ngày tháng năm

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

«... NGƯỜI ĐI RA MỘT NƠI HOANG VẮNG VÀ CẤU NGUYỆN Ở ĐÓ» (Mc 1,35)


Chiara Lubich
Đan Quang Tâm dịch

«... Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó»

Thật là một ngày tất bật bận rộn của Đức Giê-su vào ngày thứ bảy đó tại thành Ca-phác-na-um! Người giảng dạy trong hội đường và Người làm cho mọi người đều kinh ngạc về giáo huấn của Người. Người giải thoát một người khỏi bị thần ô uế ám. Vừa ra khỏi hội đường, Người đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê, tại đó Người chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Si-môn. Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người và Người chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ tật nguyền và bệnh hoạn và trừ nhiều quỷ (xem Mc 1,21-24).
Sau cả một ngày đêm dành cho những hoạt động đó, Đức Giê-su đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.


«... Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó»

Người khao khát cuộc sống trên trời. Người đã từ trời đến để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa cho ta, để mở đường lên trời cho ta, để chia sẻ cuộc sống của ta về mọi mặt. Người đã rong ruổi những nẻo đường Pa-lét-tin để giảng dạy các đám đông, chữa lành mọi bệnh tật, và để đào tạo các môn đồ.
Nhưng sức mạnh ban sự sống, tuôn chảy như “
những dòng nước hằng sống từ lòng Người” (Ga 7,37-38), lại xuất phát từ mối quan hệ mật thiết với Cha. Người và Cha biết nhau và yêu nhau; cả hai ở trong nhau, vì cả hai nên một (xem Ga 10,15.30.38).
Cha là “Abba,” nghĩa là “ba”, người ba mà ta có thể quay sang với niềm tín thác vô hạn và tình yêu vô biên.


«... Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó»

Vì Con Thiên Chúa xuống thế vì ta, nên Người không hài lòng chỉ có mỗi mình Người mới hưởng đặc ân sống mối quan hệ này trong cầu nguyện. Bằng cách chết cho ta và cứu chuộc ta, Người làm ta trở thành những người con trai con gái của Thiên Chúa, những người anh chị em của Người.
Do đó, cả ta nữa, ta cũng có thể sử dụng lời khẩn cầu thánh thiêng của Người, “Abba, Ba ơi”, với tất cả những gì đến từ lời khẩn cầu ấy: tin chắc vào sự che chở của Người, sự an toàn yên ổn, niềm tin tuyệt đối vào tình yêu, sự an ủi thánh thiêng, sức mạnh và nhiệt tình của Người – sự nhiệt tình khai sinh trong một con tim biết rõ rằng mình được yêu thương.
Một khi đã vào trong sự thinh lặng của “phòng kín” (Mt 6,6), khoảng không gian nội tâm trong linh hồn ta, ta liền có thể đàm đạo với Người, thờ phượng Người, tuyên xưng tình ta yêu Người, cảm tạ Người, xin Người tha thứ cho ta, phó thác cho Người tất cả nhu cầu của ta và của nhân loại, cũng như những ước mơ và hi vọng của ta. Khi ta biết rằng có người yêu ta thiết tha và người đó lại là đấng toàn năng thì tại sao ta lại không thổ lộ mọi sự với người?

Ta còn có thể nói chuyện với Lời của Thiên Chúa, với
Đức Giê-su. Trên hết mọi sự, ta có thể lắng nghe giọng Người và để cho Người lập lại những lời này với ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"(Mc 6,50), “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người cũng mời gọi ta với những lời như: “Hãy đến theo thầy” (Mt 19,21), “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22), “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
Những cuộc đàm thoại này có thể kéo dài, hoặc có thể ngắn gọn và lập lại nhiều lần trong ngày, gần như một cái nhìn yêu thương hướng về Người, thì thầm với Người chẳng hạn như: “Ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc” (xem Tv 16,2), “Việc này con làm vì Chúa”.
Ta chẳng thể nào không cầu nguyện. Ta chẳng thể nào sống mà không thở, và cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn, là sự tỏ bày lòng ta yêu mến Thiên Chúa. 
Sau những giây phút đàm thoại với Người, những giây phút hiệp thông và yêu thương, ta trở lại, sẵn sàng đương đầu với đời thường, tươi tắn với sức mạnh và niềm tin mới. Sức mạnh đó còn giúp ta xây dựng mối quan hệ chân thực với tha nhân và với đời.

«... Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó»

“Nếu chúng con không đóng tâm hồn mình lại bằng cách đắm mình trong suy niệm, thì lạy Chúa, Chúa sẽ không thể nào làm bạn với chúng con như đôi khi tình yêu của Chúa mong muốn. Nhưng một khi đã bỏ mọi sự sang một bên để đắm mình trong Chúa thì chúng con sẽ không bao giờ còn muốn quay lại, vì được kết hiệp với Chúa thật ngọt ngào biết bao, tất cả những thứ khác mới phù du làm sao.
“Lạy Chúa, những ai chân thành yêu mến Chúa thì thường gặp Chúa, trong sự yên lặng của phòng mình, trong những chiều sâu của tâm hồn, và mỗi lần như vậy, cảm giác này lay động tâm hồn của họ như thể họ được đụng chạm đến tận cốt lõi. Và họ cám ơn Chúa thật gần gũi với họ, là mọi sự đối với họ, là đấng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống và sự chết của họ.
“Họ cám ơn Chúa, nhưng thường thì họ không biết phải làm thế nào hoặc phải nói gì. Họ chỉ biết rằng Chúa yêu họ và họ yêu Chúa, và không có gì dịu ngọt trên trái đất này có thể sánh được, dù chỉ phần nào, với cảm giác này. Điều họ cảm thấy trong tâm hồn khi Chúa xuất hiện là Thiên Đàng, và họ nói: ‘Nếu Thiên Đàng là như thế này, thì ôi, đẹp biết bao!’
“Họ cám ơn Chúa, lạy Chúa, về toàn bộ cuộc đời họ, vì Chúa đã đưa họ đến điểm này. Và cho dẫu những bóng tối còn lảng vảng bên ngoài có thể làm tối đen thiên đàng của họ tại thế giới này, thì khi Chúa tỏ mình ra, mọi sự khác dường như xa vắng và biệt tăm: chúng không còn tồn tại.
“Chúa có đó.
“Thực tại là đó”.



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks