Biden trái - Ryan phải |
Trong chiến dịch tranh cử hiện nay giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, các vấn đề tôn giáo ít được nêu ra. Người ta chú trọng nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế và ngoại giao. Nhiều người cho chuyện này rất thích hợp vì nguyên tắc tách biệt giữa tôn giáo và chính trị. Có người còn trích dẫn câu “của Xêda trả cho Xêda, của Chúa trả cho Chúa”. Câu này đã bị nhiều người mặc tình giải thích thế nào thì giải thích, đến độ của Chúa càng ngày càng bị thu nhỏ lại, còn của Xêda càng ngày càng phình ra như con ễnh ương. Buộc tôn giáo phải lui vào khu vực tư của lương tâm cá nhân. Điều mà nhất định Chúa Giêsu không muốn nói. Chưa kể chuyện này: mấy anh Cộng Hòa cũng như Dân Chủ chẳng tôn trọng cái câu muôn thuở đó của Chúa Kitô, và càng ngày càng pha mình vào việc coi thường những gì là “của Thiên Chúa” đến độ trên thực tế Thiên Chúa còn đâu để mà đòi hỏi của này của nọ.
Có lẽ vì thế, Tạp chí America vừa gửi cho hai ông Jos. R. Biden và Paul D. Ryan, hai ứng cử viên phó tổng thống một loạt câu hỏi để các ông trả lời trong tư cách Công Giáo. Ta biết cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ lần này là lần đầu tiên trong lịch sử với cả hai ứng cử viên phó tổng thống đều là người Công Giáo. Trong cố gắng tìm hiểu tư tưởng của họ liên quan tới các vấn đề đức tin, sinh hoạt công cộng, tạp chí America đã gửi cho mỗi ứng cử viên 5 câu hỏi giống nhau. Và sau đây là các câu trả lời của họ:
I. Phó Tổng Thống Joseph R. Biden Jr:
Câu hỏi 1: Trong những hoàn cảnh nào, chiến tranh được biện minh về phương diện luân lý?
Trả lời: Chiến tranh được biện minh về phương diện luân lý khi nó cần thiết để bảo vệ an ninh của người vô tội chống lại hành động gây hấn. Sự đe dọa phải trầm trọng và chắc chắn. Phải đưa ra mọi cố gắng để tránh tranh chấp một cách hòa bình.
Câu hỏi 2: Các ý thức hệ chính trị đều mang theo các giả định về điều tốt nhất cho người nghèo. Ông hãy mô tả kinh nghiệm bản thân với những người hiện sống trong cảnh nghèo và điều này đã giúp lên khuôn ý thức hệ chính trị của ông ra sao.
Trả lời: Trước nhất, tôi xin nói: không phải mọi ý thức hệ chính trị đều mang theo giả định về điều tốt nhất cho người nghèo. Nhưng theo quan điểm của tôi, bất cứ ý thức hệ chính trị chính đáng nào cũng phải xem sét vấn đề căn bản này.
Kinh nghiệm của tôi với những người hiện sống trong cảnh nghèo có phạm vi hoàn cầu từ Darfur và Chad tới Ấn Độ, Châu Mỹ La Tinh. Nhưng sâu sắc hơn cả, tôi đã được chứng kiến cảnh nghèo tại quê hương ta, bất chấp ở vùng Appalachia, nơi tôi từng viếng thăm hay tại tiểu bang quê tôi là Delaware.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, cha tôi không bao giờ bước qua một người ăn mày trên đường phố, dù một ai đó bảo người rằng: “Joe ạ, tôi biết điều hắn sắp làm là đi mua rượu”. Cha tôi sẽ trả lời: “ông nghĩ nếu thực sự được lựa chọn, ông ta sẽ tự ý đứng ở đây hay sao?” Khi hiểu rõ ta có thể làm nhẹ cảnh nghèo, tôi bắt đầu giả định rằng có cơ hội chính đáng, ai cũng sẽ cố gắng trách nhiệm lấy đời mình. Nếu có cơ may, và khả năng tâm trí, người nào cũng sẽ đáp ứng các sáng kiến. Đó là lý do khiến tôi ủng hộ các đạo luật an-sinh-để-có-việc-làm khi còn là một thượng nghị sĩ. Đó cũng là lý do khiến tôi ủng hộ các chương trình nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Một người mẹ có thể trốn tránh trách nhiệm nhưng con cái bà thì không hề có cái khả năng ấy. Tổng thống và tôi ủng hộ sáng kiến an toàn thực phẩm của Châu Phi, một sáng kiến không chỉ nhằm giảm nghèo mà còn nhằm đem lại ổn định cho các quốc gia Châu Phi. Tất cả đều là con cái ta. Chúng là những sợi dây diều sẽ nâng các tham vọng quốc gia của ta lên cao.
Câu hỏi 3: Nếu có 5 phút với Đức Giáo Hoàng, ông sẽ nói gì với ngài?
Trả lời: Năm ngoái, tôi có vinh dự lớn được gặp Đức Giáo Hoàng tại Vatican, và hai chúng tôi đã có cuộc thảo luận rộng rãi về nhiều vấn đề. Thảo luận về cuộc đàm đạo riêng tư đó, đối với tôi, là điều không thích đáng. Nhưng tôi rất có ấn tượng về sự cởi mở và thông sáng của ngài. Nếu có dịp được gặp lại, tôi muốn được nghe ngài nói nhiều hơn về chuyến tông du Libăng vừa qua, ý nghĩ của ngài về Mùa Xuân Ả Rập và quan tâm của ngài về sự bất khoan dung tôn giáo. Thêm vào các vấn đề chiến tranh và hòa bình, tôi muốn có dịp thảo luận một số vấn đề hiện đang thách thức Giáo Hội khắp thế giới và tại Hoa Kỳ.
Câu hỏi 4: Ông có nghĩ là có một ơn gọi chính trị không? Phải biểu lộ nó trong đời sống ông ra sao?
Trả lời: Tôi nghĩ có nhiều loại ơn gọi khác nhau. Giống nhiều trẻ trai Công Giáo khác, lúc còn nhỏ, tôi cũng đã nghĩ đến đời sống tu trì. Tôi được nuôi dưỡng trong một gia đình trong đó, có sự đồng thuận tuyệt đối giữa các giá trị thầy mẹ tôi bảo ban và các giá trị được đức tin của tôi truyền dạy. Các giá trị này kết luận rằng bạn quả có nghĩa vụ phải vươn tay ra nắm lấy anh chị em đang túng thiếu của bạn, bạn có nghĩa vụ phải đứng lên tranh đấu khi thấy bất công, bạn có nghĩa vụ phải lên tiếng khi có thể làm sự việc tốt hơn. Khi còn là học sinh trung học và sinh viên cao đẳng, ý thức chính trị của tôi được lên khuôn bởi thời tổng thống của John F. Kennedy và phong trào dân quyền của Martin Luther King. Tổng Thống Kennedy làm tôi tin rằng dấn thân vào chính trị là một nghề cao quí, còn Tiến Sĩ King thì giúp tôi hiểu ra rằng ta có nhiều phương tiện biến đổi thế giới nên tốt đẹp hơn.
Nhưng việc dấn thân ấy có thể mang nhiều hình thức khác nhau, giống như trong gia đình tôi. Vợ tôi là một nhà giáo dục tận tụy. Con gái tôi là một nhân viên xã hội. Một trong các con trai của tôi thì dấn thân sâu vào việc xử lý cảnh nghèo đói khắp thế giới trong tư cách chủ tịch Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới của Hoa Kỳ. Đứa con trai khác thì lại tuyệt đối dấn thân cho việc chấm dứt việc bạo hành phụ nữ và trẻ em, trong tư cách bộ trưởng tư pháp của tiểu bang Delaware. Có rất nhiều phương cách để dấn thân. Nhưng trong gia đình tôi, tôi được dạy rằng điều cần là phải dấn thân.
Câu hỏi 5: Trong đời ông làm chính khách Hoa Kỳ, điều gì gây tranh chấp lớn nhất đối với ông trong tư cách Công Giáo?
Trả lời: Trong đời tôi, vì được một bà mẹ Công Giáo Ái Nhĩ Lan ngoan đạo dưỡng dục, được các nữ tu và linh mục giáo dục, và luôn thực hành niềm tin của mình trong những năm qua, đức tin của tôi không tạo nên một tranh chấp nào cho tôi cả, trái lại đã ban cho tôi một cơ sở vững vàng.
Đức tin ấy đã hướng dẫn nền chính trị của tôi một cách mà không điều gì khác có thể làm được. Học thuyết xã hội Công Giáo vốn là nguyên tắc hướng dẫn các lá phiếu và chức vụ tôi từng đảm nhiệm suốt trong sự nghiệp của tôi, đối với các vấn đề từ các chương trình chống nghèo đói tới việc bạo hành phụ nữ, hệ thống công lý hình sự, cũng như các liên hệ quốc tế.
II. Dân Biểu Paul D. Ryan
Câu hỏi 1: Trong những hoàn cảnh nào, chiến tranh được biện minh về phương diện luân lý?
Trả lời: Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ cần có sự rõ ràng về luân lý và sự vững chắc về mục đích. Chỉ với việc vững vàng thi hành ảnh hưởng của Hoa Kỳ, ta mới thắng được sự ác và bạo hành. Đó là cách ta giữ cho các nan đề ở ngoại quốc khỏi trở thành khủng hoảng. Đó là cách duy trì hòa bình.
Mitt Romney vốn nói rằng ông chỉ phái binh sĩ vào trận trong những tình huống hết sức đặc biệt. Thứ nhất, cần thiết là quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ phải lâm nguy. Thứ hai, cần phải xác định rõ sứ mệnh của ta. Thứ ba, cần xác định rõ khi nào sứ mệnh của ta hoàn tất. Thứ tư, phải cung cấp tài nguyên dư thừa để bảo đảm sứ mệnh của ta được thực thi cách hữu hiệu. Và sau cùng, phải hiểu rõ điều còn lại sau khi ta rút đi. Tất cả những điều này phải được xác định trước khi Mitt Romney khai triển sức mạnh quân sự tại bất cứ nơi nào ở ngoại quốc.
Câu hỏi 2: Các ý thức hệ chính trị đều mang theo các giả định về điều tốt nhất cho người nghèo. Ông hãy mô tả kinh nghiệm bản thân với những người hiện sống trong cảnh nghèo và điều này đã giúp lên khuôn ý thức hệ chính trị của ông ra sao.
Trả lời: Khi còn nhỏ, tôi làm thiện nguyện tại những cơ sở nấu cháo (cho người nghèo). Hiện nay, tôi vẫn dẫn các con tôi đi phục vụ bữa ăn tại một nhà dưỡng lão tại Janesville. Bài học tôi hay chia sẻ với các con là: để có thể hiểu được nỗi khổ đau của con người, điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào những người các con phục vụ. Ta phải nhìn nhận phẩm giá của từng người con của Thiên Chúa.
Các nhà tạo chính sách có trách nhiệm phải xử lý các nguyên nhân gốc gây ra cảnh nghèo, chứ không phải chỉ đương đầu với các triệu chứng của thực tại bi thảm này mà thôi. Đức tin Công Giáo của tôi luôn cổ vũ việc ưu tiên chọn người nghèo. Điều này không đồng nghĩa với việc ưu tiên chọn một chính phủ lớn hơn.
Chính phủ Romney-Ryan sẽ cổ vũ các giải pháp nhằm tối đa hóa sự phát triển và cơ may, chuyển động đi lên và an toàn kinh tế. Chúng tôi bác bỏ phương thức thất bại cứ mở rộng hoài chính phủ liên bang đến độ thay thế hẳn các định chế có ý nghĩa như gia đình, các tổ chức dân chính và các cộng đồng đức tin, tức các định chế nơi ta thực sự chăm sóc cho nhau. Đúng, lưới an toàn của chính phủ cần để giúp những người không có phương tiện trợ giúp nào khác. Nhưng tôi tin rằng giáo huấn của Giáo Hội đòi nhiều hành động tích cực hơn là chỉ trợ giúp: nó đòi ta phải hành động để phá vỡ toàn bộ cái chu kỳ nghèo đói, và điều này đòi phải có một phương thức hoàn toàn khác với phương thức của Tổng Thống Obama, người mà thành tích kinh tế đã tạo ra tỷ số nghèo đói nhất trong thế hệ này.
Câu hỏi 3: Nếu có 5 phút với Đức Giáo Hoàng, ông sẽ nói gì với ngài?
Trả lời: Tôi sẽ kính cẩn xin ngài cầu nguyện cho sự an vui của mọi người dân nước ta, không trừ một ai.
Câu hỏi 4: Ông có nghĩ là có một ơn gọi chính trị không? Phải biểu lộ nó trong đời sống ông ra sao?
Trả lời: Ơn gọi đầu tiên của tôi là làm một người chồng và một người cha tốt. Một trong các yêu cầu của tôi khi tham gia cuộc tranh cử là được về nhà ở Janesville, Wisonsin, vào mỗi Chúa Nhật để tham dự Thánh Lễ với gia đình tôi. Tôi về nhà hầu hết các Chúa Nhật và khi du hành, tôi luôn tìm ra buổi lễ ở nhà thờ để tham dự. Giáo Hội dạy rằng mọi người Công Giáo có nghĩa vụ làm công dân tích cực nhưng cũng có ơn gọi chính trị đối với một số người được kêu gọi. Tôi tin rằng các công chức được kêu gọi hợp tác trong việc tạo cơ hội kinh tế và các điều kiện cho một đời sống gia đình toàn vẹn và mạnh mẽ. Tôi tin vào quyền được giúp các cá nhân, được sống liên đới với nhau trong các cộng đồng của ta. Tôi cũng tin rằng chính phủ nào gần gũi với người được cai trị nhất là chính phủ cai trị tốt nhất. Ta không tin vào điều Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là nhà nước trợ giúp xã hội, hay một nhà nước chuyên lo hình thức an sinh bao trùm mọi người, một nhà nước bị Đức GH Bênêđíctô XVI chỉ trích. Theo chúng ta, gia đình truyền thống là cái nhân của xã hội, và phẩm giá cá nhân của con người phải được biểu lộ trong nền kinh tế tự do.
Các đại biểu chính trị của Hoa Kỳ có bổn phận luân lý và hợp hiến phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo của Tu Chính Án Thứ Nhất. Chúng ta rất quan tâm đối với cuộc tấn công vào tự do tôn giáo của chính phủ Obama. Ta không nên đòi các giáo hội, các cơ quan bác ái và bệnh viện phải làm những điều vi phạm tới tự do tôn giáo và lương tâm của họ. Chính phủ của ta hiện nay đặt các giáo hội và cao đẳng của ta vào một cái thế khiến họ phải kiện chính phủ để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của họ theo Tu Chính Án thứ nhất.
Câu hỏi 5: Trong đời ông làm chính khách Hoa Kỳ, điều gì gây tranh chấp lớn nhất đối với ông trong tư cách Công Giáo?
Trả lời: Thành thực mà nói, tôi không bao giờ có một tranh chấp nghiêm trọng nào về lương tâm trong tư cách một chính khách Công Giáo. Lý do là tôi đã nhận ra rằng các nghĩa vụ Công Giáo của tôi phù hợp với các nghĩa vụ chính trị theo Hiến Pháp của tôi. Đôi khi quả là thất vọng khi một vài chính sách hay luật lệ không nhất quán với sự thật luân lý theo cái hiểu của mình. Nhưng lý do lớn nhất giúp cho Hoa Kỳ tiếp tục là một quốc gia ngoại hạng là nhân dân ta vẫn tự cai trị mình trong tự do, điều này có nghĩa các chính sách đi ngược lại các nguyên tắc luân lý của ta vẫn có thể được thay đổi nhờ diễn trình bầu cử, như ta sẽ được chứng kiến một lần nữa vào ngày 6 tháng Mười Một.
Ghi chú bên lề: nhiều người đọc các câu trả lời này đều cho hay: cả hai ứng cử viên đều không trung thực khi cho rằng không gặp khó khăn nào từ phía tôn giáo đối với sự nghiệp chính trị của mình. Đàng khác, khi Dân Biểu Ryan nói: chỉ yêu cầu Đức GH cầu nguyện, thì hình như ông muốn đẩy ngài vào một góc phòng khá chật hẹp.
Vũ Văn An
Nguồn VietCatholic