ngày tháng năm

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

CÁC NỮ TU ĐÃ DẤN THÂN CHO MỘT SỨ VỤ MỚI TRƯỚC HOÀN CẢNH KHỐN KHÓ CỦA CÁC THIẾU NỮ VIỆT NAM



Quốc Trị

Các nữ tu Tu hội Bác Ái Vinh Sơn đã mở chuyên ngành đào tạo nghề quản gia, tạo việc làm cho các thiếu nữ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội thực hiện được ước mơ trong cuộc đời, ổn định cuộc sống và mang lại niềm vui cho những anh chị em của mình.

Đây là sứ vụ mới cho sự dấn thân của hội dòng là “Trao tặng một cần câu để người khốn khó tự tìm lương thực và vươn lên trong cuộc sống”. Sứ vụ phục vụ quen thuộc trước đây của hội dòng là “ Sống từ thiện, yêu thương phân phối chia sẻ tinh thần và vật chất cho người có hoàn cảnh cơ cực”.

Nữ tu Pascale Lê Thị Tríu, người trực tiếp điều hành dự án này trong 10 năm qua cho biết: Khi nhà nước bắt đầu cho phép các tu sĩ nam nữ được tiếp cận với nhóm thanh thiếu niên thất học nơi đường 
phố hay tại thôn quê, và đón nhận các em vào trung tâm để đào tạo ngành nghề lao động thì chị em chúng tôi đã mạnh dạn mở chương trình đào tạo này.

Chuyên ngành mang tên “Quản gia” trực thuộc trung tâm dạy nghề Phước Lộc của dòng Don Bossco, bao gồm chương trình đào tạo nghề chuyên sâu 12 tháng, về cách nấu các món ăn Âu- Á, cách tổ chức sắp xếp lau dọn nhà cửa gọn gàng ngăn nắp và sạch sẽ.

Ngoài ra học viên còn được học môn tiếng Anh, Văn hóa Việt Nam và bộ môn Kỹ năng sống. Trong thời gian đào tạo, các em được ở ký túc xá, được tham gia các hoạt động ngoại khóa và thực tập các nếp sống như một gia đình.

Sau khi tốt nghiệp, học viên được nhận chứng chỉ học nghề của trung tâm và được giới thiệu ký hợp đồng làm việc tại các gia đình người Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam.

Với sự hợp tác của các linh mục giáo xứ và hơn 40 cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái thuộc miền cao nguyên và vùng xa, chương trình đã khuyến khích các thiếu nữ đến trường qua việc hỗ trợ học phí, đồng phục, sinh hoạt ăn uống và học cụ dưới sự tài trợ của tổ chức phi chính phủ AVE.

Chương trình bắt đầu từ 34 thiếu nữ tuổi từ 17 đến 22, có trình độ văn hóa cấp trung học cơ sở và một ít cấp ba, không phân biệt dân tộc kinh hay thiểu số. Các em đã phải hy sinh đời mình để giúp đỡ các anh em trai tiếp tục đi học theo văn hóa Việt Nam, và xu hướng của số đông phụ huynh.

Bên cạnh đó, các em còn là nạn nhân trước bối cảnh đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, hàng loạt các công ty ồ ạt tuyển công nhân nữ dù các em chưa đến tuổi lao động, họ làm ngơ dù biết các em mang CMND của người khác vào làm việc. Về phía phụ huynh, họ không ngừng khuyến khích và nhấn mạnh đến trách nhiệm giúp gia đình tăng thu nhập. Vì thế mà các thiếu nữ đã gặp rào cản lớn trong việc hoàn tất việc học. Các em bỏ học để lăn vào đường đời làm công việc lao động không kỹ năng.

Các chị em sống ngoài sự giám sát và bảo trợ của gia đình, trong một xã hội đô thị hóa quá xa lạ với nếp sống nông thôn. Việc làm thời vụ thay đổi không ngừng đã gây nhiều khó khăn và thu nhập bị bấp bênh. Đời sống tinh thần và văn hóa bị ảnh hưởng trầm trọng, nhiều chị em bỏ lễ quên kinh vì lao động tăng ca, ăn uống vội vã với mì gói và các thức ăn mua trên vỉa hè. Để tiếp tục ở lại đô thị, nhiều chị em nhận giúp việc nhà tạm bợ không hợp đồng, làm công việc tạp vụ tại các quán nước, quán ăn ven đường, với nơi ăn ở bất ổn và tạp nhạp để cuối cùng gặp nhiều tai nạn trong tương quan với gia chủ, với người khác phái… Chúng ta đã nghe kể nhiều giai thoại về osin trên các phim ảnh, và chúng tôi đã gặp các chị em này tại các mái ấm mẹ đơn thân.

Nhận thấy nhu cầu ngày càng nhiều phụ nữ cần hỗ trợ để các chị tham gia công việc kinh doanh/sản xuất của gia đình hay tham gia sinh hoạt từ thiện xã hội. Nhiều bà mẹ cần người giúp quản lý mái ấm gia đình trong khi cá nhân vắng nhà vì bận rộn với công việc ngoài xã hội. Nhiều ngoại kiều, Việt kiều chưa nắm bắt giao thông, giao dịch và tiếng nói, văn hóa địa phương cần người tín cẩn biết việc, biết tiếng giúp công việc nội trợ. Họ mong tìm người có uy tín để giao việc với sự tin tưởng và phó thác.

Đối với nhân viên làm quản gia thì đây là cơ hội tham gia công tác xã hội. Để khi chiều về, sau 8 giờ làm việc, cả hai đối tượng phụ nữ đều đủ năng lực và tính lạc quan để chăm sóc mái ấm gia đình của mình. Họ trở thành đối tác cho nhau, và từ năm 2013 sự hợp tác này được ký kết trong một hợp đồng đầy đủ tính pháp lý, quy định bởi nghị định số: 95/2013/NĐ-CP, bắt buộc các gia chủ và người giúp việc phải tôn trọng hợp đồng được ký kết .

Đó là những lý do thúc đẩy chúng tôi đến quyết định khai mở chương trình đào tạo người phụ nữ, để họ được chuẩn bị trở thành một người có ý thức và trách nhiệm với bản thân và gia đình. Các đức tính nhân bản cần có, những thái độ đạo đức nghề nghiệp vừa được sử dụng cho bản thân vừa cho nơi phục vụ. Họ được đào tạo để yêu mến hòa bình, trung thực, nhẫn nại và nhạy bén đối với nhu cầu của tha nhân. Các kiến thức về nghề nghiệp giúp họ tôn trọng an toàn, an sinh cho gia đình, bảo vệ môi trường, diễn tả khả năng phục vụ có chất lượng, làm cho gia đình có bầu khí an sinh, tín thác và thư thái.

Việc đào tạo người quản gia là con đường học trường, học đời. Một năm dù học nội trú cũng không thể hoàn thiện tiến trình chuyên nghiệp hóa. Vì thế chị em quản gia cần tiếp tục hoàn thiện dần dần với thời gian, với sự kiên nhẫn của gia chủ, với sự cộng tác giúp đỡ nhau trong một tập thể gọi là Câu lạc bộ Quản gia. Qua đó họ giúp nhau người trước kẻ sau chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức những ngày đào tạo liên tục về kỹ năng, về thái độ phục vụ có chất lượng và cầu tiến. CLB cũng giúp làm cây cầu giữa quản gia và gia chủ để trao đổi và thực hiện hợp đồng lao động.

Với thời gian và với sự kiên trì trong hành động có uy tín, các học viên đã dần dần tạo được niềm tin tại môi trường phục vụ. Hy vọng với sự cố gắng của nhiều thành phần khác trong xã hội, người Việt Nam sẽ nhận ra và đồng tình với nhu cầu tạo niềm tin và tín thác mới, trong một xã hội với văn hóa đô thị vô cảm và nghi ngờ như hiện nay.

Người làm công việc quản gia và gia chủ, qua việc thể hiện sự tương tác trân trọng và kính nhường lẫn nhau sẽ giúp người Việt Nam thực hiện một xã hội văn minh và tiến bộ, biết đối xử công bằng - bình đẳng - tôn trọng nhân phẩm của người lao động nữ.

Xã hội thực hiện chính sách đãi ngộ người giúp việc nhà theo qui định của Chính Phủ được ban hành năm 2013 và 2014, nhưng hiện nay phần đông những người giúp việc nhà và gia chủ chưa thực hiện các điều kiện này, vì chưa tiếp cận với chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, từ 10 năm nay, thành viên Câu lạc bộ Quản gia đã cùng với các gia chủ nơi chị em phục vụ tiến hành việc ký kết hợp đồng thỏa thuận các điều kiện về trách nhiệm và quyền lợi của đôi bên rất rõ ràng. Hiện tại người quản gia được hưởng lương tháng 13, có chỗ ăn ở an toàn và vệ sinh, đươc trả tiền ăn ở khi ở ngoài, hưởng 21 ngày nghỉ phép trong năm chưa kể mỗi tuần nghỉ ngày Chủ Nhật, có bảo hiểm y tế xã hội và nghỉ hậu sản..., làm việc không quá 8-9 giờ một ngày với chế độ trả tiền ngoài giờ. Đó là điểm tiến bộ mà chúng tôi rất cảm kích đối với gia chủ.

Nhờ những điều kiện tích cực này, nhiều thiếu nữ đã thoát khỏi các mặc cảm osin và cảm được niềm vui phục vụ với những thành công, khi tạo được sự quí mến và trân trọng của đối tác. Họ quan hệ với nhau bằng tình cảm chân thật chứ không ràng buộc bởi các điều kiện vật chất hay địa vị xã hội. Từ đó nhân viên quản gia sẽ đến phục vụ các gia đình với sứ mệnh thanh lao công, mang sự hiện diện của Chúa trong họ qua tác phong trung thực, nhạy bén, sự lành nghề trong thao tác, qua việc phục vụ chân thành và quảng đại.


Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks