ngày tháng năm

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Đức Giáo hoàng Bênêđíctô là người nói về tiền bạc

Phân tích tốt nhất chưa từng có về khủng hoảng kinh tế toàn cầu bảo rằng con người, chứ không phải luật lệ, phải thay đổi ra sao. 

Lord Griffiths, Phó Chủ tịch của Goldman Sachs International
Brian Griffiths là một người thụ thác của Đức Tổng Giám mục Lambeth Trust của Tổng Giáo phận Canterbury và Phó Chủ tịch Goldman Sachs International, thuộc Ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ Goldman Sachs. Tập đoàn này lãi ròng 3,44 tỷ đôla trong quý II năm 2009, vượt mọi dự đoán, và vừa mới trả xong khoản 10 tỷ đô la tiền vay của chính phủ Hoa Kỳ trong khuôn khổ chương trình cứu trợ ngành tài chính. Dưới đây là bình luận về Thông điệp Caritas in Veritate của chuyên viên tài chính - ngân hàng nói trên đăng trên tờ The Times ra ngày 13.7.2009. 

Khi Hồng y Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, các điểm mạnh và yếu của ngài dường như rõ ràng. Đây là một thần học gia, triết gia và người bảo vệ xuất sắc chân lý Kitô giáo, nhưng một con người khó có thể làm cho sứ điệp của Giáo hội có liên quan đến thế giới hôm nay. Điều này giờ đây trông thật giản đơn biết bao dưới ánh sáng thông điệp thứ ba của ngài, trong đó Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI chạm trán, đối đầu với cuộc khủng hoảng tài chính đã làm rung chuyển thế giới.

Ngôn ngữ có thể dầy đặc, nhưng sứ điệp đền bù bõ công. Thông điệp phân tích chủ nghĩa tư bản hiện đại từ khía cạnh luân lý và thiêng liêng cũng như khía cạnh kỹ thuật. Kết quả là Báo cáo của Chính phủ Anh về cải cách tài chính phát hành hai ngày sau trông có vẻ chỉ có một chiều kích và không màu sắc một cách thẹn thùng. 

Kinh tế toàn cầu ngày nay đang ở vào giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng nhưng luôn luôn tích cực. Mấu chốt cần quan tâm là làm thế nào đẩy mạnh việc phát triển con người trong bối cảnh công bằng và công ích. Mặc dù có sự cạnh tranh so tài nảy lửa giữa một vài trong số những đầu óc ưu tú nhất của thế giới, không còn nghi ngờ gì nữa, cách ứng phó rõ nét, hoàn bị và thấu lý đạt tình nhất đối với cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa xuất hiện. Cần hòa âm với tất cả những ai mong muốn trông thấy chủ nghĩa tư bản hiện đại phục vụ các cứu cánh của con người trên bình diện rộng hơn. 

Đức Giáo hoàng nêu rõ rằng thông điệp lấy cảm hứng từ Populorum Progressio, thông điệp phát hành bởi Đức Phaolô VI năm 1967, giữa đỉnh cao của phong trào chống chủ nghĩa tư bản tại châu Âu. Phong trào đang tấn công chủ nghĩa tư bản tự do, đề nghị tịch thu các tài sản địa ốc nào sử dụng kém hiệu quả và cổ vũ việc hoạch định kinh tế. 

Thông điệp tương phản rõ nét với Centesimus Annus (1991), thông điệp gần đây nhất nói đến các vấn đề kinh tế, được phát hành bởi một Giáo hoàng Ba Lan sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Đức Gioan Phaolô II khẳng định kinh tế thị trường là một phương thức sản xuất của cải bằng cách cho phép phát huy tính sáng tạo của con người và doanh nghiệp. 

Đức Giáo hoàng Bênêđíctô mạnh mẽ phê phán chủ nghĩa tư bản hiện đại. Ngài tin rằng kinh tế thế giới bị "lạc hướng và thất bại nghiêm trọng". Tăng trưởng kinh tế bị ghì xuống bởi "các hoạt động sai chức năng và các vấn đề bi đát". Giá trị xã hội của các doanh nghiệp hầu như chỉ phải trả lời trước các nhà đầu tư của mình hóa ra lại hạn chế. Hệ thống tài chính đã bị lạm dụng bởi các giao dịch tài chính mang tính đầu cơ trục lợi và đã gây ra cảnh tàn phá nền kinh tế thực. Toàn cầu hóa đã làm hại các quyền lợi của công nhân, giảm thiểu các hệ thống an sinh xã hội và bóc lột môi trường. Cảnh phồn thịnh toàn cầu đã phát triển thế nào thì "cảnh bất bình đẳng chói lòa đến chướng mắt" cũng gia tăng như thế. 

Mặc dù đưa ra những phê phán trên, thông điệp có một cái nhìn tích cực về lợi nhuận, với điều kiện đó không phải là mục tiêu duy nhất. Thông điệp công nhận rằng việc lao động gia tăng tính lưu động xuất phát từ việc phi quy định hóa (deregulation, tức gỡ bỏ các luật lệ của chính quyền trung ương – người dịch) có thể làm gia tăng của cải. Thông điệp nhìn nhận rằng việc tăng trưởng kinh tế đã đưa hàng tỷ người ra khỏi tình trạng nghèo khó và giúp cho một số các nước đang phát triển có thể trở thành các hảo thủ trên thao trường chính trị quốc tế. Toàn cầu hóa cung hiến một cơ hội thật vô song để thực hiện trên phạm vi toàn thế giới công cuộc tái phân phối tài sản với quy mô lớn. 

Loại kinh tế thị trường mà Đức Giáo hoàng Bênêđíctô bảo vệ thì gần với mô hình xã hội châu Âu hơn "trật tự tự phát" của Milton Friedman và Friedrich Hayek. Đối với ngài, không bao giờ có thể quan niệm chủ nghĩa tư bản thị trường chỉ bằng những từ ngữ thuần túy kỹ thuật. Phát triển đâu phải chỉ là chuyện giải phóng cởi trói cho thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, gia tăng đầu tư và cải tổ các định chế. Phát triển cũng chẳng phải là việc đề ra các chính sách xã hội đi kèm với việc cải cách kinh tế. Tâm điểm của thị trường là con người, con người có phẩm giá, xứng đáng được đối xử công bằng và mang hình ảnh của Thiên Chúa. Thị trường cần được rao truyền một nền luân lý xuất phát từ học thuyết nhân bản Ki tô giáo, một học thuyết tôn trọng sự thật và đề cao tinh thần bác ái. 

Thông điệp đưa ra sáu phương thế lớn để làm cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu trở nên nhân bản hơn. Trước hết, thông điệp kêu gọi “quản lý công cuộc toàn cầu hóa” và cải tổ các định chế kinh tế quốc tế. Các định chế đó cần thiết "để quản lý nền kinh tế toàn cầu, để làm sống lại các nền kinh tế bị khủng hoảng đánh gục, để tránh bất kỳ sự suy thoái nào của cuộc khủng hoảng hiện tại... để đảm bảo sự bảo vệ môi trường và để đề ra các quy định cho vấn đề di dân". Chẳng ngạc nhiên, cho công việc đồ sộ này chúng ta cần “một thẩm quyền chính trị thế giới chân chính" thông qua việc cải tổ Liên Hiệp Quốc. 

Kế đó, cần có sự đa dạng hơn giữa các doanh nghiệp tạo ra tài sản: các hội thân hữu hỗ tương, các hiệp hội tín dụng và các hình thức hỗn hợp của tổ chức thương mại. Thứ ba, toàn cầu hóa đã làm suy yếu khả năng của công đoàn làm người đại diện cho các quyền lợi của công nhân, một điều cần phải được đảo ngược. Thứ tư, tệ trạng bất bình đẳng đòi hỏi các nước phải gia tăng tỷ lệ GDP được sử dụng làm ngoại viện. 

Thứ năm, vì môi trường là quà tặng của Đấng Tạo hóa cho nên chúng ta có một trách nhiệm liên thế hệ giải quyết sự biến đổi khí hậu. 

Cuối cùng, mọi người tham gia thị trường, thương nhân, nhà sản xuất, ngân hàng — kể cả người tiêu dùng — phải cảnh giác trước những hậu quả do các hành động của mình gây ra. “Phát triển không thể thực hiện được nếu không có những người nam, người nữ chính trực, các nhà tài chính và các nhà chính trị có lương tâm tinh tế, nhạy bén với công ích”. 

Những lời của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô không phải là những lời thường. Chúng tác động đến mọi người đang hành động trong cuộc sống hàng ngày. Trong Thành phố chúng thách thức ban lãnh đạo hãy tạo ra một nền văn hóa biết phòng xa, có tinh thần trách nhiệm và chính trực. 

Tuyệt nhiên không được có một chút sai chạy nào, dù chỉ một ly, đối với việc xúc phạm đến khách hàng, đặt mình trong tình trạng bị xung đột quyền lợi và làm lạm phát các giá trị. Cho dù có tạo ra doanh thu lớn đến đâu, những ai sai chệch cần phải chịu kỷ luật. Loại kêu gọi này không thể áp đặt nguyên chỉ bằng luật lệ không thôi. 

Brian Griffiths
Đan Quang Tâm dịch 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks