ngày tháng năm

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

TÍCH NIÊN KIM NHẬT


Đức Gíáo hoàng Lêô XIII
Ngày này (15.5.) năm xưa (1891) Đức Giáo hoàng Lêô XIII ban hành thông điệp thời danh Rerum Novarum, thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội Công giáo, mở ra một “con đường mới” cho Giáo hội (Tóm lược HTXHCG, 87). Thuật ngữ này làm ta nhớ đến bài tân ca của Thánh Augustinô: “Đường mới khách đường mới hát khúc tân ca”. Người Đông phương chúng ta thì có câu: Đường xa thiên lý bắt đầu bằng bước chân đầu tiên. Đức Lêô đã đi những bước đầu tiên trên “con đường thiên lý” đó và tất cả chúng ta đều là “khách đường mới”.
Ngày 15.5 đã trở thành một cột mốc quan trọng đến nỗi hầu như cứ đúng “ngày này năm xưa” nhiều thập niên sau, các người kế vị Đức Lêô đều ban hành một văn kiện kỷ niệm:
  • Đức Piô XI ban hành Thông điệp Tứ thập niên ngày 15.5.1931
  • Đức Gioan XXIII ban hành Thông điệp Mẹ và Thày ngày 15.5.1961
  • Đức Phaolô VI ban hành Tông thư Bát thập niên ngày 14.5.1971
  • Đức Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Lao động Con người ngày 14.9.1981 (lẽ ra phải là vào ngày 15.5.1981 nếu hai ngày trước đó đã không xảy ra biến cố ngài bị mưu sát tại Quảng trường Thánh Phêrô)
  • Đức Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Bách chu niên ngày 1.5.1991
Để kỷ niệm 121 năm ngày ban hành Thông điệp Rerum Novarum, chúng tôi mời các bạn đọc bài “Tình trạng bi đát của công nhân” trích từ quyển Một Cái Nhìn Mới về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo của Hervé Carrier, S.J., do Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc và các đồng sự dịch, Định Hướng tùng thư xuất bản tại Pháp năm 2000, phân tích và giới thiệu về thông điệp này.Lêo XIII,  Rerum Novarum (15.5.1891)[1]

Tình trạng bi đát của công nhân

Một sứ điệp của Giáo Hội để giải quyết
tình hình bất công của giới thợ thuyền
Chúng ta đã thấy trong Phần thứ nhất [Các Nguồn Phát Sinh và Ý Nghĩa Hiện Nay] tầm quan trọng có tính cách lịch sử của Thông-điệp Rerum Novarum (1891), do Đức Lêo XIII công bố sau khi tham khảo kỹ lưỡng và chuẩn bị lâu dài.
Thông-điệp nói về quyền lợi và nghĩa vụ của tư bản và lao động. Thông-điệp bài bác xã hội chủ nghĩa tức là lý thuyết chuyển di sở hữu tư nhân cho nhà nước, bởi vì sở hữu tư nhân là một quyền tự nhiên và là căn bản cần có cho một nền kinh tế trong đó con người tự do hưởng thụ thành quả công khó của mình.
Thuốc trị cho hết "cảnh nghèo khó của dân chúng" chỉ có thể có khi nào có sự hợp tác chặt chẽ giữa Giáo-hội, Nhà-nước, các Hiệp-hội tự do mà quan trọng nhất là các nghiệp đoàn.
Kiểu mẫu xã hội trong ý tưởng của Đức Giáo-hoàng là một xã hội xuất phát từ giáo-huấn của Đức Kitô. Quan điểm đó hướng dẫn học thuyết xã hội của Giáo-hội nơi Đức Lêô XIII.
Những đoạn đầu của Thông-điệp mô tả thảm cảnh xã hội thời ấy. Phân tích rất là thực tế, nhấn mạnh cùng lúc các vấn nạn xã hội, chính trị, kinh tế và luân lý. Ngay ở phần đầu, Thông-điệp phản ảnh lối suy tư chính xác và có phương pháp, đặt trên nền tảng suy tư thần họcphân tích xã hội ;những đặc tính đó cống hiến một lối tiếp cận mới. Người ta có thể nhận rõ có sự tham gia của các nhà chuyên môn về khoa học xã hội, sử học xã hội và thần học. Đức Thánh Cha đã can thiệp vì phải chứng kiến cảnh nghèo khó của đại đa số quần chúng. Do đó, giáo huấn của Giáo-hội được đón nhận như là một giải đáp của Kitô giáo đối với các biến chuyển xã hội đáng lo ngại và các nhu cầu nhân sinh.
"Khao khát đổi mới từ lâu xâm nhập và kích động xã hội, sớm muộn gì cũng lan tràn từ khu vực chính trị qua khu vực kế cận là kinh tế xã hội. Thật thế, tiến bộ kỹ nghệ không ngừng, giao lưu mở rộng, tương quan chủ-thợ biến đổi, tình trạng giàu có của một số nhỏ bên cạnh cảnh nghèo khó của đại đa số, ý thức của thợ thuyền nhạy bén về hoàn cảnh của chính mình, và họ biết hợp đoàn hơn, không nói đến sự suy đồi phong hóa, tất cả đưa đến kết quả cuối cùng là một  xung đột đáng lo ngại. Ở khắp mọi nơi, người người bồn chồn khắc khoải, bấy nhiêu cũng đủ chứng minh có nhiều vấn đề quan hệ đang đặt ra. Tình trạng ấy tạo lo âu và huy động tài năng của các nhà thông thái, khôn ngoan của các nhà hiền triết, các cuộc bàn cãi của những nhóm quần chúng, óc tinh tường của nhà làm luật cũng như ý kiến của người cai trị; lúc nầy đây tâm trí mọi người đang khắc khoải giao động.
Vì thế, hỡi chư huynh, vì lợi ích Giáo-hội và phần rỗi chung của nhân loại, qua các Tông thư, Chúng tôi đã đề cập đến các vấn đề như chủ quyền chính trị, tự do con người, quan điểm Kitô giáo trong việc điều hành các nước và nhiều đề tài tương tự, để khi cần, bác khước những dư luận sai lầm và lừa gạt; nay, cũng trong một mục tiêu ấy, Chúng tôi bàn thảo với chư huynh về hoàn cảnh của giới lao động. Đề tài nầy, thực ra, Chúng tôi tùy dịp đã từng nói qua nhiều lần; nhưng trách nhiệm Giáo-hoàng buộc Chúng tôi phải trình bày rõ ràng và sâu rộng hơn trong Thông-điệp nầy, để nêu lên những nguyên tắc cho một giải pháp thích ứng với công bằng và lẽ phải. Vấn đề không dễ giải quyết và cũng không phải là không nguy hiểm. Thật vậy, khó mà minh định rõ rệt những quyền lợi và bổn phận làm chuẩn mực cho các mối tương quan giữa người giàu và giới vô sản, tư bản và thợ thuyền. Mặt khác, vấn đề cũng đầy cạm bẫy, vì thông thường, nhiều người thích làm loạn và nhiều mưu đồ tìm cách xuyên tạc ý nghĩa của sự việc và lợi dụng hoàn cảnh để kích động dân chúng và gieo cảnh rối loạn".
Giáo huấn của Đức Thánh-cha tố cáo bất công xã hội, tức là tình trạng không thể chịu đựng được của công nhân, nạn nhân của tham vọng của các chủ nhân mà các cơ cấu chính phủ cũng như tổ chức thợ thuyền không thể nào kiểm soát được. Chính bản tố cáo hệ thống kinh tế không thể kiểm soát được là bối cảnh Thông-điệp của ngài.
"Dù sao, Chúng tôi quả quyết, và hết mọi người đều đồng ý, là cần phải giúp đỡ những người yếu thế, bởi vì phần lớn sống trong tình trạng khốn đốn, nghèo nàn bất xứng bằng những biện pháp hữu hiệu, nhanh chóng. Thế kỷ vừa qua đạp bỏ các cơ cấu cũ từng bảo vệ cho họ mà không tạo được cái gì thay thế. Tất cả nguyên tắc và mọi ý hướng tôn giáo biến mất nơi khuôn khổ các luật lệ và định chế công cộng; vì thế, công nhân dần hồi bị lẻ loi và không thể tự vệ, mặc cho chủ nhân vô liêm và lòng tham của cạnh tranh bóc lột. Lại còn nạn tiền vay nặng lãi làm tai họa gia tăng. Giáo-hội nhiều lần từng lên án tệ trạng nầy, nhưng lớp người ham lời vô độ vẫn tiếp tục tung hoành dưới một hình thức khác. Thêm vào đó phải kể đến nạn độc quyền lao động và thương phiếu do một nhóm thiểu số giàu có chiếm hữu, áp đặt lên đầu lên cổ khối người vô sản".
Đức Giáo-hoàng giải thích lý do có thể biện minh cho việc Giáo-hội can thiệp vào lãnh vực sinh hoạt xã hội: Giáo-hội có quyền và có bổn phận lên tiếng, vì người ta khó lòng tìm được giải pháp nào cho các vấn nạn của các tầng lớp lao động ngoài sự can thiệp của tôn giáo và của Giáo-hội. Chỉ có giáo huấn của Phúc-âm mới có thể đem lại một liều thuốc cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
"Chúng tôi mạnh dạn đề cập chủ đề nầy, và chúng tôi có toàn quyền để làm việc ấy, vì sự việc trở thành gia trọng đến độ nếu không có sự can thiệp của tôn giáo và Giáo-hội, thì không thể nào có được một giải pháp hữu hiệu. Hơn ai hết Chúng tôi lại được giao phó trách nhiệm bảo vệ tôn giáo và hành động trong khuôn khổ Giáo-hội, nên nếu Chúng tôi im lặng thì hẳn mọi người sẽ cho rằng Chúng tôi chểnh mảng phần vụ của mình. Hẳn nhiên, một vấn đề gia trọng tầm cỡ nầy còn phải cần đến công sức của nhiều tác nhân khác nữa; Chúng tôi muốn nói đến các kẻ nắm quyền trị các nước, các chủ nhân và lớp người có của, ngay cả thợ thuyền là lớp người trong cuộc. Nhưng Chúng tôi không ngại xác quyết rằng ngoài Giáo-hội họ sẽ bất động. Thật thế, chính Giáo-hội múc lấy nơi Phúc-âm những giáo huấn đủ sức dập tắt các cuộc tranh chấp, hoặc ít nhất là làm cho chúng dịu lại bằng cách tẩy trừ những gì quá gai góc, chua chát; Giáo-hội không phải chỉ biết soi sáng tâm trí con người bằng những lời dạy bảo của mình, mà còn chỉnh đốn đời sống và phong cách của mỗi một người; qua nhiều tổ chức bác ái, từ thiện, Giáo-hội cố gắng cải thiện số phận của lớp người nghèo khổ; Giáo-hội chủ trương và tha thiết muốn tất cả các giai cấp xã hội chung sức, chung lòng giải quyết vấn đề thợ thuyền một cách tốt đẹp nhất; cuối cùng, Giáo-hội cho rằng luật pháp và chính quyền phải thận trọng, khôn ngoan tích cực đóng góp vào việc giải quyết tình trạng nầy".
Giáo-hội không những đưa ra phương thuốc chữa trị, mà còn hành động cụ thể bằng cách phổ biến học thuyết của mình và làm cho lòng trí con người thay đổi.     
 "Tuy thế, Giáo-hội không phải chỉ biết nêu lên giải pháp, nhưng hướng dẫn con người thực hiện và chính mình ứng dụng toa thuốc để trị bệnh. Giáo-hội giáo huấn và dẫn dắt  con người dựa trên nguyên tắc và học thuyết của mình; qua thừa tác vụ của các giám mục và giáo sĩ, Giáo hội phổ biến sâu rộng những nội dung cao đẹp ấy. Giáo-hội còn cố đi vào tâm hồn con người và cổ súy con người biết tuân giữ và thực thi lời dạy của Chúa. Điểm nầy chủ yếu và quan trọng đặc biệt, vì hầu như nó tóm gọn tất cả nội dung của giải pháp, và công việc ấy hẳn cần đến Giáo-hội. Những dụng cụ Giáo-hội có được để lay chuyển tâm hồn con người, Giáo-hội đã tiếp nhận từ nơi Chúa Giêsu Kitô; và vì thế các dụng cụ đó từ bên trong có các hiệu năng, sức mạnh nơi Chúa. Đấy chính là phương thế duy nhất có thể đi sâu được vào tận đáy lòng người, thúc đẩy con người vâng phục những mệnh lệnh của bổn phận, chế ngự các đam mê, yêu mến Thiên Chúa và người bên cạnh mình với lòng bác ái vô bờ, can đảm bẻ gẫy các xiềng xích đang trói buộc bước chân mình trên con đường đạo hạnh".
Lịch sử đã cho thấy khả năng cải hóa của Sứ-điệp Phúc-âm trên các định chế và các xã hôi. Canh tân xã hội có nghĩa là quay trở lại những nguyên tắc đã tạo cho xã hội có được sức sống và hứng khởi tiến bước.
"Ở đây chỉ cần nhìn qua về các thí dụ của thời thượng cổ. Những sự việc chúng tôi nhắc đến ở đây không ai có thể phủ nhận. Thật thế, xã hội con người đã từng được các định chế Kitô giáo canh tân; cuộc canh tân đó đã nâng cao trình độ nhân loại biết cải tử hoàn sinh, và đưa nó lên một cấp hoàn hảo chưa từng thấy bao giờ; thiện ích tối thượng đó chính là Đức Giêsu Kitô Đấng nguyên lý và là cứu cánh của nhân loại; mọi sự đã phát xuất từ Ngài thế nào thì cũng sẽ phải quay về Ngài như thế. Khi Phúc-âm chiếu rọi trên thế giới, khi các dân tộc biết được mầu nhiệm cao cả của Ngôi Lời nhập thể và cứu độ con người, thì sự sống của Đức Giêsu Kitô, vừa Thiên Chúa và vừa là người, đi vào các xã hội và thấm nhập sinh hoạt các xã hội đó bằng đức tin, giáo huấn và lề luật của Ngài. Vì thế, nếu cần phải chữa lành xã hội loài người, thì hẳn phải quay về nếp sống và các định chế của Kitô giáo. Muốn phục hoạt một xã hội nào bất kỳ đang hồi suy thoái, phương cách hữu lý là đưa xã hội ấy  về lại căn nguồn của mình. Vì sự toàn hảo của mọi xã hội do việc xã hội ấy đeo đuổi và đạt cứu cánh mà nó được lập nên: làm thế nào để mọi tác động và hành vi của cuộc sống xã hội đều phát sinh từ chính nguyên lý khai sinh ra xã hội ấy. Vậy nên, đi lạc xa cứu cánh của mình, đó là đi vào sự tự hủy diệt; trở lại căn nguồn, là tìm lại sự sống. Và điều mà chúng tôi nói đến toàn bộ xã hội, thì cũng áp dụng cho giai cấp công dân sống nhờ vào sức lao động của mình và tạo thành khối đa số lớn lao nhất".
Giáo-hội ưu lo thăng tiến con người về mặt siêu nhiên thì cũng biết săn sóc cho lợi ích trần thế nữa. Giáo huấn luân lý Kitô giáo dẫn đưa con người đạt được thịnh vượng vật chất.
"Đừng nghĩ rằng Giáo-hội mải lo cho phần hồn, mà bỏ quên cuộc sống vật chất, trần thế. Đặc biệt đối với giới lao động, Giáo hội tận lực đưa họ thoát khỏi tình cảnh cơ cực và tạo cho họ có được số phận tốt đẹp hơn. Việc Giáo hội cố sức dẫn dắt con người sống đạo hạnh, qua lời nói và hành động của mình, không hẳn là đóng góp thứ yếu vào công cuộc nầy. Khi phong hóa Kitô giáo được xã hội tôn vinh, thì tự nhiên tạo ảnh hưởng thuận lợi cho cuộc sống phồn vinh trần thế. Thật vậy, cuộc sống lành mạnh được Thiên Chúa dẫn dắt là cội nguồn mọi phúc lộc; nó tiết chế lòng đam mê vật chất vô độ và nỗi thèm khát dục vọng, là hai tai ương thường hay gieo rắc khổ đau và chán chường ngay trong cảnh phú quí giàu sang [2]; cuối cùng nó biết bằng lòng với nếp sống và của ăn thanh đạm, biết tiết kiệm để bù đắp cho lợi tức còn kém cỏi, xa lánh những thói hư tật xấu không những phá tan cảnh gia đình bình thường, mà làm tiêu tan những sản nghiệp khổng lồ cũng như gia tài lớn lao nhất"
Xuyên qua các hội đoàn, bằng việc cứu trợ trực tiếp đến những người nghèo khổ nhất, Giáo-hội phát huy truyền thống bác ái Kitô giáo lâu đời, thực thi một nhân đức cần thiết vào lúc nầy và mãi mãi. Không một hệ thống cứu trợ nào của quốc gia có thể thay thế công việc bác ái.
"Ngoài ra, Giáo-hội còn trực tiếp tạo dựng hạnh phúc cho các từng lớp dân chúng bất hạnh bằng việc sáng lập và trợ giúp các cơ sở mà Giáo-hội thấy cần thiết để xoa dịu nỗi khổ của họ; và trong những công tác từ thiện như thế nầy, Giáo-hội đã tận tâm tận lực đến nỗi chính kẻ thù của Giáo-hội cũng phải thán phục. Chúng ta thấy lòng bác ái tương trợ nơi các Kitô hữu thời nguyên thủy lên đến mức nhiều kẻ giàu có đã bỏ hết gia sản của mình để giúp đỡ người nghèo. "Vì thế không ai trong họ gặp cảnh túng thiếu" [3]; các tông đồ đã từng ủy thác cho các trợ tế phân phối mỗi ngày của dâng cúng, nên chức vụ nầy đã được lập ra đặc biệt cho mục tiêu liên hệ; và chính cả thánh Phao-lô, mặc dù gánh vác bao nhiêu công việc bề bộn của các cộng đoàn, cũng đã không ngại đích thân mang của cứu trợ cho những Kitô hữu nghèo túng. Những của trợ giúp tương tự do tín hữu tự động dâng cúng trong mỗi một cộng đồng; Tertulianô gọi của dâng cúng đó là "kho hành thiện" vì của ấy được dùng "để nuôi dưỡng và chôn cất kẻ túng thiếu, các trẻ nam nữ mồ côi nghèo, các người tôi tớ già lão, các nạn nhân chìm tàu" [4]. Dần hồi kết tạo thành gia sản mà Giáo-hội luôn ân cần gìn giữ như là của cải riêng cho gia đình những người nghèo khổ. Giáo-hội còn tìm cách tránh cho người túng thiếu khỏi phải cảnh nhục nhã khi ngửa tay nhận của cứu trợ. Vì Giáo-hội là Mẹ của người giàu cũng như người nghèo, đã biết thúc giục các nghĩa cử bác ái, để lập ra các nhà dòng và vô số các cơ sở phục vụ khác sẵn sàng đỡ đần dân chúng đang gặp cảnh khốn cùng. Ngày nay hẳn có kẻ ở ngoài tôn giáo cũng không ngại tìm cách dùng cả công việc bác ái tốt đẹp nầy để kèn cựa với Giáo-hôi. Các nước đã từng tạo ra một lối trợ giúp từ thiện để thay cho nỗ lực bác ái của Kitô giáo; nhưng bác ái Kitô giáo, hoàn toàn tận tâm tận lực và không có hậu ý gì, chỉ nhằm lợi ích cho đồng loại, nên không có một tổ chức nào do con người làm ra thay thế dược. Chỉ có Giáo-hội mới có hạnh đức đó, vì hạnh đức thật sự phát xuất từ trái tim rất thánh của Đức Giêsu Kitô; mà lạc loài xa Đức Kitô thì cũng xa rời Giáo-hội của Ngài"
Điểm đặc sắc nơi giáo huấn của Đức Giáo-hoàng là chủ và thợ có thể dùng các hiệp hội của mình để gây ảnh hưởng quyết định trong việc làm nên một xã hội công bình hơn. Những hiệp hội quan trọng nhất là những hội hoặc nghiệp đoàn. Nhà nước phải bảo đảm quyền hội đoàn và ngăn cản những tổ chức bất hợp pháp. Thời đại chúng ta đòi hỏi có những nghiệp đoàn với một vai trò mới mẻ, mà chính quyền phải bảo vệ.
"Nhưng vị trí hàng đầu phải kể đến các nghiệp đoàn, vì nghiệp đoàn hầu như liên kết tất cả các nỗ lực nầy. Tổ tiên chúng ta từ lâu đã từng biết đến lợi ích của các phường hội như thế; thợ thuyền nhờ đó mà học được những điều hay, những kỹ xảo nghề nghiệp, có được một niềm hãnh diện và một cuộc sống mới. Ngày nay con người được học nhiều hơn, cách sống văn minh hơn, những nhu cầu cho cuộc sống hằng ngày gia tăng, thì các nghiệp đoàn, công đoàn hẳn phải thích ứng với những điều kiện sinh hoạt mới. Vì thế, chúng tôi hân hoan chứng kiến nhiều hội đoàn như thế được thành lập khắp nơi, hội chỉ gồm các công nhân với nhau, hoặc hội qui tụ vừa thợ vừa chủ; mong sao chúng phát triển nhanh chóng về lượng số cũng như về phẩm chất sinh hoạt. Mặc dù nhiều lần Chúng tôi đã bàn đến, nhưng ở đây Chúng tôi  nhấn mạnh tính cách đứng đắn hợp thời và quyền hiện hữu của các tổ chức nầy,  cũng như giúp định hướng phương thức tổ chức và chương trình sinh hoạt của chúng".
Những tổ chức nầy xây dựng trên luật tự nhiên và dựa trên công ích. Nhà nước không có quyền vi phạm  các quyền ấy. Giáo hoàng nhắc lại ở đây học thuyết của thánh Tôma Aquinô.
"Giữa các hiệp hội nhỏ nầy và xã hội lớn hơn, có những khác biệt sâu xa phát xuất từ mục đích chúng nhắm đến. Cứu cánh của xã hội dân sự bao trùm tất cả mọi công dân, vì nó là công ích, nghĩa là một lợi ích mà tất cả mọi người và mỗi người có quyền tham gia theo một tỉ lệ cân xứng. Vì vậy người ta gọi là lợi ích công cộng, hay lợi ích chung, nghĩa là "xã hội ấy qui tụ người ta lại để làm nên một nước". Trái lại, các hội đoàn được hình thành trong khuôn khổ của xã hội đều được xem là tư, và thật đúng là riêng tư vì mục tiêu trước mắt của chúng là lợi ích cá biệt và dành riêng cho các thành viên liên hệ. "Hội đoàn tư là hội được tổ chức để hướng đến một mục đích tư, như khi hai hoặc ba thành viên qui tụ lại để cùng nhau hành nghề thương mãi".
Các hội tư chỉ có thể hiện hữu trong lòng của xã hội dân sự, vì chúng là những bộ phận làm nên của xã hội dân sự ấy, do đó, một cách tổng quát và  dựa vào tự bản chất của chúng, khó lòng chấp nhận việc chính quyền nhà nước từ khước sự có mặt của các hội nầy. Quyền hiện hữu của chúng phát sinh từ luật tự nhiên, và xã hội dân sự được thiết lập nên để bảo vệ luật tự nhiên, chứ không phải để hủy bỏ luật ấy. Vì vậy một xã hội dân sự cấm đoán các hội tư là tự chống lại bản tính mình, bởi lẽ tất cả các hội công hoặc tư, đều phát sinh từ một nguyên lý chung, đó là bản tính tự nhiên kết thành "hội" thành "đoàn" của con người. Hẳn nhiên, có những hoàn cảnh bất thường cho phép luật pháp chống lại việc thành lập một tổ chức tương tự: Nếu một hội đoàn có chủ trương theo đuổi một mục đích thực sự chống lại sự chính đáng, công bằng và an ninh quốc gia, thì chính quyền có quyền ngăn cản tổ chức đó thành lập; và nếu đã thành lập, thì có quyền giải tán. Nhưng cần lưu ý là chính quyền trong mọi trường hợp chỉ có thể hành động một cách hết sức thận trọng, để tránh việc chà đạp các quyền của công dân và lạm dụng lợi ích công cộng mà quyết định một điều gì có thể trái với lẽ thường. Vì một luật lệ chỉ đáng tuân theo khi nó ăn khớp với lẽ thường và luật vĩnh cửu của Thiên Chúa".
Về các nghiệp đoàn, Giáo-hoàng quan niệm rằng đó là những phương tiện tạo tiến bộ xã hội và phồn vinh kinh tế theo tinh thần Kitô giáo với sự hỗ trợ của Giáo-hội.
"Một cách tổng quát, tổ chức và điều hành các nghiệp đoàn lúc nào cũng phải nhằm làm sao giúp cho mỗi một đoàn viên có được những phương tiện thích ứng để đạt được mục tiêu họ mong muốn, bằng con đường thích hợp và ngắn nhất; mục tiêu ấy là gia tăng tối đa những tiện ích cho cuộc sống thể xác, tinh thần và gia đình. Tuy thế, trước tiên phải nhắm mục tiêu chính yếu đó là sự thiện toàn về mặt đạo đức và tôn giáo: Chính mục tiêu đó phải điều hành toàn bộ sinh hoạt kinh tế của xã hội; nếu không, xã hội sẽ sớm băng hoại và đi vào tình trạng chối bỏ tôn giáo. Thợ thuyền có được ích gì khi dùng nghiệp đoàn để có được cuộc sống vật chất sung túc, mà của ăn tinh thần thiếu thốn đến độ tạo nguy cơ cho cuộc sống của hồn mình? Con người có được toàn vũ trụ, mà mất linh hồn, thì ích gì? [5] Đây là nét khác biệt mà Chúa Giêsu Kitô muốn người ta nhận ra nơi Kitô hữu với người ngoại giáo: "Người ngoại giáo tìm kiếm mọi sự... còn các con, trước hết các con hãy tìm Nước Chúa, và mọi sự sẽ ban cho các con dư đầy" [6]. Vậy, nên, khi đã chọn Thiên Chúa làm điểm khởi phát, thì cần lưu ý đến việc đào tạo tôn giáo, để mọi người  biết được bổn phận của mình đối với Ngài: điều gì phải hy vọng, điều gì phải làm để được sống đời đời, cần phải cẩn thận đưa vào chương trình. Nên giúp họ biết cách chống lại các dư luận sai trái và mọi thứ tệ đoan hư đốn. Nên khích lệ họ phụng vụ Thiên Chúa, có lòng đạo đức, nhất là giữ việc tham dự thánh lễ ngày chủ nhật và các ngày lễ trọng. Nên chỉ cho họ biết kính yêu Giáo-hội, là mẹ chung của mọi người Kitô hữu, nghe theo lời dạy bảo, tham dự các phép bí tích, là nguồn suối thần thánh thanh tẩy vết dơ tâm hồn và đổ tràn ơn thánh thiện".
Thông-điệp nhấn mạnh rằng giáo huấn xã hội của Giáo-hội là một lời kêu gọi để hành động trong lãnh vực xã hội, một lời mời tha thiết thúc giục người công giáo dấn thân, cổ võ công lý, để bảo vệ cho thợ thuyền. Vai trò liên kết giữa Giáo-hội, các hội đoàn và nhà nước được Đức Lêô XIII đặt nổi như một trong những điểm then chốt giáo huấn của ngài.
"Hẳn nhiên, cần phải ca ngợi nhiệt tâm của nhiều vị Giáo-hoàng trước chúng tôi; các ngài ý thức được những nhu cầu của thời thế, sâu sát thực tế xã hội để tìm ra được một giải pháp đứng đắn giúp cho giai cấp lao động thăng tiến. Các ngài tự nguyện làm người bênh vực cho giới lao động, tìm hiểu phúc lợi gia đình và cá nhân giới nầy, thiết định một cách công minh các mối tương quan đôi đường giữa chủ và thợ, gợi lên cho đôi bên nhớ lại bổn phận của họ và biết tuân giữ những lời Chúa dạy; đó là những giáo huấn giúp con người biết tiết độ và lên án mọi điều quá lạm, bảo đảm được mối đồng tâm và cảnh thái hoà trong các nước cũng như giữa những tập thể người và hoàn cảnh hết sức dị biệt. Múc lấy cảm hứng từ những ý tưởng nầy, có những con người đức độ đã thường xuyên tụ họp để trao đổi quan điểm, củng cố sức mạnh và quyết định các chương trình hành động. Một số người khác lại nổ lực thành lập các nghiệp đoàn theo từng ngành nghề và vận động qui tụ thợ thuyền; họ giúp ý kiến và đóng góp tài chánh cho những người chủ xướng để công việc chung được qui củ và mang lại lợi ích. Về phía các giám mục, các ngài khích lệ những nỗ lực nầy và đứng ra bảo trợ: do uy tín và sự hỗ trợ của các ngài, rất nhiều linh mục dòng, triều, tận tâm chăm sóc phần thiêng liêng trong các nghiệp đoàn. Cuối cùng không thiếu những người công giáo có tài sản giàu có nhưng tự nguyện làm kẻ đồng hành với thợ thuyền, chẳng ngại chi tiêu của cải để thành lập và phổ biến rộng rãi các hội đoàn; giúp giới nầy có cuộc sống hiện tại thoải mái hơn, cũng như bảo đảm cho họ lúc về hưu có cuộc sống xứng đáng hơn. Có quá nhiều nhiệt tâm, quá nhiều nổ lực thiết thực đã từng được thực hiện tại nhiều nước khác nhau, đem lại lợi ích rất to lớn và mọi người đều biết, chúng tôi không cần phải đi vào chi tiết ở đây. Chúng tôi thấy được đây là một điềm tốt cho tương lai, và tin rằng các nghiệp đoàn nầy sẽ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp, miễn là chúng tiếp tục phát triển và biết thận trọng trong vấn đề tổ chức điều hành. Ước gì nhà nước biết bảo vệ các hội đoàn đã được xây dựng hợp pháp như thế; và đừng xen vào nội bộ tổ chức của các hội đoàn nầy; đừng đụng đến những sáng kiến và năng động riêng từng mang lại sức sống cho chúng; vì các phong trào vươn lên được, thiết yếu là nhờ một nguyên lý bên trong, và rất dễ rã rời do tác động của một thành tố bên ngoài".



[1]  Lêo XIII, Thông điệp Rerum Novarum, 15.5.1991, trong  Acta Leonis XIII, 11 (1892), tr. 97-148.
[2] 1 Tim 6, 10.
[3]  Ac 4, 34.
[4] Apologia secunda, 39 (Apologeticus, chương 39; PL 1, 533 A).
[5] Mt. 16, 16.
[6] Mt. 6, 32-33.



Sau hết, tất cả các văn kiện nói trên đều có thể tìm thấy bản dịch tiếng Việt bằng một thao tác đơn giản CLICK chuột. Xin mời bạn hãy thử:

“Click” TÌM HIỂU GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO


Nhóm cổ vũ “Compendium”

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks