ngày tháng năm

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

KHI CÂY RỪNG KHÔNG CÒN XANH LÁ

ĐĂNG ĐAN

Thời chiến trước 1975, có tác giả xuất bản một tuyển tập những bài báo được in dưới tên CHO CÂY
RỪNG CÒN XANH LÁ giữa lúc bom đạn tàn phá con người và thiên nhiên Việt Nam.

Đáng ngạc nhiên – một sự ngạc nhiên không hề có chút gì thích thú thuộc loại sweet surprise – nay thời bình giữa thủ đô ngàn năm văn vật lại diễn ra cảnh cây và người Việt Nam đang bị đốn ngã bởi con người và cơ chế.

Đối mặt với các tàn phá người và vật, ta rơi vào “mất can đảm và buông xuôi” (Thông điệp Yêu trong Sự thật, Caritas in Veritate, 78).

Tác giả, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, dẫn Kinh Thánh để chúng ta tự động viên “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” vì “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Đức Bênêđictô XVI kêu gọi chúng ta bảo vệ hai loại môi sinh: Môi sinh nhân bản và môi sinh môi trường (CIV số 51). Ngài xin Giáo hội vào cuộc can thiệp cho nhân sinh và môi trường vạn vật vì tất cả đều là quà của Chúa gửi: Con người là quà, vạn vật là quà (CIV số 48, 50, 78). Đức Bênêđictô cùng với Đức Gioan Phaolô II lớn tiếng mạnh mẽ tuyên bố: Môi trường thiên nhiên vạn vật còn là một ơn gọi cho con người (CIV 48).
Cụ thể, Giáo hội huấn luyện lương tâm và đề cao trách nhiệm bảo vệ môi sinh bằng cách nhắc nhở con người áp dụng hai nguyên tắc :

1. Nguyên tắc tối quan trọng: Chúa là nguồn sáng tạo (CIV, 52).

2. Nguyên tắc luân lý và cũng là nhân đức xã hội: Sống tình liên đới (CIV 48, 49, 50, 51).

Đức Bênêđictô nhắc chúng ta hãy giữ gìn ĐẤT- NƯỚC-KHÔNG KHÍ cho chính chúng ta và con cháu chúng ta (CIV, 51). Ngài liên tục nhắc ta hãy có lòng thương xót mang đầy tính trách nhiệm đối với thế hệ tương lai. Đừng để lại “gia tài của mẹ, là nước Việt buồn” cho con cái cháu chắt chúng ta, nghĩa là chẳng còn tài nguyên, chẳng còn môi trường trong sạch chỉ vì thế hệ này đã phung phí hết rồi.

Bảo vệ môi sinh con người và môi sinh vạn vật cần đến động tác “giang tay cầu nguyện”. CIV số 79 thống thiết xin ta cầu nguyện cho sự phát triển toàn diện và đích thực, không méo mó lệch lạc: “Sự phát triển cần đến các Kitô hữu biết giang tay hướng về Thiên Chúa trong thái độ cầu nguyện”.

Hóa ra, cầu nguyện tràn đầy sức mạnh, bồi bổ và thêm sức cho ta. Cầu nguyện giúp ta gạt được nước mắt khi thấy cây rừng trụi lá và cây đường phố té lăn quay và nhất là khi con người bị quỵ ngã trên đường đời, để xắn tay áo làm một hành động cần thiết.

“Vì thế, ngay trong những thời điểm khó khăn nhất và hoàn cảnh phức tạp nhất, chúng ta không những phải phản ứng một cách có ý thức, nhưng trước hết phải gắn bó vào tình yêu của Thiên Chúa” (CIV, 79).

Việt Nam đang còn nhiều khó khăn và phức tạp. Chúng ta “giang tay cầu nguyện” để biết “phản ứng một cách có ý thức”, “gắn bó vào tình yêu của Thiên Chúa”. 

Tập san Phổ biến Giáo huấn Xã hội Công giáo số 18

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks