“…Trước khi đến giáo xứ Nam Phương, theo tôi, chúng ta nên học thuộc lòng kinh Lạy Cha để có thể đọc trước mỗi bữa ăn cùng với Cha xứ…”.
“… Ở giáo xứ, người có chức cao nhất trong giáo xứ được gọi là Ông Chánh Trương, các bạn nhớ xưng hô cho đúng nhé…”.
“Thư viện Mẹ La Vang năm nay thấy nghèo nàn quá, mình làm một cuộc quyên góp đi các bạn. Sách mới thì bổ sung vào tủ sách, sách cũ thì chúng ta bán, lấy tiền mua sách mới…”.
“… Năm trước anh Kiên thay ông “từ” ở nhà thờ phụ trách kéo chuông nhà thờ vào 4h30 và 12h trưa mỗi ngày, năm nay ai xung phong đăng ký làm việc này?”.
…
Đó là những nội dung các bạn trẻ nói với nhau trong cuộc họp chuẩn bị chương trình Mùa hè xanh tại Nam Phương – một xứ đạo của Giáo phận Bùi Chu.
Mặc dù không phải là người có đạo, nhưng được sự gợi ý của một nữ giáo dân Công Giáo và cha xứ, nhóm bạn trẻ nói ở đây vẫn sẵn sàng ghi danh và chờ phỏng vấn để được chọn đến Gx. Nam Phương. Đã 5 mùa hè trôi qua, kể từ khi họ đặt chân đến Nam Phương, không gian sống của những đứa trẻ “chân đất mắt toét” ở đây như được tưới gội cho thêm màu sức sống. Bọn trẻ được vui chơi thỏa thích, được bổ sung thêm kiến thức văn hóa, xã hội, được kết giao với các anh chị sinh viên, được gieo vào tâm trí ước muốn phấn đấu học tập để được trở thành sinh viên giống như các anh chị…. Không chỉ các em nhỏ, những cụ già neo đơn, mà cả những cô gái “nuôi con một bề” cũng được vui lây khi được thăm hỏi, động viên và phụ giúp. Cả nhóm, khi thì sửa mái nhà dột nát, khi thì làm cỏ cho đường đi thông thoáng… Màu áo xanh tình nguyện gắn huy hiệu đoàn sinh viên hiện diện nơi bục giảng của nhà sinh hoạt giáo xứ, nơi thư viện Đức Mẹ La Vang, nơi thánh đường trang nghiêm. Trán họ bịn rịn mồ hôi khi phải làm việc dưới tiết trời oi ả, đôi môi họ ê a, mấp máy hát theo điệu nhạc du dương của ca đoàn mỗi khi tham dự thánh lễ… Những hình ảnh ấy thật đẹp mà cảm động biết bao. Đẹp vậy mà đôi lúc họ cũng gặp phải những điều phiền toái chỉ vì mình là đoàn viên sinh viên mà lại tham gia vào việc giúp đỡ cho bà con giáo dân Công Giáo.
Chắc sẽ có người ngạc nhiên và muốn biết: “Họ” là những ai mà làm được vậy?
Xin thưa, họ là đại diện của nhóm sinh viên mang tên Tình Thân. Xuất phát từ ước muốn giúp đỡ cho những trẻ em đang trong hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên, một nhóm các bạn sinh viên đã tự quy tụ lại với nhau. Ban đầu là 15 người, rồi 20, 30, rồi 50 người, rồi tiếng lành đồn xa, cho đến nay số các thành viên của nhóm ngày càng gia tăng, lên đến hàng trăm người. Công việc thường nhật của họ là thực hiện các hoạt động giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội: trẻ em, người khuyết tật, các chị có HIV/AIDS, các gia đình thuộc cộng đồng nghèo… Họ cộng tác với nhau với một tinh thần hoàn toàn tự nguyện và ai cũng mang trong mình ước muốn làm điều gì đó có ích cho xã hội, đồng thời rèn luyện để chính mình có được một nhân cách vững vàng.
Lật giở những trang sách tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công Giáo, tôi dừng lại ở trang nói về ý nghĩa và giá trị của sự tham gia: “Một hệ luận điển hình của nguyên tắc bổ trợ là sự tham gia, được thực hiện chủ yếu qua một loạt hoạt động mà nhờ đó các công dân – trong tư cách cá nhân hay liên kết với người khác, trực tiếp hay thông qua đại diện – góp phần vào đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên. Tham gia là một nghĩa vụ mà mọi người phải chu toàn một cách ý thức với tinh thần trách nhiệm và nhắm tới công ích”.1
Vâng, họ đã làm được điều đó. Họ đã hiểu được nghĩa vụ của mình là chu toàn sự tham gia một cách có ý thức với tinh thần trách nhiệm của một công dân, bất kể sự khác biệt về văn hóa, về niềm tin tôn giáo hay quan điểm chính trị, xã hội. Họ đã vượt ra khỏi rào cản của chính mình, bỏ qua những khác biệt chỉ bởi một lý do chính yếu là mang lại ích lợi chung cho cộng đồng xã hội nơi họ đặt chân đến.
“Công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tùy theo khả năng của mỗi người”2. Họ đã biết Chúa nhưng chưa được rước Chúa, họ chưa biết đến HTXHCG nhưng việc làm của họ hôm nay là một minh chứng sống động cho việc đưa GHXHCG vào đời sống theo như lời dạy của Giáo huấn. Họ đang góp phần làm cho Gx. Nam Phương đẹp lên từng ngày. Còn chúng ta là những người con cái Chúa, chúng ta thì sao nhỉ?
Cát Minh
Nguồn Tập san GHXHCG số 3
-------------------------------------------------------
1 Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, tr. 148.
2 Trích lại từ “Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo”, NXB Tôn Giáo, 2007, tr. 134.