ngày tháng năm

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

TÔI TẬP SỐNG GIÁO HUẤN

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Bạn bè thường gọi đùa tôi bằng cái tên rất “yêu” là “cô giáo làng”. Bởi tôi không dạy trong trường mà mở lớp dạy học tại nhà. Học trò của tôi đa phần là con nhà nghèo khó, bố mẹ các em là công nhân, thợ hồ hay buôn gánh bán bưng… Cũng có em sống côi cút với ông bà vì bố mẹ qua đời hay đã ly tan. Mười mấy năm trong nghề, tôi nghiệm ra một điều: Học trò càng nghèo thì càng chân tình, dễ thương. Suốt ngày chúng cứ ríu rít: “Mom ơi”, “mẹ à”…, nghe cũng “mát ruột” lắm! 

Từ ngày theo học lớp giáo huấn xã hội Công giáo, tôi tập tành áp dụng bốn nguyên tắc cơ bản của giáo huấn: tôn trọng nhân phẩm (còn gọi là nguyên tắc nhân vị), công ích, bổ trợ và liên đới. Đứng trước một sự kiện hay một biến cố nào đó trong cuộc sống, tôi tập xem, xét, làm dựa trên bốn nguyên tắc này. Thấy cũng hay hay. 

Là giáo viên, hẳn không mấy ai lại “ghiền” các cô cậu quậy phá, nghịch ngợm, lại còn biếng học ham chơi. Trong một bài chia sẻ có liên quan đến phẩm giá con người, một vị linh mục đã chia sẻ một kinh nghiệm rất đáng quý: “các em học sinh quậy phá thường có chung một đặc điểm về gia đình: hoặc bố mẹ ly dị, lục đục, cãi vả đánh đập nhau; hoặc gia đình các em làm những ngành nghề mà xóm giềng không mấy tôn trọng, ủng hộ”. Tìm hiểu kỹ, tôi thấy đúng thật. Từ ngày ấy, tôi đổi ra quan tâm, ân cần với các học trò cá biệt này hơn, thấy các em đáng thương hơn. Tôi dạy cho các em biết mình có một nhân phẩm không có gì đánh đổi được. Và vì nhân phẩm cao trọng ấy, các em cần phải sống xứng đáng hơn. Cũng không dễ dàng trôi chảy đâu! Có lúc tôi phải “mua chuộc” các em bằng những bữa cơm gia đình, hay nồi chè, trái cóc…, để thể hiện rằng tôi yêu các em nhiều lắm, rằng dẫu nhiều người có mắng nhiếc các em là hư đốn, “mất dạy”, tôi vẫn trân trọng phẩm giá các em. Có lúc tôi cũng khản cổ, điên tiết vì chúng cứ cười đùa tơn tơn giữa giờ học… Nhưng có một sự cải thiện đáng kể: Các em thương tôi thật, rất sợ nước mắt của tôi. Nhờ “chiêu đòn”này, tôi đã “hạ gục” được nhiều “đối thủ”. 

Không chỉ có học trò nhỏ, thi thoảng Chúa cũng gởi đến tôi những “học trò” rất đặc biệt. 

Số là sáng nay, khi đang say sưa giảng bài cho các em lớp 8, thì mẹ đỡ đầu của tôi dắt đến một chị độ 50 tuổi. Chị ngại ngùng khép nép đứng xa xa. Linh tính mách bảo người chị em này đang cần đến sự giúp đỡ của tôi. Cúi chào chị, tôi cười thân thiện. Mẹ tôi nhanh nhẩu đến gần áp tai tôi: “Chị ấy không biết chữ, tìm đến nhiều nơi rồi mà không ai chịu dạy. Có người mách chị ấy rằng đến nhà thờ chắc chắn sẽ có người giúp (chị ấy là người ngoài Công Giáo). U dạy giáo lý thì được, chứ dạy chữ thì chịu. Con xem có giúp được chị ấy không? Học phí bao nhiêu thì bảo với chị ấy”. 

Cái “căn tính xác thịt” khiến tôi làm bài toán rất nhanh trong đầu: một lớp của tôi trên mươi lăm em, mà không thể xếp chị chung vào lớp nào, dạy riêng cũng tốn một ca làm việc, biết thu học phí làm sao? Cũng căng đây! Năm nay học trò lại đông nữa. Tôi lưỡng lự, khó xử và toan chối từ… 

Nhìn về phía chị, tôi bắt gặp ánh mắt căng thẳng chờ đợi. Ánh mắt ấy hơi thất vọng khi dò thấy thái độ do dự của tôi. Lòng tôi chùng xuống… Chút trắc ẩn lẫn khuất nơi nào đó trong lương tâm chợt tràn về làm tôi xao xuyến. Tôi nghe tiếng khao khát trong lòng chị. Tôi đọc được sự mặc cảm nặng nề đang bủa vây quanh chị. Và rồi bất chợt, một cảm giác áy náy như có tội xâm chiếm tôi… Gần hai mươi năm trên bục giảng, có lẽ tôi đã lướt quá nhanh, quá hồ hởi, không biết tôi đã bỏ qua bao nhiêu tâm tình nặng trĩu, dấu kín trong mặc cảm âm thầm như chị đây?! Chị ấy có quyền sống vui vẻ, tự tin trong xã hội. Và tôi, một người may mắn hơn chị (về phương diện học vấn), phải liên đới nâng đỡ chị. “Đó là trách nhiệm chứ không phải là sự làm phước thi ân” (tôi được học như vậy trong nguyên tắc liên đới mà! )… 

Thế là sau một lúc “tự đả thông tư tưởng”, tôi nhận lời một cách vui vẻ và hẹn chị tối đến. Trong thâm tâm, tôi quyết định không nhận học phí của chị nữa. Chị cười bẽn lẽn, nhưng không dấu được nỗi vui mừng… 

Quê ở Nam Định, chị vào Sài Gòn làm nghề may mười mấy năm nay. Ở tuổi 50, chị vẫn còn nét trẻ, đầm đậm duyên và cười rất hiền. Tôi ngỡ ngàng khi biết chị vẫn chưa lập gia đình. Thời xuân trẻ, cũng có nhiều đám dạm ngõ nhưng chị đã né tránh vì sợ “người ấy” phát hiện ra mình không biết chữ! Cứ thế, tuổi xuân trôi qua cùng biết bao cơ hội trong đời. Vốn siêng năng chăm chỉ, chị cũng nhiều lần được cấp trên tín nhiệm giao việc, nhưng khốn nỗi không thể ghi chép sổ sách được nên chị đành tìm cách từ chối khéo. 

Từ khi phải nếm cái đắng cay bởi “cái chữ”, nhiều lần chị đã lặng lẽ tìm thầy dạy học, nhưng chị đều bị chối từ. Chị vào Sài Gòn cũng vì ước muốn mãnh liệt phải học cho biết đọc biết viết: “Khi nào đọc được, viết được, chị sẽ về lại quê sống với mẹ già, đọc kinh đọc sách cho cụ nghe, chứ ở quê chị, người ta xét nét, dòm ngó lắm, không dám học đâu…”- chị tâm sự với tôi. 

Đêm ấy – sau buổi học đầu tiên của chị - tôi trằn trọc không ngủ được. Ước mơ của chị tưởng chừng như quá bình thường nhỏ nhoi - biết đọc biết viết thôi – nhưng suốt 50 năm cuộc đời chị không vươn tới nổi. Nó như gánh nặng đè bẹp những ước mơ, như hố sâu ngăn cách chị với tình yêu và hạnh phúc. Nó giam hãm chị trong rụt rè, mặc cảm và khuất tối. Cuộc đời trôi qua hối hả, mấy ai dừng lại lắng nghe những tiếng thở than âm thầm này?!!! 

Tôi chợt nghĩ đến một lớp học yêu thương dành cho những người có hoàn cảnh như chị. Và tôi lại trộm ước giá như từ trước đến nay có thật nhiều những lớp học như thế, thì biết đâu cuộc đời của những người như chị đã tốt hơn? 

Mãi miên man, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau, tôi phì cười vì nhớ rằng hình như trong mơ tôi vẫn đi đi lại lại lẩm nhẩm: “Vì ‘thiện ích chung’, phải cố gắng tìm được sự ‘bổ trợ’ từ nhiều phía để mở lớp, thể hiện tình ‘liên đới’ yêu thương giữa công đồng, trả lại cho những anh chị em ấy những ‘quyền con người’ mà hoàn cảnh đã lấy mất”...

Hạt Cải

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks