Lm.
P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.
Sống: Một Thực Tại
Kỳ Bí
Khát vọng hết sức tự nhiên và vô cùng mãnh liệt của con người là
được sống, sống thật vui tươi, sống thật hạnh phúc, thật khỏe mạnh và trường thọ. Người ta cầu mong cho chính mình, cầu chúc
cho bạn bè, và tìm đủ mọi phương cách, chấp nhận mọi tổn phí tiền bạc, công sức
để đạt được những ước nguyện ấy.
Quả
thật, sống là một điều vô cùng quý giá, không thể đơn giản hễ có tiền bạc là
người ta mua được nó, dầu bằng cái giá của cả vũ trụ nầy.
Sống tuy nhẹ nhàng, dịu êm như làn gió ban mai, nhưng rất tự lập,
cương quyết, không thể đơn giản hễ có quyền lực là người ta truyền khiến được
nó phải đến, ở lại hay ra đi.
Sống tuy gần gũi, bình dị, dễ tiếp cận đối với con người, nhưng lại
ẩn chứa cả một trời bí ẩn, nhiệm mầu, sâu thẳm và ngút cao, vuột khỏi mọi nỗ lực
kiểm soát, khống chế, và khuynh đảo của chính con người.
Hóa ra, con người có sống với mình, đón nhận sống trong mình, hòa
hợp cùng sống ở mọi phương diện sinh hoạt thể lý, tình cảm, trí tuệ và tâm
linh, nhưng lại không phải là sở hữu chủ của sống.
Người ta đón nhận sống từ cha mẹ, lưu truyền sống lại thế hệ kế tiếp,
nhưng cả cha mẹ lẫn con cái nhiều đời từ quá khứ đến tương lai, đều không hề
bao giờ là cội nguồn của sống.
Trước huyền nhiệm vô phương lý giải, trước quyền năng thiên biến vạn
hóa của sống, con người lắm lúc cúi đầu phủ phục tôn thờ thực tại vĩ đại ấy.1 Những câu hỏi chưa bao giờ được trả lời thấu
đáo, ngay cả trong thời đại đầy tự hào vì tiến bộ khoa học-kỹ thuật của chúng
ta, vẫn tiếp tục cất lên.
Vậy, thực ra sống là gì?
Sống Là Liên Đới
Ba Chiều: Thiên-Địa Nhân
Một điều thật thú vị là từ thủa rất xa xưa, con người, Đông cũng
như Tây, đều tin tưởng có mối tương quan chặt chẽ, hỗ tương, cộng sinh, cộng tồn
giữa ba yếu tố trời (Thiên), đất (Địa) và người (Nhân.) Chính mối tương quan đó phát sinh ra, nuôi dưỡng,
bảo tồn và hoàn thiện thực tại sống.
Thiên-Địa-Nhân
Trong Đời Thường
Tương tự như đại vũ trụ, được hình thành từ năm yếu tố (Ngũ Hành):
kim loại (Kim), thực vật (Mộc), nước (Thủy), nhiệt (Hỏa) và đất đá (Thổ), con
người là tiểu vũ trụ cũng sống nhờ tương tác, hấp thụ, chuyển hóa các yếu tố
đó.
Phương pháp dưỡng sinh, bảo quản sức khỏe, điều trị bịnh tật dựa
trên nguyên lý cân bằng—bổ sung khi thiếu, giảm thiểu khi thặng dư—các yếu tố tự
nhiên trong con người, gọi là “chất sống.”2 Theo khoa sinh học, chỉ những tế bào có cùng
gốc cấu trúc tương cận mới chấp nhận nhau và tháp nhập vào nhau. Ngược lại, sẽ bị nhận dạng là “ngoại vật” và
bị loại trừ, đào thải một cách quyết liệt.
Cơ thể sinh vật—đặc biệt là cơ thể con người—quả là một bộ máy kiểm định,
sàng lọc và thanh luyện tinh vi, tuyệt hảo, chống lại mọi hình thức ngoại nhập
của các vật thể lạ để bảo vệ sống một cách tuyệt đối an toàn.
Có một số tật bịnh, như bịnh phong, bịnh thấp khớp, chịu ảnh hưởng
trực tiếp của thời tiết, của vận hành các tinh tú, cũnh giống như dòng thủy triều
lên xuống chịu ảnh hưởng của chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng. Người mang chứng bịnh nói trên trở thành máy
dự báo thời tiết sống rất chuẩn xác.
Thời tiết thuận hòa, đất đai mầu mỡ chẳng những đem lại cho cỏ cây
sức sống động, vẻ tươi đẹp, hoa trái xum xuê, mà còn gia tăng sức khỏe, nâng
cao khí lực, tạo sảng khoái tinh thần, gợi cảm hứng hạnh phúc, sáng kiến, dấn
thân phục vụ cho con người.
Hơn nữa, giữa con người với thiên nhiên còn có mối tương giao
tương tác ý tình, đồng cảm theo nhiều trạng thái khác nhau.
Nghệ thuật kiến trúc theo nguyên lý Phong Thủy,3 quân
bình âm-dương, hòa điệu lưu thông gió và nước, để tạo môi trường sinh sống và
làm việc thuận lợi cho sức khỏe con người, an toàn cho tài sản, cho phương tiện
sản xuất và nhờ đó đạt được thành công tốt đẹp hơn.
Thiên-Địa-Nhân
Trong Thi Ca
Cụ Tiên Điền Nguyễn Du sống ở cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX
đã diễn đạt thật thi vị mối tương quan sâu xa giữa tâm hồn con người và cảnh vật
chung quanh trong tác phẩm “Truyện Kiều”:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
Không thể xem câu thơ chỉ là cảm nhận chủ quan, phi thực và có
tính biểu tượng của thi nhân, gán cho cỏ cây hoa lá một cái hồn biết chia sẻ với
con người trong mọi cảnh ngộ vui buồn, nhưng đó là hoa trái của một xác tin triết
lý—hay có thể là xác tín tôn giáo—về mối liên kết giữa con người với môi trường
thiên nhiên.
Vào đầu thế kỷ XX, nhu cầu phát triển đô thị khiến cho nhiều vùng
quê cùng với cư dân và tập tục sinh hoạt lâu đời của địa phương chỉ còn trong
hoài niệm của những tâm hồn mẫn cảm như cụ Tú Xương:
Sông kia giờ đã lên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô
khoai.
Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.4
Con sông Nam Định còn hay đã bị san lấp để làm khu thị tứ không
thành vấn đề đối với những người làm kinh tế hay chuyên viên xã hội, vì khu vực
quê mùa vắng vẻ xưa kia nay biến thành phố chợ sầm uất, kích hoạt cho thương mại,
nâng cao mức sống người dân. Thế nhưng,
bãi sông phủ ngập cỏ lau và xanh ngát lục bình, môi trường sinh sống tự nhiên của
tôm cá, ếch nhái, chuột rắn, nguồn cung cấp thức ăn bổ dưỡng cho các gia đình
nông dân, cùng với bến đò dưới gốc đa già soi bóng nước, nơi hẹn hò và nên
duyên của bao đôi trai gái, nơi đẫm ướt lệ biệt ly giữa nàng thôn nữ với chàng
sĩ tử lên kinh kỳ ứng thí, hay với người chiến sĩ ra sa trường theo tiếng gọi
non sông, tất cả đã trở thành một phần máu thịt khó thể nào quên của người dân
địa phương.
Ở thế kỷ XX với văn minh cơ khí, với sản phẩm kỹ nghệ cao cấp do
Âu Mỹ sản xuất lấn lướt, áp đảo vị trí các vật dụng truyền thống, vần thơ trữ
tình của thi sĩ Nguyên Sa hòa hợp với giai điệu mượt mà của nhạc sĩ Ngô Thụy
Miên vẫn đưa được hàng lụa Hà Đông của Việt Nam vào bức tranh muôn màu sắc của
thời đại mới, và hơn nữa, vào cõi thi thần bất tử:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.5
Trong bàn tay tài hoa của người thợ dệt, thợ may, lá dâu, kén tằm
biến hóa thành chiếc áo lụa mềm mại, tôn thêm vẻ kiều diễm của cô gái, toát lên
bầu khí dịu dàng bao trùm theo bước chân của nàng.
Mà đâu chỉ dừng lại trong lãnh vực tình cảm, nghệ thuật của thi ca, chiếc áo lụa ấy còn gợi nhớ cả một lịch
sử đầy tự hào của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.6
Thiên-Địa-Nhân
Trong Thánh Kinh
Sách Sáng Thế xác quyết rằng: vũ trụ càn khôn cùng tất cả vạn sự
vạn vật, kể cả con người, đều là công trình sáng tạo của Thiên Chúa.7 Tất cả đều là tác phẩm của cùng một Đấng Tạo
Hóa nên cũng có mối tương quan cội nguồn—dầu không nhứt thiết đồng đẳng cấp về
bản tính—làm nền tảng cho tình trạng tương tác mạnh mẽ giữa môi trường và con
người.
Tường thuật việc sáng tạo con người, Thánh Kinh8 cho
biết Thiên Chúa lấy đất tạo thành hình người.
“Đất” không chỉ đơn giản là nắm bùn đất, mà còn là tất cả những yếu tố cấu
thành quả đất, tượng trưng nơi cụm từ “ngũ hành” vốn quen thuộc trong xã hội Á
Đông. Trước khi mang ý nghĩa thần học
luân lý, câu “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất”9 chỉ đơn giản
xác định nguồn gốc cấu tạo của thân xác nhân loại, một thực tại được khoa học
xác nhận khi phân tích các thành phần hữu cơ, khoáng chất, nước và khí trong cơ
thể con người.
Căn cứ theo thứ tự các vật thể được Thiên Chúa tạo thành, thì
con người là sản phẩm cuối cùng của bàn tay sáng tạo đầy quyền năng của
Chúa. Từng thụ tạo được Thiên Chúa ân cần
đưa từ cõi u minh của hư vô ra ánh sáng
hiện hữu đều tốt đẹp, vì đó là một nét biểu lộ lòng nhân hậu, thương yêu của Đấng
Tạo Hóa đầy lòng xót thương. Toàn thể một
hệ thống vũ trụ càn khôn kết cấu hài hòa, khít khớp chặt chẽ, vận hành xuyên suốt,
tuyệt đối chuẩn xác. Cả guồng máy hoàn
vũ đó, từ tổng thể cho đến chi tiết tiểu vi, luôn luôn trung thành tuân thủ
không hề sai chạy quy luật thiên nhiên do Đấng Chủ Tể thiết định. Chúng hằng nhận được từng giây từng phút sức
nâng đỡ, tác động, triển nở và bảo tồn từ Thiên Chúa, chứ không bao giờ bị bỏ mặc
sau lần sáng tạo diệu kỳ và hùng vĩ.10
Việc hình thành con người là đỉnh điểm của công trình sáng tạo,
là giây phút Thiên Chúa chắt lọc tất cả mọi tinh hoa của vũ trụ càn khôn, rút tỉa
mọi ưu điểm của muôn loài muôn vật, để hun đúc nên thể xác con người. Nói theo ngôn ngữ phàm nhân, nếu khi làm nên
trời đất, các thứ kỳ hoa dị thảo và các loài cá biển chim trời trong 5 ngày cật
lực làm việc, Thiên Chúa hãy còn là một “kiến trúc sư mới ra nghề”, thì vào lúc
bắt tay vào việc sáng tạo con người, Thiên Chúa đã là một bậc thầy lão luyện, một
“nghệ nhân” với bề dầy kinh nghiệm vô song, khôn sánh. Chắc hẳn vào ngày sáng tạo
thứ 6, Thiên Chúa đã phải tổng hợp tất cả mọi phấm chất xinh đẹp nhứt, thiện hảo
nhứt, để đặt vào con người. Hơn nữa, “người mẫu” dựa theo đó Thiên Chúa hoàn
thành con người như tuyệt tác vô cùng ưng ý của Chúa11 không phải là
ai khác mà chính là Ngôi Lời Hằng Hữu, Thánh Tử Chí Ái của Chúa.12
Với ưu điểm được Đấng Sáng Tạo dành cho như “hình ảnh của Thiên
Chúa”, con người trở thành “linh ư vạn vật”, không phải theo nghĩa “đứng trên cấp”,
thống trị muôn loài, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới thật sự là Chủ Tể, là Thượng
Đế Chí Tôn, Đấng nắm toàn quyền quyết định sinh tử của mọi thụ tạo, mà đúng ra
con người chỉ là “đứng đầu bảng”, dẫn dắt muôn loài phụng thờ, chúc tụng và tri
ân Thiên Chúa cho phải đạo.
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi, mà Chúa cần
nhớ đến,
Phàm nhân là gì mà Chúa phải
lưu tâm?
Chúa cho con người chẳng thua
kém thần linh là mấy,
Ban vinh quang danh dự làm mũ
triều thiên,
Cho làm chủ công trình tay Chúa
sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới
chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật
ngoài đồng,
Nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.13
Trong khi nhìn nhận một chân lý là các thụ tạo khác trong vũ trụ—trời
đất, sông núi, chim muông, thú rừng, tôm cá, cỏ cây—không ngừng cất vang tiếng
chúc tụng Thiên Chúa Tạo Hóa,
Trời xanh tường thuật vinh
quang Thiên Chúa,
Không trung loan báo việc tay Người
làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
Đêm nầy kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng
nghe thấy âm thanh,
Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn
cầu,
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.14
Con người đồng thời cũng kêu mời mọi thành phần vũ trụ hiện diện
trong chính thân xác mình chung lời vinh danh Thiên Chúa:
Chúc tụng Thiên Chúa đi nào, hồn
tôi ơi,
Chúc tụng Thánh Danh Chúa, hỡi
tất cả những gì bên trong tôi.15
“Tất cả những gì bên trong
tôi” được đặt đối xứng với “hồn tôi” có thể hiểu là lục phủ, ngũ tạng,
là tất cả mọi chất tố làm nên vũ trụ càn khôn cũng đồng thời cấu tạo nên thân
xác con người như một tiểu vũ trụ.
“Tất cả những gì bên trong
tôi” còn có thể hiểu: chỉ con người là thụ tạo duy nhứt được Thiên Chúa ban
cho ơn ngôn ngữ. Ngôn ngữ, dưới hai dạng
nói và viết, là thành tựu kỳ diệu của một tổng hợp công trình vĩ đại, liên kết
hỗ tương nghiêm ngặt giữa toàn thể guồng máy sinh học của con người, như hô hấp, tuần hoàn; từ các bộ phận cơ thể, như tim, phổi,
thanh quản, môi, lưỡi, răng, cơ hàm mặt, tai, mắt, tay; các tế bào não, hệ thần
kinh. “Tất cả những gì bên trong tôi”
cũng còn là tất cả những tố chất vũ trụ cấu tạo, nuôi dưỡng và bảo trì “phần
cứng”16, giúp con người diễn đạt qua ngôn ngữ “phần mềm”,17
tức là nội tâm, tư tưởng, kiến thức hoặc tình cảm của mình. Một tiếng kêu ngạc nhiên, vui mừng, hay sợ
hãi, đau đớn của con người cũng chính là chuỗi chuyển mình của vũ trụ càn khôn
họa theo cung bậc tâm tình và cảm xúc của con người. Lời thơ, câu văn, giọng hát rung động lòng
người cũng chính là niềm hạnh phúc ngất ngây của muôn vật muôn loài cùng “hợp
tiếng” với con người.
Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di,18
Vị Tổ Phụ Dòng Anh Em Hèn Mọn, và cũng là Thánh Bổn Mạng của Môi Trường,19
bằng tấm lòng đặc biệt yêu quý công trình sáng tạo của Thiên Chúa, đã hát vang
bài “Thánh Ca Muôn Loài Thụ Tạo”,20 với điệp khúc trứ danh “Laudato
Si—Xin Chúc Tụng Chúa”.
Ý thức sâu xa về tương quan thân thiết giữa con người với các thực
tại muông thú, hoa lá. cỏ cây, do cùng một bàn tay từ hậu của Cha Trên Trời
sinh thành, đan dệt thành một môi trường cộng sinh cho nhau, với nhau và vì
nhau, Thánh nhân trìu mến gọi tất cả bằng danh xưng “các anh, các chị”:
Lạy Đức Chúa Tối Cao Toàn Năng,
Chúa thật đáng ca tụng, tôn
vinh, kính trọng và muôn lời chúc phúc.
Tất cả những vinh dự ấy đều thuộc
về một mình Chúa,
Không một phàm nhân nào xứng
đáng được xướng Danh Ngài.
Laudato Si! Xin chúc tụng Chúa, lạy
Đức Chúa, cùng với muôn thụ tạo của Chúa,
Đặc biệt cùng với Ngài Thái
Dương,
Ngài ấy là ngày, nhờ Ngài ấy
Chúa ban cho chúng con ánh sáng.
Ngài ấy xinh đẹp, rực rỡ, quang
minh lừng lẫy,
Mang dáng dấp tựa như Chúa, lạy
Đấng Tối Cao.
Laudato Si! Xin chúc tụng Chúa, lạy
Đức Chúa, nhờ Bà Chị Hằng cùng muôn ngàn Chị Tinh Sao,
Chúa tác tạo quý chị ấy trong
ngần, kiêu sa, diễm lệ trên bầu trời.
Laudato Si! Xin chúc tụng Chúa, lạy
Đức Chúa, nhờ Ông Anh Phong,
Nhờ khí trời, mây mù hay quang
đãng, và tất cả mọi thứ thời tiết,
Nhờ quý huynh ấy, Chúa bảo tồn
các thụ tạo của Chúa.
Laudato Si! Xin chúc tụng Chúa, lạy
Đức Chúa, nhờ Bà Chị Thủy,
Chị thật hữu dụng, khiêm tốn,
quý giá và tinh khiết.
Laudato Si! Xin chúc tụng Chúa, lạy
Đức Chúa, nhờ Ông Anh Hỏa,
Nhờ Anh, Chúa thắp sáng đêm trường,
Anh thật xinh đẹp, linh hoạt,
cường tráng và hùng mạnh.
Laudato Si! Xin chúc tụng Chúa, lạy
Đức Chúa, nhờ Bà Chị Đất Mẹ,
Chị bảo trợ và điều động chúng
con,
Chị sản sinh bao loại trái
ngon, bao kỳ hoa dị thảo.
Laudato Si! Xin chúc tụng Chúa, lạy
Đức Chúa, nhờ tất cả những ai vì tình thương của Chúa mà sẵn lòng tha thứ,
Gánh chịu thương tật và ngàn nỗi
truân chuyên.
Diễm phúc thay ai kiên định
trong hòa bình,
Họ sẽ được chính Chúa thưởng
công, lạy Đấng Tối Cao.
Laudato Si! Xin chúc tụng Chúa, lạy Đức
Chúa, nhờ Bà Chị Tử Biệt Xác Thể,
Không một sinh linh nào thoát
được tay Chị.
Vô phúc cho ai chết khi vướng mắc
tội trọng.
Phúc đức thay người được hội ngộ Chị Tử Biệt trong Ý Định chí thánh của Chúa,
Vì cái chết lần thứ hai không
thể hãm hại người ấy.
Nào ca tụng, chúc phúc Đức Chúa
của tôi và tạ ơn Người,
Và phụng sự Người với trọn dạ
khiêm cung.
Thiên-Địa-Nhân
Trong Trách Nhiệm Luân Lý
Sống, như đã
trình bày bên trên, là một mối tương tác giữa con người và vũ trụ vạn vật. Mối
tương quan ấy càng được chứng minh đầy thuyết phục hơn nữa trên phương
diện hỗ tuơng trách nhiệm luân lý giữa con người với cõi tạo thành. Vấn đề được chính Thánh Kinh đặt ra cho thấy
có tương quan nhân-quả giữa tội phúc của con người và cảnh thịnh vượng hay điêu
tàn của môi trường thiên nhiên.
Trước hết,
Sách Sáng Thế đặt hai bức tranh thật tương phản giữa cảnh xinh đẹp, hồn nhiên,
tinh tuyền của vũ trụ, hòa điệu một cách hoàn hảo với con người trước khi có tội
lỗi và cảnh muôn loài muôn vật hoang tàn, u ám, đầy chông gai hiểm họa thù nghịch
với con người sau khi hai vị Nguyên Tổ chống lại Thánh Ý Thiên Chúa.21
Thánh Phao-lô
cho rằng: cũng vì tội lỗi con người mà vũ trụ vạn vật bị ảnh hưởng, bị rơi vào
tình trạng rên siết đớn đau, thiết tha mong chờ ngày được cứu thoát.22
Nói cách khác, trước kia, khi còn sống trong tương quan thảo hiếu, vâng phục
Thiên Chúa, con người vừa được Thiên Chúa yêu thương, tín nhiệm, giao cho quản
trị tất cả công cuộc sáng tạo của Chúa, vừa được vũ trụ, muôn loài muôn vật
kính trọng, vì được con người “đặt cho danh tánh”,23 nghĩa là được
con người tận tâm chăm sóc, bảo quản, theo lịnh truyền của Thiên Chúa.24 Lúc nầy, một khi đã phạm tội, mất tình nghĩa
thân thiết với Thiên Chúa, trở thành nghịch tử, con người cũng vừa không đủ uy
tín và tư cách quản trị muôn loài, vừa không để hết tâm huyết chăm lo công
trình sáng tạo của Thiên Chúa, trái lại trở thành kẻ gian phi, lạm dụng trí tuệ
và tài năng Chúa ban để khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đến mức làm
cho môi trường sống trở thành thù nghịch với con người. Do đó, lập tức con người bị toàn thể tạo
thành quyết liệt chống đối, bởi lẽ “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, và cũng là
lẽ tự nhiên vì muôn loài muôn vật luôn luôn thủy chung, tuyệt đối trung thành
phụng lịnh phò tá Đấng Tạo Hóa của chúng.
Theo quan điểm
đó, Thánh Kinh mạnh mẽ chỉ ra nguồn gốc mọi thảm họa môi sinh—thường được con
người gọi một cách dễ dãi và thiếu trách nhiệm là “thiên tai”, hàm ý là những
sai sót trong bộ máy vận hành của tự nhiên—chính là tội lỗi, là tà tâm, là lòng
tham không đáy của con người:
Chúa khiến
sông ngòi cạn đi thành sa mạc,
Đổi suối nguồn ra hoang địakhô
khan,
Đất mầu mỡ hóa đồng chua nước mặn,
Vì dân cư độc ác gian tà.25
Lời dạy của
Thánh Kinh càng được chứng minh là chính xác khi nghiên cứu nghiêm cẩn và lương
thiện nguyên nhân của mọi đau khổ, thể lý cũng như tâm linh, mọi thứ bịnh tật của
cá nhân cũng như của xã hội, chúng ta không thể không nhìn nhận có phần trách
nhiệm nặng nề của con người. Có thể nói,
con người tự cắt đi buồng phổi của mình khi chặt phá rừng, đào trốc gốc các rặng
san hô. Con người đổ độc dược vào chén
cơm, ly nước của con cháu mình khi tống bao nhiêu chất thải công nghiệp hoặc
rác bịnh viện không xử lý đúng yêu cầu an toàn sản xuất xuống thẳng sông suối
hay mạch nước ngầm; khi xử dụng thuốc diệt sâu rầy, thuốc tăng trọng bừa bãi
trên cây lúa, các loại rau quả, thịt cá.
Con người tự đào mồ chôn cho chính mình, khi khai thác một cách cạn kiệt
tài nguyên thiên nhiên, tiếp tục lãng phí, gây ô nhiễm, tàn phá quả địa cầu đến
mức không còn hy vọng phục hồi hoặc cứu vãn, làm ngơ quy luật bảo tồn rất tiệm
tiến của cõi tạo thành, và bất chấp chân lý hiển nhiên nầy là toàn bộ mọi thực
thể trong vũ trụ càn khôn, kể cả nước, gió, hay năng lượng mặt trời, đều là hữu
hạn.
Sống quả là một điều kỳ diệu, một
quà tặng vô giá của Thiên Chúa, được ban cho mọi thụ tạo trong vũ trụ càn
khôn. Nhưng sống chỉ được hiện diện, phô
diễn, phát triển, bảo tồn và hướng đến mức độ viên mãn nơi duy nhứt một mình
con người trong tương quan với Thiên Chúa Tạo Hóa và với Toàn Cõi Tạo
Thành.
Với tính cách là Ki-tô hữu,
chúng ta được kêu gọi “đón nhận thế giới như thể là một bí tích hiệp thông, như
là một cách thức chia sẻ với Thiên Chúa và với người đồng loại trên bình diện
toàn cầu. Chúng ta khiêm tốn bày tỏ xác
tín của mình rằng: yếu tố linh thánh của Thiên Chúa và yếu tố phàm tục của con
người cùng hội ngộ với nhau ngay cả ở một tiểu tiết tế vi nhứt trong toàn bộ tấm
áo liền lạc không đường khâu của công trình sáng tạo của Thiên Chúa, ngay cả
trong hạt bụi cuối cùng của hành tinh chúng ta.26
--------------------------
1. Đây là lý do hiện hữu của các hình thức “tín ngưỡng phồn thực”,
tôn kính quyền năng truyền sinh của Tạo Hóa nơi các biểu tượng sinh sản. Lưu ý về việc ngộ nhận cho đó là thờ cúng cơ
quan sinh dục hoặc hành vi giao phối của nam nữ. Xc https://www.britannica.com/topic/phallicism.
2. Các cụm từ “sinh tố” có gốc Hán Ngữ, hoặc “vitamin” có gốc La
Ngữ.
3. Lưu ý việc lạm dụng biến khoa học thành mê tín dị đoan.
4. Trích bài “Sông Lấp Nam Định.”
5. Trích bài “Áo Lụa Hà Đông.”
6.https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A0ng_l%E1%BB%A5a_H%C3%A0_%C4%90%C3%B4ng:
“Làng lụa Hà Đông hay Làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn
Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km là một làng
nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời
bậc nhất Việt Nam. Lụa Hà Đông từng được chọn may trang phục cho triều
đình. Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn
Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính chân quê ngày xưa, như hình ảnh cây
đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình.
“Lụa Hà Đông” cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà
Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa.”
7. Xc St 1:1-31.
8. Xc St 2:7.
9. St 3:19.
10. Tham khảo 2 quan niệm khác nhau về hiện diện của Thiên Chúa:
1/ chủ thuyết Thiên Chúa Bất Can Dự (Deism) cho rằng sau khi đã sáng tạo trời đất
và muôn vật muôn loài, Thiên Chúa không còn quan tâm đến vận hành của chúng và
những gì xảy ra trong cõi đời nầy; 2/ chủ thuyết Thiên Chúa Can Dự (Theism) ngược
lại quả quyết Thiên Chúa luôn quan tâm theo dõi, can thiệp vào mọi biến cố lớn
nhỏ trong hoàn vũ. Ba tôn giáo độc thần:
Giu-đa Giáo (Judaism), Ki-tô Giáo và Hồi Giáo, cùng dạy chủ thuyết thứ 2.
11. Xc St 1:31.
12. Xc Ga 1:3; Cl 1:16; Dt 11:3.
13. Tv 8:4-9.
14. Tv 19:1-5.
15. Tv 103, 1 theo bản Thánh Kinh Giê-ru-sa-lem.
16. Mượn thuật ngữ “hardware” của tin học.
17. “Software” như trên chú thích 16.
18. Sinh năm 1182, tại Assis, nước Ý; mất năm 1226.
19. Được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong ngày 29 tháng
11, năm 1979. Nhiều quốc gia có truyền
thống đưa thú cưng hoặc gia súc đến thánh đường để xin linh mục chúc lành vào
ngày lễ Thánh Phan-xi-cô, 4 tháng 10 hằng năm.
20. Còn được biết đến như “Khúc Ca Anh Mặt Trời.”
21. Xc St các Chương 1, 2 và 3.
22. Xc Rm 8:19-22.
23. Xc St 2:19.
24. Xc St 2:15.
25. Tv 107:33-34.
26. Thông Điệp “Laudato Si’ “ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, số 9.