ngày tháng năm

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Hiểu như thế nào về kinh doanh theo mạng (MLM)?

Thời gian vừa qua, Chúa Nhật các ngày 21/10/2012 và 04/11/2012, nhóm học hỏi Giáo huấn Xã hội Công giáo của các bạn trẻ đã khởi xướng và trình bày về lãnh vực kinh doanh theo mạng (MLM) hiện nay. Thành thật mà nói, cá nhân tôi ngay từ đầu đã có những suy nghĩ không tốt về MLM, thành kiến này xuất phát từ 2 thái độ trái chiều: Dư luận xấu hiện nay về MLM và Sức hút MLM trở thành niềm tin của nhiều người. Vậy đâu là sự thật, chúng ta phải nhìn nhận MLM như thế nào? Mong các anh chị nhóm lớn và các bạn trẻ cho tôi cơ hội trình bày về MLM theo quan điểm của cá nhân tôi, với hy vọng duy nhất là tôi, các anh chị nhóm lớn và các bạn trẻ thông cảm, hiểu nhau hơn trong 1 vấn đề xã hội cụ thể.

Kinh doanh theo mạng là gì? 

Trước tiên phải khẳng định kinh doanh theo mạng (Network Marketing) không phải là kinh doanh trên mạng (online business), mạng ở đây phải hiểu là mạng lưới phân phối sản phẩm. 

Đây là phương thức bán hàng trực tiếp (bán hàng truyền miệng, nhà phân phối sản phẩm do chính nhà cung cấp sản phẩm hỗ trợ hình thành), những người tham gia, được nhà cung cấp sản phẩm mời gọi cùng với họ xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm. Khi đó, người tham gia phân phối sản phẩm sẽ trở thành những “chủ nhân” của mạng lưới phân phối mà họ tham gia xây dựng, họ được phân chia lợi nhuận theo cấp (level), cho nên hình thức kinh doanh này được gọi tên chính thức là MLM (Multi – Level – Marketing): Bán hàng đa cấp. 

Khách quan khi nhận xét, do thời gian đầu xâm nhập vào Việt Nam, loại hình kinh doanh này bị lạm dụng và đã gây ác cảm cho nhiều người khi nghe cụm từ “Bán hàng đa cấp”. Hiện nay, tại Việt Nam các công ty kinh doanh theo loại hình này, sử dụng cụm từ “bán hàng theo mạng” hay gọi tắt là MLM. 

Người tham gia, được đào tạo thành những chiến binh MLM
Sức hút của mô hình kinh doanh MLM 

- Làm chủ: Điểm nhấn chính của hình thức kinh doanh này thu hút nhiều người tham gia vì họ sẽ có cơ hội trở thành Chủ doanh nghiệp của mạng lưới phân phối do họ xây dựng, sau một thời gian đầu tư công sức, nhưng không cần vốn bằng tiền. 
- Chủ động về thời gian làm việc: Họ được mời gọi như một việc làm thêm vào những lúc rảnh rỗi. 
- Thu nhập thụ động: Mạng lưới phân phối của họ hoạt động là họ có thu nhập. 
- Đào tạo: Do thu nhập phát sinh từ mạng lưới phân phối, nên người tham gia luôn luôn được thủ lĩnh (level cao hơn) chia sẻ, đào tạo để cùng nhau phát triển. Đến phiên họ cũng phải chia sẻ và đào tạo cho các thành viên trong mạng lưới phân phối của họ. Đây chính là điểm gắn kết và thu hút của MLM, vì mọi người quan tâm đến nhau, giúp đỡ nhau và họ tin rằng: MLM phát triển và khai sáng tiềm năng con người. 
- Chất lượng sản phẩm: Đây là điểm tựa của người tham gia mô hình MLM, họ khẳng định nhiệm vụ chính của họ không chỉ là bán hàng, mà họ giới thiệu sản phẩm tuyệt hảo đến mọi người do chính họ trải nghiệm, dĩ nhiên đã là tuyệt hảo thì phải giới thiệu đến những người thân quen trước. 

Dư luận xấu về MLM 

Ở đây tôi chỉ liệt kê những dư luận xấu đề cập đến chính những nhà cung cấp sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường, không đề cập đến nhà cung cấp sản phẩm làm trái pháp luật, lừa đảo. 

- Giới thiệu sản phẩm bằng truyền miệng nên rất khó kiểm soát, thường có khuynh hướng thần thánh hóa sản phẩm. 
- Người tham gia MLM có thực sự làm chủ mạng lưới phân phối do mình xây dựng, khi họ phụ thuộc vào chính sách của nhà cung cấp sản phẩm. 
- Người tham gia phải sử dụng sản phẩm để trải nghiệm sản phẩm (không trải nghiệm thì làm sao bán hàng truyền miệng), như vậy vô hình chung bắt người tham gia việc đầu tiên là họ phải mua sản phẩm. 
- Việc đào tạo cho người tham gia có khuynh hướng bị đẩy lên trở thành bán cho họ “giấc mơ”: làm giàu - quyền lực ảo (tôn vinh một cách khoa trương) – khả năng con người là vô hạn… 

Kết luận 

Phương thức bán hàng theo mạng MLM cũng là một trong những phương thức trong hoạt động kinh tế, phương thức này được thế giới và pháp luật chấp thuận, tức là nó có đủ điều kiện để hoạt động. Nhưng do đặc thù của nó, dễ bị lợi dụng và lừa đảo, điều đó do người sử dụng xấu, chứ không phải phương thức MLM xấu. 

Điều đáng quan tâm nhất ở phương thức MLM này, nó đang được nhiều người thần thánh hóa, qua nó họ có thể làm giàu, thể hiện bản thân mình và giúp đỡ mọi người. Nhưng thực tế, qua một hệ thống tinh vi, MLM đang xác định ý nghĩa của cuộc sống con người chính là: Giàu vật chất – Ca ngợi quyền lực (qua việc chủ động tôn vinh các thủ lĩnh theo họ là thành công một cách khoa trương) – Có thực là giúp đỡ mọi người hay MLM tạo cho người tham gia một ‘giấc mơ’ khi đào tạo họ. 

Như vậy để tham gia MLM, chúng ta cần lưu ý và cân nhắc những điều sau: 

1. Mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho một khả năng riêng, và điều hạnh phúc nhất là mọi người được làm việc đúng với khả năng của mình. Như trong bài giảng “Ba chiều của một đời sống trọn vẹn” của Mục sư Martin Luther King: 

“Điều tôi muốn nói với các bạn sáng ngày hôm nay là, nếu như Chúa bắt ta phải làm người quét đường, hãy quét đường hăng say như thể Michaelangelo đang vẽ tranh, hãy quét đường hăng say như thể Hayden và Beethoven đang soạn nhạc, hãy quét đường hăng say như Shakespear đang làm thơ. Hãy quét đường thật tốt, thật sạch đến nỗi tất cả thiên thần trên trời và con người dưới đất phải dừng lại và thốt lên: ‘Nơi đây có một người quét đường cao quý đã làm công việc của mình quá tuyệt’”

Như vậy con người không thể làm được mọi việc như chiều hướng MLM đang đào tạo người tham gia, ngay cả Robert T.Kiyosaki đã viết: “Trước khi kết thúc, tôi không tin rằng việc kinh doanh tiếp thị mạng lưới là phù hợp với tất cả mọi người” (cuối trang 11, sách Dạy con làm giàu - tập XI, tác giả Robert T.Kiyosaki & Sharon L.Lechter, Nhà xuất bản trẻ). 

2. “Làm giàu” có phải là cùng đích của hoạt động kinh tế? Mà nguy hiểm hơn, MLM có khuynh hướng đẩy “làm giàu” lên thành cùng đích cho ý nghĩa cuộc sống của mọi người tham gia. Trong Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo đưa ra hướng dẫn sau: 

“Vì con người là cội nguồn, là trung tâm và là mục tiêu của toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội…Thật vậy, dù xét trên bình diện khoa học hay thực tiễn, kinh tế không bao giờ được trao cho mục đích hoàn thành con người…” (số 331, HTXHCG) 

3. Nhiệm vụ kinh tế thực hiện 3 khâu: sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Nhưng khâu tiêu thụ trách nhiệm rất nặng nề trong việc định hướng thị trường. Người tham gia MLM không chỉ lo khâu phân phối, mà họ còn có trách nhiệm với mọi người và xã hội trong việc định hướng tiêu dùng. Do đó, họ phải có trách nhiệm không những hiểu về sản phẩm mà họ đang truyền miệng, mà họ còn phải cẩn trọng không áp đặt người tiêu dùng sử dụng sản phẩm không phù hợp với họ (giá, chất lượng, số lượng sử dụng, nhu cầu thực, khả năng tài chánh). 

4. Cuối cùng, theo tôi: Mọi người đều có thể tham gia MLM nhưng nó không phải là cái “quan trọng” mà nó chỉ là cái “có thể cần thiết”, không có MLM thì mạng lưới phân phối sản phẩm vẫn tồn tại và biết đâu trong tương lai loài người lại phát minh ra phương thức phân phối khác tốt hơn. Lịch sử loài người đã chứng minh, tất cả các phương thức hoạt động kinh tế do con người tạo ra chỉ có giá trị tương đối, chỉ có Đấng Tuyệt Đối mới làm ra giá trị tuyệt đối. 

Giuse Minh Thịnh 









Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks