ĐGH Bênêđictô XVI
Bản dịch của nhóm Thiện Chí
Lời nói đầu
Từ lâu tôi đã ấp ủ dự định viết một quyển sách về Đức Giêsu, và nay tôi trình bày với công chúng phần đầu của quyển này. Khi tôi đang lớn lên – vào những năm 1930 và 1940 – đã có một loạt các tác phẩm đầy cảm hứng về Đức Giêsu như của: Karl Adam, Romano Guardini, Franz Michel Willam, Giovanni Papini, và Henri Daniel-Rops, đó mới chỉ là một vài tác giả mà ta có thể nêu tên. Tất cả các sách này đều dựa vào các Phúc Âm để vẽ nên chân dung Đức Giêsu Kitô. Các sách này trình bày Người là một con người sống trên trái đất, mặc dù hoàn toàn là người thật, nhưng đồng thời còn đưa Thiên Chúa đến với loài người, vị Thiên Chúa mà Người với tư cách là Con cũng là một với Ngài. Như vậy, qua con người Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình, và nhờ thế mắt chúng ta có thể nhìn thấy con người hoàn hảo.
Nhưng tình thế bắt đầu thay đổi trong những năm 1950. Khoảng cách giữa “Đức Giêsu lịch sử” và “Đức Kitô của đức tin” trở nên rộng hơn và cả hai tách rời nhau một cách rõ ràng. Bởi vậy, nếu con người Giêsu khác hoàn toàn với hình ảnh mà các tác giả Phúc Âm khắc hoạ về Người và khác với hình ảnh mà Giáo Hội, dựa trên chứng cứ của các sách Phúc Âm, lấy làm cơ sở cho sự rao giảng của mình, thì niềm tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô, niềm tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, còn có nghĩa lý gì?
Khoa nghiên cứu phê bình - lịch sử tiến triển đã đem đến những sự phân biệt ngày càng tinh tế hơn giữa các tầng lớp lưu truyền trong các Phúc Âm, mà ở bên dưới các sự phân biệt này, đối tượng thật sự của đức tin – nhân vật [Gestalt] Giêsu – càng trở nên lu mờ và tối tăm hơn. Đồng thời, những việc tái hiện nhân vật Giêsu này (là người mà ta chỉ có thể khám phá bằng cách theo đuổi nghiên cứu các truyền thống và các nguồn được các tác giả Phúc Âm sử dụng), càng ngày càng trở nên không tương hợp với nhau: ở đầu này của bức tái hiện này, Đức Giêsu là nhà cách mạng chống Rôma, tìm cách lật đổ các quyền lực đang cai trị – mặc dù cuối cùng thất bại; ở đầu kia, Người là một vị thầy luân lý hiền lành chấp nhận mọi thứ và chịu đau khổ một cách khó hiểu. Nếu bạn đọc lần lượt một số trong những bản tái hiện này, bạn thấy ngay rằng, chúng hoàn toàn không giúp khám phá một hình tượng đã bị thời gian che khuất, mà lại rất giống những bức ảnh chụp của các tác giả làm theo những lý tưởng mà họ chủ trương. Từ đó trở đi có một sự hoài nghi ngày càng gia tăng về những bức chân dung này của Đức Giêsu, còn gương mặt của chính Đức Giêsu cũng vì lý do đó đã lùi ra xa và mất hút.
Tất cả những nỗ lực này đã đưa đến một kết quả chung: người ta như có ấn tượng rằng mình thật sự biết rất ít về Đức Giêsu và cho rằng chỉ vào một giai đoạn sau này niềm tin vào thần tính của Người mới hình thành nên hình ảnh mà ta đang có về Người. Ấn tượng này đến nay đã ăn sâu vào tâm trí của các người Kitô hữu nói chung. Đây là một tình huống bi đát cho đức tin, vì điểm quy chiếu của đức tin đang bị hoài nghi: tình bạn mật thiết với Đức Giêsu, trên đó mọi thứ đều tùy thuộc vào, có nguy cơ như đang bám víu vào khoảng không.
Rudolf Schnackenburg có lẽ là nhà chú giải Kinh Thánh Công giáo lỗi lạc nhất viết bằng tiếng Đức vào nửa sau của thế kỷ thứ 20. Vào cuối đời ông, cuộc khủng hoảng vây quanh lấy đức tin này rõ ràng đã gây một ấn tượng sâu xa trên ông. Đứng trước sự thiếu sót của tất cả những bản chân dung về Đức Giêsu “lịch sử” do khoa chú giải cận đại đem lại, ông cố gắng viết nên một tác phẩm vĩ đại cuối cùng: Đức Giêsu trong các Phúc Âm: Một môn Kitô học Kinh Thánh. Quyển sách nhằm giúp các Kitô hữu “ngày nay đã bị bất an trước việc nghiên cứu khoa học và thảo luận phê bình, sao cho họ có thể giữ vững niềm tin vào Con Người Giêsu Kitô trong cương vị người mang đến ơn cứu rỗi và Đấng Cứu độ thế giới” (tr. x). Cuối sách, Schnackenburg tóm tắt kết quả của cả một đời nghiên cứu: “Một cái nhìn đáng tin về nhân vật lịch sử Giêsu Nazareth qua nỗ lực nghiên cứu khoa học bằng các phương pháp phê bình - lịch sử chỉ có thể đạt được một cách bất thoả đáng” (tr. 316); “những nỗ lực chú giải theo khoa học nhằm xem xét các truyền thống này và lần theo dấu vết đến những gì khả tín về mặt lịch sử” kéo ta “vào một cuộc tranh luận liên miên không bao giờ dứt về truyền thống và lịch sử biên soạn” (tr. 318).
Trình thuật của ông về nhân vật Giêsu chịu một sự căng thẳng nào đó vô phương giải quyết vì những giới hạn của phương pháp mà ông buộc phải sử dụng mặc dù phương pháp có những bất cập của nó. Schnackenburg cho chúng ta thấy hình ảnh của Đức Kitô nơi các sách Phúc Âm, nhưng ông xem hình ảnh đó là sản phẩm của nhiều lớp lưu truyền, qua đó con người Giêsu “thật” chỉ có thể thoáng nhìn thấy từ xa. Ông viết: “Giả thiết phải có nền tảng lịch sử trước đã và rồi mới được thay thế bằng cái nhìn đức tin của các tác giả Phúc Âm” (tr. 321). Bây giờ, không ai nghi ngờ điều đó; điều còn không rõ là “nền tảng lịch sử” thực sự trải dài đến đâu. Nói thế, Schnackenburg làm nổi bật điểm then chốt, mà ông xem là sự kiện lịch sử xác thực: sự liên hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa và sự gần gũi của Người với Thiên Chúa (tr. 322). “Không gắn kết sâu xa với Thiên Chúa, con người Giêsu mờ ảo, không có thực và không tài nào giải thích được” (tr. 322).
Đây cũng là điểm quanh đó tôi sẽ kiến tạo tác phẩm của mình. Điểm này nhìn Đức Giêsu dưới ánh sáng sự hiệp thông của Người với Chúa Cha, sự hiệp thông này là trung tâm thực cá tính của Người; không có sự hiệp thông này, ta không hiểu Người chút nào, và từ trung tâm này Người vẫn còn hiện diện với ta ngày nay.
Chắc chắn, tôi quyết cố gắng để đi xa hơn Schnackenburg trong phần trình bày của mình về Đức Giêsu. Vấn đề với trình thuật của Schnackenburg về mối liên hệ giữa các truyền thống Tân Ước và các sự kiện lịch sử nổi bật lên rất rõ đối với tôi, khi ông viết rằng các sách Phúc Âm “muốn, như lẽ ra phải làm, mặc xác thể vào cho Con Thiên Chúa huyền nhiệm xuất hiện trên trái đất” (tr. 322). Tôi muốn đáp lại rằng các sách đó không cần “mặc xác thể vào cho Người”, vì Người đã thực sự mặc lấy xác thể. Dĩ nhiên, vẫn còn đó câu hỏi: Liệu có thể tiếp cận xác thể này qua một rừng dày đặc các lưu truyền?
Trong lời nói đầu trong quyển sách của mình, Schnackenburg bảo ta rằng ông cảm thấy mang ơn phương pháp phê bình - lịch sử, đã được phép dùng trong thần học Công giáo kể từ khi cửa đã mở ra cho phương pháp đó bởi thông điệp Divino Afflante Spiritu (Dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần) năm 1943 (tr. ix). Thông điệp này là một cột mốc quan trọng cho môn chú giải Thánh Kinh Công giáo. Tuy nhiên, từ đó đến nay cuộc tranh luận về phương pháp luận không ngớt tiếp diễn cả bên trong và bên ngoài Giáo Hội Công giáo. Đã có những khám phá mới về mặt phương pháp luận – cả trong vấn đề nghiên cứu lịch sử thuần túy lẫn trong vấn đề tương giao giữa thần học và phương pháp lịch sử trong việc giải thích Kinh Thánh. Dei Verbum, Hiến chế Tín lý về Thánh Mạc khải của Công đồng Vatican II, đã thực hiện một bước tiến quyết định. Ngoài ra, hai văn kiện của Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh truyền đạt những kiến thức quan trọng đã chín muồi trong quá trình tranh luận giữa các nhà chú giải: Việc Giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (Vatican City, 1993) và Dân Do Thái và các Sách Thánh của Dân Do Thái trong Kinh Thánh Kitô giáo (Vatican City, 2001).
Tôi muốn vẽ phác ít nhất là những nét chấm phá, rút ra từ những văn kiện này, về phương pháp luận đã hướng dẫn tôi trong việc viết quyển sách này. Điểm thứ nhất là phương pháp phê bình - lịch sử – cụ thể do bản chất nội tại của thần học và đức tin – là và vẫn là một chiều kích không thể thiếu được của việc chú giải. Vì bản chất của đức tin dựa trên Kinh Thánh là tin vào các sự kiện có thực trong lịch sử. Kinh Thánh không kể những câu chuyện biểu tượng cho những chân lý nằm ngoài dòng chảy lịch sử, mà Kinh Thánh dựa trên chính lịch sử, lịch sử đã diễn ra trên mặt đất này. Factum historicum (sự kiện lịch sử) không phải là mật mã mang tính biểu tượng có thể hoán chuyển với đức tin theo Kinh Thánh, mà là nền tảng trên đó đức tin được xây dựng: Et incarnatus est (và Ngôi Lời đã làm người) – khi chúng ta thốt lên lời này, chúng ta thừa nhận Thiên Chúa trong thực tế đã bước vào lịch sử con người.
Nếu chúng ta bỏ qua một bên lịch sử này, đức tin Kitô giáo như thế biến mất và chỉ được xem như một tôn giáo nào khác. Vì thế, nếu lịch sử, nếu tính xác thực theo nghĩa này, là một chiều kích thiết yếu của đức tin Kitô giáo, thì đức tin phải đối mặt với phương pháp lịch sử – thật vậy, chính đức tin đòi hỏi điều này. Tôi đã đề cập đến Hiến chế của Công đồng về Thiên Chúa Mạc khải; đoạn 12 của Hiến chế đã nói rõ ý trên và còn liệt kê một số yếu tố cụ thể của phương pháp phê bình-lịch sử cần được lưu ý khi giải thích Kinh Thánh. Tài liệu của Uỷ ban Giáo hoàng Kinh Thánh về việc giải thích Kinh Thánh còn phát triển ý trên đầy đủ hơn nữa trong chương có nhan đề “Các Phương pháp và Hướng dẫn cho việc Giải thích”.
Tôi xin nhắc lại rằng, xét về cơ cấu của đức tin Kitô giáo, phương pháp phê bình-lịch sử là công cụ thiết yếu. Nhưng chúng ta cần thêm hai điểm. Phương pháp này là một chiều kích căn bản của công tác chú giải, nhưng không được để nó loại trừ phận vụ giải thích của một người nhìn các bản văn Thánh Kinh như một bộ Sách Thánh duy nhất được Thiên Chúa linh hứng. Chúng ta sẽ phải quay lại bàn sâu hơn về điểm này trong giây lát.
Hiện nay, điều quan trọng là – và đây là điểm thứ hai – cần nhận ra những giới hạn của bản thân phương pháp phê bình-lịch sử. Đối với người xem Kinh Thánh trực tiếp nói với mình hôm nay, khuyết điểm đầu tiên của phương pháp là do tự bản chất, phương pháp phải đặt lời Kinh Thánh trong quá khứ. Đó là một phương pháp lịch sử, và như thế có nghĩa nó điều tra bối cảnh vào lúc đó của các sự kiện trong đó các bản văn nảy sinh. Nó cố gắng nhận diện và hiểu quá khứ – như thực sự xảy ra – đến mức chính xác nhất có thể để tìm ra điều tác giả có thể đã nói và có ý nói trong bối cảnh tâm thức và các sự kiện của thời đó. Theo mức độ trung thành với chính mình, phương pháp lịch sử không chỉ xem xét lời Kinh Thánh như một điều của quá khứ, mà còn để lời ấy ở lại trong quá khứ. Phương pháp có thể nhìn thoáng qua các điểm tiếp xúc với hiện tại, và có thể áp dụng lời Kinh Thánh vào hiện tại; một điều mà phương pháp này không thể làm được là làm cho lời này thành hiện tại ngày hôm nay – vì như thế là bước quá ranh giới của mình. Tính chính xác trong khi giải thích thực tại quá khứ vừa là điểm mạnh vừa là giới hạn của phương pháp này.
Điều này liên kết với một điểm nữa. Vì là một phương pháp lịch sử, nó giả định trước bối cảnh trong đó tuần tự diễn ra các sự kiện lịch sử. Do đó nó phải xem lời Kinh Thánh đang tìm hiểu là lời con người. Khi suy nghĩ đào sâu, nó có thể nhận thấy một điều gì đó có “giá trị sâu xa” mà lời chứa đựng. Theo một nghĩa nào đó nó có thể bắt được những âm thanh có chiều kích cao hơn qua lời của con người, và như thế mở ra cho phương pháp tự vượt lên chính mình. Nhưng đối tượng cụ thể của phương pháp lịch sử là lời của con người và thuần tuý con người.
Cuối cùng, phương pháp này xem xét các quyển sách Kinh Thánh trong bối cảnh khoảng thời gian lịch sử của mỗi cuốn, và sau đó phân tích thêm dựa trên nguồn gốc của chúng. Tuy nhiên, nó không thể công nhận tính thống nhất của các văn bản này làm thành một bộ “Kinh Thánh” như là một dữ kiện lịch sử trực tiếp. Dĩ nhiên nó có thể xem xét các diễn tiến, sự phát triển của các truyền thống, và theo nghĩa này, có thể thấy các văn bản riêng lẻ nối kết với nhau thành một bộ “Sách Thánh” như thế nào. Tuy vậy, phương pháp này luôn phải bắt đầu bằng cách quay về với nguồn gốc của từng bản văn, nghĩa là đặt các bản văn vào bối cảnh quá khứ của chúng, cho dù phương pháp tiến đến chỗ bổ sung sự truy nguyên này bằng cách theo dõi quá trình qua đó các bản văn sau này được tập hợp.
Chúng ta phải nhớ rằng tất cả những cố gắng để tìm biết quá khứ đều có giới hạn: Chúng ta không bao giờ có thể vượt thoát phạm vi giả thuyết, đơn giản vì chúng ta không thể mang quá khứ về hiện tại. Chắc chắn, một số giả thuyết nào đó có mức độ chính xác cao, nhưng nhìn chung chúng ta cần ý thức về hạn chế của những điều mình cho là chắc chắn – thật vậy, lịch sử của khoa chú giải hiện đại đã cho ta thấy rõ ràng giới hạn này.
Cho đến giờ, chúng ta đã bàn, một mặt, về tầm quan trọng của phương pháp phê bình-lịch sử và, mặt khác, về hạn chế của phương pháp. Tôi hy vọng rằng dù có khuyết điểm, bản chất nội tại của phương pháp này sẽ giúp nó vượt lên chính mình và ẩn tàng trong chính nó khả năng mở ngõ cho các phương pháp bổ sung. Trong những lời này thuộc quá khứ, chúng ta có thể nhận ra được câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của chúng cho hôm nay; vẫn nhận ra một giọng nói lớn hơn các tiếng vang của các lời của con người trong Kinh Thánh; và nhận ra các bản văn riêng lẻ [Schrifte] của Kinh Thánh quy hướng về tiến trình sống động hình thành nên một Kinh Thánh duy nhất [Schrift].
Thật vậy, việc nhận thức ra điểm cuối này cách đây khoảng ba mươi năm về trước đã đưa các học giả Mỹ đến việc phát triển dự án “chú giải theo quy điển”. Mục tiêu của việc chú giải này là đọc các bản văn riêng lẻ trong tính tổng thể của một bộ Sách Thánh, để rồi điều này sẽ chiếu ánh sáng mới trên tất cả các bản văn riêng lẻ này. Đoạn 12 của Hiến chế của Công đồng Vatican II về Thiên Chúa Mạc khải đã nhấn mạnh rất rõ điểm này như một nguyên tắc căn bản trong việc chú giải thần học: Ai muốn hiểu Kinh Thánh đúng theo tinh thần của văn bản, phải chú tâm đến nội dung và tính thống nhất của Kinh Thánh như một tổng thể. Công đồng còn nhấn mạnh nhu cầu phải xét đến truyền thống sống động của toàn thể Giáo Hội và tính tương hợp của đức tin (các sự đáp ứng nội tại trong đức tin).
Bây giờ chúng ta hãy bàn sâu một chút về tính thống nhất của Kinh Thánh. Đây là một dữ kiện thần học. Thế nhưng không thể chỉ đơn giản áp đặt từ bên ngoài tính thống nhất này lên một tổ hợp các văn bản tự bản chất là khác nhau. Khoa chú giải hiện đại đã đưa ra ánh sáng quá trình đọc đi đọc lại không ngừng đã làm nên những lời được truyền trong Kinh Thánh thành Sách Thánh: Các bản văn cũ được lấy lại, được giải thích lại và được đọc với cái nhìn mới trong các ngữ cảnh mới. Chúng trở thành Sách Thánh bằng cách đọc lại một lần nữa, tiến hoá liên tục từ ý nghĩa nguyên thuỷ, được chỉnh sửa âm thầm và được thêm vào chiều sâu và chiều rộng của ý nghĩa. Đây là một quá trình trong đó lời dần dần mở ra những tiềm năng nội tại của nó, đã hiện diện một cách nào đó rồi như các hạt giống được gieo có thể mở ra khi có sự thách thức của các hoàn cảnh mới, các kinh nghiệm mới và các nỗi thương đau mới.
Tiến trình này chắc chắn không theo đường thẳng, và thường thì bi đát nhưng khi bạn nhìn nó diễn ra dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô, bạn có thể thấy nó di chuyển về một hướng duy nhất; bạn có thể thấy rằng Cựu Ước và Tân Ước thuộc về nhau. Cách chú giải quy Kitô này, xem Đức Giêsu Kitô là chìa khóa cho tổng thể và học hỏi từ Người cách hiểu Kinh Thánh là một sự thống nhất, đòi hỏi trước hết phải có một hành vi đức tin. Cách chú giải quy Kitô không thể là kết quả của một phương pháp lịch sử thuần túy. Thế nhưng, hành vi đức tin này dựa trên lý trí – lý trí lịch sử – nhờ đó ta có thể thấy tính thống nhất nội tại của Sách Thánh. Cũng thế, cách chú giải quy Kitô giúp ta hiểu một cách mới mẻ các yếu tố riêng lẻ đã hình thành nên Sách Thánh, mà không bỏ mất cội nguồn lịch sử của Sách Thánh.
“Chú giải theo quy điển” – cách đọc các bản văn riêng lẻ của Kinh Thánh trong bối cảnh tổng thể – là một chiều kích thiết yếu của việc chú giải. Chú giải theo quy điển không đối lập với cách giải thích phê bình-lịch sử, nhưng đem phương pháp này tiến tới một cách hữu cơ đến việc trở thành thần học theo đúng nghĩa. Tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh nữa của việc chú giải thần học. Sự giải thích một văn bản theo phương pháp phê bình-lịch sử tìm cách khám phá ra ý nghĩa chính xác mà các lời có ý chuyển tải tại thời điểm và nơi chốn phát sinh của chúng. Điều đó đúng và quan trọng. Nhưng – ngoài sự kiện là cách tái hiện đó chỉ xác thực một cách tương đối – ta cần lưu ý rằng lời một người thốt ra tại một thời điểm chất chứa một tầm quan trọng hơn là người đó có thể nghĩ tưởng ngay vào lúc đó. Khi một lời vượt lên khoảng khắc được thốt ra, nó mang theo mình một “giá trị sâu hơn”. “Giá trị sâu hơn” này hầu hết đều thuộc về mọi lời đã chín muồi trong tiến trình lịch sử-đức tin. Vì trong trường hợp này, tác giả không đơn giản chỉ nói cho mình theo thẩm quyền của mình. Người đó nói từ viễn tượng của một lịch sử chung nuôi dưỡng mình sống và đã ngầm chứa những điều có thể thuộc về tương lai của lịch sử, thuộc về các giai đoạn kế tiếp trong cuộc hành trình của lịch sử đó. Tiến trình liên tục đọc đi đọc lại và rút ra những ý nghĩa mới từ các lời sẽ không thể diễn ra nếu tự thân các lời không bỏ ngỏ cho tiến trình ấy từ bên trong.
Ở điểm này, cho dù còn đang xét ở cấp độ lịch sử, chúng ta bắt đầu hiểu lờ mờ linh hứng nghĩa là gì: Tác giả không nói như một chủ thể riêng tư, độc lập. Tác giả nói trong một cộng đồng đang sống, nghĩa là, trong một phong trào lịch sử không do người ấy hay tập thể tạo ra, nhưng do một quyền lực lớn hơn thúc đẩy. Có những chiều kích của lời mà giáo thuyết xưa về bốn ý nghĩa của Sách Thánh đề cập đến với sự chính xác đáng kể. Bốn ý nghĩa của Kinh Thánh không phải là những ý nghĩa riêng lẻ được xếp cạnh nhau, nhưng là những chiều kích của một lời vượt quá khoảnh khắc được thốt ra (4 nghĩa đó là: nghĩa văn tự – nghĩa ẩn dụ – nghĩa luân lý – nghĩa dẫn đường; x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 118; chú thích của người dịch).
Điều này dẫn đến một khía cạnh thứ hai mà tôi muốn bàn. Những quyển sách riêng lẻ của Thánh Kinh cũng như toàn bộ Sách Thánh đều không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn chương. Sách Thánh phát sinh từ tâm điểm của một chủ thể sống động – đoàn Dân Thiên Chúa lữ hành – và sống bên trong chủ thể này. Người ta cũng có thể nói các sách Kinh Thánh liên quan đến ba chủ thể tương tác với nhau. Đầu tiên, một hay một nhóm tác giả viết nên một bản văn Thánh Kinh; nhưng các tác giả này không phải là các nhà văn tự lập theo nghĩa hiện đại; họ hình thành nên một phần của “Dân Thiên Chúa” mà họ nói từ bên trong tận tâm điểm và nói với chủ thể tập thể này. Do đó, chủ thể này thực sự là “tác giả” sâu hơn của các Sách Thánh. Và rồi cũng thế, dân này không hiện hữu độc lập; đúng hơn, dân đó biết rằng mình được dẫn dắt và phán dạy bởi chính Thiên Chúa là Đấng – qua những con người và nhân tính của họ – đang nói ở tầng lớp sâu sắc nhất.
Mối liên hệ với chủ thể mà ta gọi là “Dân Thiên Chúa” là thiết yếu đối với Sách Thánh. Một mặt, sách này – Sách Thánh – là mẫu thức cho dân đến từ Thiên Chúa, như quyền lực đang dẫn dắt con người. Tuy vậy, mặt khác, Sách Thánh sống ngay trong lòng dân này, trong Kinh Thánh dân này vượt lên chính bản thân. Qua sự tự vượt lên này (đó là kết quả, ở tầng sâu xa nhất, của Lời Nhập Thể) họ trở thành dân của Thiên Chúa. Dân của Thiên Chúa – Giáo Hội – là chủ thể sống động của Sách Thánh; chính trong Giáo Hội mà các lời của Kinh Thánh luôn luôn ở trong hiện tại. Điều này dĩ nhiên cũng có nghĩa là Dân phải đón nhận chính bản thân của mình từ Thiên Chúa, chung cuộc là từ Đức Kitô nhập thể; Dân phải để cho Người ra lệnh, hướng dẫn và lãnh đạo.
Tôi cảm thấy mình còn nợ độc giả những nhận xét này về phương pháp luận, bởi vì các nhận xét chi phối cách giải thích của tôi về nhân vật Giêsu trong Tân Ước (x. những nhận định trong phần dẫn nhập được bao gồm trong Thư tịch). Hàm ý chính của việc tôi khắc họa chân dung Đức Giêsu là tôi tin vào các Phúc Âm. Dĩ nhiên, tôi cũng viện đến những gì Công đồng và khoa chú giải hiện đại bảo ta về các thể loại văn chương, về chủ ý của các tác giả, về sự kiện Phúc Âm được viết trong ngữ cảnh, và nói bên trong cảnh vực sống của các cộng đồng. Tôi đã cố gắng hết khả năng của tôi để đưa vào tất cả những điều này, và đồng thời tôi muốn mô tả Đức Giêsu của Phúc Âm là Đức Giêsu thực, Đức Giêsu “lịch sử” theo đúng nghĩa của từ đó. Tôi tin và hy vọng độc giả cũng tin rằng nhân vật này ở đây được tái hiện một cách hợp lý, đúng đắn và dễ hiểu hơn các bản tái hiện trong các thập niên qua. Tôi tin rằng Đức Giêsu này – Đức Giêsu của các Phúc Âm – là một nhân vật có sức thuyết phục và đáng tin cậy về phương diện lịch sử.
Không có cách nào giải thích vì sao Người phải chịu đóng đinh, hay vì sao Người có ảnh hưởng mạnh mẽ, nếu như đã không có điều gì đó phi thường trong những gì đã diễn ra, nếu như con người cũng như lời nói của Đức Giêsu trổi vượt xa hơn những kỳ vọng trần thế của con người thời đó. Bài ca tụng Đức Kitô ra đời chỉ độ 20 năm sau cái chết của Người, trong Thư gửi Tín hữu Philípphê (x. Pl. 2,6-11), cho chúng ta một môn Kitô học hoàn chỉnh nói rằng Đức Kitô ngang bằng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, trở thành người và hạ mình chịu chết trên cây thập tự, và nay tất cả tạo thành đều siêu tôn Người, là sự thờ phượng mà Thiên Chúa, qua Ngôn sứ Isaia, đã nói là thuộc về mình Người (x. Is. 45,23).
Giới nghiên cứu phê bình đã đặt ra câu hỏi rất đúng: Thế những gì đã diễn ra trong vòng 20 năm sau ngày Đức Giêsu chịu đóng đinh? Môn Kitô học này đến từ đâu? Bảo rằng đó là kết quả của sự đúc kết từ những suy tư vô danh của những con người mà giờ đây ta cố gắng xác định danh tính, trong thực tế không giải thích được điều gì. Làm sao những nhóm người vô danh này lại có đầu óc tư duy ưu việt như thế? Làm thế nào lập luận của họ mang tính thuyết phục đến như vậy? Chúng ta sẽ có lý hơn, ngay cả xét trên phương diện lịch sử, khi cho rằng ngay từ ban đầu đã có một điều gì đó cao cả, trổi vượt, và nhân vật Giêsu đã thật sự vượt thoát mọi giới hạn, mọi phạm trù, và sự vĩ đại đó chỉ có thể hợp lý khi được hiểu là đến từ mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đã hẳn việc tin rằng, con người Giêsu cũng là Thiên Chúa thật, và thần tính của Người dần dần được làm rõ qua các dụ ngôn, thật sự đi quá giới hạn của phương pháp lịch sử. Tuy nhiên, thay vì thế, nếu chúng ta đặt niềm xác tín của mình như khởi điểm khi đọc các bản văn Kinh Thánh, với sự trợ giúp của phương pháp lịch sử trong tính chất bỏ ngỏ sẵn có của nó cho một điều lớn lao hơn, thì các bản văn Kinh Thánh được mở ra và cho thấy một con đường chân lý và một con người đáng cho ta tin tưởng. Còn một điều cũng rõ ràng đáng tập trung: Dù ta nhận thấy các bản văn Tân Ước ở nhiều lát cắt có một số điểm khác biệt khi cố gắng khắc họa nhân vật Giêsu, thì các bản văn này trên cơ bản vẫn thể hiện một sự hài hòa sâu sắc giữa những khác biệt của chúng.
Như vậy, cách tôi nhìn vào nhân vật Giêsu vượt quá nhiều cách chú giải đương thời, ví dụ như cách giải thích của Schnackenburg. Dù vậy, tôi mong độc giả hiểu cho rằng tôi không viết quyển sách này để công kích khoa chú giải hiện đại; đúng ra, tôi đánh giá cao với lòng biết ơn về tất cả những gì khoa này đã và sẽ mang lại cho chúng ta. Khoa chú giải hiện đại đem đến nhiều tài liệu và vô số những tìm tòi khám phá, nhờ đó có thể giúp nhân vật Giêsu sống động và có chiều sâu mà trước đây vài thập niên không ai tưởng tượng được. Tôi chỉ cố gắng vượt quá phương cách phê bình-lịch sử thuần túy để vươn tới những tầm hiểu biết mới về phương pháp nhằm giúp chúng ta giải thích Kinh Thánh theo thần học một cách đúng đắn. Hẳn là điều này đòi hỏi ta phải có đức tin, nhưng không nhất thiết, cũng như không nên loại trừ tính gắn kết của Kinh Thánh với lịch sử.
Hiển nhiên là quyển sách này không phải là tài liệu của Huấn quyền, mà chỉ là sự trình bày việc tìm kiếm “Thánh Nhan Chúa” (x. Tv 27,8) của cá nhân tôi. Do đó, mọi người tự do nói ngược lại với tôi. Tôi chỉ yêu cầu các độc giả của tôi có thiện chí ban đầu, bằng không sẽ không thể hiểu được.
Như tôi đã nói ở phần đầu của lời nói đầu rằng, quyển sách này đã trải một sự cưu mang lâu dài. Tôi bắt tay vào việc trong suốt kỳ nghỉ hè năm 2003. Rồi vào tháng 8 năm 2004, tôi đã hoàn chỉnh các chương 1 đến chương 4. Từ khi được bầu vào ngai tòa giám mục Rôma, tôi đã tranh thủ từng giờ rảnh rỗi để viết tiếp quyển sách. Vì tôi không biết tôi sẽ được cho thêm bao nhiêu thời gian và sức lực nữa, nên tôi quyết định xuất bản mười chương đầu, từ giai đoạn Đức Giêsu chịu Phép Rửa ở sông Giođan cho đến phần Phêrô tuyên xưng đức tin và Hiển dung, làm Phần I của quyển sách này.
Trong Phần II tôi hy vọng cũng sẽ có thể đưa vào chương nói về các trình thuật thơ ấu, mà hiện nay tôi hoãn lại, vì tôi muốn ưu tiên trình bày dung mạo và sứ điệp của Đức Giêsu trong sứ vụ công khai của Người, nhằm giúp phát triển một mối quan hệ sống động với Người.
Rôma, Lễ Thánh Giêrônimô
Ngày 30 tháng 9 năm 2006
JOSEPH RATZINGER, BÊNÊĐICTÔ XVI
Nguồn: HKK