ngày tháng năm

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Kitô hữu và thể chế chính trị

Cát Nguyên

Tại Hoa Kỳ, cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 diễn ra vào ngày 8 tháng 11 năm 2016, là cuộc bầu cử tổng thống thứ 58. Từ trước đến nay, đây là cuộc bầu cử gây căng thẳng nhất cho tâm trí người Công giáo Hoa Kỳ.

Theo thông lệ, hai đảng lớn nhất là đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hoà sẽ lần lượt thay nhau nắm quyền điều khiển đất nước Hoa Kỳ, thông qua chức vụ Tổng thống của người thắng cử trong cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử gồm ứng cử viên đại diện nhiều đảng phái tranh cử, nhưng các đảng còn lại quá nhỏ thực tế không tranh phiếu được với hai đảng lớn Dân Chủ, Cộng Hoà. Năm nay ứng cử viên đại diện đảng Dân Chủ là bà Hillary Clinton và đảng Cộng Hoà là ông Donald Trump.
Để chọn vị tổng thống tương lai, khi xét đường lối hoạt động, quan điểm của từng ứng cử viên, tín hữu Công giáo Hoa Kỳ vấp phải một tảng đá khổng lồ. Bà Hillary ủng hộ chọn lựa phá thai, ủng hộ việc dùng ngân sách quốc gia, tức tiền thuế do người dân đóng, cung cấp cho tổ chức phá thai lớn nhất Hoa Kỳ Planned Parenthood, ủng hộ hôn nhân đồng tính. Hơn thế nữa, bà còn tuyên bố nếu đắc cử tổng thống bà sẽ chọn bổ nhiệm một thẩm phán Tòa Án Tối Cao (đang còn thiếu) có quan điểm ủng hộ phá thai, để tiến hành việc nhìn nhận quyền phá thai của phụ nữ từ cấp quốc gia. Ứng cử viên của đảng Cộng Hoà, Donald Trump, thì thể hiện sự nhẫn tâm, loại trừ với di dân nghèo, liên tục thể hiện thái độ xúc phạm thô lậu với giới phụ nữ.

Như vậy, quan điểm cá nhân và đường lối hoạt động của cả hai ứng cử viên đều thể hiện sự không tôn trọng phẩm giá con người, nguyên tắc đầu tiên, nền tảng trong 4 nguyên tắc (Phẩm Giá- Liên đới- Công Ích- Bổ Trợ) để xây dựng một xã hội thực sự cung cấp cho con người cơ hội phát triển trọn vẹn và hạnh phúc, theo giáo huấn xã hội của giáo hội Công giáo.

Một đất nước được xếp vào hàng văn minh trên thế giới, nơi có dòng chữ “In God We Trurst” trên mọi đồng tiền, lại đối mặt với một thời điểm cả hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào chức vụ Tổng thống đều là những người xem nhẹ phẩm giá con người một cách công khai, không cần dấu giếm!

Điều này hàm ý nghĩa gì?

Phải chăng nó hàm nghĩa là khi các ứng cử viên dám làm như thế chứng tỏ họ cầm chắc rằng số đông dân chúng sẽ đồng tình với họ, số đông đang nắm trong tay những lá phiếu mà cả hai ứng cử viên khao khát. Nghĩa là không chỉ hai người - Hillary, Trump - có suy nghĩ và chọn lựa cách hành xử như thế, mà là một tập hợp gồm đa số người của đất nước mang danh văn minh, đất nước là đích đến hiện nay của biết bao người trên khắp các châu lục, có suy nghĩ và chọn lựa cách hành xử này.

Dĩ nhiên cuối cùng, Kitô hữu công dân Hoa Kỳ cũng cần đi bỏ phiếu, không thể bỏ mặc, nhắm mắt bước qua. Vì như bà Rosenhauer, làm việc trong tổ chức Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo, đã chia sẻ tại Đại Hội về Hoà Bình và Công Lý của Giáo Phận Arlington: “Khi chúng ta không hành động trong đời sống công cộng và đem các giá trị của chúng ta làm ảnh hưởng đến các quyết định của chính phủ, tôi tin rằng đó là phạm tội của sự nhắm mắt bước qua.” Họ cần và đã đi bỏ phiếu để chọn cho đất nước họ một vị tổng thống ít xấu nhất, Donald Trump, dựa trên tiêu chuẩn Giáo huấn xã hội của Giáo hội, tuy nhiên cũng chỉ có thể trong “một nỗi thống khổ”, như Tiến sĩ Chad C. Pecknold, một giáo sư đại học Mỹ, người Công giáo, viết trên tờ America Magazine sau cuộc bầu cử: ”Trump là canh bạc lớn nhất của nước Mỹ. Đáng để nhớ rằng chỉ những ai tuyệt vọng mới muốn lao đầu vào các canh bạc. Tất cả chúng ta phải thừa nhận rằng có một nỗi thống khổ thực sự nằm ẩn dưới việc chọn Trump."

Dù chỉ với một lịch sử phát triển hơn 200 năm, bao lâu nay đất nước Hoa Kỳ là nơi sống đáng mơ ước của biết bao con người trên khắp thế giới, nhưng thực tại vừa diễn ra cho thấy đã có một sự trượt dốc nào đó, đã có một độ lệch lạc nào đó khiến cho sự bất an, “tuyệt vọng”, “thống khổ” hiện hữu rõ ràng, công khai trong một sự kiện quan trọng hàng đầu của đất nước này.

Trượt khỏi nơi nào? Lệch khỏi chuẩn nào?

Trượt khỏi lời tuyên xưng của những người đầu tiên lập nên nước Mỹ: IN GOD WE TRUST - Chúng Tôi Tín Thác Vào Chúa- một cụm từ xuất hiện trong bài quốc ca Hoa Kỳ từ thời chiến tranh Hoa Kỳ với Anh quốc (1812), và được in trên tất cả các đồng tiền Mỹ từ cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861- 1865) cho đến hiện nay.

Lệch khỏi chuẩn “Chúa là đích điểm”, để định hướng mọi chọn lựa xây dựng, sắp xếp đời sống xã hội; thay Chúa bằng các ngẫu tượng được đặt tên là “tự do cá nhân”, “sự thông minh con người”, v.v...

Thể chế dân chủ là một thể chế tốt nhất hiện nay có thể cung cấp cho con người những cơ hội để sống và phát triển nhiều nhất, tuy nhiên chỉ riêng thể chế dân chủ thì không đủ, tình trạng “tuyệt vọng”, “thống khổ” ở cấp quốc gia vẫn sẽ xảy ra. Nghĩa là, dù là dân chủ hay bất cứ thể chế nào, hiện nay cũng như trong tương lai con người xây dựng nên, nó cũng sẽ tiềm tàng khả năng đưa con người vào sự đau khổ, tuyệt vọng y như nước Mỹ hiện nay, nếu nó khuyến dụ con người, thúc đẩy con người từ khước Thiên Chúa, nếu nó thiết lập nên những cơ chế “tiêu diệt” Thiên Chúa.

Lễ Chúa Giáng Sinh là một dịp để loài người nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng, qua kinh nghiệm của nước Mỹ vừa rồi, nhận ra rằng loài người cần Chúa biết bao! Một xã hội biết trên đầu mình có Thiên Chúa, một xã hội biết con người còn có phần tâm linh cần chăm sóc theo thánh ý Thiên Chúa. Đó mới là điểm cần đến của những tín hữu Công giáo dấn thân trong xã hội.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks