ngày tháng năm

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

CHÚA ĐẾN THIẾT LẬP MỘT ĐẤT NƯỚC MỚI

TÍN THÀNH

Một trong những sứ mạng của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đến trần gian, là để thiết lập một đất nước mới – Nước Chúa. Trong nước này, từ hàng ngũ lành đạo cho đến công dânpháp luật, đều mang một phong cách, hình thái và tinh thần sống mới, khác hẳn với những phong cách, hình thái và suy nghĩ thông thường nơi thế gian thường gặp.

Hàng ngũ lãnh đạo Nước Chúa

Nếu như lãnh đạo ở các nước trần gian thường dùng sức mạnh của quyền lực để cai trị, đôi khi mang tính áp đặt đối với dân chúng thuộc quyền mình, thì lãnh đạo trong Nước Chúa lại dùng tình yêu để phục vụ người dân của mình. Chính vị lập quốc là Đức Giêsu đã đặt ra nguyên tắc ứng xử: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụanh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,42-44).
Hơn nữa, người lãnh đạo trong Nước Chúa còn được mời gọi phải từ bỏ lối sống theo thế gian, thích hưởng thụ, thích được phục vụ, thích “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhưng phải có tinh thần phục vụ và hi sinh, hi sinh ngay cả mạng sống mình cho người mình cai quản, theo khuôn mẫu lãnh đạo tuyệt hảo là Thầy Giêsu, “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).

Khi ĐTC Phanxicô cử hành Thánh Lễ Làm Phép Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô (28.3.2013), ngài nói với các Linh mục: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”. Đức Thánh Cha đã đưa hình ảnh rất thực tế: mục tử phải có mùi của chiên. Người chăn chiên sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, chăm sóc, bảo vệ đàn chiên của mình đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào bản thân mình. Đó cũng chính là thông điệp phù hợp với hình ảnh người lãnh đạo trong Nước Chúa.

Công dân Nước Chúa

Công dân các nước trần gian thì được xác định bởi thẻ căn cước xét theo quốc gia, vùng miền, dân tộc, giới tính… Và tùy theo mỗi nước mà có các quy định về quyền lợi và trách nhiệm khác nhau đối với mỗi người. Công dân Nước Chúa được xác định không phải bằng những điều như vậy. Thẻ căn cước của công dân nước Chúa là hình ảnh của một Con Người mang tên Giêsu. Nghĩa là nơi mỗi người công dân phải có hình ảnh Chúa Giêsu.

Thực tế, người Kitô hữu Công Giáo chúng ta hiện nay được xác định trước hết bằng Bí tích Rửa tội (Giấy chứng nhận rửa tội), rồi đến thuộc giáo khu, giáo xứ, giáo phận… Tuy nhiêu, nếu chỉ căn cứ vào những bằng chứng ấy mà nói rằng mình là Kitô hữu thì chưa đủ. Nhưng điều kiện tiên quyết và quan trọng hơn cả là nơi bản thân chúng ta có hình ảnh của Chúa Kitô hay không? Nghĩa là cách suy nghĩ, nói năng và hành xử của chúng ta giống Chúa Kitô không? Ở vào hoàn cảnh cụ thể nào đó, nếu là Chúa Kitô, Ngài hành xử như thế nào?

Một công dân tốt thuộc quốc gia nào đó, thường được xét và đánh giá theo luật lệ và pháp luật. Nghĩa là người công dân chấp hành tốt tất cả các luật lệ và pháp luật, cũng có thể được coi là công dân tốt. Tuy nhiên, với công dân Nước Chúa, như thế chưa đủ; ngay cả khi tuân giữ tốt các giới răn trong đạo: Mười điều răn Đức Chúa Trời, Sáu điều răn Hội Thánh…, cũng chưa được coi là công dân thật sự tốt của Nước Chúa.

Nhưng người công dân thực sự tốt Nước Chúa có lẽ phải là người sống được tương quan thân tình với Thiên Chúa bằng sự sống của Chúa Thánh Thần: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem (…) Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. (…) Thiên Chúa là thần khí, nên những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,22-24).

Người Việt Nam chúng ta ngày nay hầu như không có chuẩn mực đạo đức nào rõ ràng, đáng tin và vững bền. Nhà nước đã mời gọi dân mình sống và học tập theo tấm gương đạo đức ông Hồ Chí Minh, nhưng xem ra không mấy có kết quả". Không biết có phải vì ông Hồ không phải là tấm gương đạo đức đáng kính thực sự? Ngày xưa, mọi người được mời gọi: nam sống theo Tam-cương Ngũ-thường, nữ theo Tam-tòng Tứ-đức. Sống được trọn vẹn những nguyên tắc luân lý ấy, thì được xem là người có đạo hạnh. Cũng vậy, người Công giáo nếu sống trọn các điều răn trong Đạo, thì sẽ được coi là người đạo đức.

Tuy nhiên, nếu chỉ soi chiếu đời mình với các chuẩn mực đạo đức ấy, có lẽ dễ đưa người ta đến chỗ tự mãn, cho rằng mình sống như vậy là đủ rồi, tốt rồi – như hình ảnh người Biệt phái lên đền thờ cầu nguyện. Nhưng, công dân Nước Chúa được mời gọi không dừng lại ở giới răn hay luật lệ, mà phải soi chiếu đời mình với Thiên Chúa: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thánh thiện vô cùng. Cho nên, chúng ta không có ngưỡng để dừng lại, không bao giờ được tự cho mình sống như thế là đủ rồi.

Pháp luật Nước Chúa

Nói về pháp luật trần gian thì quả là đề tài nhiêu khê, phức tạp. Nước nào cũng có cả một hệ thống từ cao đến thấp với những bộ luật thật đồ sộ. Thế mà, công dân các nước ấy, nhiều khi vẫn thấy pháp luật của nước mình không chặt chẽ và không công bằng, người ta vẫn lách luật được. Pháp luật của Nước Chúa thì không đồ sộ và lắm khoản và qui định chi tiết như các nước thế gian, nhưng xem ra lại chặt chẽ và khó lách hơn. Đó là bởi vì, luật Chúa không phải là văn bản trên giấy, gỗ hay đá…, mà là được ghi khắc vào tâm hồn con người.

Nếu chức năng chính yếu của luật pháp được đặt ra là phân biệt đúng hay sai, ngay hay gian, có tội hay sạch tội, rồi tiến hành thưởng phạt…, thì luật Chúa ghi khắc nơi tâm hồn chúng ta là anh minh hơn cả. Có lẽ ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự áy náy, thậm chí là cắn rứt lương tâm về một điều sai lỗi nào đó của ta, mà người khác không biết, pháp luật cũng không hạch tội được. Vậy pháp luật Nước Chúa trước hết và có lẽ cũng là khoản luật quan trọng hơn cả, đó chính là lương tâm con người chúng ta. Luật đó thật đơn giản, nhưng cũng rất anh minh, tinh tường.

Nhưng điều thú vị trong Nước Chúa cũng không dừng lại ở luật lương tâm ấy, mà còn đẩy người ta đi xa hơn, đến một trạng thái thăng hoa hơn nữa, đó là TÌNH YÊU trong Chúa Thánh Thần. Công dân Nước Chúa được mời gọi sống tình yêu thương: tình yêu dành cho Thiên Chúa như con dành cho cha; tình yêu dành cho người khác như anh chị em ruột thịt dành cho nhau. Trong tình yêu, mọi qui định ràng buộc, mọi luật lệ trở thành thứ yếu, thậm chí không cần thiết. Vì sống yếu thương, mới là lối sống chu toàn lề luật một cách lý tưởng và dễ thương nhất: “Yêu thương là chủ lề luật” (Rm 13,10). Chỉ có trạng thái yêu thương thực sự mới đưa con người chúng ta đến tự do và hoan lạc thực sự.

Có thể nói, việc sống tình yêu thương trong Chúa Thánh Thần, nó làm thành căn tính, bản tính thứ hai của người Kitô hữu, ngoài bản tính thứ nhất là bản tính loài người vốn có của ta. Chính bản tính thứ hai này mới giúp cho một Kitô hữu suy nghĩ, nói năng và hành xử hứng theo Thần Khí một cách tự nhiên, và khi đó người ta thực hiện các việc đạo đức cũng rất hồn nhiên, dễ thương, chứ không khiên cưỡng, hay có ý đồ gì khác.

Mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta suy nghĩ về việc Con Thiên Chúa làm người và những thông điệp Ngài mang đến cho nhân loại. Thánh ý và thông điệp của Thiên Chúa được lồng ghép vào con người Chúa Giêsu. Đức Giêsu mãi mãi là một lời mời gọi hấp dẫn mọi thời: đi theo, học hỏi và khám phá không có điểm dừng. Suy nghĩ về việc Ngài xây dựng Nước Chúa ở trần gian như đã nói ở trên cũng là điều rất hấp dẫn vậy!

Lễ Mẹ Vô Nhiễm 2016

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks