Long Thành
Ai cũng biết, muốn uốn cây theo ý mình để có kiểu dáng đẹp, thì phải thực hiện khi cây còn nhỏ, cành còn non; chứ để cây mọc lên to lớn thì khó mà uốn nắn được, nếu cố uốn cây sẽ bị gãy.
Giáo dục cũng vậy, phải chú trọng dạy dỗ và rèn luyện các em một cách cẩn thận và chu đáo ngay từ thuở thiếu thời cắp sách tới trường. Nghĩa là phải coi trọng giáo dục tiểu học và đầu tư cho giai đoạn này nhiều hơn cả, về đầy đủ các mặt: thể dục, đức dục và trí dục.
Theo các chuyên gia về phương pháp nuôi dạy trẻ, độ tuổi từ 4 đến 6 là độ tuổi thích hợp nhất để phát triển óc sáng tạo và tính cách riêng cho chúng. Vậy, một người có tính cách thế nào: thuần tính, ôn hòa, chăm chỉ, cẩn thận… hay đoảng tính, ngang bướng, phá phách, nóng nẩy… có căn cơ rất quan trọng ở giai đoạn huấn luyện này.
Lối giáo dục đòi uốn tre thất bại
Nền giáo dục của Việt Nam ta hơn nửa thế kỷ nay rất coi nhẹ giáo dục tiểu học. Việc đầu tư cơ sở vật chất, việc quản lý giáo dục và nội dung cũng như chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học đều không tốt.
Cách nay khoảng 20 năm, những trường tiểu học (cấp I), đặc biệt là ở vùng nông thôn, thật là thảm hại: trường lớp tuềnh toàng, bàn ghế liêu xiêu, nền đất mấp mô… Nhiều giáo viên có thể chỉ là các “thầy giáo làng” không qua đào tạo ở trường lớp sư phạm. Một điều kiện giáo dục như vậy, quả thực là không xứng đáng một chút nào với chức năng là “mảnh đất” gieo những mầm non tương lai của xã hội. (Bản thân người viết này đã từng là học sinh trải qua những năm tháng kinh nghiệm ấy.)
Lên trung học cơ sở gọi là cấp II, thì trường lớp khá hơn một chút: tường xây, mái ngói, nền lát gạch đất và xung quanh trường có hàng rào.
Lên đến trung học phổ thông – cấp III, thì cơ sở vật chất nhà trường khá hơn nữa. Cứ như thế, càng ở cấp độ học cao hơn, thì càng được trang bị tốt hơn, đội ngũ nhân sự giáo viên, giáo vụ cũng chuyên nghiệp và giỏi hơn.
(Ngày ấy, dạy cấp I chắc bị coi là thấp kém, hưởng lương cũng thấp, cho nên ai dở hơn thì bị đẩy vào đó làm việc.)
Nếu xem giai đoạn gieo giống, ươm mầm là quan trọng, cây măng đang còn dễ uốn, nhân cách con người đang được hình thành, thì giáo dục của Việt Nam ta quá coi thường giai đoạn ấy. Thời kỳ quan trọng nhất để làm giáo dục cho một con người phát triển thân thể, nhân cách và trí tuệ, lại bị coi nhẹ và đầu tư một cách bèo bọt vá víu nhất. Như thế, nền giáo dục của ta làm sao có thể cho ra đời những thế hệ trẻ ưu tú được. Khi mà mọi ấn tượng đầu đời đi học của các em chẳng mấy tốt đẹp gì, tương lai chỉ có thể mù mờ trong quang cảnh bệ rạc và nhếch nhác như ngôi trường của em.
Khi các em lên cấp II, cấp III, mới đầu tư tốt hơn, dạy dỗ đàng hoàng hơn, nhưng tiếc thay, khi ấy tính cách các em đã hình thành thành nếp rồi. Em rắn mặt, cứng đầu thì dạy bảo thế nào cũng vẫn ngang tàng phá phách. Em nhút nhát, thì dù được động viên khích lệ vẫn cứ rụt rè thụ động. Em lười học, thúc bách thế nào cũng vẫn lười, mà bị ép quá bỏ học luôn. Nền giáo dục đòi uốn tre là như vậy: đầu tư không đúng lúc, điều cần và quan trọng hơn thì lại bị coi nhẹ hơn.
Lối giáo dục uốn măng thành đạt
Ai cũng biết nước Nhật, một nước châu Á tương đối gần gũi với Việt Nam ta về văn hóa, quan niệm và lối suy nghĩ, đã từng là nước hoang tàn nghèo đói, như đống tro tàn sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Tuy nhiên, nước Nhật đã vươn lên rất nhanh sau đó, và chỉ mấy chục năm sau đạt đến vị trí nhất nhì thế giới về các mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn minh xã hội…
Hỏi rằng bởi đâu nước Nhật đạt được thành tựu ấy? Trong nhiều nguyên nhân quan trọng, giáo dục được xem là yếu tố hàng đầu đưa họ đến thành công. Không những chú trọng đặc biệt đến giáo dục, họ còn biết cách làm giáo dục rất tuyệt vời. Ở đây không phải là bài nghiên cứu phương pháp giáo dục của người Nhật, nên chỉ xin đưa ra một chi tiết minh họa cho lối giáo dục “uốn măng” đúng đắn của họ.
Ngày mới sang Nhật học, tôi có cảm giác hơi bị “dội” bởi tính khắt khe của họ. Mình ở Việt Nam quen tàng tàng vô kỷ luật, sang nước người học, tính xấu này từ việc đi trễ một vài phút, cho đến “quên” làm bài tập về nhà, đều được các giáo viên “chăm sóc” tận tình. Họ hỏi dồn dập tới bến, nào là hoàn cảnh thế nào, nguyên nhân tại sao, biện pháp khắc phục…, không xuê xoa trả lời chống chế qua loa được. Sang năm học thứ hai, thứ ba, sự khắt khe giảm dần đi nhiều. Tôi mới vỡ lẽ hóa ra giáo viên được chỉ định dạy ở giai đoạn đầu nhập học, lại là giáo viên dạy giỏi nổi tiếng của trường, lập kỷ cương, nền nếp “làm đúng ngay từ đầu”.
Sau có dịp đến thăm các trường phổ thông và tìm hiểu, tôi mới khám phá được rằng, người Nhật cực kỳ chú trọng đến việc giáo dục nền tảng, kiến thức sơ khởi, cũng như việc rèn luyện, uốn nắn ở giai đoạn đầu đời học sinh. Người ta nghiêm khắc rèn cho học sinh vào khuôn phép ngay từ đầu, một thời gian sau, đa số học sinh đã quen với qui tắc, tác phong rồi, thì không cần phải khắt khe nữa. Cụ thể, ngoài việc chuẩn bị nội dung chương trình đào tạo công phu phù hợp thực tiễn và sự phát triển của thời đại ra, họ còn đầu tư trang thiết bị đầy đủ cho các trường tiểu học một cách đặc biệt. Có những thứ, ở các trường cấp trên có thể thiếu, còn cấp cơ sở thì không. Kỷ luật trong việc giữ đúng giờ, học tập, rèn luyện thân thể, tu sửa tính cách được thực thi rất nghiêm khắc.
Không những nhà trường, mà trong gia đình, các bậc làm cha mẹ bên Nhật cũng đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục và chăm sóc con cái họ ngay từ thuở còn thơ. Hãy xem cách những bà mẹ Nhật, dù tất bật với công việc ở công ty, họ vẫn giành thời gian chuẩn bị cho con những hộp cơm trưa thật chu đáo, không những đủ dinh dưỡng mà còn rất sinh động và đẹp mắt.
Tóm lại, phương pháp làm giáo dục của Việt Nam ta hơn nửa thế kỷ nay là chưa tốt, nếu không muốn nói là sai lầm, vì coi nhẹ việc giáo dục bậc tiểu học. Muốn cải thiện, một trong những điều cần làm là hãy tham khảo và học hỏi phương pháp giáo dục đã thành công của người Nhật. Cần tập trung tiền của, công sức và trí tuệ vào việc dạy dỗ, uốn nắn và rèn luyện các thế hệ trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời đi học của các em.
Không có gì mới lạ dưới ánh mặt trời này! Ông bà ta từ xưa đã chẳng truyền phương châm giáo dục “dạy con từ thuở còn thơ” này cho con cháu đó sao?