ngày tháng năm

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

SỨ MẠNG CỦA MỘT DOANH NGHIỆP (#5)

Chúng tôi muốn ngỏ lời một cách cụ thể với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ki-tô giáo, là những người đặt trọng tâm công việc của họ vào ý thức sâu xa về lời Thiên Chúa mời gọi làm người cộng tác vào công trình tạo dựng. Những nhà lãnh đạo đó đóng một vai trò quan trọng trong việc đề ra và mang lại cho cuộc sống các nguyên tắc đạo đức xã hội, dựa vào truyền thống xã hội Công giáo trong trường hợp thích hợp, trong các công việc thường ngày của họ. Chúng tôi cũng muốn ngỏ lời với toàn thể các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành tâm thiện chí, là những người có ảnh hưởng trên các hành vi, giá trị và thái độ của dân chúng kể cả các doanh nghiệp của họ. Từ các giám đốc điều hành đến các trưởng nhóm rồi đến những người có tầm ảnh hưởng không chính thức, các lãnh đạo doanh nghiệp đủ mọi loại đều đóng một vai trò then chốt trong việc hình thành đời sống kinh tế và tạo điều kiện cho tất cả mọi người phát triển toàn diện thông qua các tổ chức kinh doanh. Các tổ chức đó rộng lớn và đa dạng, bao gồm các hợp tác xã, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp do người lao động làm chủ, các doanh nghiệp gia đình, các doanh nghiệp xã hội[1], các công ty hợp danh, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp liên doanh với chính phủ, các tổ chức vì lợi nhuận/phi lợi nhuận. Một số doanh nghiệp này là những công ty cổ phần đại chúng, trong khi hầu hết là những công ty cổ phần nội bộ. Một số doanh nghiệp có doanh số lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của nhiều nước, nhưng hầu hết thì nhỏ hơn. Một số doanh nghiệp được sở hữu bởi hàng ngàn nhà đầu tư, số khác được sở hữu bởi một cá nhân hay gia đình. Một số doanh nghiệp được định nghĩa theo pháp luật là những thực thể vì lợi nhuận, còn những doanh nghiệp khác, theo các khái niệm mới trong pháp luật[2], được gọi là “các doanh nghiệp xã hội” có một hình thái đặc biệt. Doanh nghiệp là một định chế đa dạng và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong thực tế đã hoan nghênh một sự hỗn hợp các loại hình.

BÌNH LUẬN: Chúng ta những nhà doanh nghiệp được đề cập ở đây bằng những thuật ngữ mới lạ: “những người cộng tác trong công trình tạo dựng”, “những nhà lãnh đạo… tạo điều kiện cho tất cả mọi người phát triển toàn diện.” Hai mục tiêu đó, cộng tác với Thiên Chúa trong việc nối tiếp công trình tạo dựng của Ngài; và tạo ra một môi trường trong đó người lao động có thể phát triển toàn diện, thì quan trọng hơn là tối đa hóa lợi nhuận. Điều đó cũng sẽ đến, nếu chúng ta làm những công việc khác này, nhưng ta nên đặt trọng tâm làm đối tác với Thiên Chúa trong việc sử dụng doanh nghiệp của chúng ta để nối tiếp công trình tạo dựng. Chúng ta có bàn với các nhóm điều hành của chúng ta về việc làm thế nào để thực thi các sứ mạng này không?

Chẳng hạn, chúng ta thỉnh thoảng gợi ý câu hỏi này với nhóm điều hành của chúng ta: “Sản phẩm hay dịch vụ của ta cải thiện xã hội (hoặc công thiện) như thế nào?” Hãy viết ra những câu trả lời đó lên bảng trắng. Sau đó tổng hợp chúng thành một trang giấy và phát cho mọi người. Điều đó xem ra có vẻ tầm thường, nhưng không có gì là tầm thường trong vương quốc của Thiên Chúa.

Và câu hỏi thứ hai: “Một cách cụ thể, chúng ta đang giúp đỡ nhân viên của ta (và những người có lợi ích liên quan khác) ‘phát triển toàn diện’ như thế nào?” Chúng ta đang giúp họ thăng tiến phẩm giá họ như thế nào? Chúng ta có đang đổi xử với họ như những nhân vị, hay chỉ là những con số nhập vào một bảng tài chính? Chúng ta có thể làm gì để giúp họ cải thiện với tư cách là những nhân vị?

BBT ghxhcg.com chuyển ngữ

(Chú thích phía dưới do chúng tôi thêm vào)

[1] Loại hình doanh nghiệp này xin coi tại: http://www.muhammadyunus.org/index.php/social-business/social-business

[2] Như Luật Doanh nghiệp mới của Việt Nam số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2015

Nguồn: http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=3138

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks