ngày tháng năm

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

VẬN DỤNG GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO ĐỂ CỔ VŨ VÀ BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI VÀ QUYỀN CỦA TRÁI ĐẤT

Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

I.       Mở Đề
Ngày 10 tháng 12, năm 1948, cách đây 68 năm, bản Tuyên Ngôn Phổ Cập Nhân Quyền được Liên Hiệp Quốc công bố cho toàn thế giới như tiêu chí hành xử giữa con người với nhau trong một xã hội văn minh, có luật pháp và có tình người.
Nhưng từ văn bản cho đến hành động, con người đã phải trải qua một hành trình dài và gian nan, trắc trở mà tận điểm vẫn còn ở mãi cuối chân trời phía trước so với khởi điểm.  Quả đúng như khẳng định của Sách Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo:
Lời công bố trang trọng về nhân quyền trở nên mâu thuẫn trước thực tế đau thương của những vi phạm, những cuộc chiến và đủ mọi loại bạo hành, trong đó tồi tệ hơn hết là hành động diệt chủng và trục xuất người hàng loạt, mức độ lan tràn toàn cầu của tình trạng nô lệ kiểu mới, như nạn buôn người, tuyển mộ chiến binh trẻ em, bóc lột thợ thuyền, buôn bán ma túy, mãi dâm.  “Ngay cả tại các nước theo hình thức chính quyền dân chủ, không phải lúc nào các quyền con người cũng được tôn trọng đầy đủ.”[1]   
   
Thiết nghĩ, để công cuộc tranh đấu lâu dài và gian khổ cho quyền của con người và quyền của trái đất có được một nền tảng vững chắc và đạt được thành công, mọi nỗ lực của cá nhân cũng như của đoàn thể cần phải chọn một triết thuyết làm đường hướng, như một cuốn chỉ nam, một chiếc la bàn hoặc một tấm bản đồ.     
Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo chính là cuốn cẩm nang bất khả chuẩn miễn hướng dẫn cho Ki-tô hữu và mọi người thiện chí dấn thân vào công cuộc cổ vũ và bảo vệ nhân quyền và quyền của địa cầu.

II.     Thân Đề
Nhìn lại vận hành của lịch sử cổ động và bảo vệ nhân quyền và quyền của địa cầu trong khoảng 4 thế kỷ trở lại đây, có thể ghi nhận 3 cuộc cách mạng lừng lẫy:  Cách Mạng Dân Chủ ở nước Pháp năm 1789, cách Mạng Vô Sản tại nước Nga năm 1917, và Cách Mạng Môi Trường do Hội Thánh Công Giáo phát động năm 2015.

A.    Xem
a)    Nhân Loại Qua 3 Cuộc Cách Mạng Vời 3 Khẩu Hiệu Rúng Động Xã Hội
Tất cả các phong trào văn học, nghệ thuật, tôn giáo, kể cả những cuộc cải cách xã hội, chính trị, kinh tế, đặc biệt là những phong trào và công cuộc cải cách có tính quyết định thay đổi tận gốc rễ và tạo ra ảnh hưởng lâu dài, thường được gọi là cách mạng ấy, luôn luôn được gợi hứng, dẫn dắt và chống đỡ mạnh mẽ nhờ một chủ thuyết, tàng phục dưới một khẩu hiệu thật ấn tượng, giới thiệu cho quần chúng một cách gọn gàng mà không kém phần súc tích, lý tưởng và chủ đích của công cuộc cải cách đó.                                                                                                       
1)    Cách Mạng Dân Chủ Pháp 1789
Những người chủ xướng cuộc Cách Mạng Dân Chủ và Nhân Quyền ở nước Pháp vào năm 1789 đã chọn khẩu hiệu “Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ”.
Giống như hầu hết các quốc gia Châu Âu cùng thời, nước Pháp có một lịch sử lâu dài của các chế độ quân chủ: quyền điều hành đất nước, quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quyền quyết định vận mạng người dân, đều do một vị vua hay một dòng họ quý tộc nắm giữ.
Không dễ gì quyền lực tuyệt đối và quyền lợi vô tận lại chỉ dành cho một người hay một gia đình tận hưởng mà không có nỗi thèm khát, ganh tỵ và âm mưu chiếm đoạt của ai đó.  Càng không dễ gì để một cá nhân hay một gia tộc từ bỏ địa vị và bổng lộc đang tự tung tự tác tận hưởng cho bất kỳ một đối thủ nào đó.
Ý thức về quyền và nghĩa vụ tăng dần theo mức độ hiểu biết về phẩm giá con người, về một thể chế ưu việt có khả năng mang lại phúc lợi cho xã hội, cho tất cả và từng người dân trong đất nước.
Hai yếu tố trên—tranh chấp quyền và lợi cùng với ý thức về nhân quyền—sẽ châm ngòi cho thùng thuốc súng mỗi lúc thêm sôi sục từ những bất công xã hội, những hình thức áp bức, bóc lột do lạm quyền, tham nhũng của các chế độ hôn quân vô đạo không thôi đổ xuống trên đầu người dân.
Người ta đã chịu đựng quá mức cần thiết tất cả mọi hệ quả tiêu cực và ác tà của chế độ quân chủ chuyên chế. Phải thay đổi để người dân được quyền tự quyết về vận mạng của mình và của đất nước.  Phải cải cách để mọi người dân sống gần gũi, thấn ái với nhau, chia sẻ đồng đều mọi phúc lợi vật chất và tinh thần do nỗ lực chung cùng nhau lao động trí óc hoặc chân tay.   
Khẩu hiệu “Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ” đáp ứng ước mơ bao thế hệ của tầng lớp thảo dân, đông đảo hơn nhưng lại được hưởng phức lợi ít hơn.  Điều này giả thích vì sao đám dân nghèo đã lăn xả hưởng ứng và sống chết cho cuộc cách mạng.
Âm hưởng cuộc Cách Mạng Pháp vượt khỏi biên cương xứ sở gốc, cái nôi của nó, đến tận các thuộc địa xa xôi của mẫu quốc, truyền cảm hứng cho nhiều cuộc cách mạng khác nữa.

2)    Cách Mạng Vô Sản Nga 1917
Hơn 100 năm—chính xác là 128 năm—sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ và Nhân Quyền Pháp, một cuộc cách mạng khác nổ ra trên nước Nga: cuộc Cách Mạng Vô Sản 1917.
Biến cố nầy khẳng định 2 điều thật nản lòng đối với những ai từng đặt qua nhiều kỳ vọng vào cuộc Cách Mạng 1789.
Một là những gì người ta mong đợi từ cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã không xảy đến, khiến cho khẩu hiệu “Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ” trong thực tế vẫn còn là một khẩu hiệu.  Cuộc Cách Mạng Pháp quả có xóa bỏ được chế độ quân chủ, nhưng lại sớm đặt vào chiếc ghế quyền lực của vua chúa cũ một giai cấp thống trị mới gồm những thành phần ưu tuyển thuộc giới thượng lưu, chính trị gia, trí thức và doanh gia.  Nông dân với số phần truyền thống bám trụ ruộng rẫy, và rồi tiếp đến là công nhân cùng xuất hiện với kỹ nghệ và cơ khí, vẫn chịu bao nỗi lầm than, áp bức, bóc lột như xưa.        
Hai là các giá trị dân chủ, nhân quyền, mặc cho bao tổn thất vật chất và tinh thần, bao hy sinh xương máu của những người tham gia tranh đấu, xây dựng và bảo vệ, vẫn không đơn giản là kết quả thần tốc—gần như là phép mầu—từ những cuộc cách mạng bạo lực, phá đổ cái cũ đi để xây dựng cái mới lên. 
   
Phải chăng cuộc Cách Mạng Pháp không thành công trọn vẹn do đã không được thực hiện một cách triệt căn theo hướng “xóa bàn làm lại”?

Cuộc Cách Mạng Vô Sản 1917 ở Nga chính là câu trả lời khẳng định.
Có lẽ, cũng vì học hỏi từ kinh nghiệm của cuộc Cách Mạng Pháp, một cuộc cách mạng thực chất là cuộc tranh giành quyền thống trị giữa giới tư sản và các dòng tộc vua chúa, trong đó, người dân bị lợi dụng—để khỏi phải nói là bị lừa dối—đóng góp xương máu cho mưu đồ của các con buôn chính trị, những người chủ trương Cách Mạng Vô Sản quyết liệt đưa giai cấp nông dân và công nhân lên tuyến đầu trong cuộc đấu một mất một còn.  Hơn nữa, bạo lực lần đầu tiên được gắn liền như thuộc tính thiết yếu của mọi hình thức đấu tranh để nhanh chóng đạt đến kết quả.[2] 
     
“Hỡi giai cấp vô sản trên toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” Khẩu hiệu của cuộc Cách Mạng Vô Sản trong thực tế lịch sử đã chứng minh được là có một sức thuyết phục hùng hồn ma quái, khiến những thành phần vô sản, những kẻ không còn bất kỳ thứ gì trên đời nầy để mà mất, một khi phẩm giá và quyền con người tối thiểu như cái ăn, cái mặc và một chỗ trú thân đều đã bị cướp đoạt, cùng siết chặt tay nhau xông lên lật đổ tất cả, đập phá tất cả, trút lửa căm giận lên bất cứ ai và bất cứ thứ gì bị tố cáo là thù địch của giai cấp, của cách mạng, của nhân dân.

Thế thượng phong của cuộc Cách Mạng Vô Sản, nhờ biết khơi dậy lòng tự ái bị thương tổn, khai thác tính tham lam, ích kỷ và ganh ghét từng chịu đè nén lâu ngày, cũng như tháo gỡ mọi thứ luân thường đạo lý xưa nay vẫn khống chế con thú bản năng hung ác luôn tàng phục trong con người.  Hậu quả là chỉ trong thời gian không đầy nửa thế kỷ, màu đỏ máu—nghĩa đen lẫn nghĩa bóng—của Cách Mạng Vô Sản đã nhuộm kín một nửa nhân loại.  

Tuy nhiên, thực tế lịch sử lại chứng minh là con người lại một lần nữa phạm một sai lầm nặng nề và khủng khiếp khi cho phép thế lực ác tà—với lá bùa mê “giải phóng” và chén thuốc lú “thiên đường cộng sản”—sử dụng mình đế xây nhà tù cho chính mình và đào hố tự chôn mình trong số kiếp trường kỳ nô lệ như bầy súc vật.[3] 

3)    Cách Mạng Môi Trường 2015
Hệ lụy càng lúc càng nguy hại và hủy diệt của cả chủ nghĩa cộng sản duy vật vô thần lẫn tư bản hoang dã chẳng những tàn phá đến mức gần như vô phương cứu vãn các giá trị truyền thống văn hóa và tôn giáo của con người mà còn đẩy môi trường sinh sống thiên nhiên đến bờ vực vĩnh viễn khai tử.
Thật vậy, trong khi giáo lý của chủ nghĩa cộng sản vô thần dạy rằng: vật chất là cứu cánh tối hậu của mọi nỗ lực của kiếp con người—hứa hẹn một thiên đường hạ giới thỏa mãn mọi khát vọng triệt để bản năng—thì lý tưởng sống và phấn đấu lao động của con người, theo thánh kinh của chủ nghĩa tư bản rừng rú, là con người phải trở thành chủ thể tuyệt đối, tự mình định hình mọi chuẩn mực—kể cả trong lãnh vực luân lý—cho chính đời mình. 
Tổn hại do hai ý thức hệ cộng sản vô thần và tư bản hoang dã cộng lại đã đủ sức giật lên hồi chuông báo tử cho loài người.[4]
Hội Thánh Công Giáo, qua vai trò thủ lãnh của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, lên tiếng kêu gọi loài người một lần nữa cùng đứng lên làm một cuộc cách mạng để tự cứu lấy mình, khởi đầu từ hành động khẩn cấp cứu lấy trái đất, ngôi nhà chung của muôn sinh vật.  Tông Huấn “Laudato Si’”[5] ban hành ngày 14 tháng 5, năm 2015 có thể được như bản tuyên ngôn cuộc Cách Mạng Môi Trường đầu thế kỷ XXI.
Điểm nổi bật, tương phản sắc nét của Thông Điệp “Laudato Si’” so với tuyên ngôn của hai cuộc cách mạng tư sản và vô sản trước đây đó là thay vì đập phá thì xây dựng, thay vì hủy diệt thì cứu sống, và thay vì tàn sát tha nhân như kẻ thù không đội chung trời thì thẳng tay tự xử chính mình trong một cuộc hoán cải toàn diện con người, như khởi điểm của cuộc phục hồi và canh tân một môi trường thiên nhiên, nhân văn và tâm linh hoàn thiện.
Giáo huấn của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô về tính thiết yếu phải hoán cải con người để cứu sống mọi trường thiên nhiên cũng như các môi trường nhân linh và tôn giáo được xây dựng vững chắc trên truyền thống Thánh Kinh và Huấn Quyền về mối tương tác sâu xa và sinh tử giữa con người và cõi tạo thành.
Do Thánh Ý Thiên Chúa, con người được trao quyền nhân danh Đấng Tạo Hóa canh tác và chăm sóc,[6] thậm chí định danh,[7]toàn cõi tạo thành.  Nhưng vì hành vi tạo phản của con người, tương quan tình nghĩa với Thiên Chúa vị đổ vỡ,[8] kéo theo mối thù nghịch giữa con người với thiên nhiên,[9] bởi lẽ “thượng bất chính, hạ tắc loạn.”
Từ đó, trong bất kỳ công trình gì của con người thực hiện cũng đều tiềm ẩn nguy cơ vị kỷ, vụ lợi và tà tâm tham vọng.  Tác giả Thánh Vịnh nhìn thấy mối tuơng quan nhân quả giữa tội lỗi của con người và thảm họa môi trường:
Chúa khiến sông ngòi cạn đi thành sa mạc,
Đổi suối nguồn ra hoang địa khô khan,
Đất mầu mỡ hóa đồng chua nước mặn,
Vì dân cư độc ác gian tà.[10]   

Thánh Phao-lô chỉ rõ tình trạng cùng cực đau khổ muôn loài thọ tạo phải mang vạ lây do con người sống dưới ách tội lỗi gây ra, khiến toàn thể tạo thành ngày đêm vật vã kêu xin Thiên Chúa ban ơn giải thoát.[11]
b)    Thành Công Và Thất Bại của Cách Mạng Dân Chủ và Nhân Quyền
Có gì thay đổi trên bản đồ phân cực giàu-nghèo; dân chủ-độc tài, nhân bản-phi nhân, hữu thần-vô thần, từ năm 1789, qua năm 1917 cho đến 2015?
Điểm son của bao nỗ lực, bao cống hiến tim óc và cả máu đào, âm thầm cũng như công khai, là nhân loại đã có được một văn bản pháp quy, “Tuyên Ngôn Phổ Cập Nhân Quyền”, ban hành ngày 10 tháng 12, năm 1948, và một cơ chế quốc tế, “Hội Đồng Nhân Quyền”, thành lập ngày 24 tháng 3, năm 2006, để cố võ và bảo vệ quyền con người do tổ chức Liên Hiệp Quốc xướng xuất và bảo trợ.
Tình hinh thế kỷ 21, theo nguyên tắc pháp lý, quyền con người được tôn trọng; phụ nữ dấn thân manh dạn hơn trong các lãnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa, kể cả chính trị; trẻ em được chăm sóc, bảo vệ, vui chơi và học hành tốt hơn.
Điều đáng buồn là, cũng chính vào thời gian nầy, xung đột võ trang đẫm máu vẫn tiếp tục xảy ra ở Trung Đông, di dân tiếp tục bị từ chối việc làm, bị đối xử kỳ thị vì chủng tộc hoặc tôn giáo; phụ nữ vẫn tiếp tục bị bạc đãi và xâm phạm ở nhiều xã hội Á Châu, trẻ em vẫn là những nạn nhân dễ tổn thương của bạo hành, của tệ nạn phá thai.  
c)    Tình Trạng Mất Phương Hướng trong Công Cuộc Cổ Võ và Bảo Vệ Quyền Con Người và Quyền của Trái Đất
Trước đây 100 năm, nhân quyền là vật quý hiếm và món xa xỉ đối với 50% nhân loại.  Nay 100 năm sau, nhân quyền chỉ còn là phế liệu cân ký bán rẻ.  Người ta không ngại tốn công sức và tiền của, để tìm kiếm, bảo vệ, chăm sóc các thực vật, động vật được đưa vào Sách Đỏ, phục hồi rừng, tẩy sạch sông ngòi, giảm khí thải, trong khi để mặc đồng loại đói rét, thương tật, bị đàn áp bất công, bị diệt chủng, mà vẫn không thấy lương tâm mảy may xao động.  

Tuy nhiên, vấn đề lại là do quá đề cao nhân quyền đến độ biến nhân quyền thành một thể chế, một ý thức hệ, một giá trị tuyệt đối được tôn thờ như Thiên Chúa.  Hậu quả là hiện nay nhân loại đang phải hy sinh quá nhiều giá trị, kể cả—khôi hài và nghịch lý thay—nhân phẩm và tự do của mình để thờ phượng “Con Bê Vàng Nhân Quyền.”[12]    

Trước đây 100 năm, nước và không khí là sản phẩm trời cho, mạnh ai nấy dùng.  Nay 100 năm sau, nước và không khí là vật quý hiếm và món xa xỉ đối với toàn thể nhân loại.  Rất nhiều chủng loài thực và động vật đang dần biến mất khỏi hệ sinh thái thiên nhiên.  Tiến trình thoái hóa càng lúc càng tăng tốc tỷ lệ thuận với tình trạng xả thải không còn có thể kiểm soát.

Những nhà hiếu động dấn thân tích cực cho việc bảo vệ môi trường hiện nay đang lâm vào thế khó xử.  Sau nhiều thập niên tranh đấu ngăn chặn việc xả thải khí đốt gây hại cho tầng ô-dôn, các tổ chức và phong trào hiếu động vẫn chưa bao giờ thúc đẩy các quốc gia—đặc biệt các cường quốc kinh tế—tiến đến một đồng thuận đa số áp đảo.  Bản văn “Đồng Thuận Paris” được nhiều quốc gia siêu cường kỹ nghệ ký kết ngày 12 tháng 12, năm 2015,[13] vẫn chưa thể là giải pháp chung cục cho vấn đề giảm thiểu và chấm dứt khí thải.  Một đàng, không nước nào muốn dễ dàng từ bỏ lợi nhuận quá lớn từ công cuộc đầu tư, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng phương tiện kỹ thuật rẻ tiền, lạc hậu.  Đàng khác, nỗ lực bảo tồn các loài thực vật và động vật quý hiếm đã tiêu tốn tiền bạc và công sức—không thể thống kê vô số hội thảo, lượng thông tin đại chúng, tài liệu in ấn, nghe nhìn, kế hoạch giáo dục, tuyên truyền—vượt xa mức độ quan tâm phải có theo trách nhiệm luân lý đến một phần rất lớn nhân loại đang sống nghèo đói, thất nghiệp, thiếu nhà ở, thiếu cơm ăn và thiếu cả nước sạch…nói tóm lại là dưới chuẩn mực của một nhân vị trong một xã hội tự hào là văn minh nhân bản.  Rõ ràng một “Con Bê Vàng Môi Trường”[14] đang được kiệu rước lên bàn độc của nhân loại.   
Vì sao con người mất quá nhiều công sức và tiền của, kể cả xương máu, cho công cuộc cổ võ và bảo vệ quyền con người và quyền của trái đất mà không thu lượm được kết quả tương xứng?  Vì sao có những hoạt động vì quyền con người, nhưng lại sử dụng phương tiện bạo lực, xâm hại tài sản, phẩm giá và sinh mạng của đối phương?       

Nguyên nhân chính yếu là trong nỗ lực đạt đến cùng một mục tiêu cao đẹp càng ngày càng thiếu một phương án nhắm kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết lý uyên thâm và hành động triệt để.  Nói cách khác, thiếu tính nhứt quán giữa suy tư và hành động.

B.    Xét
a.     Tính Phân Cực Giữa Suy Tư Và Hành Động
Thời đại hôm nay được lợi thế của kỹ thuật truyền thông, vừa nhanh chóng vừa phong phú.  Mọi tin tức xảy ra ở bất kỳ chân trời góc biển nào cũng được chia sẻ theo tốc độ điện tử.  Các vấn đề cũng được đón nhận, xem xét, quyết định và giải quyết thật nhanh chóng. 
Do đó, đối diện với lượng thông tin đồ sộ và vô số tình huống chuyển biến khôn lường, người ta chẳng còn bao nhiêu thời giờ để cân nhắc, lựa chọn, nếu không muốn bị lỡ cơ hội. 
Tuy nhiên, kinh nghiệm đắt giá cũng cho người ta bài học “dục tốc bất đạt—nóng vội không thể thành công.”
Từ thực tế vừa nói, phát sinh 2 thái độ mâu thuẫn nhau:

1.     Làm Không Cần Nghĩ
Do thế áp đảo của nếp sống “nghe-nhìn”, việc chăm chú đọc cho hết một trang sách và lĩnh hội được thông điệp của tác giả hình như là điều vượt qua ngưỡng kiên nhẫn của những người sống trong xã hội hôm nay, nói chi đến chuyện xa vời như nhận định và phản biện tư tưởng của quyển sách.
Để đạt mục tiêu trực tiếp và kịp thời, người ta cần một quyển cẩm nang có sẵn đáp án cho từng vấn đề, từng chi tiết, theo kiểu “thức ăn nhanh” bên Tây, hoặc “mì ăn liền” bên Ta.
Khuynh hướng “phản ứng thần tốc”—“cứu nước như cứu lửa”—chẳng những không tin tưởng giá trị công dụng thực tiễn của một công trình nghiên cứu dài hơi, có nền lý thuyết vững chắc, có viễn kiến khoa học ít phiêu lưu, mà còn ra mặt—nếu không khinh miệt gọi họ là “anh hùng bàn phím”—thì cũng dán nhãn “trí thức phòng trà” cho giới hàn lâm học thuật kinh điển.  

2.     Nghĩ Không Cần Làm
Một thái cực khác chủ trương rằng: xây dựng một hệ thống tư tưởng mang giá trị trường tồn và phổ quát còn phục vụ nhân sinh sâu rộng hơn và trường kỳ hơn những giải pháp tình huống.[15] 
Lẽ tất yếu là trong con mắt của đám “mọt sách bốn mắt”, những kẻ hiếu động[16] chỉ là một bọn “bọ hung”[17] thiển cận.  

b.    Tính Cần Thiết Và Cấp Bách Của Tiến Trình Hợp Tác Hỗ Tương Giữa 2 lãnh Vực Lý Thuyết Và Thực Hành
Cả 2 khuynh hướng hiếu động và hàn lâm đều có lý do chính đáng để tự hào và bất tín nhiệm lẫn nhau.  Tuy nhiên, xét cho cùng, cái “lý do chính đáng” vừa nói cũng chỉ được khẳng định trong một số trường hợp cụ thể.  Giải pháp tình huống—theo bản chất của danh xưng—là hữu dụng, thậm chí cần thiết, cho một vấn đề ngắn hạn, mang tính phong trào, thời vụ.  Đối diện với một vấn đề vĩ mô, tinh tế, đa nguyên đa diện, tất nhiên cần phải có một giải pháp tầm xa, thận trọng cân nhắc mọi góc độ nhận thức, mọi chiều kích xây dựng, mọi khả thể thành bại. 
Nói thật gọn, để thắng một trận đánh, cần có chiến thuật hữu hiệu; còn nếu muốn giành ưu thế trong một cuộc chiến, phải có chiến lược được xây dựng công phu, nghiêm cẩn.     
Trong cả 2 thí dụ dẫn chứng bên trên, chủ trương “duy hiếu động” rõ ràng đang có vấn đề “dư thừa chân tay mà thiếu một cái đầu.”  Nhưng chính bản thân của giới trí thức, vì tự mình tách rời thực trạng sinh động của cuộc đời, càng lúc càng biến thành cây cổ thụ già nua, cạn kiệt nhựa cảm hứng, khô cứng nguồn sáng tạo, để rốt cuộc co cụm vào hành vi “tự sướng”: cùng nhau ngâm nga, nhấm nháp, nhai lại những từ ngữ, những khái niệm đã trở thành những câu thần chú huyền bí trong tai của người thời nay; biên soạn những tác phẩm thật hoành tráng và ấn tượng để mãi mãi tác giả và đức con tinh thần của mình sẽ dành được một vị trí xứng đáng trong viện bảo tàng nhân văn.

C.    Làm
Lịch sử Hội Thánh đã từng có thuật ngữ “Chiến Lược Salamanca”[18] kể lại kinh nghiệm của Đức Giám Mục Bartolomé de las Casas, thuộc Dòng Đa Minh, một trí thức được giới hàn lâm học thuật nể trọng, đồng thời là một nhà truyền giáo nhiệt thành, một người hùng tranh đấu không mệt mỏi cho quyền con người của thổ dân Châu Mỹ La Tinh thế kỷ XVI, trong bối cảnh thực dân Tây Ban Nha chiếm đóng đất đai và đối xử với dân bản xứ như nô lệ, thậm chí như súc vật.

Trở về thế kỷ XVI của một Âu Châu sôi động học thuật hàn lâm, với bao nhân danh và địa danh lừng lẫy trong các lãnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học nhân văn.  Đaị học Salamanca ở Tây Ban Nha nổi bật như thủ lãnh của trường phái nhân bản Ki-tô Giáo, tạo nên một khúc ngoặc cho suy tư và hành động không những của xã hội thế tục mà còn của cộng đoàn Hội Thánh. 

Bấy giờ là thời kỳ cực thịnh của làn sóng các cường quốc quân sự ở cựu lục địa đổ xô tìm kiếm và chiếm giữ thuộc địa ở Tân Thế Giới.  Phần lớn Nam Mỹ rơi vào tay Tây Ban Nha.  Để kích thích lòng tham của những kẻ chinh phục,[19] triều đình “lại quả” cho họ một khu đất rộng hay hẹp, bèo bọt hay đắt địa, tùy vào công trạng lập được hoặc tùy lòng tốt của hoàng đế.  Những khu nhượng ấp đó gọi là “encomiendas”, bao gồm đất đai, nhà cửa, gia súc và toàn bộ dân cư sống trong khu vực.  Chủ nhân có toàn quyền trên tài sản của mình—kể cả các thổ dân, tất nhiên—sử dụng, sang nhượng, buôn bán, cho sống hay giết chết tùy ý.

Chẳng những chính sách đó được công khai thi hành trên toàn thuộc địa Nam Mỹ mà người ta còn ngang nhiên áp dụng cả ở Châu Âu: những cuộc triển lãm hàng độc mang về từ Tiểu Tây Ban Nha[20]—ý nói Châu Mỹ La Tinh—ngoài vàng bạc, thổ cầm, thổ sản, súc vật, còn có những người dân bản địa, gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ con, đang co ro, run rẩy, trước bao con mắt tò mò, soi mói, bao bàn tay sờ nắn, bao tiếng khen chê ồn ào trả giá của những con buôn lẫn khách đi mua sắm.
Người thổ dân thường được ném vào các công trình khai quật quặng mỏ dưới lằn roi vọt của những cai thợ tham lam và mất nhân tính.  Làm việc quần quật không công như trâu bò, những thổ dân nầy không bao giờ được ăn uống, nghỉ ngơi, được chữa trị khi đau yếu hay bị tai nạn một cách xứng đáng như một con người.

Không phải người ta không nhìn thấy những thảm cảnh trái tai gai mắt ấy. Không phải người ta không nghe thấy tiếng rên siết, than khóc nát lòng ấy lòng ấy. Không phải người ta không biết những hành vi ác độc của người da trắng.  Nhưng vàng bạc, lụa là gấm vóc, lạc thú kèm theo danh vọng và quyền lực—cả ngoài đời lẫn trong đạo—chẳng những khiến người ta đui mù mà còn trở thành câm điếc, vô cảm, thậm chí lương tâm rất bình an, vì lẽ đó là một thời trang, một nếp sống được tất cả mọi người thực hành, kể cả những chủ chăn, những đấng bậc trong giáo triều lúc bấy giờ.  Tất cả đều dựa vào một xác tín được chống lưng bằng triết lý và cả thần học lúc bấy giờ: thổ dân không có linh hồn, do đó họ không phải là người, thì hà cớ gì mà phải bận tâm về việc phải đối xử với bọn họ như thế nào.    

Thực tế là như vậy, vì chính quyền thuộc địa, với thỏa thuận ký kết giữa hoàng gia Tây Ban Nha và Tòa Thánh, dành cho các cơ sở truyền giáo ở Tân Thế Giới nhiều đất đai, nhiều nhượng quyền kinh tế và chính trị, như nghĩa cử tri ân của con cái thảo hiếu dành cho Hội Thánh, đánh đổi lại—hành động đồng lõa—thái độ nhắm mắt làm ngơ của thẩm quyền Tòa Thánh trước bao nhiêu tội ác của kẻ thống trị.      

Tuy nhiên, tất cả những điều trái đạo lý nhân bản và nghịch với luân lý Ki-tô Giáo không thể thoát khỏi con mắt tinh tường của các tu sĩ Đa Minh thuộc cộng đoàn Thánh Tê-pha-nô Tử Đạo Tiên Phong, những người chủ quản của Đại Học Salamanca và thẩm quyền trách nhiệm miền truyền giáo Tân Thế Giới.  Tất cả mọi diễn tiến đều được các tu sĩ làm công tác mục vụ tại hiện trường ghi nhận và tường trình đầy đủ đến từng chi tiết về cho tu sĩ đang nghiên cứu và giảng dạy tại Salamanca.  Đến phần vụ của “bộ não think tank” Salamanca, họ xem xét mọi dữ kiện, lật qua lật lại, nhìn tới nhìn lui, soi đi soi lại không hạn chế số tần suất, tất cả và từng dữ kiện dưới “máy scanner” cực kỳ tinh vi gắn kính hiển vi mạnh nhứt và tốt nhứt của Lời Chúa, của Huấn Quyền Hội Thánh, và, tất nhiên, của thần học Thánh Tô-ma Aquinô.

Các định đề được xác lập với nền tảng đạo lý vững như thành đồng bất khả phi bác:

-        thổ dân có đầy đủ phẩm chất của con người: lý trí, ý chí, tình cảm
-        thổ dân có mọi yếu tố của một hồn thiêng bất tử
-        thổ dân có quyền được nhận lãnh ơn cứu độ qua Bí Tích Rửa Tội
-        thổ dân phải được đối xử bình đẳng như một nhân vị
Salamanca là một hiện tượng thời đại lúc bấy giờ.  Những cuộc hội thảo, tranh luận nẩy lửa do các tu sĩ Minh tổ chức, hướng dẫn liên tục nổ ra giữa mọi trường phái, từ giới trí thức thế tục, giới cầm quyền, giới lãnh đạo giáo quyền, các dòng tu.

Gương mặt nổi bật và tích cực nhứt trong thời kỳ nầy là Đức Giám Mục  Bartolomé de las Casas và 3 người bạn thiết thân cùng Dòng là các tu sĩ Antón Montesinos, Pedro de Cordoba và Bernado de Santo Domingo.  Bộ Tứ nầy ngoài trí tuệ sắc bén, uyên bác, còn có mối giao hảo bằng hữu và đồng môn thân thiết với Giáo Triều Rô-ma và Hoàng Gia Tây Ban Nha.  Các vị đã thuyết phục được Vua Ferdinand của Tây Ban Nha ban hành Bộ Luật Burgos, chấn chỉnh các sai phạm trên toàn thuộc địa Nam Mỹ, bãi chức và truy tố hình sự các viên chức thuộc địa khét tiếng tàn ác với thổ dân.  Nhưng vô cùng quan trọng hơn đối với thế giới Công Giáo thời bấy giờ, đó là các vị đã xin được Đức Thánh Cha Phao-lô III ban hành Tông Chiếu Sublimus Deus—Thiên Chúa Chí Tôn—công nhận nhân vị và nhân phẩm của thổ dân, đồng thời phạt vạ tuyệt thông những viên chức nhà nước và nhà thờ phạm tội ác với dân bản địa.

III.   Kết Đề

Công cuộc đấu tranh cho quyền con người và quyền của trái đất, tuy thời gian qua đã gặt hái nhiều thành tựu đáng nể phục, được định chế quốc tế nhìn nhận, nhưng còn phải tiến lên quãng hành trình dài đầy gian khổ chờ đợi phía trước.  Một trong nhiều nguyên nhân gây trở ngại cho nỗ lực đạt tới mục tiêu là hiện chưa có cách thức phối hợp chặt chẽ, với tinh thần phê phán khoa học và ý chí hành động thực chất, giữa một triết lý chắt lọc từ thực tế cuộc sống những nguyên tắc chuẩn mực, xác định xuyên suốt từ lý tưởng, cứu cánh cho đến phương tiện thực hiện, và một lịch trình hành động, đề ra những phương án khả thi, tập hợp được mọi nguồn lực cùng giúp nhau đạt tới mục tiêu chung.
“Chiến lược Salamanca” là một kinh nghiệm của thế kỷ XVI, từng rất thành công như mô hình cộng tác giữa suy tư và hành động, giữa công việc nghiên cứu hàn lâm và công tác mục vụ, có thể được tham khảo và ứng dụng cho việc hợp tác giữa lý thuyết và hành động trong công cuộc cổ vũ và bảo vệ quyền con người và quyền của trái đất ở thế kỷ XXI.

A.    Kiên Trì Học Hỏi “Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh” và “Thông Điệp Môi Trường Laudato Si’”

Trang bị cho mọi người dấn thân vì quyền con người và quyền của trái đất kiến thức sâu sắc và vững vàng về Huấn Quyền Hội Thánh liên quan đến các vấn đề xã hội.  Có thể quả quyết quyển “Sưu Tập Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh” và “Thông Điệp Môi Trường Laudato Si’” là 2 cuốn giáo khoa và sách chỉ nam chính yếu và bất khả chuẩn chước rất thuận lợi và hữu hiệu cho công tác đào tạo nhân sự phục vụ lý tưởng làm cách mạng nhân quyền và cách mạng môi trường.  Học hỏi thấu đáo hai tài liệu nầy, mỗi người hoạt động cỗ võ và bảo vệ quyền con người và quyền trái đất có trong tay một tấm Bản Đồ và một chiếc La Bàn, luôn tự tin mạnh bước trên được phục vụ.

B.    Tích Cực Vận Dụng “Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh” và “Thông Điệp Môi Trường Laudato Si’”
Học hỏi theo kinh nghiệm “Chiến Lược Salamanca”, kiến thức hàn lâm phải được xây dựng từ các thực tại đời sống và tiếp tục được nuôi dưỡng, canh tân, cập nhựt từ những bài học thành bại có tính thực tiễn và thời sự.
Có như vậy, việc gặp gỡ trong tinh thần phê phán khoa học và cộng tác với ý thức trách nhiệm giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa suy tư và hành động, trở thành khả thi và phúc lợi cho công cuộc đấu tranh vì quyền con người và quyền của trái đất.  Nói cách khác, có thể khắc phục thách đố do cuộc sống vẫn thường đặt ra: “lấp đầy khoảng trống giữa chữ nghĩa và tinh thần.”[21]  
 


[1] Số 158.
[2] Nguyên tắc đạo đức cách mạng vô sản là “Mục đích biện minh cho phương tiện”, được diễn giải một cách dễ hiểu qua lời tuyến bố được coi là của lãnh tụ công sản Trung Quốc Mao Trạch Đông: “Mèo trắng hay mèo đen không thành vấn đề, miễn là nó bắt được chuột.”
[3] Xc “Trại Súc Vật” (“Animal Farm”), của nhà văn George Orwell, xuất bản năm 1945.
[4] Xc Công Đồng Vatican II, Hiến Chế “Vui Mừng Và Hy Vọng”, các số từ 19 đến 21.
[5] Ý Ngữ cổ có nghĩa là “Lạy Đức Chúa, con kính lạy Ngài.”
[6] Xc St 2:15.
[7] Xc St 2:19.
[8] Xc St 3:8-11.
[9] Xc St 3:17-19.
[10] Tv 107:33-34.
[11] Rm 8:19-23.
[12] Xc Xh 32:1-6.
[13] Xc http://www.wri.org/faqs-about-how-paris-agreement-enters-force
[14] Xc Xh 32:1-6.

[15] Do cụm từ Latin “ad hoc.”
[16] Tiếng Anh “activist”.
[17] Loại côn trùng cánh cứng sống nhờ phân trâu bò.
[18] Anh Ngữ: “The Salamanca Process”.
[19] Tiếng Tây Ban Nha “conquistador.”
[20] “Hispaniola.”
[21] Xc GHXHCG, các số 158-159.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks