ngày tháng năm

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Bí Mật Sự Thánh Thiện của Mẹ Teresa

Brandon Vogt (người chuyển ngữ: Con Sóng Nhỏ)



JIMMY VÀ CHÚA GIÊSU

Một thời gian nào đó trong những năm đại học, tôi bắt đầu gặp gỡ tiếp xúcvới một nhóm những người vô gia cư cả nữ lẫn nam tại một hồ nước địa phương. Tôi đến thăm họ một hai lần một tuần, thường là xách theo ít thực phẩm, và chúng tôi trò chuyện hàng giờ về cuộc sống, đức tin, bóng đá, liệu việc bay hay tàng hình là loại siêu lực tốt hơn.

Nhưng một ngày kia, khi chúng tôi đang ngồi tại bàn ăn ngoài trời, một người đàn ông lạ trước đây tôi chưa hề gặp mặt bước tới. Anh trông mệt mỏi và lôi thôi lếch thếch, có lẽ là người vô gia cư, anh ngồi xuống đối diện tôi. Anh nhìn tôi chằm chằm mà chẳng nói năng gì.

Hòng phá vỡ bầu khí căng thẳng đó, tôi đưa tay về phía anh: "Xin chào, tôi là Brandon!" Nhưng một lần nữa, anh không hề đáp trả. anh ta ngồi đó, khắc kỷ, bất động, nhìn sâu vào mắt tôi. Cuối cùng, sau khoảng mười giây lúng túng im lặng, anh đột ngột trầm giọng: "TÔI LÀ GIÊSU KITÔ, TÔI ĐÃ CHẾT VÌ TỘI LỖI CÁC BẠN ĐÓ!"

Tôi không biết phải nói gì. Đó chẳng phải là những gì tôi mong đợi. Tôi ngồi một thêm vài giây, choáng váng. Nhưng sau đó anh tiếp tục: "Ôi, tôi chỉ đùa với bạn chútthôi. Tôi là Jimmy ".
Sau cuộc giới thiệu lạ kỳ ấy, chúng tôi phớt qua êm ru và chuyện trò rôm rả. Nhưng tôi còn nhớ chuyện lái xe về nhà ngày hôm đó, ngẫm nghĩ về những trao đổi, và thấy lời lẽ của Jimmy thực sự đúng đắn biết bao

Một trong những đoạn Kinh Thánh yêu thích của tôi là Matthew 25, nơi Chúa Jesus đồng hóa bản thân với những người nghèo và thiệt thòi. "Bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé mọn của ta ", Chúa Giêsu giải thích," đó là các ngươi làm cho ta."

Mặc dù Jimmy nghĩ anh chỉ nói đùa, lời anh nói vang lên một sự thật thẳm sâu và thấm thía. Ngồi đối diện tôi lúc đó nơi bàn ăn ngoài trời, bằng một cảm giác bí ẩn, anh thực sự là Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Kitô đồng hóa mình với những người như Jimmy - những người không có công ăn việc làm, không có hy vọng, và không có ai để chuyện trò. Ngày hôm đó, anh nhắc nhở tôi một sự thật quan trọng, đó tất cả mọi người mang trong tâm hồn của họ hình ảnh của Thiên Chúa.

Dù sao, một nữ tu nhỏ thó, linh hoạt đã giúp tôi nhìn thấy những gì Jimmy tiết lộ một cách rõ ràng sắc nét hơn nhiều.

NGƯỜI PHỤ NỮ TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

Hè năm 1948, Nữ tu Teresa lang thang trên đường phố Calcutta, sức nóng ngột ngạt hút cô trở về nhà. Viện tu đẹp và mát mẻ, và chị thậm chí còn không dám chắc minh đang làm quái gì trên đường phố.

Nhưng rồi chị phát hiện một phụ nữ nằm trên đường. Người phụ nữ bị chuột và kiến gặm th ành miếng mồi dang dở. Bà ta gần như đã chết. Mọi người ngang qua ngược xuôi hai bên đường, hầu như chẳng ai lưu tâm

Tuy nhiên, chị nữ tu Albania nhỏ bé đi ngang qua và cẩn thận đỡ người đàn bà lên, nâng niu bà ta như một tác phẩm nghệ thuật quý giá.

Đây là lần đầu tiên chị chạm vào một ai đó trên đường phố.

Chị nữ tu mang bà đến một bệnh viện gần đó, và khi các nhân viên nhìn thấy người phụ nữ, họ xin lỗi, lấy cơa là họ không thể làm gì; bà ta đã hết cách cứu.

Nhưng Soeur không chấp nhận điều đó. Chị không chịu đưa bà ta đi cho đến khi người ta buộc cho người phụ nữ ấy một chiếc giường, và sau nhiều cãi vã, các nhân viên bệnh viện cuối cùng đã mủi lòng. Chị nữ tu ngoan cố theo cách của mình, điều đó trở thành thói quen của chị trong những năm tiếp theo. Chị ta đã giúp người phụ nữ chết đúng với phẩm giá con người.

Điều gì đã thúc đẩy chị giúp đỡ người phụ nữ trên đường phố ấy? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trên một chuyến tàu nhỏ trước đó hai năm.

Ngày 10 Tháng Chín năm 1946, soeur Têrêsa Loreto đi từ Calcutta đến Darjeeling để dự tĩnh tâm hàng năm của mình. Đang ngồi cầu nguyện âm thầm bên khung cửa nhỏ khi tàu đi ngang dãy núi Himalayans, bất ngờ, soeur giật nảy mình bởi một lời hiệu triệu tập từ bên trong tâm hồn.

"Tôi cảm thấy rõ ràng một lời mời gọi từ trong nội tâm. Thông điệp rất rõ ràng. Tôi phải rời khỏi tu viện và dâng hiến bản thân mình để giúp đỡ những nghèo bằng cách sống giữa họ. Đó là một mệnh lệnh. Tôi biết tôi phải đi đâu. "

Vào giây phút đó, thông qua tiếng "xin vâng”, soeur Têrêsa Loreto đã chết đi và Mẹ Têrêsa Calcutta chào đời. Vào tháng Tư 12, năm 1948, Mẹ được cho phép để sống bên ngoài tu viện của mình. Mẹ nhanh chóng lập ra các khu ổ chuột của Calcutta, nơi Mẹ lần đầu tiên gặp người phụ nữ khốn khổ trên đường, để cuối cùng hàng ngàn người khác đã được giúp đỡ, được phục vụ, nuôi ăn, và được chết xứng với nhân phẩm. "Cuộc gọi nội tâm" ấy dẫn Mẹ đến việc thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, mà mục đích là để chăm sóc cho "những người nghèo đói, rách rưới trần truồng, vô gia cư, tàn tật, đui mù, phong cùi, tất cả những người cảm thấy không được mong đợi đón nhận, không được yêu thương, và chẳng được ngó ngàng đến ở khắp nơi trong toàn xã hội."

Trên hai thập kỷ kế đó, công việc ngoại thường của chị nữ tu ấy lan truyền rộng khắp. Năm 1969, phóng viên người Anh Malcolm Muggeridge sơ lược tiểu sử Mẹ Teresa trong bộ phim tài liệu nổi tiếng của mình “ Một thứ gì đẹp đẽ dành cho Thiên Chúa” (sau nàyđược chuyển thành một cuốn sách cùng tên). Bộ phim làm say đắm thế giới vì người ta đã phải lòng bà thánh có trái tim vàng và cáý chí sắt thép.

Năm 1979, Mẹ được trao giải Nobel Hòa bình. Và trong năm 1999, hai năm sau Mẹ lìa đời, người dân Mỹ đã bình chọn Mẹ là "Người được Ngưỡng Phục Nhất của thế kỷ XX. "

Rất ít vị thánh chiếm được lòng mộ mến toàn cầu như Mẹ Teresa đã đạt được trong suốt cuộc đời mình. Mặc dù nhiều người xưng tụng Mẹ là một vị thánh, thậm chí nhiều thập kỷ trước khi Mẹ qua đời vào năm 1997, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chỉ chính thức ghi tên Mẹ vào hàng "Chân phước" vào ngày 19 tháng 10 năm 2003, và sau đó vào 04 tháng 9 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho Mẹ , vĩnh viễn biến Mẹ thành Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta

CON ĐÃ LÀM ĐIỀU ĐÓ CHO TA

Giáo Hội có một trang sử lâu dài chuyện các vị thánh thương giúp người nghèo khổ, bệnh tật, hấp hối. Và cũng giống như nhiều người khác, Mẹ Teresa hiến mình cho loại công việc có tầm quan trọng sống còn này. Nhưng điều làm Mẹ khác biệt là ở chỗ Mẹ không chỉ phục vụ những người cần giúp mà còn rất tôn trọng họ. Mẹ là một mẫu hình của nguyên tắc trước hết và quan trọng nhất của giáo huấn xã hội Công giáo, ấy là đời sống và phẩm giá của con người.

Từ lúc chào đời vào năm 1910, Agnes Bojaxhiu (Mẹ Teresa) đã được uốn nắn đào luyện biết tôn trọng phẩm giá của người khác, ngay cả những người xã hội bị bỏ mặc làm ngơ.

Agnes học được điều này từ chốn gia đình. mỗi tối trong tuần bà mẹ của Agnes đều mời người nghèo vào nhà họ ăn tối và trò chuyện. Bà đặc biệt đón tiếp những phụ nữ lâm cảnh túng quẫn, gieo neo: những bà góa già không có người chăm sóc, những phụ nữ vô gia cư không có nổi mái nhà, và bà mẹ ỏơn thân bị chính gia đình và bạn bè xa lánh .

Người anh Agnes sau đó dẫn giải thêm rằng, "Mẹ chúng tôi không bao giờ để bất kỳ người nghèo nào đã vào qua cửa nhà mà trở ra tay trắng. Khi chúng tôi nhìn mẹ cách lạ lùng, mẹ thường bảo: 'Hãy nhớ rằng ngay cả những người không phải máu mủ của chúng ta, dẫu họ đói nghèo, vẫn là đồng bào chúng ta đấy’

Chính qua việc phục vụ những vị khách này mà Agnes đầu tiên phát hiện ra "Chúa Giêsu trong lớp vỏ ngụy trang thê thảm nhất của mình". Cô đi đến việc đánh giá người nghèo không vì những gì họ có thể làm, có thể sản xuất; không vì loại công việc họ mưu sinh hoặc những giấy tờ chứng nhận hay ủy nhiệm; nhưng vì noi họ tỏa ra hình ảnh của Thiên Chúa.

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, "Phẩm giá của con người bắt nguồn từ việc được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa" (GLCG 1700). Như vậy, từ khởi đầu cho đến bây giờ, mỗi một người đàn ông, mỗi một người phụ nữ đều mang hình ảnh Thiên Chúa, do đó mang trong mình một nhân phẩm vô giá.

.Mọi người thường hỏi Mẹ Teresa tại sao Mẹ lại yêu người nghèo quá đỗi, sao Mẹ có thể tôn vinh phẩm giá trong những trường họp khốn nạn như vậy. Để đáp lời, Mẹ thích nắm tay những người khốn khổ, thi thoảng lại nhè nhẹ ngọ nguậy một ngón tay, và giải thích: "Con-làm-điều đó-cho Ta"

Trong tâm trí của Mẹ, bạn có thể tính đếm toàn bộ Tin Mừng chỉ trên năm ngón tay. Tất nhiên, Mẹ ám chỉ đến TM Matthew 25, nơi Chúa Giêsu dạy về cuộc xét xử sau cùng. Chúa giải thích rằng vào thời tận cùng, Ngài sẽ phán xét con người qua những hành vi thực thi lòng xótthương của họ. Với những nguòi tốt lành biết cho đi Ngài sẽ nói, "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm". Nhưng những người nghe ngạc nhiên hỏi lại: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?" 40 Chúa Giêsu trả lời: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy"

Với Mẹ Teresa, đoạn TM này không chỉ là một phép ẩn dụ đạo đức. Nó mô tả hiện thực. Bí quyết để lan trải niềm vui và lòng từ bi vô biên của Mẹ là nhận ra Chúa Giêsu trong tất cả mọi người – mỗi con người bất toại, mỗi con người phung hủi, mỗi con người khuyết tật, và mỗi con người côi cút.

Một quý ông Hindu, đã từng tiếp cận Mẹ Teresa nhận ra rằng: trong khi cả ông lẫn Mẹ làm công tác xã hội, sự khác biệt là ở chỗ ông và các cộng tác viên của mình đã làm việc thiện vì một điều gì đó trong khi Mẹ Teresa thì làm vì một ai đó. Vị nữ tu từ bi giúp người không chỉ đơn giản vì "đó là điều phải làm". Mẹ giúp họ vì Mẹ biết, sâu xa trong tim mình, bằng cách phục vụ những người khác, Mẹ phục vụ chính Chúa Giêsu

BÍ MẬT CỦA MẸ TERESA

Học để thấy Chúa Giêsu trong những người nghèo, đau ốm, hấp hối, không phải chuyện tình cờ. Mẹ rèn luyện chính mình để làm điều này mỗi ngày. Có lần, một linh mục trẻ lần chuỗi Mân Côi với Mẹ, Khi tràng chuỗi kết thúc, anh bất nhiên hỏi:"Thưa Mẹ Teresa, bí mật của Mẹ là gì?" Nhìn anh với ánh mắt lấp lánh vẻ giễu cợt Mẹ trả lời, "Rất đơn giản. Tôi cầu nguyện"

Như tất cả mọi Kitô hữu, Mẹ Teresa tìm thấy sức mạnh và nguồn dinh dưỡng qua cầu nguyện. Lời cầu nguyện mang Mẹ đến gần Đức Kitô và giúp Mẹ mật thiết với Ngài một cách riêng tư.

Mẹ đặc biệt đánh giá cao một hình thức cầu nguyện, nghi thức Phụng Vụ, vì một lý do khác: Thánh lễ giúp Mẹ nhận ra Chúa Kitô trong những người khác. Mẹ và các chị em tham dự thánh lễ mỗi sáng lúc 4:30. Đối với họ, Phụng vụ, đặc biệt Thánh Thể , là chìa khóa để sống TM Matthew 25 - gặp Chúa Kitô nơi những người nghèo khổ.

Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện dưới hình thức bánh rượu bình thường. Khi vị linh mục đọc lời truyền phép, Chúa Kitô trở nên một thực thể sống động dù các giác quan của chúng ta không nhận thấy rõ sự hiện diện của Ngài.

Như vậy đức tin giúp chúng ta vượt qua những kinh nghiệm cảm quan để nhận ra hình ảnh thiêng liêng của Thiên Chúa dưới dạng tầm thường nhất.

Mẹ Teresa biết điều này quan trọng biết bao! Nhìn thấy Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể giúp Mẹ thấy Ngài trên đường phố. "Nếu chúng ta nhận ra Đức Giêsu dưới hình bánh," Mẹ giải thích,"chúng ta sẽ chẳng khó khăn gì nhận ra Ngài dưới lớp vỏ ngụy trang những người nghèo". Đây là lý do tại sao Mẹ Teresa có thể nói, "Tôi có cơ hội ở cùng Chúa Giêsu 24 giờ một ngày". Cho dù ở trong nhà nguyện hay các khu ổ chuột, nơi hàng ghế nhà thờ hoặc trong bệnh viện, côMẹ nhận ra Chúa ở khắp những nơi Mẹ đến vì Mẹ trui luyện bản thân mình mỗi sáng trước bàn thờ.

TẬP TRUNG LO CHO CÁ NHÂN

Một chìa khóa khác cho việc tôn trọng nguòi cùng khổ của Mẹ Teresa là tập trung vào từng cá nhân. "Nếu tôi nhìn vào đám đông, - Mẹ nói - tôi sẽ không bao giờ hành động. Nếu tôi nhìn vào một tình huống cụ thể, tôi sẽ ra tay". Kèm với những giòng này Mẹ lưu ý: "Chúa Giêsu nói hãy yêu thương nhau. Ngài không nói hãy yêu toàn thế giới ".

Một câu chuyện minh họa cho điểm này. Có một lần các soeur phát hiện ra một người đàn ông nơi một khu tách biệt tại Úc, hoàn toàn bị phớt lờ bởi chính những thổ dân đồng bào của mình. Người đàn ông không bao giờ rời khỏi nhà của mình, và khi các nữ tu đến thăm họ thấy nó rất bẩn thỉu và lộn xộn nhếch nhác.

Rồi Mẹ Teresa đến. Và khi hành động, Mẹ nài xin người đàn ông: "Vui lòng để tôi dọn sạch nhà cho ông nhé! Hãy để tôi giặt quần áo và làm giường cho ông"

Người đàn ông thoái thác. Nhưng chị nữ tu vẫn kiên trì:"Ông sẽ thoải mái hơn nếu ông cho phép tôi làm điều đó. "

Cuối cùng, ông ta đồng ý. Trong khi Mẹ Teresa làm sạch nhà và giặt quần áo cho ông, Mẹ phát hiện ra một chiếc đèn rất đẹp. Nó phủ đầy bụi bặm và có vẻ như đã không được thắp sáng trong nhiều năm

"Ông không thắp đèn à?", Mẹ hỏi người đàn ông.

"Để làm gì?" Ông đáp, "Thắp cho ai? Chẳng ai buồn ghé nhà tôi. Cả ngày trời tôi không hề nhìn thấy mặt người. Tôi không cần thắp đèn. "

Mẹ Teresa trả lời: "Vậy mỗi đêm nếu chị em tôi đến thăm ông sẽ thắp đèn chứ? "

"Dĩ nhiên rồi"

Từ ngày đó, các xơ cam kết đến thăm ông mỗi ngày, và cứ vậy họ không hề thất hẹn.

Hai năm sau, họ nhận được một lá thư từ người đàn ông cô đơn, ông xin chuyển lời đến Mẹ Teresa. Thư viết như sau, "Hãy cho người bạn tôi biết rằng: ánh sáng bà thắp lên cho cuộc đời tôi vẫn tiếp tục tỏa sáng. "

Với một người quan sát bình thường, việc thắp sáng ngọn đèn bụi bặm trong một gian nhà bị quên lãng dường như không nghĩa lý gì. Nó có thể tác động, có thể thay đổi gì chăng? Nhưng hành động đơn giản đó lại là cả thế giới đối với người đàn ông ấy. Trong cô đơn đen tối của mình, Mẹ thắp sáng một ánh đèn không ngừng tỏa sáng, và trong việc làm đó, Mẹ rọi sáng nhân phẩm ông ta.

Chúng ta thường bị cám dỗ để bỏ qua những hành vi thiện nguyện nho nhỏ. Nhưng những hành vi ấy lại có tiềm năng lớn lao. Như Mẹ ưa nói, "Chúng tôi tự cảm nhận rằng những gì chúng tôi đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu giọt nước đó không ở trong đại dương, tôi nghĩ đại dương sẽ vơi hơn vì giọt nước rơi vãi ấy"

NHỮNG ĐIỀU NHỎ VỚI TÌNH YÊU LỚN

Vị Tiến sĩ Hội Thánh vĩ đại của thế kỷ XX, Thánh Têrêsa Lisieux, người mà Mẹ Teresa nhận lấy tên cho mình, dạy rằng: Thiên Chúa không phải lúc nào cũng kêu gọi chúng ta làm những điều to tát vĩ đại, nhưng Ngài mời gọi chúng ta làm những việc bé nhỏ với một Tình Yêu lớn. Thông thường nhất là qua những việc nhỏ, chứ không phải việc lớn, chúng ta nâng giá trị nhân phẩm của người khác lên cao.

Mẹ từng đi xuôi theo một đường phố ở London và phát hiện một người đàn ông cao gầy nằm co quắp trong góc phố, trông rất đáng thương. Mẹ bước tới phía ông, mỉm cười, bắt tay, và hỏi thăm sức khỏe ông. Sững sờ. ông ngước nhìn Mẹ với một nụ cười giãn ra trên khuôn mặt: "Ôi! đã lâu, lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy sự ấm áp của một bàn tay con người! "

Sau đó Mẹ  giải thích: "Chỉ cần cái bắt tay mà ông ta cảm thấy như được quan tâm bởi ai đó". Mẹ luôn cho rằng cách dễ nhất để tôn vinh nhân phẩm của một người là thực hiện chút hành vi nhỏ nhặt: bắt tay của một ai đó, nở một nụ cười, dành thời gian để lắng nghe. Mặc dù đơn giản, những cử chỉ đơn giản này mang ý nghĩa lớn:"Bạn thật đáng quý. Bạn rất quan trọng. Bạn xứng với sự quan tâm và tình cảm của tôi."

BA BÀI HỌC TỪ MẸ THÁNH TERESA CALCUTTA

Thật dễ dàng phớt lờ không buồn để ý đến Mẹ Teresa với suy nghĩ, "Tôi sẽ chẳng bao giờ làm được những gì Mẹ đã làm. Tôi không thể giúp hàng ngàn người bị lãng quên trên đường phố ", hoặc "Tôi sẽ chẳng bao giờ phục vụ một kẻ chết đói hay một người phong hủi đang hấp hối”. Tuy nhiên, Mẹ Teresa là chứng tá cho nhiều cách thức, qua đó chúng ta có thể nhận biết và đề cao nhân phẩm trong cuộc sống bình thường hàng ngày của chúng ta.

Đầu tiên, chúng ta có thể vun trồng khả năng nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa, để nhận ra và tôn kính những giá trị vô hạn của cuộc đời mỗi người. Chúng ta càng rèn luyện con mắt của tâm hồn chúng ta nơi Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta sẽ càng nhận rõ ràng Chúa nơi những người nghèo. Trong Thánh lễ, và suốt trong ngày, hãy cầu nguyện bằng lời của người ăn xin mù: "Lạy Chúa, xin cho con được thấy" (Lc 18,41). Chúng ta có thể để cụm từ bật lên một cách tự nhiên bất cứ khi nào chúng ta bị cám dỗ hãy phớt lờ hoặc bỏ mặc người nào khác đang cần giúp đỡ. Tương tự như vậy, khi chúng ta thấy hình ảnh Thiên Chúa mịt mờ nơi một cá nhân nào, hãy nhắc nhở mình rằng: giúp người này là chúng ta giúp Chúa - không phải cách gián tiếp, mơ hồ, mà trực tiếp thật sự. Hãy nhớ rằng: "Con-làm-điều đó-cho Ta" (Mt 25:40).

Thứ hai, chúng ta nên tìm cách để làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn. Có lẽ thời gian tới, khi chúng ta gặp một người ăn xin vô gia cư, chúng ta có thể lo liệu những nhu cầu vật chất của người ấy, nhưng cũng hãy nhìn vào đôi mắt họ và nở một nụ cười. Mẹ xác nhận rằng "tình yêu bắt đầu bằng một nụ cười." Thậm chí còn hơn thế, chúng ta có thể tự giới thiệu. Hãy hỏi tên anh ta, bắt tay, hứa cầu nguyện cho anh ta và sau đó cầu nguyện thực sự. (tốt nhất hãy lặng lẽ cầu nguyện ngay sau cuộc gặp gỡ, trước khi bạn có thể quên mất)

Trong một phương châm rất shock của mình, mẹ lưu ý, "Ngày nay thật sành điệu khi tán chuyện người nghèo. Nhưng phải chuyện trò với họ thì lại chẳng hợp thời gì cả "

Cuối cùng, chúng ta phải tập trung vào từng cá nhân. Mẹ đã từng nói: "Tôi không bao giờ nhìn các đám đông với tính cách gánh trách nhiệm; Tôi nhìn vào từng cá nhân, cá thể riêng biệt. Trong một lúc tôi chỉ có thể yêu một người - chỉ là một, một, một. Bạn hãy bắt đầu như vậy đi. Tôi đã bắt đầu - tôi bế một người lên. Có lẽ nếu tôi không nâng người đó lên, tôi sẽ chẳng nhặt tiếp bốn mươi hai ngàn…. Điều tương tự cũng đến với bạn, điều tương tự trong gia đình của bạn, điều tương tự trong nhà thờ của bạn, trong cộng đồng của bạn. Chỉ cần khởi sự đi nào - một, một, một".

Chúng ta không cần phải du lịch đến Ấn Độ để tôn vinh phẩm giá như Mẹ Teresa. Chúng ta có thể làm như vậy ngay trong nhà, ngay nơi chúng ta làm việc, với gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp chúng ta. Trong thực tế, mẹ rất thích bảo du khách hãy về quê nhà và tìm lấy một Calcutta của riêng mình. Trong mọi thành phố, vô số cá nhân phải chịu số phận nghiệt ngã của cô đơn tủi nhục. Người phụ nữ lớn tuổi sống cách chúng tôi ba căn nhà người chẳng ai ghé đến. Người gác cổng lau chùi sảnh lớn mỗi ngày chẳng bao giờ nhận được sự quan tâm. Người đàn ông bị lãng quên sống nốt những tháng cuối đời trong nhà dưỡng lão. Tất cả những người này lặng thầm khóc gào: "Xin lưu tâm đến tôi! Hãy xem xét cho tôi! Hãy giúp tôi! ". Chúng ta có lẽ không có khả năng phục vụ người nghèo trong một đất nước thứ ba trên thế giới, nhưng chúng ta có thể tôn vinh phẩm giá của những người sống và làm việc xung quanh chúng ta.

Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta giúp chúng ta thấy rằng công việc của chúng ta không phải giúp được hàng triệu người một lúc. Chúng ta chỉ có thể trợ giúp những cá nhân, và chúng ta làm điều đó trước tiên bằng cách nhìn nhận và kính trọng hình ảnh Thiên Chúa đã được đánh dấu trên linh hồn họ, và bằng cách phục vụ Chúa Giêsu trong họ qua những hành vi bé nhỏ xuất phát từ một tình yêu đầy trân trọng.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks