ngày tháng năm

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta [i]

Ngọc Huân

Việc giáo dục không phải chỉ thời đại chúng ta mới có, ngay từ khi có con người thì liền với nó đã có sự giáo dục. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, chúng ta phải thật sự nghiêm túc nhìn lại cách chúng ta giáo dục thế hệ tương lai. Chúng ta đang giáo dục điều gì và phẩm giá con người ở đâu cả trong phương pháp và môi trường giáo dục của chúng ta hiện nay?

Thời gian gần đây trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài “cha xích cổ con vào gốc cây vì quá nghịch”. Nội dung là vì đứa con quá nghịch ngợm, đến nỗi người cha đã ba lần xích cổ vào cây để trừng phạt, lần thứ ba thì em sợ quá, dứt đứt dây xích và bỏ trốn. Không chỉ có người cha này, mà hiện nay còn nhiều bậc cha mẹ khác nữa cũng đang giáo dục con theo hình thức trừng phạt, hoặc ít là lấy lời nói, uy lực để áp đặt lên con. Đó là trong gia đình, còn trong môi trường giáo dục nhà trường thì sao? Bạo lực học đường vẫn đang diễn ra hàng ngày, phạt học sinh đứng trước lớp vì lý do nào đó vẫn không hiếm. Việc ép học sinh viết đơn xin học thêm, chạy theo thành tích, điểm số vẫn đang diễn ra thường xuyên tại nhiều trường. Điều này làm cho các em phải học tập một cách vất vả và làm việc như một cỗ máy.

Điều chúng ta phải suy nghĩ là từ gia đình, nhà trường đến xã hội đang giáo dục cho các em những kiến thức gì? Chúng ta đã bao giờ đề cao phẩm giá con người trong việc giáo dục, và làm thế nào để các em hiểu và sống đúng phẩm giá con người của mình? Là cha mẹ và những người hữu trách, chúng ta đã bao giờ coi trọng nhân phẩm của các em chưa? Hay chúng ta chỉ làm theo cách mà chúng ta cho là đúng, chúng ta dạy con em của mình bằng cách áp đặt ý muốn và quyền lực lên chúng. Phẩm giá của con em chúng ta ở đâu trong cái nhìn của người lớn?

Trước hết chúng ta biết phẩm giá con người được thể hiện trong sự yêu thương của Thiên Chúa. Là người Công Giáo hẳn biết rõ điều này, là chúng ta đang mặc lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài đã trao ban cho chúng ta quyền làm con và được gọi Ngài là Cha. Ngài đã ban cho chúng ta nhân phẩm cao quý, điều này được thể hiện qua cách Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài không hề tạo dựng một cách hời hợt mà đã có sự chuẩn bị, bàn hỏi kỹ lưỡng: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 2,26). Thiên Chúa tạo dựng con người mà sách Sáng Thế mô tả rất chi tiết, Người lấy đất, nặn, thổi hơi... qua những hành động này Thiên Chúa đã “thổi” vào đó tình yêu của mình dành cho con người. Con người không phải là một tai nạn trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, lại càng không phải là một thảm họa, mà là kết quả của một tình yêu. Ngài đề cao chúng ta bằng cách đặt để chúng ta làm quản gia nhà Ngài. Thiên Chúa ban cho con người có phẩm giá tự nhiên và siêu nhiên, nhờ đó con người biết phân biệt tốt xấu. Đồng thời con người nhờ phẩm giá cao quý đó, biết nhận ra sự kỳ công của Thiên Chúa trong trật tự vũ trụ, biết tôn trọng và biết sống theo lý tưởng mà Thiên Chúa muốn.

Thứ đến là phẩm giá con người được thể hiện nơi chính mình, qua suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Giáo dục là làm cho con người mỗi ngày một trở nên hoàn thiện hơn, qua đó con người phản chiếu một cách đầy đủ về hình ảnh của Thiên Chúa cho anh chị em. Đó là cách mà chúng ta bộc lộ tình yêu của Thiên Chúa, Ngài đã lồng ghép vào trong tim mỗi người, để trái tim ấy biết yêu thương, nhờ đó có khả năng biến đổi mình và người khác. Cả phẩm giá của người cha và con trai nói trên đều đã không được coi trọng một cách xứng đáng. Người cha đương nhiên không phải sinh ra để trừng phạt con mình, và người con sinh ra trên đời, dù trong hoàn cảnh nào thì cũng không phải để bị đánh đập và xiềng xích như thế.

Chúng ta không xa lạ gì với việc một người cha hay người mẹ cầm gậy đánh con, và cũng chẳng xa lạ gì một học sinh bị phạt vì nghịch phá. Hành vi này không làm cho đứa trẻ lớn lên, mà trái lại nó cho chúng ta thấy một nhu cầu căn bản nhất của một con người, cho dù chỉ là một em nhỏ chưa được đáp ứng, đó là “nhu cầu về sự tôn trọng”. Khi chúng ta tôn trọng người khác thì chính là lúc chúng ta tôn trọng phẩm giá con người của họ và của chính mình. Ở các nước tiên tiến, khi một đứa trẻ ra đời, thường có người cha đứng bên người mẹ. Điều này nói lên trách nhiệm, sự đồng cam cộng khổ của chồng đối với vợ, đồng thời nói lên sự yêu thương và tôn trọng đứa con của họ.

Lương tâm và phẩm giá con người luôn đi liền với nhau, nếu chúng ta làm theo tiếng lương tâm thì phẩm giá sẽ được nâng cao. Khi xã hội xảy ra nhiều tội ác, thì có nghĩa là nhiều người đã không nghe theo tiếng lương tâm và tôn trọng phẩm giá của mình. Vậy chúng ta phải giáo dục thế nào để phẩm giá con người được nâng cao?

Hãy giáo dục theo phương pháp của Thiên Chúa, mà cụ thể là Chúa Giêsu. Ngài ban cho con người có tự do và ý chí, Ngài không cầm tay ép buộc, trái lại rất tôn trọng. Tự do thể hiện phẩm giá cao cả của con người, vì thế Ngài nâng cao phẩm giá chúng ta bằng cách để chúng ta tự do hoàn toàn, và Ngài chỉ giáo dục chúng ta bằng lời. Hơn nữa, Chúa Giêsu luôn tin tưởng rằng chúng ta có khả năng thay đổi: “con hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúng ta có làm như thế hay không? Có tôn trọng tự do đủ hay không? Làm thế nào để chúng ta đề cao được phẩm giá của người khác khi mang trọng trách giáo dục họ?

Điều đó trước tiên phải được thể hiện trong suy nghĩ của mình về phẩm giá con người. Nếu chúng ta không ý thức được phẩm giá của mình là cao quý, thì làm sao có thể tôn trọng phẩm giá của người khác. Mỗi người chúng ta chỉ có một trên đời mà thôi, và không ai giống mình. Cũng vậy, vị trí và vai trò của mình là duy nhất trước mặt Thiên Chúa, dù cao trọng như Đức Thánh Cha cũng không thể thay thế mình. Chúng ta có thể khác nhau về nơi sinh, chốn ở, năng lực, màu da, mái tóc… nhưng đều có chung hai từ đó là “con người”. Chính vì thế chúng ta phải tôn trọng phẩm giá của nhau.

Dùng lời nói yêu thương là một điều cần thiết trong việc giáo dục, một đứa trẻ sẽ không thấy mình có giá trị gì, khi cha mẹ thường xuyên nói với nó những lời thóa mạ. Ai đã cho chúng ta quyền sỉ nhục người khác, bất luận đó là con của mình? Điều đó không có nơi Thiên Chúa thì tại sao lại có nơi môi miệng chúng ta? Trái lại, việc khen thưởng đúng luôn là một việc làm cần thiết để giúp trẻ biết mình có giá trị, và từ đó hiểu được mọi người cũng có giá trị như mình. Vì thế cách chúng ta dùng lời nói, để giúp một đứa trẻ ý thức về phẩm giá của chúng và của người khác chẳng phải là cách làm cần thiết đó sao?

Nếu như suy nghĩ và lời nói là cần thiết, thì hành vi của chúng ta trong giáo dục cũng không hề kém phần quan trọng. Nếu ta trừng phạt con thế nào, thì chúng sẽ lớn lên như thế. Một đứa trẻ khi lớn lên không thể nào hãnh diện về cách thức cha mẹ trừng phạt chúng khi còn nhỏ, nhưng thật tồi tệ là chúng sẽ sẵn sàng làm như thế với con của chúng, chỉ đơn giản là vì chúng đã được dạy như thế. Khi vì một sai lỗi gì đó của con trẻ, ta phạt bằng cách xúc phạm con, thì có nghĩa ta đã không tôn trọng danh dự và chưa đặt phẩm giá của con đúng với bản chất của nó trước mặt Chúa. Khi cha mẹ đánh hay la mắng con, thì cũng là lúc cha mẹ đang dạy cho con rằng: “cha mẹ hoặc bất cứ ai đều có quyền đối xử với chúng như vậy, đồng thời cũng dạy cho chúng biết chúng hoàn toàn có thể đối xử như thế với bạn bè và với những ai có thể”. Người lớn luôn có ảnh hưởng giáo dục đến trẻ em, nếu như hành vi của chúng ta không thể hiện được chúng ta đang tôn trọng phẩm giá của mình thì trẻ em cũng sẽ học tập điều đó. Quả là phản giáo dục khi cha mẹ nghiện ngập, rượu chè, bê tha, … vì nó không cho thấy họ đang tôn trọng bản thân mình.

Khoa học và xã hội thì luôn biến đổi, nhưng Thiên Chúa và phẩm giá con người thì không biến đổi. Tất cả các lĩnh vực này đều phải được giáo dục, nhưng làm việc nào trước thì chúng ta đã rõ. Xã hội ngày nay có nhiều tội ác là vì chúng ta chỉ chú tâm giáo dục những gì luôn biến đổi, mà quên đi việc giáo dục và nâng cao vị thế của những gì bất biến là Thiên Chúa và giá trị con người. Khi chúng ta không ý thức được phẩm giá con người mình, làm sao có thể tôn trọng những tài nguyên giá trị của đất nước, con người và mọi loài thụ tạo trong thiên nhiên.

Phẩm giá con người chỉ được thể hiện trong tình yêu, mà tình yêu thì không bao giờ chung đường với sự trừng trị và tước đoạt. Trong tình yêu, phẩm giá con người được nâng cao và đi đến sự hoàn thiện. Một nguyên tắc vàng mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đó là: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31). Chúng ta cũng hãy làm như thế, để tôn trọng phẩm giá của người khác trong cách giáo dục của mình.


[i] St 2,26

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks