TT - Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại. Ngày 3-10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức tăng trưởng 2012 của Trung Quốc từ 8,7% còn 7,7%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Thời kỳ tăng trưởng hai con số ở Trung Quốc “sắp kết thúc”, như chuyên gia kinh tế Changyong Rhee của ADB nhận định.
Toàn cảnh tai nạn tàu lửa ở Ôn Châu ngày 23-7-2011 - Ảnh: AFP |
Sự giảm tốc này đang được nhìn nhận và đánh giá như thế nào từ bên ngoài lẫn bên trong Trung Quốc?
Từ hiểm họa vàng đến hiểm họa trẻ!
Nhìn từ góc độ bên ngoài, qua báo chí thế giới, dường như thời khắc này đang được cảm nhận với một dự cảm đầy lo âu!
Báo Le Courrier International của Pháp, trong xã luận ngày 4-10 cho rằng Trung Quốc từ “hiểm họa vàng” đang chuyển dịch đến “hiểm họa trẻ” như chính tựa bài báo này. Vào cuối thế kỷ 19, như báo này viết, Trung Quốc từng khiến phương Tây lo sợ với một “làn sóng vàng”. Lúc đó để đối phó, giới chủ châu Âu đã phải dựng lên con ngáo ộp “lao động (da) vàng” và kịch liệt lên án nó “đã gây thiệt hại lớn cho lao động (da) trắng bởi sẵn sàng chấp nhận những mức lương thấp tàn mạt”, như nhà xã hội học Jacques Novikow từng báo động vào năm 1879.
30 năm tăng trưởng hai con số của Trung Quốc vừa qua cũng làm dấy lên một lo sợ tương tự. Ba thập niên qua, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng lên gấp 12 lần, kéo nửa tỉ người Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói. Vào đầu những năm 1990, ông Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của cuộc cải cách ở Trung Quốc, đã kêu gọi “Hãy làm giàu”. Rõ ràng là với một nguồn lao động dường như bất tận, đất nước này đã bước lên vị trí trở thành nền kinh tế số 2 thế giới.
Thế nhưng, theo báo này, không chắc là ngày mai hay ngày mốt đi nữa Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ. Bởi vì đầu tàu tăng trưởng này đang cho thấy những dấu hiệu mệt mỏi, và đó chính là do cơ cấu dân số của nó. Những hậu quả của chính sách một con được đưa ra vào cuối những năm 1970 đã làm cho tháp dân số bị bóp méo với phần đáy ngày càng thu hẹp trong khi phần ngọn tháp ngày càng phình lớn. Với lực lượng lao động tích cực xã hội ngày càng ít đi, còn số người già ngày càng nhiều thêm, Trung Quốc đang già nhanh.
Bài báo kết luận: “Đúng là một tin xấu cho sự tăng trưởng của Trung Quốc và ngân sách dành cho người về hưu. Ông Tập Cận Bình, người được dự báo là nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với hiểm họa trẻ”.
“Đông đảo người dân bị bỏ lại phía sau”!
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc lại đang tự hỏi về tiến trình hiện đại hóa với bước đi siêu tốc vừa qua. Liệu sự tăng trưởng như thế có đem lại hạnh phúc? Giới quan sát nước ngoài ghi nhận từ “giảm tốc” đã đột nhiên xuất hiện trong ngôn ngữ truyền thông Trung Quốc và lần đầu tiên người Trung Quốc cũng tự hỏi về những biến động lớn đang diễn ra trong đời sống xã hội của mình từ tốc độ điên đảo này mang đến.
Báo chí Trung Quốc đang nhắc lại một thời khắc: ngày 23-7-2011 lúc 20g27. Ngày ấy, tàu cao tốc D 301 nối liền Bắc Kinh - Ôn Châu đã đâm vào đuôi đoàn tàu siêu tốc D3115 đang đi từ Hàng Châu về Phúc Châu. Bốn toa tàu của D301 rơi từ trên cầu vượt cao xuống bên dưới. Tai nạn thảm khốc này đã giết chết ít nhất 40 người và làm 210 người bị thương.
Sau tai nạn, người ta mới moi ra một số thứ từng được xem là niềm tự hào vô biên của Trung Quốc. Nhân Dân Nhật Báo ngày 14-12-2010 đăng bài về Lý Hiểu Đông, một nhân vật được cho là tiên phong trong phát triển tàu siêu tốc ở Trung Quốc, với những lời lẽ huênh hoang về những kỷ lục. “Sau 10 ngày, chúng ta cần phải đưa tàu siêu tốc 350km/giờ đầu tiên này quay về Bắc Kinh” - ông ta tuyên bố. Chuyên gia Đức Max khẳng định trong 10 ngày tàu siêu tốc này có thể quay về Bắc Kinh, nhưng xét về góc độ an toàn, tốt hơn nên đem một đầu kéo khác lôi tàu này về.
Chỉ riêng việc xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải dài hơn 1.300km phải mất đến năm năm theo kế hoạch ban đầu mới đảm bảo an toàn. Song, Trung Quốc đã hoàn thành chỉ trong thời gian 2 năm 7 tháng để lập kỷ lục mới trên thế giới là “một Trung Quốc đang phát triển thần tốc”. Với thời gian ngắn như vậy, ở nước ngoài còn chưa đủ thời gian để chờ nền đường lún tự nhiên. “Tài xế” Lý Hiểu Đông đã hùng hồn tuyên bố: “Chúng ta đánh cược nhé, chỉ sau 10 ngày chúng tôi không chỉ học được cách điều khiển đoàn tàu mà còn đưa nó về Bắc Kinh”.
Bình luận về cái giá của tốc độ này, Thời Báo Thanh Niên ngày 4-10-2012 cho rằng Trung Quốc cứ muốn làm nhanh làm lớn! Song đường sắt cao tốc không hoàn toàn là phương tiện phổ biến vì nhiều lý do. Trước hết là đắt: vào dịp cuối năm, muốn mua vé tàu cao tốc thì cực kỳ khó, nhiều chuyến tàu cao tốc lại vẫn chạy mà vắng tanh vì không có khách!
“Hình ảnh những toa tàu trống không đang chạy hết tốc lực được xem là một ẩn dụ của thời đại chúng ta, đó là sự phát triển siêu tốc đang bỏ lại phía sau đông đảo người dân Trung Quốc” - báo này viết. “Và những người dân này không chỉ bị bỏ lại phía sau, họ đang phải gánh chịu những cái giá khủng khiếp liên quan đến tàu siêu tốc. Họ phải trả giá đắt cho ô nhiễm môi trường, an toàn và cả những nguồn tài chính. Họ, với tư cách là những công dân Trung Quốc, đang âu lo về sự phát triển “nhanh” của những tuyến đường tàu cao tốc này, bởi đằng sau khái niệm tốc độ này đang ẩn giấu một sự nôn nóng quá lớn cứ muốn làm những việc vĩ đại!”
MỸ LOAN - T.N.
Nguồn tuoitre
Lời kêu gọi của Thời báo Thanh Niên“Đất nước Trung Quốc ơi, xin hãy chậm bước lại! Đừng chạy với tốc độ như thế! Xin đứng đợi nhân dân mình! Xin ráng đợi cái hồn của mình! Ráng chờ cái đạo đức của mình! Ráng chờ cái lương tri của mình! Đừng để những con tàu trật đường ray! Đừng để những cây cầu bị sập! Đừng để những con đường biến thành những cái hố tử thần! Đừng để những ngôi nhà trở nên nguy hiểm! Xin hãy đi chậm lại, để mỗi một công dân đều được bình an vô sự khi về điểm đến, để tự do và nhân phẩm của mọi người được tôn trọng và để không một công dân nào bị thời đại của mình bỏ rơi”.