ngày tháng năm

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Lòng ghen tị trong đời sống gia đình và xã hội

Lm. Giuse Đ n Thụy
Hiệp Thông số 81 (tháng 3 & 4 năm 2014)

LÒNG GHEN TỊ CỦA CON NGƯỜI
Ghen tị là một cảm xúc phổ biến như tình yêu hay tức giận, và tất nhiên ghen tị cũng là một cảm xúc mạnh mẽ như bất cứ đam mê nào khác trong lòng người. Ngày xưa cũng như ngày nay, sự ghen tị đều làm chúng ta buồn phiền, bất chấp ý hướng hay những nỗ lực tốt lành mà chúng ta muốn thực hiện để khắc phục sự ghen tị. Trong khi một số người chỉ cảm nhận sự ghen tị như một cảm xúc nhất thời và chóng qua, thì có những kẻ lại bị “chế ngự bởi sự ghen tị,” và hậu quả là họ phải đau đớn trầm trọng về mặt tâm thần, khi sự ghen tị thống trị cuộc sống và tâm thức của họ.[1]
Thần học và tâm lý học Kitô giáo đều cảnh giác chúng ta đừng coi thường sức hủy hoại của lòng ghen tị. Truyền thống Kitô giáo xem lòng ghen tị như một điều xấu cố hữu, nên đã xếp lòng ghen tị vào danh sách bảy mối tội đầu.
Các nhà phân tâm học cũng quan tâm đến lòng ghen tị, vì họ nghĩ rằng lòng ghen tị là nhân tố nằm bên dưới nhiều vấn đề liên quan đến mối tương quan giữa con người, gây đổ vỡ giữa vợ chồng, con cái, bạn bè và các quốc gia.
Theo từ điển Webster, ghen tị là: cảm thấy đau đớn và tức giận khi người khác vui hưởng một lợi lộc, đồng thời ước ao muốn chiếm đoạt lợi lộc ấy. Các nhà tâm lý bổ túc thêm: và muốn phá hoại kẻ đang chiếm hữu lợi lộc ấy.

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Một nữ tu “cháy hết mình” trên sân khấu The Voice của Ý

Chỉnh Trần, S.J. 
Theo Catholic News Agency


Sơ Cristina Scuccia, 25 tuổi, thành viên của Dòng các chị em Ursuline Thánh Gia, đã xuất hiện trên sân khấu của chương trình The Voice tại Ý. Giọng ca của sơ Cristina đã làm 4 vị giám khảo của chương trình The Voice nhanh chóng bấm nút quay lại và họ thật sự ngỡ ngàng khi thấy trang phục của thí sinh đặc biệt này.

Thông thường các vị giám khảo sẽ quay lưng không nhìn thí sinh và chỉ quay lại khi bị chinh phục bởi giọng ca của thí sinh.

Khi các giám khảo quay lại nhìn sơ Cristina, họ đã không tin vào mắt mình khi thấy một nữ tu trẻ đang hát “No One”, bài hát ruột của Alicia Keys.

Là một người gốc Sicily, sơ Cristina đã đến tham dự buổi biểu diễn cùng với 4 sơ trong cộng đoàn và bố mẹ của mình.

Bốn vị giám khảo là những ca sĩ nổi tiếng của Ý, đó là Raffaella Carra, J-Ax, Noemi, và Piero Pelu.

Sau khi nghe sơ Cristina hát, Carra đã hỏi sơ rằng sơ có thật là một nữ tu không và tại sao sơ chọn tham gia cuộc thi này.

“Vâng, tôi đích thực là một nữ tu,” sơ Cristina trả lời.

“Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng.”

Theo luật chơi, khi một thí sinh nhận được sự ủng hộ của ban giám khảo, người đó sẽ có quyền chọn tham gia đội của một vị giám khảo bất kỳ.

Sơ Cristina đã chọn J-Ax “bởi vì tôi đã tự hứa rằng khi các giám khảo quay lại, tôi sẽ chọn người đầu tiên.”

J-Ax đã thật sự xúc động khi nhìn thấy sơ Cristina. Anh nói rằng anh cảm thấy rất vui vì được thí sinh nổi tiếng nhất trong chương trình hôm nay chọn.

Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, đã viết một tin nhắn bình luận về việc sơ Cristina chia sẻ tài năng của mình với công chúng Italia trên twinter của ngài hôm thứ năm rằng: “Mỗi người trong anh em phải dùng ơn Chúa ban cho mình để phục vụ kẻ khác (1 Phêrô 4:10)”



Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Thánh Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu

Lm. John A. Hardon, S.J.
Đan Quang Tâm dịch

Đức Chúa Thánh Thần nói rất ít về những nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, điển hình là Thánh Giuse. Giuse là nhân vật nổi bật nhất trong phụng vụ, chỉ sau Ðức Trinh Nữ Maria. Ấy vậy mà Kinh Thánh không hề trích dẫn hoặc ghi lại bất kỳ lời nói nào của ngài.

Trong bài này chúng ta chỉ nêu ra năm nhân đức của Thánh Giuse. Mỗi nhân đức sẽ được đề cập vắn tắt để rồi rút ra những bài học áp dụng cho chúng ta.

Ðức Khiêm Tốn của Thánh Giuse

Khiêm tốn là biết nhận chân, nhìn nhận sự thật. Nhân đức khiêm tốn giúp ta nhận ra chân giá trị của mọi sự và hành động theo sự nhìn nhận mối tương quan thực của chúng ta, trước hết, là đối với Thiên Chúa và rồi với tha nhân.

Theo tiêu chuẩn này, Thánh Giuse là một người rất khiêm tốn.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Từ cà phê treo ở Ý đến cơm treo ở Việt Nam


Thụy My
Nguồn RFI

Người khách vào quán, trả tiền cho hai ly cà phê nhưng chỉ uống một ly. Ly cà phê còn lại được dành cho một người nào đó, thèm một ly cà phê nóng nhưng lại không có khả năng chi trả. Đó có thể là một người vô gia cư, một người thất nghiệp, một người nghèo… Họ vào quán, hỏi có ly « cà phê treo » nào không, và chủ quán mang đến cho họ một ly cà phê do một người hảo tâm đã trả tiền trước – thường là một người vô danh.

Ý tưởng này nảy sinh từ thành phố Naples ở nước Ý sau Đệ nhị Thế chiến, trong một quán cà phê vào một ngày mùa đông lạnh giá. Tại thành phố nghèo nàn của miền nam nước Ý, một người khách quyết định tặng một ly « caffè sospeso » (cà phê treo) cho ai đó không có tiền uống. Hình thức này sau đó dần dần lan sang các nước châu Âu khác, và tại Pháp không chỉ có « cà phê treo » (café suspendu) mà còn có « bánh mì đợi chờ » (baguette en attente), nhờ đó người nghèo có thể vào tiệm bánh mang về những ổ bánh mì dài kiểu Pháp nóng giòn, do một người nào đó đã trả tiền trước.

Tại Việt Nam, mô hình « cơm treo » bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái. Tiến sĩ tin học Trần Viết Huân ở Thành phố Hồ Chí Minh, người phụ trách dự án cơm treo cho biết vì sao ý tưởng này được áp dụng một cách linh hoạt ở Việt Nam. Cho đến nay đã có bảy nhà hàng, quán cà phê và một khách sạn đồng ý hỗ trợ bán phiếu cơm treo.

Trước đây tạp chí cộng đồng cũng đã từng giới thiệu các quán ăn hai ngàn đồng cho người nghèo ở Sài Gòn, trong hệ thống quán ăn Nụ Cười thuộc Quỹ từ thiện Tình thương. Anh Trần Viết Huân cho biết một những khó khăn khi triển khai dự án, là khái niệm « cơm treo » còn quá mới mẻ.

Ý tưởng này thật ra ngay ở Pháp cũng còn khá mới, nhưng hiện nay cũng đã có trên 12.000 người đăng ký trên hai trang web « cà phê treo » và « bánh mì chờ đợi », với khoảng 400 cửa hàng tham gia. Hy vọng rằng « cơm treo » rồi sẽ được nhiều người biết đến hơn tại Việt Nam.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Bối cảnh xã hội của gia đình Việt Nam với những thử thách và cám dỗ

Chúa Nhật I Mùa Chay A - 2014

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Nguồn HKK 

Lời mở

Trong Mùa Chay Thánh năm 2014 này, chúng ta được mời gọi suy niệm và sống theo chủ đề “tân Phúc Âm hoá Gia đình” do Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị. Đức Thánh Cha Phanxicô mới gửi một thư mục vụ cho các gia đình vào ngày 25/2/2014 vừa qua mời gọi tín hữu quan tâm đến gia đình. Vào tháng 10 năm nay, Giáo Hội toàn cầu sẽ tổ chức một thượng hội đồng giám mục thế giới ngoại lệ ở Rôma để bàn về “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của việc loan báo Tin Mừng”. Rồi ngày Quốc tế gia đình tại Philadelphia, Hoa Kỳ, vào tháng 9/2015 và tháng 10/2015 cũng sẽ có một thượng hội đồng giám mục thế giới thường lệ bàn về gia đình.

Như thế chúng ta thấy Giáo Hội quan tâm rất nhiều đến gia đình vì gia đình là nền tảng của xã hội, và mỗi gia đình giống như một tế bào xây dựng nên toàn thân là Giáo Hội, là cộng đồng dân tộc, là toàn thể nhân loại. Nền tảng có vững chắc, tế bào có mạnh khoẻ thì chúng ta mới hy vọng gia đình đó ổn định và bền vững.

Hôm nay, tuần I mùa Chay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về bối cảnh xã hội của gia đình Việt Nam với những thử thách và cám dỗ trong việc Phúc Âm hoá gia đình.

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, MỘT NỖ LỰC KHÔNG UỔNG PHÍ

Gia Kỳ 
Hiệp Thông số 80 (tháng 1 & 2 năm 2014) 

Tháng Bảy vừa qua, những người yêu mến văn học, trong và ngoài nước, đã cùng hướng về một sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra cách nay đúng 80 năm: Tự Lực văn đoàn được thành lập (1933-2013). Cũng trong cuộc kỷ niệm 80 năm ấy, là hồi tưởng về người đứng đầu văn đoàn -nhà văn Nhất Linh- qua đời tròn 50 năm (1906-1963). 

Tự Lực văn đoàn và nhà văn Nhất Linh vốn rất quen thuộc với các thế hệ học sinh miền Nam trước 1975 nhưng lại rất xa lạ với học sinh cùng thời ở miền Bắc. Không những không được đọc tác phẩm của nhóm văn chương này, các học sinh miền Bắc còn được dạy phải xa lánh và lên án, vì sách giáo khoa Văn học lớp 9 - hệ 10 năm - (trước 1975 ở miên Bắc) và Văn học lớp 11 - hệ 12 năm - (trước 1990 trên toàn quốc) dạy rằng văn học lãng mạn (trong đó có Tự Lực văn đoàn) “về cơ bản là phản động và đồi trụy” (sic). 

Nay đã qua rồi kiểu “đánh giá” văn học nghệ thuật xuất phát từ quan điểm chính trị hẹp hòi và nhận thức xã hội máy móc, thô thiển. Sách dạy học trò phổ thông ngày nay giới thiệu Tự Lực văn đoàn có phần khách quan hơn: 
“Từ khoảng năm 1930, đã thực sự xuất hiện trào lưu lãng mạn chủ nghĩa với những thành tựu nổi bật được kết tinh ở Thơ mới, tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam (trong Tự lực văn đoàn), Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân... Trong khoảng thời gian ấy, nhóm Tự Lực văn đoàn với những tác phẩm xuất sắc của Nhất Linh, Khái Hưng... đã đẩy cuộc cách tân tiểu thuyết lên một bước mới: cách dựng truyện tự nhiên, tổ chức kết cấu linh hoạt, tính cách nhân vật được xem là trung tâm của tác phẩm, đời sống của nhân vật được chú trọng và được phân tích, diễn tả tinh vi. Ngôn ngữ tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn giản dị, trong sáng, có khả năng diễn tả chính xác, tinh tế từ ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc đến cảm giác mong manh, mơ hồ nhất, tuy về sau lại trở thành kiểu cách, sáo mòn” (Văn học lớp 11 - tập 1, Nxb Giáo dục, 2008). 
Nhận định về Tự Lực văn đoàn như vừa nêu trong sách giáo khoa là kết quả của tiến trình đổi mới văn học nghệ thuật từ 1987 trở đi (Trang Văn hóa của báo Hiệp Thông đã đăng một số bài về tiến trình này). Trong tiến trình này, việc đổi mới diễn ra trên tất cả mọi bình diện: sáng tác, lý luận phê bình, xuất bản..., nhờ đó cả người viết lẫn người đọc từng bước có điều kiện ngày càng thoải mái hơn trong việc tiếp cận, thưởng ngoạn và thẩm định văn học nghệ thuật nay cũng như xưa, trong và ngoài nước. 

Kỷ niệm một sự kiện đã 80 năm không chỉ nhằm nhắc lại những gì đã diễn ra mà còn hướng vào những vận động trong cuộc sống hôm nay. Trong suy nghĩ và lối sống. Trong hiện thực và cả nơi những mơ mộng, ước muốn, hy vọng…

LÀM SAO GIẢM BỚT ÁN OAN

Luật sư Nguyễn Văn Phương

Vụ án Ông Nguyễn Thanh Chấn có dấu hiệu của một vụ án oan vì Công An Tỉnh Bắc Giang đã thừa nhận có những sai sót khiến Ông Nguyễn Thanh Chấn phải nhận tội giết người trong khi thủ phạm là một người khác. Qua vụ việc này có rất nhiều ý kiến đề xuất để giảm bớt án oan. Chúng ta sẽ xem xét tính khả thi của các ý kiến và xem Ủy Ban Công lý và Hòa bình của chúng ta có thể làm gì để đóng góp vào việc làm giảm án oan. 

Sau đây là những ý kiến đã được đề xuất:

1. Gắn camera, ghi âm lời khai: Việc này sẽ là tốt nếu việc sử dụng máy ghi âm, ghi hình được sử dụng hợp lý, có sự giám sát của bên thứ ba ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không việc ghi âm, ghi hình lại trở thành chứng cứ kết tội chắc chắn nhất (ví dụ như khi ép cung thì người ta không bật máy ghi âm, ghi hình lên, chỉ khi nào bị can nhận tội thì người ta mới bật máy ghi âm, ghi hình lên để làm bằng chứng).

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy 
Hội Thừa Sai Việt Nam
Hiệp Thông số 80 (tháng 01 & 02 năm 2014)

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

AA: Apostolicam Actuositatem
(Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân)
GS: Gaudium et Spes
(Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay)
LG: Lumen Gentium
(Hiến chế Tín lý về Giáo Hội)

I. QUA LINH ĐẠO KITÔ GIÁO XÂY DỰNG MỘT NỀN LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN

1. LINH ĐẠO KITÔ GIÁO

Linh đạo Kitô giáo là sự diễn tả kinh nghiệm của một con người về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần, trong một lối sống, cầu nguyện và làm tông đồ riêng. Nó là con đường theo Đức Giêsu Kitô với những hình thức từ bỏ riêng. Vì thế Linh đạo Kitô giáo chứa đựng nhiều yếu tố: Kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, một lối cầu nguyện và làm tông đồ theo cách thức riêng, luôn vâng phục Chúa Thánh Thần, từ bỏ và khổ hạnh, được trình bày theo tư cách một môn đệ, hợp với tính khí, cá tính và khát vọng thiêng liêng của họ. Tất cả những điều này dẫn đưa đến sự trưởng thành và thánh thiện của Kitô giáo. Đây là điều mà công đồng Vatican II nói về Linh đạo Kitô giáo: “Mỗi người không được do dự đáp lại ân huệ và bổn phận với một đức tin sống động, nó sẽ làm phát sinh niềm hy vọng và việc làm qua bác ái” [LG41]. Vì thế linh đạo của Kitô giáo không gì khác hơn là đời sống của một Kitô hữu đã kinh qua và đã sống trong một lối sống riêng. Theo nghĩa này, người ta có thể nói về nhiều linh đạo khác nhau của Kitô giáo, nhấn mạnh đến những khía cạnh con người của Đức Giêsu Kitô và mầu nhiệm của Thiên Chúa.[1]

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks