ngày tháng năm

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Giáo dục Công giáo: Cha mẹ có quyền và bổn phận gì theo Giáo luật?


Đinh Quang Bàng


Có công việc nào quan trọng hơn việc huấn luyện tâm trí và đào luyện các thói quen cho người trẻ?” - Thánh Gioan Kim Khẩu

Các nguyên tắc căn bản về giáo dục Công giáo của Giáo Hội được diễn tả trong các điều 793-795 trong Giáo luật. Thực ra, Giáo luật chỉ luật hóa những điều trình bày trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis ngày 28 tháng 10 năm 1965, viết tắt là GE).

Mục đích của giáo dục Công giáo được xác định tại Điều 795 Giáo luật:


Vì việc giáo dục chân chính phải nhằm mục đích đào tạo toàn diện con người, và dồng thời phải hướng về mục đích tối hậu của con người cũng như lợi ích chung của xã hội cho nên các trẻ em và các thanh thiếu niên phải được đào tạo thế nào để họ có thể phát triển cách hài hòa những tài năng thể lý, luân lý và trí tuệ của mình, để họ có được một ý thức hoàn hảo hơn về trách nhiệm và biết sử dụng đúng đắn sự tự do của mình, và để họ trở thành những người có khả năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội.

Điều 795 diễn tả nội dung chính yếu, tổng quát từ giáo huấn của Vatican II, là giáo dục phải chú trọng đến việc đào tạo con người toàn diện:

Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả di nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục thích hợp với lý tưởng riêng, với cá tính, với sự khác biệt phái tính, một nền giáo dục vừa thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, vừa mở rộng cộng đồng huynh đệ với các dân tộc khác, để cổ võ cho công cuộc hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất. Mục đích của nền giáo dục chân chính là đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của bản thân cũng như lợi ích của các cộng đồng mà họ là thành viên và sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành (GE, 1).

Truy nguyên thêm về nguồn gốc sâu xa, đoạn văn trên của Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo rút ra từ Thông điệp Divini Illius Magistri ngày 31 tháng 12 năm 1929 của Đức Piô XI. Thông điệp này và tuyên ngôn là hai văn kiện quan trọng nhất về giáo dục Công giáo. Quyền và bổn phận căn bản về việc giáo dục con cái của các bậc cha mẹ được được nêu trong thông điệp, để rồi được nhắc lại một cách long trọng trong tuyên ngôn tại Công đồng Vatican II. Văn kiện ở cấp công đồng này là nguồn trực tiếp của các điều luật về giáo dục trong Bộ Giáo luật.

Thật vậy, tuyên ngôn khẳng định:

Vì là người lưu truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận vô cùng quan trọng là giáo dục những người con trong gia đình, và vì thế họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu cha mẹ không làm thì khó có ai có thể bổ khuyết được. Thật vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí tràn đầy tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục toàn diện trong đời sống cá nhân và xã hội của con cái (GE, 3).

Giáo luật thì viết:

Các bậc cha mẹ, cũng như những người thay quyền cha mẹ, có nghĩa vụ và có quyền giáo dục con cái mình (Điều 793.1).

Tương ứng với nghĩa vụ là quyền. Cha mẹ có nghĩa vụ giáo dục con cái thì cũng có quyền được xã hội (bao gồm Giáo hội) giúp đỡ:

Các bậc cha mẹ cũng có quyền được xã hội dân sự giúp đỡ những gì họ cần đến để bảo đảm cho việc giáo dục Công giáo con cái họ (Điều 793.2).

Như một hệ quả của các quyền và bổn phận chung trong lĩnh vực này, các bậc cha mẹ có quyền và bổn phận riêng chọn trường cho con học:

Các bậc cha mẹ Công giáo cũng có nghĩa vụ và cũng có quyền chọn những phương tiện và những trường học, để nhờ đó họ có thể lo liệu việc giáo dục Công giáo cho con cái họ một cách chu đáo hơn, tùy theo hoàn cảnh địa phương (Điều 793.1).

Các bậc cha mẹ phải được thật sự tự do trong việc chọn trường học;bởi vậy các Kitô hữu phải liệu sao cho xã hội dân sự công nhận các bậc cha mẹ có quyền tự do ấy , đồng thời bảo vệ quyền tự do ấy, kể cả bằng những trợ cấp dựa vào đức công bình phân phối (Điều 797).

Với tư cách là “những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu”, ta có năng chu toàn và kiểm điểm bản thân xem mình đã, đang thực hiện nhiệm vụ này như thế nào không?

Với tư cách là người chọn bậc sống độc thân dâng mình cho Chúa, ta đã, đang làm gì để giúp đỡ “những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu” này?

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks