ngày tháng năm

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Tóm lược Chương X: Bảo vệ môi trường

Nhân loại ngày nay càng ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của môi trường. Về vấn đề này, quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo dành hẳn một chương (số 451-487) để bàn luận. Dưới đây là phầm tóm lược Chương 10 – Bảo vệ Môi trường trong tác phẩm nói trên. 

I. CÁI NHÌN KITÔ GIÁO VỀ MÔI TRƯỜNG 

Quyển Tóm lược HTXHCG dành hẳn chương 10 để bàn về môi trường 

Điều này nói lên Giáo hội đánh giá cao vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề môi trường. 

Kitô giáo nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên 

Ta nên nhìn về tương lai một cách hy vọng, dựa vào lời hứa và giao ước mà Chúa liên tục lặp lại. Trong Cựu ước ta thấy người Israel sống niềm tin trong một môi trường được xem là quà tặng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, thiên nhiên, công trình sáng tạo của Thiên Chúa, không phải là một kẻ thù nguy hiểm. Ngài đặt con người vào chóp đỉnh công trình sáng tạo và giao cho con người chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo, chăm sóc, quản lý thụ tạo. 

Trong Tân ước, Đức Giêsu đến khai mở một thế giới mới, trong đó mọi sự đều phục tùng Người. Người tái tạo, đem lại sự hài hòa cho những quan hệ, trật tự đã bị tội phá vỡ. 

II. CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ 

Con người làm chủ trái đất và vũ trụ 

Kinh Thánh soi sáng cho người Kitô hữu biết phải sử dụng trái đất như thế nào. Công đồng Vatican II khẳng định con người “có lý khi nhận định rằng nhờ trí khôn của mình, con người vượt lên trên vũ trụ vật chất, vì được chia sẻ ánh sáng của trí khôn Thiên Chúa”. 

Ngày nay, “nhất là với sự giúp đỡ của khoa học và công nghệ, con người đã mở rộng quyền làm chủ của mình gần như trên toàn thể thiên nhiên và còn tiếp tục đi xa hơn nữa”. 

Con người, “được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, đã nhận được mệnh lệnh chinh phục trái đất và mọi sự chứa đựng trong đó, đồng thời cai trị thế giới trong công lý và thánh thiện; nhờ thi hành mệnh lệnh ấy, con người và toàn thể sự vật được liên kết với Đấng mà mọi người nhìn nhận là Chúa Tể và Tạo Hoá muôn loài. Như thế, khi đặt mọi sự vào tay con người là danh Chúa được tôn vinh trên khắp trái đất. [Công đồng dạy rằng] qua bao thế kỷ, con người đã lao động để cải thiện hoàn cảnh sống của mình nhờ những nỗ lực rất lớn của cá nhân lẫn tập thể. Đối với những tín hữu, điểm sau đây đã rõ ràng: tự bản thân nó, hoạt động cải thiện này của con người phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa”. 

Tài nguyên trái đất thuộc về mọi người 

Con người đã lên đến mặt trăng. Con người đã xây dựng biết bao công trình tráng lệ. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng tài nguyên của trái đất là của tất cả mọi người. Thái độ của ta đối với các tài nguyên này, đó là “uống nước nhớ nguồn”, ta phải xử sự như mình đã được Đấng tạo hóa trao cho kỳ công sáng tạo của Người cho ta quản lý. Không được có thái độ ích kỷ, vơ vét tài nguyên về cho mình, mà không nghĩ đến những người khác và các thế hệ mai sau.. 

Khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phải nhắm đến lợi ích của mọi người. 

Khoa học và công nghệ phải phục vụ mục đích của Thiên Chúa 

Những thành quả của khoa học và công nghệ tự chúng là tích cực. Công nghệ có thể là một công cụ vô giá dùng để giải quyết các vấn đề nghèo đói và bệnh tật. 

Một điểm tham chiếu quan trọng cho mọi ứng dụng khoa học và công nghệ là phải tôn trọng con người và tôn trọng các sinh vật khác. 

Vì thế, con người không bao giờ được quên rằng “khả năng biến đổi, và theo một nghĩa nào đó, khả năng sáng tạo thế giới thông qua lao động của mình… luôn luôn dựa trên một quà tặng đã có trước và có ngay từ đầu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là những gì đang hiện hữu”. Con người không được “sử dụng trái đất một cách tuỳ tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách vô hạn, như thể nó không có những yêu cầu riêng và không có một mục tiêu mà Thiên Chúa đã ban cho từ trước, một mục tiêu mà con người quả thật có thể triển khai nhưng không được phép phản bội”. Khi hành động như thế, “con người thay vì thi hành vai trò của người cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo, sẽ tự đặt mình thay thế Chúa và rốt cuộc làm cho thiên nhiên phải phản lại, vì con người đã hành hạ hơn là cai quản thiên nhiên”. 

Nếu con người can thiệp vào thiên nhiên mà không lạm dụng hay phá hoại thiên nhiên, thì có thể nói “con người đã can thiệp không phải để làm thay đổi cho bằng tạo điều kiện cho thiên nhiên phát triển theo sự sống riêng của mình, sự phát triển của thụ tạo mà Thiên Chúa đã nhắm tới. Khi làm việc trong lĩnh vực hết sức tế nhị này, nhà nghiên cứu phải bám sát kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài muốn con người phải là chúa tể các thụ tạo”. Chung cụôc, chính Thiên Chúa cho con người được vinh dự cộng tác vào công trình tạo dựng bằng tất cả năng lực của trí khôn mình”. 

III. KHỦNG HOẢNG TRONG QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG 

“Cuộc khủng hoảng” trong quan hệ giữa con người và môi trường 

Ít có xã hội nào ngày nay không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề lớn về môi trường. Có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cả thế giới. Dân số thế giới gia tăng trong khi năng lượng ta sử dụng không phải là vô hạn. Việc gia tăng sản xuất của cải vật chất có thể dẫn đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ, không suy nghĩ sâu xa về những hậu quả trong tương lai. Ngoài ra còn có các vấn đề như ô nhiễm không khí, khói bụi, trái đất ấm dần lên, chất thải có hại, nạn phá rừng. 

Giáo Hội chỉ ra rằng những vấn đề này sở dĩ đã xảy ra là do con người không tôn trọng quy luật Thiên Chúa đã tạo dựng nên trái đất nên duy chỉ có Người mới có quyền thống trị tối hậu đối với trái đất. Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề đó có thể là tham vọng của con người muốn thống trị trên sự vật một cách vô điều kiện, không chú ý tới bất kỳ đòi hỏi nào về mặt luân lý; trái lại, chính những đòi hỏi này mới là yếu tố giúp phân biệt các hoạt động của con người. 

Khuynh hướng khai thác “vô tội vạ” các tài nguyên thiên nhiên chính là hậu quả của một quá trình lịch sử và văn hoá lâu dài. “Kỷ nguyên hiện đại đã chứng kiến khả năng ngày càng cao của con người trong việc can thiệp mang tính biến đổi. Khía cạnh chinh phục và khai thác này đã trở nên nổi trội và ngày càng lấn chiếm, thậm chí hiện nay đã đến mức đe doạ khía cạnh thân thiện của môi trường: vai trò làm ‘tài nguyên’ của môi trường đang đe doạ vai trò làm ‘nơi ăn chốn ở’ của môi trường. Chính vì các phương tiện làm biến đổi môi trường do nền văn minh công nghiệp đem lại ngày càng mạnh, nên đôi khi thế cân bằng giữa con người và môi trường dường như đã lên tới mức nguy kịch”. 

Thiên nhiên xuất hiện như một công cụ trong tay con người, và như một thực tại con người phải liên tục vận dụng, nhất là qua các phương tiện kỹ thuật. Đó là quan niệm giản lược tối đa đang được phổ biến nhanh chóng ngày nay. Quan niệm ấy bắt đầu từ giả thiết – mà ai cũng thấy là sai lầm – rằng có sẵn một lượng năng lượng và tài nguyên vô hạn, có thể khôi phục nhanh chóng và có thể dễ dàng khắc phục các tác động tiêu cực của việc khai thác trật tự thiên nhiên. Quan niệm giản lược này nhìn thế giới tự nhiên một cách máy móc và nhìn sự phát triển theo lăng kính của chủ nghĩa tiêu thụ. Người ta dành ưu tiên cho hành động và sở hữu hơn là cho hiện hữu; và đây chính là nguyên nhân gây ra sự tha hoá con người dưới những hình thức nghiêm trọng. 

Cần có cái nhìn đúng đắn về môi trường 

Việc hiểu đúng đắn về môi trường sẽ ngăn chặn sự giản lược mang tính thực dụng rằng thiên nhiên chỉ là một đồ vật không hơn không kém mà con người được quyền sử dụng và tùy tiện khai thác. Đồng thời, ta cũng không được tuyệt đối hoá thiên nhiên, nghĩa là đặt thiên nhiên lên trên cả phẩm giá con người. 

Cách nhìn về con người và sự vật mà không tham chiếu chút nào tới sự siêu việt sẽ dẫn tới chỗ chối bỏ luôn khái niệm sáng tạo và dẫn tới việc gán cho con người và thiên nhiên một sự hiện hữu hoàn toàn độc lập. 

Chính mối quan hệ của con người với Thiên Chúa xác định mối quan hệ của con người với đồng loại và môi trường. 

Cần phải thực hiện việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người. “Nếu nhân loại hôm nay thành công trong việc kết hợp các khả năng khoa học mới mẻ với chiều hướng đạo đức lành mạnh, thì chắc chắn người ta sẽ có thể phát triển môi trường thành nơi cư ngụ và thành tài nguyên cho con người và cho hết mọi người, đồng thời sẽ có thể loại bỏ các nguyên nhân gây ô nhiễm, bảo đảm các điều kiện thích đáng để giữ gìn vệ sinh và sức khoẻ cho các nhóm nhỏ cũng như cho các vùng rộng lớn có con người định cư”. 

IV. MỘT TRÁCH NHIỆM CHUNG 

a. Môi trường, một tài sản tập thể 

Chăm sóc môi trường là một thách thức đối với toàn thể nhân loại hôm nay. Đó là một vấn đềthuộc nghĩa vụ chung và phổ quát, nghĩa vụ tôn trọng một tài sản chung, được dành cho hết mọi người, bằng cách ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác – như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên – hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình” 

Viễn tượng này mang tầm quan trọng đặc biệt kể từ khi người ta xét đến giá trị của sự đa dạng sinh học trong môi trường trên cơ sở những mối quan hệ gần gũi đã ràng buộc các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái. Rừng chính là yếu tố giúp duy trì sự cân bằng tự nhiên rất cần cho cuộc sống. Phá hoại rừng qua những vụ làm cháy rừng do ác ý và thiếu suy xét càng làm tăng nhanh tiến trình sa mạc hoá, sẽ để lại những hậu quả rất nguy hiểm cho việc dự trữ nước và làm phương hại đến đời sống của nhiều dân bản địa, cũng như hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Mọi người cũng mới tổ chức có bổn phận bảo vệ di sản rừng, và nếu cần, phải xúc tiến các chương trình tái tạo, trồng rừng. 

“Trách nhiệm đối với môi trường – di sản chung của nhân loại – không chỉ liên quan tới các nhu cầu hiện tại mà còn mở rộng tới các nhu cầu tương lai. Ta đã thừa kế từ các thế hệ trước, và đã hưởng được lợi ích từ lao động của những người đương thời: vì thế, ta phải có bổn phận đối với hết mọi người, và không thể không quan tâm đến những người sẽ sống sau chúng ta, không thể từ chối mở rộng gia đình nhân loại”. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với các thế hệ tương lai 

Trách nhiệm đối với môi trường còn phải được thể hiện trên bình diện pháp lý. Cộng đồng quốc tế cần đặt ra những luật lệ thống nhất, cho phép các quốc gia kiểm soát hữu hiệu hơn các hoạt động có thể gây hậu quả tiêu cực trên môi trường và cho phép các quốc gia bảo vệ hệ sinh thái bằng cách ngăn chặn những tai họa có thể xảy ra. 

Nội dung pháp lý của “quyền được có một môi trường tự nhiên an toàn và lành mạnh” đang từng bước hình thành. Song song với những chế tài pháp lý, cần phải tăng cường ý thức trách nhiệm cũng như phải thay đổi cách suy nghĩ và lối sống. 

Các chính quyền, khi cần đưa ra những quyết định có liên quan tới sức khoẻ công chúng và những rủi ro của môi trường, đôi khi phải đối đầu với một tình huống là chỉ nhận được những dữ kiện khoa học mâu thuẫn nhau hoặc quá ít ỏi về mặt số lượng. Điều thích hợp là nên đưa ra những sự đánh giá dựa trên “nguyên tắc thận trọng”, tức là không áp dụng các luật lệ mà chỉ đưa ra những đường hướng nhằm giải quyết tình huống không chắc chắn ấy. Nói thế có nghĩa là ta cần đưa ra những quyết định tạm thời, có thể sửa đổi dựa trên những sự kiện mới mẻ mà cuối cùng ta mới biết được. Trong những hoàn cảnh thiếu chắc chắn mà cần phải đưa ra những giải pháp tạm thời, điều quan trọng là tiến trình ra quyết định cần phải hết sức minh bạch. 

Một nền kinh tế biết tôn trọng môi trường sẽ không lấy việc gia tăng tối đa lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất của mình, vì không thể bảo vệ môi trường nếu chỉ dựa trên những tính toán tài chính giữa phí tổn bỏ ra và lợi nhuận thu vào. 

b. Sử dụng công nghệ sinh học 

Các công nghệ sinh học hiện đại đều có ảnh hưởng mạnh mẽ trên bình diện xã hội, kinh tế và chính trị, ở cấp quốc gia và cấp quốc tế. Cần phải đánh giá những công nghệ đó theo những tiêu chuẩn đạo đức. Những tiêu chuẩn này phải luôn hướng dẫn các hoạt động và các mối quan hệ của con người trong lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị. 

Trong tinh thần liên đới quốc tế, cần phải sử dụng các biện pháp khác nhau đối với việc ứng dụng các công nghệ sinh học mới. Trước hết, phải tạo điều kiện để có sự trao đổi thương mại một cách công bằng, không áp đặt những điều khoản bất công. Liên đới cũng có nghĩa là kêu gọi các nước đang phát triển phải gánh lấy trách nhiệm, đặc biệt các nhà lãnh đạo chính trị của các nước ấy, để tiến hành các chính sách thương mại có lợi cho người dân của họ và xúc tiến việc trao đổi công nghệ có thể giúp cải thiện các điều kiện cung cấp lương thực và sức khoẻ. 

Các nhà khoa học và kỹ thuật tham gia vào lĩnh vực công nghệ sinh học được mời gọi hãy làm việc một cách thông minh và kiên trì để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho các vấn đề nghiêm trọng và khẩn cấp như vấn đề cung cấp lương thực và chăm sóc sức khoẻ. Họ không được quên rằng hoạt động của họ có liên quan đến các tài nguyên – sống động cũng như vô tri vô giác – thuộc về di sản của nhân loại và cũng được dành cho các thế hệ tương lai. Đối với người tín hữu, đây còn là một vấn đề liên quan đến quà tặng đã được Tạo Hoá ban cho và phó thác cho trí khôn và tự do của con người, và chính trí khôn và tự do này cũng là những món quà từ trời cao ban tặng. 

c. Môi trường và việc chia sẻ của cải 

Về vấn đề sinh thái, giáo huấn xã hội Công giáo nhắc lại rằng của cải trên trái đất do Thiên Chúa tạo dựng để mọi người sử dụng và phải được chia sẻ một cách công bằng, phù hợp với công lý và bác ái. 

Khủng hoảng môi trường và nghèo đói là những vấn đề có liên quan đến cả một tổng thể các nguyên nhân phức tạp và bi đát, mà chúng ta có thể giải quyết được dựa trên nguyên tắc của cải dành cho tất cả mọi người. 

Giữa sự phát triển của các nước nghèo nhất, sự thay đổi dân số và việc sử dụng bền vững môi trường có một mối quan hệ chặt chẽ, nhưng không được lấy đó làm chiêu bài để đưa ra những lựa chọn chính trị và kinh tế làm hại tới phẩm giá con người. 

Nguyên tắc của cải là chung cho mọi người hưởng dụng cũng được áp dụng một cách đương nhiên trong vấn đề nước. Quyền có nước, cũng như các quyền khác của con người, được đặt trên nền tảng là phẩm giá con người, chứ không phải dựa trên bất cứ việc đánh giá đơn thuần theo định lượng nào vốn coi nước chỉ như một hàng hoá kinh tế không hơn không kém. Không có nước, sự sống bị đe doạ. Thế nên, quyền có nước uống an toàn là quyền của mọi người trên thế giới và là quyền không thể chuyển nhượng. 

d. Cung cách, lối sống mới 

Những vấn đề sinh thái nghiêm trọng đòi mọi người phải thực sự thay đổi cách suy nghĩ để đón nhận những cung cách, lối sống mới; “theo những lối sống này, việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ và hiệp thông với người khác vì công ích sẽ là những nhân tố quyết định cho những việc lựa chọn để tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư”. 

Những lối sống này sẽ được xây dựng dựa trên những đức tính thanh đạm, điều độ và tự chủ ở cấp độ cá nhân lẫn cấp độ xã hội. Cần phải dẹp bỏ cái logic chỉ biết có tiêu thụ, đồng thời phải xúc tiến các hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp biết tôn trọng trật tự sáng tạo và thoả mãn các nhu cầu căn bản của mọi người. 

KẾT LUẬN 

Thái độ biết ơn 

Cần có thái độ biết ơn và đánh giá đúng về thiên nhiên. Thế giới mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa sáng tạo và duy trì thế giới. Thế giới xuất hiện như một bằng chứng về Thiên Chúa, là nơi bày tỏ quyền năng sáng tạo của Ngài. Việc tái khám phá ra ý nghĩa này của thiên nhiên không những khiến ta khám phá ra Thiên Chúa mà còn giúp ta biết hành động một cách có trách nhiệm trong vấn đề môi trường. 

Đan Quang Tâm 
tóm lược Chương X Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks