuống xe, tập trung lại, đọc kinh, mỗi người một nén nhang, bày tỏ lòng khâm phục đức can trường của các vị thánh. Đối diện với nơi chúng tôi vừa thắp nhang khoảng 50 m, một con đường đất nhỏ, dẫn chúng tôi vào một căn nhà có vẻ hoang sơ, hình như không có sự sinh hoạt thường xuyên, bao quanh căn nhà, những lùm cây và cỏ dại mọc cao hơn đầu người. Anh Thiện là người đi tiên phong, kế đến anh Cả và một anh ở nhóm Huế, từ xa tôi thấy anh Luật đang tiến vào, không muốn là người đến sau, bỏ qua sự kiện hiếm có, tôi vội đi thật nhanh, bắt kịp anh Luật và sau khi đảo mắt để tìm những người vào trước nhưng không thấy… thì bất ngờ sau lùm cỏ dại anh Cả thấy chúng tôi vội kêu: “Nhanh lên, nhanh lên đến đây anh em chúng mình chụp một tấm để làm kỷ niệm”, và không quên bày tỏ sự tâm đắc, anh Cả nói rằng: “Đây là hình minh họa cho một bài viết sống động của tập san sắp phát hành”. Hi hi, tôi mơ màng nghĩ đến vinh dự hình mình xuất hiện trên báo.

Khi chúng tôi trở ra thì… anh chị em Huế phát hiện có sự nhầm lẫn về chứng tích, và căn nhà đó, không phải là nhà thờ họ đạo Tống Viết Bường, cũng như thánh tích đó không phải là nơi Phaolô Tống Viết Bường tử vì đạo. Thực ra đó là nơi Thánh Giuse Marchand Du, tu sĩ người Pháp, thụ phong linh mục ngày 4-4-1829, ngài đến Việt Nam vào tháng 3-1830, mang tên Việt Nam là Du, và mất tại giáo họ Thợ Đúc ngày 30-11-1835. Khi ấy, tất cả mọi người cười ồ lên, và Thủy, người dự tính đi cùng tôi, nhưng vì bận việc gì đó lại không vào, Thủy được dịp chọc ghẹo anh Thiện là “nhà sử học nổi tiếng… nhầm lẫn”, và “anh Thiện nên chuyển thành nhà khảo cổ học”. Thủy cũng không tha cho tôi và anh Luật là: “những nhân vật suýt được lên báo”, lại một tràng cười vang lên giữa trưa hè. Mọi người lên xe, tài xế điều khiển cho xe quay đầu lại rất khó khăn, vì đường nhỏ, hẹp, đất lún. 

Xe tiếp tục đưa anh chị em đến xã Nguyệt Biểu, liền kề với phường Đúc, nơi có lăng 12 vị “thảo tượng”. Anh chị em phân chia cho nhau, mỗi người một nén hương, cùng nhau dâng lời cầu nguyện, đọc kinh, bày tỏ lòng thành kính với những người đã chấp nhận chết, để làm chứng cho Thiên Chúa.

Rời các thánh tích lúc 12 g 30, xe đưa chúng tôi về dùng cơm trưa tại nhà xứ Phanxicô. Vừa đến nơi, tiếng cười, đùa ồn ào lại vang lên. Thủy lại lên tiếng chọc ghẹo anh Thiện làm cho anh hơi bị quê về sự nhầm lẫn của mình, riêng đối với tôi sự chọc ghẹo ấy có cái gì thân thương,và sự nhầm lẫn ấy làm cho mọi người tìm hiểu thêm ý nghĩa của việc truyền giáo và sống đạo thời phong kiến. 

Chúng tôi vào phòng ăn, cha H và một linh mục bạn của cha tươi cười chào đón đoàn con đã trở về. Anh chị em chào hai cha, đi rửa mặt, rồi mọi người được mời vào bàn ăn. Sau khi cùng hai cha đọc kinh, không khí trở nên ồn ào như vỡ chợ, cha hỏi thăm đàn con về các buổi sinh hoạt tại La Vang, các con tranh nhau thưa chuyện cùng cha, tiếng mời chào “dzô dzô” thật là hào hứng. Cuộc hành trình từ Quảng Trị về Huế, chuyến thăm chùa Linh Mụ và các thánh tích làm cho anh chị em ai cũng đói, thức ăn ngon bày trên bàn lại rất hấp dẫn, nhiều món ngon lạ, làm cho ai cũng tập trung vào “ chuyên môn” một cách cao độ và thật sự nghiêm túc. Món mực luộc chấm nước mắm gừng tuyệt vời, món cá “bóp”, rau sống cuốn bánh tráng, canh măng với cá thác lác ăn kèm với bún, món gà nấu với xả chấm bánh mì. Đặc biệt là món cúm núm xào chua ngọt, không biết tôi còn quên món gì? Anh chị em ai nhớ xin nhắc dùm, hi hi! Lúc ấy mọi người như đang chiến đấu, với nhiệm vụ được giao là dọn sạch những gì hiện diện trên bàn. Tôi âm thầm, một mình thanh toán món gà với bánh mì, canh cá thác lác với bún cách say sưa không mệt mỏi, liếc qua thì thấy anh Kế và chị Viên cũng đang lặng lẽ, nhưng rất nhiệt tình với món bánh tráng cuốn rau sống và “cá bóp”, không kém gì tôi (xin lỗi, nếu không muốn nói là có phần hơn tôi). Đảo mắt một lượt để tìm anh Luật nhà ta, thì ra anh ẩn mình vào cuối bàn một cách kín đáo, bao chung quanh anh là các chị Huế. Một chị đang giới thiệu các món ăn và cách chế biến, trong khi anh thì đang từ tốn – nghĩa là từ từ mà tốn – đắc chí thưởng thức món ngon vật lạ một cách thong thả. Nói về anh Kế thì sau khi đã tạm no, thấy món “cúm núm” còn nhiều nên mời tôi dùng thêm, tôi nhớ là mình gặm mãi mà chẳng thấy thịt, thực tình là chỉ mút rồi bỏ đi, vì toàn là vỏ mà lại rất cứng. (Sau này anh cho biết là tùy theo mùa, ngư dân mới đánh bắt được loại này, và đặc biệt là thịt dồn sang càng bên phải. Xin lỗi anh Kế có biết là anh mời tôi toàn là càng bên trái ?!).

Chờ cho mọi người lên tinh thần, vì đã lưng lửng dạ, nạp lại tạm đủ năng lượng, chị H mời anh chị em tóm lược lại cuốn “Tóm lược HTXHCG, cũng như đúc kết lại các buổi sinh hoạt”. Anh K thay mặt anh chị em Huế, đứng lên phát biểu: “Kính thưa các Cha và Anh Chị Em… sáng nay tại La Vang anh Tây nói… với tôi …” và rồi anh K lặng người nói không nên lời, rơm rớm nước mắt. Anh Kế ngồi cạnh đã xoa lưng và nắm tay anh mong rằng anh sẽ bớt xúc động. Thời gian như lắng lại, mọi người im lặng, chăm chú lắng nghe. Ngồi đối diện, tôi thót tim vì không biết sáng nay mình nói gì xúc phạm để anh ra nông nỗi này (hết hồn), định thần lại, tôi xin phép chị H được tiếp lời anh K: “Thưa Cha và Anh Chị Em sáng nay khi đi uống cà phê về, tôi có nói với anh K ‘điều anh chị em mình hay trăn trở là chẳng có gì ràng buộc anh chị em mình trong việc đến với nhau để học hỏi, lúc đến lúc đi, nay có lẽ Chúa đã soi sáng, chúng ta đã có câu trả lời. Trước tiên, chúng ta giao ước với Thiên Chúa, ngài sẽ nối kết anh chị em chúng ta lại với nhau, sẽ dẫn đường và sẽ an bài mọi sự cho chúng ta’”. Sau giây phút lắng đọng, sự ồn ào trở lại, anh Luật được triệu tập lên ngồi cạnh cha H để có đôi lời cùng các cha và anh chị em. Anh dùng dằng, quyến luyến chẳng chịu đi, vì ngồi cạnh các chị Huế, được các chị ân cần chăm sóc. Thủy đứng lên xúi anh Luật nên nêu nguyện vọng xin ở lại chỗ cũ, làm mọi người cười ồ. Và rồi Luật cũng phải lên ngồi cạnh các cha, nói lời cám ơn, chia sẻ rằng những tình cảm thân thiết của cha H, anh chị em Huế, là động lực thôi thúc anh chị em SG phải cố gắng duy trì tập san, thực hiện những công việc mới, và mong mỏi rằng anh chị em Huế sẽ hỗ trợ bằng những bài viết, những ý kiến giúp cho việc học và hành, sẽ phát triển như ông Minh và cha H hằng mong muốn.

Lần lượt tất cả mọi người đều nêu lên sự cần thiết phải học, phải kiên trì với những việc đang làm, dù còn nhiều gian nan, dù sức khỏe chưa tốt, và còn nhiều vất vả trong việc mưu sinh. 

Đến 14 g 30 cha H tiễn anh chị em ra về, mọi người ai cũng ân cần bắt tay nhau thật chặt và lâu như còn muốn nói với nhau nhiều. Anh K đưa chúng tôi về lại nơi nghỉ, hẹn sẽ quay lại đưa chúng tôi ra phi trường Phú Bài lúc 17 giờ để kịp giờ về lại SG trên chuyến bay khởi hành lúc 18 g 10 (anh chị em SG mong rằng sẽ không bị hoãn chuyến bay, vì chiều hôm trước, theo lời một anh kể máy bay đã bị hoãn đến 5 lần, khiến hành khách phải lên tiếng, và mãi đến hơn 1 giờ sáng ngày hôm sau khách mới về đến nhà, thật khủng khiếp). 

Đúng giờ anh K và anh Thiện đưa chúng tôi đến sân bay, rồi về lại Huế ngay sau đó. Sau khi làm thủ tục sân bay và cân hành lý xong, thấy còn sớm nên anh Cả rủ mọi người ra quán trước sân bay uống cà phê. Tôi và Luật lững thững đi bộ ra quán, những người còn lại chưa chịu đi, ra đến nơi anh Cả và Luật gọi cà phê, tôi gọi tô mì gói. Trong khi chờ cà phê thì thấy những người còn lại lục đục kéo ra, trên tay lỉnh kỉnh hành lý, nhất là Thủy (nhân vật nặng ký mà tôi sẽ “miêu tả” sau). Khi tô mì được đem đến cho tôi, có lẽ mùi thơm tỏa ra đã làm mọi người thấy đói bụng, bấy giờ chị Vân với lời thông báo thật dễ thương, anh chị em cứ thoải mái kêu món ăn vì đã có quỹ đài thọ. Thủy là người hưởng ứng trước tiên. Mọi người đều gọi bánh mì trứng, riêng anh Kế gọi bánh mì bò. Trong lúc mọi người chờ quán mang ra, tôi đang xì xụp với tô mì, thì bánh bột lọc của anh chị em Huế tặng cho anh chị em SG được mang ra, sẵn nước mắm của quán ăn, thế là mọi người bóc bánh, chấm nước mấm ớt ăn một cách say mê. Quán ăn phục vụ quá chậm, gần 15 phút vẫn chưa đưa đồ ăn ra, và khi đem ra lại thiếu bánh mì. Thế là lại phải đợi, món bánh mì bò của Kế là phải chờ lâu nhất. Xin kể vể nhân vật nặng kí, không những theo nghĩa bóng và nghĩa đen như thông thường, mà phải nói là nặng kí về nhiều nghĩa. Thứ nhất, anh ít khi xuất hiện trong các buổi học, anh chỉ xuất hiện khi lớp tổ chức thảo luận chuyên đề, chiếu phim, mời linh mục hay giảng viên đến hỗ trợ cho một bài học, lúc ấy nhân vật VIP mới xuất hiện với quần áo tươm tất, nước hoa thơm phức. Thủy còn nặng kí về cân nặng có lẽ sắp xỉ 90 kg. Hành trang cho chuyến đi của anh cũng quá tải, đến nỗi lượt về Thủy phải mặc vào người 2 bộ quần áo, thêm cái áo khoác, và hành lý phải cân chung với mọi người, để đúng với số kg hành lý xách tay theo qui định. Và cuối cùng, anh ta cũng là nhân vật nặng ký trong làng ăn uống, thanh toán hơn 20 cái bánh bột lọc, một ổ bánh mì trứng, bánh ngọt, anh còn hỏi nước thánh mang ở Đức Mẹ La Vang còn không. Trước đó một mình anh đã uống một chai 2 lít. (Xin lỗi Thủy, nếu có gì quá, xin bỏ qua cho mình J).

Giờ khởi hành đã đến, mọi người vào làm thủ tục rời Huế về SG. Chuyến bay khởi hành đúng giờ. Tuy nhiên do thời tiết xấu, máy bay bị nhồi, lắc nên chậm 20 phút. Khi đến Tân Sơn Nhất, do tôi ngồi cạnh cửa sổ, thấy thành phố SG hiện ra và trước mắt là sân bay, nhưng máy bay sao cứ bay vòng vòng chưa chịu đáp, sau này mới biết do là hàng không giá rẻ, nên phải ưu tiên cho các hãng hàng không khác cất và hạ cánh trước, khi nào có chỗ trống mới đến lượt mình. Đúng 20 g 45 chúng tôi chia tay nhau, mỗi người một ngả, ai cũng vội vàng để trở về với gia đình. Tôi, chị Viên, Thủy gần nhà nhau nên đi chung taxi.

Ngồi viết những dòng này, tôi chợt nhớ khoảng 5 năm về trước. Trong một buổi họp mặt tại một quán ăn nhỏ gần Tu Viện Mai Khôi, đường Tú Xương, anh chị em hiện diện có nêu ra câu hỏi : “Lý do gì đã đưa anh chị em đến để học hỏi, chia sẻ về những “học thuyết” khô khan, khó hiểu của GHXH, mà trong thực tế cũng chưa được sự quan tâm, hưởng ứng cuả các tu sĩ và các giáo xứ?” Có ý kiến cho rằng “sự kiện Thái Hà” làm cho hàng giáo phẩm Việt Nam chia rẽ, giáo dân hoang mang, rồi đất nước Việt Nam đe dọa có chiến tranh vì sự bành trướng cuả Trung Cộng. Thậm chí có người cho biết là muốn sử dụng thời gian cho hữu ích, có người vì tò mò. Đến lượt tôi, chị Viên hỏi: Còn anh thì sao? Xin thưa rằng: “Tôi đến đây vì yêu thương, quí trọng anh chị em, anh chị em đã âm thầm, bền bỉ tổ chức các buổi học hỏi, cầu nguyện, chia sẻ. Từ nhà dòng này đến tu viện nọ, đúng theo câu nay đây mai đó” (vì thực ra chưa có đơn vị hay hội đoàn nào đỡ đầu cho anh chị em). Và hôm nay, tôi lại có thêm nhiều điều để tin yêu anh chị em hơn nữa, vì những điều anh chị em học và thực hành bấy lâu nay đã được Thiên Chúa chúc lành, các hoạt động như: Phòng tham vấn, tập san học hỏi GHXHCG xuất bản định kỳ, đĩa nhạc cổ vũ GHXHCG, các tập truyện tranh giáo dục giới tính như “Mẹ và con gái”, “Bố và con trai”. Và, hình ảnh sống động của hôm nay, là sự nối kết với anh chị em Huế, không xa nữa là với anh chị em Hà Nội, thêm một trang web với nhiều kỳ vọng sẽ ra mắt không lâu.

Điều đọng lại cuối cùng tôi muốn chia sẻ với mọi người để cùng nhau suy tư, trân trọng, đó là những giọt nước mắt, cuả một người trẻ, tuy chưa hề trải qua chiến tranh và một người nay tóc đã bạc màu. Cả hai tuy về tuổi tác có sự tương phản, một mái đầu xanh chưa từng thấy một ngày dài trên quê hương đầy tiếng súng, một mái tóc bạc đã từng dạy dỗ bao lứa học trò, giờ lại bắt đầu đi học. Những giọt nước mắt trông thật đơn sơ, tự nhiên chảy ra và đọng lại trong lòng mọi người. Những nụ cười mỉm hay chỉ là hé môi cười trên những khuôn mặt nhiều suy tư trước đây, giờ đã vang lên thành những tiếng cười giòn giã, tươi vui, tràn đầy hy vọng. Xin tóm kết bài ký sự bằng các từ HUẾ, NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks